Sunday, May 12, 2013

LUỒN TAY VÚ MẸ


33 comments:

  1. SM và các bạn thơ .
    Vân vừa viết comment không hiểu sao lại bị trục trặc nữa rồi . SM xem lại ra sao nghe ,
    Bài thơ của NT thật hay quá . Đọc xong thấy cả một trời thơ ấu dưới sự yêu thương chăm sóc của MẸ . Kèm theo hình ảnh minh hoạ của SM thật phù hợp với nội dung bài thơ .
    Ước gì được trở lại như những ngày còn bé nhỉ .
    Nhân Mother's day Vân thân chúc các bạn một ngày thật hạnh phúc . Nữ thì được chồng cưng , các con yêu quí nhiều hơn . Nam thì rất vui khi chiều chuộng hiền thê của mình .
    KV

    ReplyDelete
  2. Ngày xưa Mẹ hát ru con
    - Cầu Trường tiền sáu vài mười hai nhịp
    Thương nhau rồi,không kịp về mô…
    - Ai về cầu ngói Song Toàn
    Cho em về với một đòan cho vui
    - Núi cao chi lắm núi ơi
    Núi che mặt trời ,không thấy người thương
    À ơi ,thương người thương ….
    Đó là những câu hò của MÁ khi ru con…
    Bây giờ ,con ru lại Má…
    _
    - Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào…
    -Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ…

    Cả đám con xúm lại đồng ca….MÁ MĨM CƯỜI …dù
    chẳng nghe gì !

    Chúng ta ai cũng RỜ VÚ MẸ ,dù lớn hay nhỏ ….
    CHÚC CÁC BẠN NGÀY LỄ MẸ THẬT VUI VẼ!






    ReplyDelete
  3. Hôm nay nắng lên thật đẹp, SM chọn đóa hoa hồng phấn nhạt vừa nở đầu mùa riêng tặng các Bà Mẹ , thân chúc một Ngày của Mẹ tràn đầy hạnh phúc.
    Cái tựa LUỒN TAY VÚ MẸ thật là gợi hình , gợi tình, rất gần gủi với tất cả mọi người và rất ...tuyệt đó NT.
    SM cứ nhớ mãi con trai nhỏ của mình ngày đi học lớp một , năn nỉ nói rất nhỏ vào tai Mẹ là " Đừng nói cho ai biết nghe..."

    ReplyDelete
  4. Đọc LUỒN TAY VÚ MẸ cx thấy như được nằm lại trong vòng tay mẹ, bao nhiêu tình thương dạt dào của mẹ như chợt vây bủa quanh mình, NHU THƯƠNG đã làm sống lại một tình cảm dường như đã lắng đọng...
    Cảm ơn bạn đã cho một bài thơ hay để nghĩ về mẹ thật trọn vẹn trong NGÀY CỦA MẸ năm nay

    ReplyDelete
  5. Nhờ một trường hợp ngoại lệ mà hôm nay SM được nghỉ ở nhà, không nói chuyện với ai, không làm việc nặng, không ăn uống linh tinh... Chẳng có ai nhắc tới chuyện computer cả nhờ thế mà có thời gian coi video "Đến để mà thấy" cuả bác sĩ ĐHN thật thú vị, QH giới thiệu có lý lắm.
    Nhân có bài thơ mới của NT, Luồn tay vú mẹ, SM giới thiệu một bài viết khác cũng liên quan tình Mẹ con, cùng đọc cho vui.

    CON VÀO DẠ, MẠ ĐI TU

    Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc


    “Mạ” là Mẹ. Con vào dạ, mạ đi tu là khi “cấn thai” vào lòng tự nhiên người mẹ nào cũng … “đi tu”! “Đi tu” đây không có nghĩa là xuống tóc, vào chùa gõ mõ tụng kinh mà chỉ có nghĩa là sửa mình, thay đổi mình, từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Mọi thứ ở người mẹ phải sửa sang, phải “tu chỉnh”, nên mới có câu “con vào dạ mạ đi tu”!

    Sửa mình không dễ. Nhưng một khi có “con vào dạ” rồi thì tự dưng phải sửa thôi. Bởi có “sửa” thì mọi thứ mới tốt đẹp cho con, cho mẹ, và cho cả gia đình.

    Thực ra, không chỉ “mạ đi tu”, mà người cha cùng cả nhà cũng đi tu với mạ!

    “Con vào dạ” ấy là lúc mang vào lòng cả một thế giới, cả một kiếp người. Cái sinh linh bé bỏng này nó đến từ đâu? Nó đi về đâu? Nó sẽ ra sao? Nó đến cách nào nó đi cách nào? Người mẹ bỗng trở thành triết gia một sớm một chiều!

    Cái gọi là tử cung- “dạ con”- kia chính là nơi trú ngụ của đứa con, chẳng khác chi hoàng cung là nơi trú ngụ của nhà vua- cho nên kể từ lúc này bé đã là một… vì vua loi nhoi trong bụng mẹ, làm mọi thứ trong người mẹ chuyển động, đổi thay. Mẹ bấy giờ đã là một người phụ nữ khác. Một người sắp là mẹ, sắp làm mẹ. Sinh con rồi mới sinh cha/ sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông. Cũng vậy, “sinh con rồi mới sinh mẹ”. Không có con thì sao là mẹ được! Và khi cái thai nhú lên từ trong bụng mẹ thì đó cũng là lúc “mẹ sinh”. Mẹ từ từ sinh ra theo sự lớn lên từng ngày của thai nhi. Và để… sinh ra một người mẹ thực sự thì mẹ phải “tu” thôi. Kẻ giúp mẹ tu… thành mẹ chính là đứa con trong bào thai, ngay từ khi còn trong trứng nước.

    ReplyDelete
  6. Nó có quyền năng rất lớn. Nó làm thay đổi cả “vũ trụ quan” và “nhân sinh quan” của mẹ. Nói đơn giản hơn, nó thay đổi một cách nhìn. Lúc bấy giờ, người phụ nữ vừa “cấn thai” kia đã nhìn mẹ mình cách khác, nhìn cha mình cách khác! Rồi nhìn chồng mình cũng khác, nhìn bạn bè mình cũng khác. Thậm chí nhìn hàng xóm láng giềng cũng khác đi rồi. Trước kia có khi hục hặc với cha, có lúc bực dọc với mẹ, tranh hơn tranh thua với đồng nghiệp với hàng xóm láng giềng bây giờ tự dưng thấy mênh mông lòng từ. Thấy thương thấy quý, thấy biết ơn tất cả. Cái sinh linh này, tấm hình hài này từ đâu mà đến, sẽ ra sao ngày sau? Phải làm gì đây cho nó hạnh phúc nhất, cho tương lai nó tốt đẹp nhất. Mãi nghĩ về nó mà không còn thấy cái tôi của mình nữa. Nó trở thành cái rún của vũ trụ chớ không phải cái tôi là rún của vũ trụ như xưa. Lòng bi mẫn cũng từ đó mà tràn đầy. Thương người hơn, thấy rõ nỗi khổ đau của mình của người hơn và từ đó muốn giúp đỡ, muốn nâng niu. “Từ năng dữ lạc, bi năng bạt khổ”. Hóa ra đã “tu” lúc nào không hay! Rồi còn biết vui theo cái vui của người, thấy dễ tha thứ, dễ buông bỏ. Lòng đã rộng mở. “Hỷ xả” lúc nào đó vậy? Chưa biết là trai hay gái đây, nhưng không thành vấn đề. Có đứa con vào bụng, bỗng thấy mình không là mình nữa. Mà hai mình. Hai mà một. Mới hiểu thế nào là “nhất như”. Mắt nhìn khác đi, tai nghe khác đi, mũi ngửi khác đi, lưỡi nếm khác đi, và toàn cơ thể nữa, đã bày biện khác đi nên xúc tiếp cũng khác đi. Và đặc biệt, ý nghĩ, tư tưởng cũng đã khác đi nhiều lắm. Từ đó, những lời ăn tiếng nói dấm dẳng, đanh đá xưa kia bỗng trở nên từ ái, khoan dung; những cử chỉ vụt chạc, hấp tấp lúc trước đã trở nên điềm đạm, từ tốn… Hóa ra “lục căn” đã dần thanh tịnh. Mắt tránh xa những hình ảnh bạo lực, kích dục… trong phim ảnh, sách báo, kịch nghệ. Tai tránh xa những âm thanh dậm dật loạn động hay áo não sầu thương. Từ bỏ những món ăn kích thích, nào rượu nào bia; lánh xa những nơi có mùi thuốc lá, tránh bớt những món cay nồng… Mặc rộng, thoáng mát, đi lại khoai thai. Ăn biết mình ăn, ăn gì, tại sao; đi đứng nằm ngồi thế nào… Mọi thứ cứ như chánh niệm. Tránh cả những chuyện cà kê dễ ngỗng, tránh các « bà tám » thị phi. Cái sinh linh bé bỏng kia, hoàng tử công chúa kia, không biết từ cát bụi nào đã đến, lỡ nó nghe được, nó bình phẩm, nó bắt chước thì sao?

    ReplyDelete

  7. “ Ăn cơm có canh, tu hành có bạn ». Bạn tu đầu tiên gần gũi nhất phải là “thằng cha nó”. Từ ngày biết mình sắp làm cha “thiên hạ », ông đã âm thầm tự động bỏ thuốc lá, giảm bia rượu, thôi đàn đúm, la cà. Đi làm xong vội về… xoa đầu con, coi nó lớn tới đâu trong bụng mẹ. Ông chăm chú, nghiền ngẫm xem nó đã biết dòm ngó phê phán gì chưa. Tự dưng có một kẻ lạ hoắc tự trên trời rơi xuống, lọt tõm vào nhà mình, dòm dõi mình, nghe ngóng mình… cũng làm mình bối rối không ít chứ ! Cái gì bây giờ cũng len lén, ngó trước dòm sau. Nó cười chăng ? Nó nhăn chăng ? Nó đau chăng ? Nó giận chăng ? Hóa ra không phải « con vào dạ mạ đi tu » mà bố cũng phải tu.

    Lạ thay, rồi bà nội bà ngoại, ông nội ông ngoại tương lai cũng tu luôn. Ai cũng sửa mình, cũng tự thay đổi cả. Bà nội bà ngoại đâm ra dễ thương hết sức, chăm lo từng chút, dặn dò từng ly, bày đặt đủ trò, gây phiền hà không ít, nhưng tất cả chỉ vì cái sinh linh bé bỏng này thôi.

    Tu, nói cho cùng, cũng tu từ khóm cây bụi cỏ, từ tiếng mõ tiếng chuông. Cho nên, nhà cửa giờ cũng trở nên ngăn nắp, sạch sẻ, sáng sủa hơn. Sách đọc đã khác. Phim ảnh đã khác. Âm nhạc đã khác. Chắc chắn cái cảm xúc sảng khoái, lâng lâng của mẹ khi được nghe một điệu hát ru quen thuộc thuở nằm nôi sẽ làm sản sinh các kích thích tố hạnh phúc truyền qua thai nhi. Mấy bức tranh treo trên tường cũng đã kịp thay. Trong sáng hơn, tươi vui hơn. Nhớ chuyện kể ông bố người Mỹ da trắng nọ ngạc nhiên thấy đứa con sơ sinh của mình sao da đen tóc quíu khác thường thì bà vợ đã giải thích là do suốt thời gian mang thai bà đã ngắm mãi cái hình anh cầu thủ bóng đá da đen treo trên tường! Phải cảnh giác !

    ReplyDelete
  8. Rõ ràng, không chỉ tu mà còn phải học. Chỉ có hiểu biết một cách khoa học mới hết nỗi lo âu. Làm sao nuôi bé lớn lên từng ngày trong bụng đây? Làm sao cho mắt nó sáng, da nó đẹp, môi nó hồng đây? Nó chui ra bằng đường nào? Có đau lắm không? Có phải “đi biển mồ côi một mình” như người ta nói không? Có cần « ông già » nó cùng “đi biển” cho có đôi không? Có cho nó bú ngay không? Bú có hư không?… Ôi biết bao điều phải học. Học để biết « cơ chế » của hoài thai, mang thai, của sanh nở để không còn phải sợ hãi, lo âu. Chắc chắn một điều là mẹ tròn con vuông, bởi sanh nở là chuyện sinh lý bình thường của bất kỳ bà mẹ nào. Có người khuyên mổ đẻ cho khỏi đau, nhưng đau… cũng hay chứ, mới biết « mang nặng đẻ đau » là thế nào, mới biết « cha sinh mẹ dưỡng/ đức cù lao/ lấy lượng nào đong… » là thế nào! Làm gì có chuyện chọn giờ hoàng đạo để sanh thì sau này bé sẽ… làm vua, làm tể tướng ! Làm vua, làm tể tướng đâu không thấy chỉ thấy thiếu dưỡng khí não vì sinh non, sinh sớm, dễ mắc bệnh tâm thần về sau. Cứ sanh đẻ tự nhiên thôi để được là người đầu tiên đón bé vào đời, rồi cho nó bú ngay…. để được làm mẹ, là mẹ, sớm chừng nào hay chừng nấy.

    Nhiều người đi tu muốn mau thành “chánh quả”. « Mạ đi tu » nhiều khi cũng vậy. Cũng muốn “gíáo dục » sớm cái sinh linh bé bỏng này ngay khi còn trong trứng nước để mong sau này nó thành thần đồng, thành siêu nhân, anh hùng, vô địch… Nhưng « quả » mà chín mau quá chỉ có cách « giú ép ». Mà giú ép thì không ngon. Cái gì gượng quá đều không hay. Mạ mà căng thẳng quá để « tu » cũng sẽ tạo nên stress, sản sinh nhiều chất độc hại cho cơ thể, cho cả mẹ lẫn con.

    Cảm ơn chút sinh linh bé bỏng sắp bước vào « cõi người ta ».

    Và cảm ơn tất cả vì những yêu thương trìu mến!

    ĐHN.

    (9.2012)

    ReplyDelete
  9. Một trường hợp ngoại lệ mà SM vẫn sưu tập những mẩu chuyện nhỏ và thật ý nghĩa thì thật là cảm động...
    Cảm ơn sự tận tụy của bạn.
    SAIGON bây giờ hay có những trận mưa lớn vào buổi chiều, không khí rất oi bức, cx cũng sụt sùi vì thời tiết thay đổi bất thường...mới thấy thấm thía thương mẹ vô cùng... ngày xưa khi mẹ cũng tuổi lục tuần, thì mỗi lần thời tiết thay đỏi mẹ vẫn hay bị cảm sụt sùi, ba lại ân cần chiều chuộng, nên cx và các anh chị đều cười khúc khích với nhau, cho là mẹ cố tình nhõng nhẽo với ba... bây giờ đến phiên mình thì mới hiểu ra... TUỔI GIÀ ai cũng thế thôi , không phải giả bộ đâu, mà đau thật sự đấy.
    Các bạn có thế không?

    ReplyDelete
  10. LÀI TRÂU
    (tản mạn)

    Bây giờ là 12 giờ khuya. Vừa tình cờ gặp một người bạn qua mạng, hỏi thăm sức khỏe, chọc ghẹo nhau đôi câu. Vui! Nhưng cuối cùng bị phán cho một câu:
    - Thức khuya có hại cho sức khỏe đó. (hồi trước là hút thuốc nhưng bữa nay chuyển thủ phạm)
    - Hì...hì...No star where! Quen rồi.

    Ai cũng biết như vậy, nhất là đối với những người bình thường. Quá lắm là 10:00 đêm, nhưng cũng có người lo chăm chút cho sức khỏe của mình quá mà tự biến mình thành...con gà! 8:00 đã lo lục tục chui vào giường rồi, bởi dù họ thức cho khuya chăng nữa cũng chẳng biết làm cái giống gì ngoài việc ngồi ngáp xuôi ngáp ngược dán mắt vô màn hình TV để theo dõi một bộ phim ưa thích mà bỏ đứt đoạn thì uổng là cùng.
    Tôi thì có mục đích (hay mụt nhọt?) riêng của mình. Tứ bề vắng lặng với ánh đèn đường thao thức canh chừng giấc ngủ bình yên cho chúng sinh, tôi mở cửa bước ra ngoài sân hưởng chút gió mát trong lành không còn bị vướng bụi xe cộ hay tiếng động cơ ì ầm hàng ngày chạy ngang, biết đâu tôi sẽ gặp được nàng thơ? Nàng thơ của tôi không có đôi cánh mỏng với nhan sắc tuyệt trần như của các nhà thơ khác mà tôi nghĩ đó phải chăng là những tâm hồn nhiều rung động trong giấc ngủ vùi đã thoát bay ra khỏi thân xác phàm trần mà tình cờ gặp nhau chăng? Và chúng tôi sẽ nói với nhau bằng những ngôn ngữ đầy âm điệu dễ làm say đắm lòng người, nhất là đối với những tâm hồn có cùng một cung bậc cảm xúc? Rồi tôi cố gắng ghi lại những cuộc chuyện trò nho nhỏ đó gởi đến mọi người thôi chớ chẳng có tài cán chi mà tưởng tượng ra được nhiều điều đến thế.

    ReplyDelete
  11. Dưới sương khuya, mấy cây lài trâu trong chậu đang hé nở những nụ hoa trắng muốt nho nhỏ thoang thoảng hương thơm. Hương bay tự hoa hay cộng chung với hương đêm thầm lặng? Chuyện nầy khá kỳ bí nên tôi không thể lý giải bởi một điều xác đáng là hương hoa về khuya có hơi nồng nàn hơn ban ngày.

    “Lài trâu”. Ai mà đặt tên cho hoa nghe xấu hoắc! Mà quả thật cũng chẳng oan uổng gì khi được trồng ngoài đất, nó cao lớn gần bằng cây Ngọc Lan mà có lần tôi được nhìn thấy chúng ở sân quán cà phê Phượng Các đường Nam kỳ Khởi Nghĩa Sài Gòn. Nó cùng một chủng loại với hoa lài thường dùng để ướp trà hay cúng Phật, nhưng cánh hoa nó lớn hơn, một tầng và chỉ có 5 cánh. Cái dở của loài hoa nầy chắc cũng tương tự như hoa Phù Dung: sớm nở tối tàn. Đời hoa chỉ vỏn vẹn một ngày rồi rụng. Tính tôi lại hay “tiếc ngọc thương hương” nên thường chọn một vài cái hoa đẹp nhất ngắt bỏ túi cho thơm vì dù sao nó cũng sẽ chóng rụng rơi thôi! Có người không hiểu chê rằng làm như thế là ích kỷ, nhưng chẳng thà được một chút nâng niu cũng không uổng một đời hoa. Có phải thế không?

    Chiều nay đã có một trận mưa nhỏ và những cây hoa vẫn đang xanh mướt trổ ra những chùm hoa nho nhỏ màu trắng giữa đám lá xanh trong bóng tối nhập nhoạng của trời khuya. Tôi chọn một chùm đã nở rộ vài đóa hoa ghé mũi vào hít thở cái hương thơm dìu dịu giữa trời đêm.
    Ô hay! Dường như hoa đã né tôi, nhưng không phải vậy. Khi nghiêng người đưa mũi sát vào, một cành lá chạm phải chiếc cằm làm cánh hoa xô dạt. Thế mà cứ tưởng...
    Và trong tĩnh lặng như chợt nghe một giọng nói nũng nịu:

    - Bộ của chùa sao? Muốn hôn người ta thì hôn hả?
    - Thế tôi phải xin phép ai đây?
    - Ai mà biết!
    - Cho phép tôi nhé?
    - Không biết!
    - Ngần ngại mà chi? Bởi ngày mai thế nào cũng phải lìa đời. Để lại chút tình lưu luyến nhau mà.
    - Ừ! Thì...nè.Nhưng chỉ được phép với một mình em thôi nhé!
    - Trời! Bộ cái mặt tôi có hiện ra chữ trăng gió sao?
    - Ai mà biết!
    - Đồng ý!

    Thì cứ gật đầu đại đi cho được việc, vì ngày mai nàng sẽ qua đời thì làm sao còn biết được tôi lại tán tỉnh mấy cô em của lớp sau nàng nữa?

    Lần nầy sau khi hôn đóa hoa trắng xong, tôi để nàng lại trên cành. Vào nhà xách xô nước ra tưới tắm như đền ơn chút tình mặc dù điều đó không cần thiết vì đã có cơn mưa chiều rồi. Dù gì cũng phải tỏ ra mình còn có chút ga-lăng còn hơn khi “con ong đã tỏ đường đi lối về” lại ngoảnh mặt quay lưng.

    Ôi! Đóa lài trâu bé nhỏ của tôi. Đêm nay tôi sẽ đem hình dáng và hương thơm của em vào giấc mộng! Và biết đâu đấy! Tôi sẽ viết một bài thơ tình để ghi nhớ lại cảm xúc của đêm nay?

    ReplyDelete
  12. Các bạn thơ ơi,

    Bài thơ của NT đã mải mê ... Luồn tay ...thật lâu rồi mà tác giả vẫn bặt tăm hơi ! Nay đọc lại hết những quanh quẩn dành riêng cho bài thơ mà NT chợt ngạc nhiên vô cùng ...
    Gặp lại Khánh Vân, đọc thơ của bạn thơ Ngàn Sau, nghe Cỏ Xanh kể câu chuyện rât dễ thương của người già trong cuộc tình trăm năm, ngẫm lại lời vàng ngọc của Bs Đỗ Hồng Ngọc và cuối cùng là ... luồn tay vào túi áo với cánh hoa Lài Trâu - quả là đi xa thật

    Để chuộc tội vắng mặt, NT xin gởi các bạn đọc một bài thơ ... không luồn tay nha !


    BỎ ĐỜI THEO THƠ

    Giọng anh trầm ấm đêm nay
    Làm con trăng thẹn… ừ, say với tình
    Không men rượu của lưu linh
    Mà tay chạm cõi vạn nghìn thăng hoa
    Phấn hương áo lụa trâm thoa
    Chép câu bằng trắc làm quà tặng nhau
    Dẫu lời thơ đã thuộc làu
    Giữ dư âm lại mai sau đêm tàn
    Tóc tơ năm tháng trễ tràng
    Như vầng nguyệt đã vội vàng quay lưng
    Sương khuya có ướt nửa chừng
    Mái hiên vạt cỏ hát mừng câu ca
    Trăm năm sau có bao xa
    Thành bài thơ cổ chuyện ta bỏ đời
    Bỏ đi từ núi lưng trời
    Từ sông biển rộng theo lời vân vi
    ... Đi đâu một cõi tình si
    Thoáng như anh chợt ôm ghì yêu thương

    ReplyDelete
  13. Hai câu thơ cuối trong bài thơ mới của bạn thơ NHƯ THƯƠNG thiệt là...độc đáo!

    Theo ý tôi, giá như đặt một dấu chấm hỏi ở cuối câu trên thì...tuyệt! Bởi chữ đi đâu là để dùng cho một câu gạn hỏi rồi.

    Đi đâu một cõi tình si?
    Thoáng như anh chợt ôm ghì yêu thương


    Đọc xong ta nhắm mắt nhẹ lại để nghe cảm xúc mình ra sao? Tưởng như có một câu hỏi nhỏ nhẹ thoảng theo gió bay đến bên ta.

    ReplyDelete
  14. BỎ ĐỜI THEO THƠ...hay quá NHƯ THƯƠNG à.
    Thơ của bạn mỗi ngày mỗi tuyệt vời!

    ReplyDelete
  15. NT làm thơ Tình không chê vào đâu được, ngoài độc đáo, tuyệt vời, SM phải chen vào chữ hết sức nồng nàn say đắm đây.

    ReplyDelete
  16. À mà lời VÂN VI là những lời như thế nào đây hả NT ? Tự mình bỏ Đời theo Thơ hay theo lời ngon ngọt rủ rê dụ dỗ ?

    ReplyDelete
  17. Chẳng có ai tự nhiên mà bỏ theo người khác nếu không có những lời ngon ngọt rủ rê dụ dỗ phải không bạn thơ NHƯ THƯƠNG?

    Bởi vậy ngày nào tui cũng ăn một chén chè thiệt ngọt để biết đâu nhờ đó mà lời nói đầy...mật ngọt chăng?

    ReplyDelete
  18. Bạn SƯƠNG MAI thắc mắc về chữ VÂN VI mà bạn thơ NHƯ THƯƠNG dùng trong bài thơ.
    Xin mạn phép...giải đáp nhanh:

    Ta cứ chiết tự ra thì thấy liền:
    - VÂN: là mây.
    - VI : nằm trong nghĩa vi hành, có nghĩa là cải trang mà đi ra ngoài tìm hiểu cho tường tận việc gì đó.

    Tóm lại là cái ông mây nầy không giữ nhiệm vụ chính của mình là che nắng và chuyên chở hơi nước để làm mưa cho cõi nhân gian mà ổng lại cải trang thành một người khác đem lời mật ngọt si mê mà dụ người ta BỎ ĐỜI THEO THƠ đấy!

    ReplyDelete

  19. Các bạn thơ ơi,

    Cám ơn bạn thơ s@ đã viết dùm NT "Lời Vân Vi ", quả thật vậy thôi
    Bỏ đời theo trăng, theo mây, theo gió, theo thơ và theo ... Người Tình !
    Nhưng mà đi đâu cho thoát được ... trầm luân trong nỗi đam mê chữ tình, thế nên Tình níu áo lại " Đi đâu một cõi tình si " !
    Bạn thơ s@ ơi, xin đừng để dấu hỏi cuối câu thơ ấy vì hãy để đường cho người trầm luân "chạy" mà ....
    Thế rồi, kẻ trầm luân chỉ thua hai chữ "Ôm ghì " !

    ReplyDelete
  20. Bạn thơ s@ này thiệt là ....
    Bạn viết " Chẳng có ai tự nhiên mà bỏ theo người khác nếu không có những lời ngon ngọt rủ rê dụ dỗ phải không bạn thơ NHƯ THƯƠNG?

    Thế thì NT nói nhỏ cái điều ngon ngọt rủ rê ra nghen ... "Giữ hoài áo lụa cho anh ..." Vậy thì hỏi bạn có chết người không ?


    GIỮ HOÀI ÁO LỤA

    Giữ hoài áo lụa cho anh
    Để mai còn lại một nhành dấu yêu
    Để theo em quãng dặm chiều
    Ẩn màu sương khói ít nhiều hương đưa
    Để bên vạt tóc thơm xưa
    Còn đường ngôi rẽ em chưa bụi trần
    Để em là mãi giai nhân
    Cánh hoa phong nhuỵ trong ngần trao anh
    Để rừng còn trổ lá xanh
    Bên con phố cổ nắng hanh ngóng tình
    Để em tìm giữa vô tình
    Đằng sau áo lụa anh nhìn yêu thương
    Để nghe tiếng lá cuối đường
    Dìu chân em bước đã dường say men
    Để em pha tách trà sen
    Đãi người tri ngộ lạ quen hồng trần
    Níu câu thơ xuống thật gần
    Xuôi giòng lục bát thả vần tương tư

    Như Thương

    ReplyDelete
  21. Bạn thơ Cỏ xanh ơi,

    Trong đời bạn đã từng Bỏ đời theo .... chưa ?
    Chắc là phải ít nhất một lần rồi ...

    ReplyDelete
  22. Đâu phải ai cũng có phước có phần hết đâu bạn thơ NHƯ THƯƠNG ơi!
    Bởi cũng có đôi khi

    Áo lụa ngày nào theo gió cuốn
    Bỏ tôi ở lại ngó mây buồn...

    ReplyDelete
  23. NHƯ THƯƠNG à
    Đúng như bạn nói, ai cũng có lần... nhưng cx thì chết nhát nên không thoát khỏi được cái vòng kềm tỏa của gia đình, nên bây giờ tiếc nuối... thì đã muộn rồi.
    Hẹn kiếp sau sẽ không ngu như thế nữa hi.hi. hi....

    ReplyDelete
  24. Áo lụa ngày nào theo gió cuốn
    Bỏ tôi ở lại ngó mây buồn...

    Hai câu thơ ... nghe âm vang thật hay, nhưng buồn não nuột bạn thơ s@ ơi ! Nhưng mà chỉ có hai câu thôi thì chưa đủ đâu ...thì nỗi buồn sẽ tím ngắt sao ?!

    ...Ừ thôi trên đỉnh sầu vọng xuống
    Trái tim tình lặng lẽ một dòng buông

    ReplyDelete
  25. Cỏ Xanh ơi,

    Nhớ nha ....

    Kiếp sau tình sẽ theo tình
    Để đừng tiếc nuối bóng hình người thương

    ReplyDelete
  26. Bây giờ tóc đã pha sương
    Nhưng lòng vẫn muốn chung đường ai kia

    ReplyDelete
  27. Chung đường...muốn lắm ai ơi
    Ông nội, bà ngoại hết rồi còn chi?

    ReplyDelete
  28. Đưa tay níu chút xuân thì
    Ửng hồng má hóp di di chân tình
    Trải gần hết kiếp phù sinh
    Trán nhăn mắt kém vẫn tình đấy thôi
    Ngước nhìn mây lững lờ trôi
    Tựa như mái tóc, thôi rồi tình si!
    Mặc thời gian cứ qua đi
    Có cần gì nữa? Chỉ đi chung đường
    Bước chân vướng víu tơ vương
    Tình ơi! Ngờ ngợ như dường hôm qua
    Mấy mươi năm tưởng đã xa
    Không đâu! Chỉ mấy sát na thôi mà
    Mơ chi viên mãn? Chẳng thà
    Yêu nhau một kiếp thành ma cũng đành.

    ReplyDelete
  29. Xin hỏi bạn thơ KHÁNH VÂN: Người ta nói về những món ngon đất Phan Thiết như thế nầy có đúng không?

    Đủ món ngon khi đến Phan Thiết
    Gỏi cá mai, phở cá, dông đất, răng mực nướng... là những món ăn nổi tiếng mà bạn không thể bỏ qua khi đến du lịch ở thành phố biển nổi danh này.

    GỎI CÁ MAI
    Đây là loại cá có nhiều ở vùng biển miền Trung. Cá mai có hình dáng tương tự cá cơm nhưng có một lớp vẩy bạc lấp lánh bao quanh và đặc biệt không có máu nên không có mùi tanh. Cá mai thường được chế biến thành món gỏi cá rất lạ và ngon miệng. Nếu đã đi đến Phan Thiết mà không thưởng thức món ăn này thì đó thật là một điều đáng tiếc.
    Chế biến món này khá đơn giản, những con cá mai còn tươi được đánh sạch vảy, cắt bỏ đầu đuôi, dùng dao mổ dọc theo lườn cá, rút bỏ xương sống, làm tái qua giấm hoặc nước cốt chanh, vắt ráo và để riêng. Các loại rau dùng để bóp gỏi rất phong phú như: cà rốt thái sợi, hành tây thái mỏng, húng lủi, rau răm thái nhỏ, đậu phụng rang... Cho tất cả các nguyên liệu trên vào trộn chung với cá mai, thêm một ít nước mắm chanh tỏi ớt, trộn đều, nếm lại vừa ăn. Bạn có thể ăn gỏi cá mai cuốn bánh tráng cùng với chuối chát, dưa leo, xà lách...

    CÁ LỒI XỐI MỠ
    Món ăn đơn giản với một con cá lồi hấp chín, xối mỡ hành, ăn kèm cùng bánh tráng nhưng đây luôn là món ăn đầu tiên nằm trong thực đơn của các quán ăn ở Phan Thiết. Thoạt nhìn cá lồi gần giống cá đuối nhưng nhỏ hơn và không có đuôi dài. Cá lồi khi trưởng thành có thể nặng đến 5 kg. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của người dân ở đây, chỉ nên chọn những con khoảng từ 1 đến 2 kg, vì khi đó thịt cá mềm, béo, lớp sụn bên trong còn mềm và quan trọng nhất là cá sẽ không có mùi hôi khó chịu.
    Để chế biến món này, việc đầu tiên là phải dùng dao cạo sạch lớp nhờn, hoặc có thể dùng lá sả để chà cho sạch. Tiếp đến mổ bụng, bỏ hết ruột. Rửa cá bằng nước muối rồi rửa lại nhiều lần bằng nước sạch. Thái cá thành từng phần bằng khoảng hai ngón tay, xếp vào đĩa và đem hấp cách thủy. Mỡ heo thái hạt lựu, cho lên chảo và ráng vàng, cho hành lá thái nhuyễn vào. Cá hấp chín cho ra đĩa, rưới mỡ hành, lạc rang lên và dùng khi còn nóng với bánh tráng, các loại rau sống và nước chấm.

    ReplyDelete
  30. BÁNH XÈO
    Nói đến bánh xèo, không thể không nhắc đến con đường Tuyên Quang ở thành phố Phan Thiết. Gần như cả một con đường đều bán bánh xèo và điều làm cho du khách ngạc nhiên là không có sự khác biệt về chất lượng giữa các quán. Bạn có thể vào một quán bất kỳ để thưởng thức món ăn này mà không sợ mình bị lầm lẫn.
    Để làm món bánh này, khâu pha bột rất quan trọng. Hỗn hợp bột được pha từ bột gạo, đậu xanh thêm màu bột nghệ. Thịt đúc bánh thường được ướp gia vị trước, xào sơ qua. Bánh được đổ trên chiếc khuôn nhỏ bằng bàn tay. Thoa một lớp mỡ lên khuôn, đợi khuôn nóng thì rưới đều bột, cho lên trên một ít thịt, một con tôm sú, giá tươi, đậy nắp lại chờ bánh chín. Nước chấm được chế biến theo bí quyết riêng của từng quán nhưng phải có đậu phộng giã nhỏ, sền sệt của bột mì, hơi vàng của cà chua và vị cay của ớt. Cho từng chiếc bánh vào chén, thêm rau húng, diếp cá, quế... chan nước chấm vào trộn đều và thưởng thức.

    BÁNH CĂN
    Nếu không thích bánh xèo, bạn có thể thưởng thức những chiếc bánh căn bé xíu đầy hấp dẫn được bán nhiều trong các quán ven đường. Nói bánh căn là đặc sản của Phan Thiết cũng đúng mà không thì cũng chẳng sai. Vì đây là loại bánh đặc trưng của cư dân vùng biển các tỉnh Nam Trung bộ.
    Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung. Nhân của bánh căn có nhiều loại như: thịt, trứng, mực, tôm... Bên cạnh sự phong phú về các loại nhân, nước chấm cũng là một điểm hấp dẫn của món ăn này. Nước chấm có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ.
    Địa chỉ gợi ý cho bạn: quán bà Xù đường Ngư Ông hay quán số 8 đường Hải Thượng - TP Phan Thiết.

    ReplyDelete
  31. RĂNG MỰC
    Đến du lịch tại Phan Thiết, thực khách sẽ tò mò, thích thú với món ăn có tên gọi là răng mực. Răng mực thực chất là những viên tròn, nhỏ bằng đầu ngón tay trên phần đầu mực mà nhiều người thường lầm tưởng là mắt mực hay miệng mực. Đây là món ăn chơi rất được các bạn học sinh ưa thích.
    Người dân ở đây thường chế biến nhiều món ăn chơi ngon miệng từ răng mực như nướng, xào bơ tỏi, chiên bột, răng mực chiên nước mắm. Chế biến món ăn này khá đơn giản, những chiếc răng mực được rửa sạch, ướp gia vị. Tùy theo yêu cầu của thực khách mà chủ quán có thể nướng, chiên, hay xào. Trong những buổi tối mát trời, dừng chân bên một quán cóc ven đường, ngồi nhâm nhi những chiếc răng mực nướng với bạn bè thì không còn gì tuyệt vời bằng.
    Bạn có thể ghé đến quán răng mực nướng gần ga Phan Thiết hay các quán trên đường Nguyễn Tất Thành để có thể thưởng thức món ăn này.

    DÔNG ĐẤT NƯỚNG
    Những đồi cát trải dài ở Phan Thiết là điều kiện lý tưởng cho dông, một loại bò sát sinh sống. Vì vậy không ngạc nhiên khi những món ăn từ thịt dông lại trở thành đặc sản của đất Mũi Né - Phan Thiết. Ngoài món dông nướng muối ớt, thịt dông còn được chế biến thành nhiều món khác như: chả, gỏi dông hay món cháo thịt dông nóng hổi thơm nức.
    Ở Phan Thiết, nổi tiếng nhất là quán Việt Nam Home trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Đây là địa chỉ của những người mê món thịt dông này.
    Ngoài những món ăn kể trên, thành phố Phan Thiết còn thết đãi du khách nhiều món ăn ngon miệng khác như: cơm gà đường Lê Hồng Phong; lẩu cá đường Phan Đình Phùng; chả lụi đường Trần Hưng Đạo; bánh bèo, bánh bò Phan Thiết ở gần ga...

    Huấn Phan

    ReplyDelete
  32. Thân chào các bạn thơ
    Vân vào viết vài dòng thử trước xem ra sao đã nghe . Vân không muốn viết that dài , cuối cùng publish my comment thì không vô , vậy là nản lắm

    ReplyDelete
  33. Vân viết tiếp đây nghe . Đọc hai bài thơ nhỏ cũa NT thậtt tuyệt vời quá. Bỏ đời theo thơ và Giữ hoài áo lụa đều hay cả nhưng mỗi bài đều có nét đặc sắc riêng. Từng câu , từng ý nghe thật thấm thía và lãng mạn vô cùng!
    Thiệt tình thỉnh thoảng KV vẫn vào đọc những dòng comments của các bạn nhưng vì vào góp ý , nói chuyện với các bạn thường hay bị trục trặc, do đó KV sinh luời .
    Về câu hỏi của bạn Sao , Vân xin trả lời đây nghe .!
    Gỏi cá mai và bánh xèo thì Vân đồng ý . Hai món này lúc còn ở với ba mẹ và các anh em , mẹ của Vân hay làm cho ăn. Riêng món bánh căn , mẹ Vân không đổ vì các anh của Vân không thích lắm , thích bánh xèo hơn.
    Bánh căn của quê Vân lúc đó thì không nhân , khi cậy bánh căn và dem ra ngoài thì chỉ chấm vào chén hành mỡ. Sau đó dùng với nước mắm và xoài hay khế bằm nhỏ . Về sau này, họ chế biến thêm ăn với trứng luộc , cá kho hay xíu mại .
    Riêng món răng mực , cá lồi xối mỡ, dông đất nướng thì Vân chưa thưởng thức nên không rõ thế nào bạn Sao ạ ??
    Chị NS , bạn NT , CX và bạn Sao dạo này có khoẻ không ? Bạn SM trong ngày đám cưới chàu Hiền Ni, Vân thấy bạn trong hình , tuy mập có 1 chút mà trẻ ra nhiều .
    Vài lời Vân thăm các bạn thơ.Chúc vui .
    KV

    ReplyDelete