Qua cậu em trai SM được xem lại một số hình ảnh cũ của BMT vào những năm 1969 và 1970. Tác giả là ông TOM , một quân nhân Mỹ, trước khi về nước đã dành thời gian dạo chơi Thị xã BMT và vùng ven chụp một số hình ảnh đường phố, địa điểm lịch sử , sinh hoạt người dân quen thuộc trên địa bàn này. SM muốn gom lại và chia sẻ cùng các bạn, níu tay kỷ niệm như bạn HB gợi ý. Ngày nay tác giả là Giáo Sư của trường ĐH Northeastern University thuộc Tiểu Bang Massachusett, không biết có còn duyên trở lại vùng đất ngày nao . Trong tâm tư SM cũng rất cám ơn ông qua những tấm hình thân thương mà bản thân mình sống ở đó bao năm cũng không hề có.
|
Đường Y Jut ( chụp khoảng trước tiệm Ngô Phúc Vinh)
|
|
Đường Y Jut' ngay ngã tư Quang Trung |
|
Đường Y Jut' |
|
Trước hiệu sách Tia Sáng, đối diện rạp LÔ ĐÔ |
|
Chợ BMT, hàng Phượng sát cổng Đình Lạc Giao |
|
Đường Tôn thất Thuyết, bên trái là cổng trường tiểu học Nguyễn Công Trứ |
|
Nhà thờ Chính Tòa |
|
Chợ BMT |
|
Bến Xe Ngựa cũ |
|
Đường Thống Nhất |
|
Đường Ama Trang Long nhìn từ cột đèn ba ngọn.
|
|
Kem Chi Cao, ngã tư Quang Trung -Lý Thường Kiệt |
|
Đường Nguyễn Du với hai hàng Phượng bờ tường sân vận động -Biệt Điện
|
Trường Nguyễn Du |
|
|
Phi trường L19 |
|
Chùa Khải Đoan |
|
Khán đài sân Vận động BMT
|
|
Sân Vận Động BMT, đội banh đang chơi. |
|
Ra phi trường Phụng Dực
|
Phi trường Phụng Dực |
|
|
Phi Trường Phụng Dực
|
30 comments:
Trang chủ posted những hình ảnh xưa còn trong trí nhớ làm NT nhớ nhà quá !
Quả thật đây là một bộ ảnh hiếm, cất gia tài này thật kỹ nha Trang Chủ ơi...
Càng nhìn càng thấy thương làm sao, nhất là màu áo dài xanh học trò. Những con đường đất đỏ quen thuộc và phố xá gần gũi ngày xưa bỗng như sống lại
Tối hôm qua, NT viết vội vài dòng comment dành cho những tấm hình vô giá về Bmt, đi ngủ rồi mà đầu óc mãi vương vấn với những hình ảnh ấy
Cám ơn "rối rít" người chụp ảnh và nhất là đã giữ những tấm hình ấy suốt bao tháng năm đổi dời, không dễ gì còn lại được chừng ấy kỷ niệm
Xao xuyến, nhớ nhung, hồi tưởng, lặn hụp lại trong ký ức thì mới hay rằng mình vẫn thuộc về nơi ấy hoàn toàn, như thể chốn ấy là "Người Yêu Rất Riêng" của mình !
Vài năm trước, khi NT về thăm phố xưa thấy phố đã đổi thay nhiều... lòng bỗng dưng buồn lắm vì dẫu mấy mươi năm trôi qua đi chăng nữa, hình ảnh cuối cùng khi dứt áo ra đi trong hỗn loạn của chiến tranh vẫn mãi đọng lại trong cuốn phim dĩ vãng rất hiền hòa về Bmt, không xóa đi được... để rồi bất chợt thấy mình lê guốc khắp ngõ sân trường, lang thang mãi tận cùng ngõ ngách như ngày xưa...
Chẳng còn lời nào để diễn đạt nỗi nhớ đã tràn ly... NHỚ BANMÊ QUÁ....
Bạn thơ NHƯ THƯƠNG ơi!
"Hãy uống cạn ly đầy rồi tôi sẽ rót đầy ly cạn cho."
Ai đã một thời sống ở Banmêthuột thì khi xa nó khó lòng mà quên được chốn bụi mù trời này.
Có lẽ cái tên nó "quyện" vào người chăng? Hay chữ "Mê" trong nhóm chữ Banmêthuột chính là bùa mê? khiến ai đến Banmê là quên mất đường về...
"Hãy uống cạn ly đầy rồi tôi sẽ rót đầy ly cạn cho"
Về theo kỷ niệm đã tràn
Tưởng chừng chân lại thênh thang trên đồi
Tưởng chừng rừng núi xẻ đôi
Cạn ly, ly cạn... chia phôi bao giờ
Ngoài những tấm hình này các bạn cũng sẽ thấy thêm những tấm hình khác ở một số trang web, SM cũng không thích kiểu để CopyRight bằng cách ấn dấu hằn trên giữa tấm hình, dẫu cho là hình ấy do chính bàn tay mình chụp. Thuở còn nhỏ bè bạn đi picnic có được cái máy hình chụp phim đen trắng là thấy mừng rồi. Học ké vài kỹ thuật rất đơn sơ miễn sao gắn phim vào và chụp được hết cuốn phim , đem tới tiệm rửa hình nóng lòng hồi hộp coi mặt mũi ra sao. Nhiều lần hình nhòe nhoẹt, có khi đen thui hay trắng bóc không có hình thù gì hết nên tiếc hùi hụi cả đám. Hồi đó đầu óc cũng đơn sơ, nhà nghèo lo học hành là chính đâu dám mơ tưởng tới chuyện có riêng cho mình một cái máy hình. Khi rời nhà trước trận cháy hồi tháng 3/1975 hộp hình ảnh cũ là vật trước tiên nằm trong danh sách được mang đi. Về sau này cũng vậy, SM ôm lấy cái hộp cất vào vali , khi chật chỗ thì cứ chọn cái khác mà bỏ ra chớ hình ảnh thì miễn. Cuộc sống càng kéo dài thì ai cũng có bề sâu kỷ niệm được dày hơn, buồn vui lẫn lộn,mà cầu cho buồn ít hơn vui.
"Hãy uống cạn ly đầy rồi tôi sẽ rót đầy ly cạn cho."
NT, SK và SM đã nâng ly nhâm nhi rồi , bạn Sao chờ cạn mà chi...
Hôm nay nhìn lại những tấm hình của Banmê năm xưa …
Có một tấm làm Vv rung động mãnh liệt là hình ảnh con đường phía sau Biệt Điện và cổng sau Sân Vận Động - cái thời mà cổng sau chưa bị khóa kín lại của những năm học lớp Đệ Thất – con đường luôn rợp bóng mát của hàng cây Phượng và vắng lặng thanh bình … đi học về ,thay vì đạp xe ngang qua Tòa Hành Chánh luôn bận rộn thì Vv luôn rẽ vào con đường đó - “đi mua đường” – con đường đưa Vv vào cõi thơ ,cõi mộng mơ của thời mới lớn , sau này ở Dalat cũng có một con đường tương tự dọc theo bức tường gạch của Bệnh Viện Dalat, hình như gần đường Thi Sách thì phải và hạnh phúc hơn sau 75 ,một hôm ở Long Xuyên cũng có một con đường dọc theo bờ sông với những biệt thự thời Tây còn sót lại …
Kỷ Niệm - mỗi người đều có – và không giống nhau – dù cùng ngồi chung một lớp ở một ngôi trường - huống chi còn cách nhau “vài năm” theo sự đổi thay của thời thế …
Tôi sinh ra trong một gia đình có nhiều anh chị em , có thể chia ra mỗi Thập Niên ,Thập Niên 60 lãng mạn thanh bình , học xong lớp Đệ Tứ ,nữ sinh đã về nhà chồng ,Thập Niên 70 với những câu hát “ rớt tú tài anh đi Trung Sĩ …” ,Thập Niên 80 với những “kế hoạch nhỏ “ những thi đua cuốc đất trồng rau …
Bởi thế , mỗi lần đặt chân về chốn xưa , tìm lại một chút gì , có lẽ bạn và ta cùng tìm được ở trong đáy cốc …(Thoáng hiện em về trong đáy cốc …)
Trong giờ “cao điểm”, chạy xe dọc theo con đường Thống Nhất , “mỏi tay” , có Bạn nào còn nhớ cái hay của xứ núi là ở chỗ đó , bạn bè hay người quen chạy ngược chiều phía bên kia đưa tay lên chào và mình cũng vậy , bảo đảm dân Bmt chính gốc chạy xe gắn máy một tay giỏi hơn bất cứ ai …
Và cái thời lưu lạc mãi tới tận hôm nay , ở trên đất Việt hay xứ người , hễ ai đã từng hít BỤI và nếm mùi BÙN ,gặp nhau đều mừng mừng tủi tủi , dù cho hồi đó …tại sao hồi đó mày dám …cua người tao yêu !!!
Đường Thống Nhất:"Con đường tình sử" trong trí nhớ sao nó đẹp thế nhưng khi nhìn lại hình do SM "trình làng" coi chẳng TÌNH tí nào cả!
Tuổi mới lớn lại mới chớm yêu nên thấy cái gì chung quanh mình đều đẹp cả.
Phải chi Thượng Đế cứ cho con người ta sống trong hình hài trẻ trung với tâm hồn đôn hậu cho tới khi "rũ sổ" thì có phải đẹp không nhỉ!
Các bạn thơ ơi,
Mỗi một người nhìn vào những tấm hình này đều rung động (chứ không riêng gì Vivu đâu bạn nhé....), nhưng mỗi cung trầm cảm ấy đều khác nhau ở cung bậc tùy theo cái kỷ niệm ngày xưa sâu đậm đối với chốn ấy như thế nào - như bạn thơ Song Kim hay bạn thơ s@ và Sương Mai chẳng hạn...
Có lẽ những người chưa từng ở Ban mê thuột, chưa từng lặn hụp với từng ngóc ngách, ngõ hẹp, lối mòn trên dặm đường đất đỏ trùng trùng quanh co khắp phố thị hay lan tận mãi những cái đồi trọc nằm chịu nắng, chịu mưa sẽ cảm thấy "dửng dưng" với những hình ảnh về Bmt này, nhưng đối với chúng ta thì chắc là nói mãi ngàn năm vẫn không dứt !
Cái thương, cái nhớ, cái dỗi, cái hờn trộn lẫn nhau trong kỷ niệm quá khứ của một thời làm học trò, một thời mới lớn, một thuở bắt đầu biết yêu đều nằm trong khung trời và trên những con đường bụi đỏ hay sình lầy ấy cả đấy... Chỉ biết là thương lắm mà thôi, chứ không biết nói sao cho vừa, cho đủ ...để rồi đi đâu, NT cũng khoe là " Ban mê thuột CỦA NT đẹp lắm !"
Ừ, cái chữ "Của" ấy bỗng nhiên phát ra một cách tự nhiên vậy đó, như thể là Của Riêng Trong Túi mình hay sao đấy các bạn thơ ạ !
Phải thôi các bạn ạ.Những con đường sình lầy,những con đường bụi đỏ vẫn nằm trong ký ức chẳng bao giờ phai mờ.
Banmê về nghe...
Về nghe tiếng guốc xôn xao!
Về nghe phố núi hoang sơ đón chào
Về nghe góc nhớ thì thào!
Về nghe bụi đỏ vương vào áo hoa!
ThThanh
Nếu để ý kỹ một chút, các bạn sẽ biết đó là những tấm ảnh màu...chụp lấy liền mà ngày xưa các quân nhân Mỹ hay sử dụng bởi rất tiện lợi không cần phải mang ra tiệm để tráng rọi mất công, và người Mỹ hay có thói quen lưu lại thời gian chụp ảnh để ghi lại kỷ niệm. Bấm click một cái, 40 giây sau sẽ có một tấm ảnh màu từ từ ló ra từ máy ảnh trên nền giấy cứng. Tuy nhiên, đối với loại ảnh nầy sẽ không bền màu với thời gian, nhất là khi bị phơi ra ngoài ánh sáng. Giữ được những tấm ảnh nầy như vậy trước khi có việc scan để đưa vào lưu giữ trong computer tui cho là giỏi. Vật liệu tiêu hao duy nhất là giấy in ảnh Zink Paper chứa các tinh thể hạt mực màu đỏ tươi, màu lục lam và màu vàng. Thoạt đầu, các tinh thể mực không bị kích hoạt, ở trạng thái đó, chúng trong suốt. Trong quá trình in, các thành phần trên giấy được nung nóng và trên đó sẽ xuất hiện màu cần thiết. Mỗi blog giấy in ảnh nạp vào máy có 10 tờ cứng.
Tui được tiếp xúc với loại máy ảnh nầy vào khoảng năm 1967 khi có một đoàn nghệ sĩ Sàigòn lên thăm Banmêthuột không biết nhân cái dịp gì. Gặp họ tại Sân vận động Banmêthuột sau buổi lễ, một cô nghệ sĩ chụp hình kỷ niệm cho các bạn và tui thiệt sự ngẩn ngơ trước một điều thần kỳ mới thấy lần đầu. Năm 1968 nhà tui có một cái như vậy hiệu Polaroid.
Trong loạt ảnh xưa của bạn SƯƠNG MAI đã post lên không hoàn toàn là ảnh do Ông TOM chụp. Có những bức ảnh đen trắng, có bức ảnh không rơi vào thời điểm năm 69-70. Ta hãy nhìn chú Cảnh sát áo trắng đứng trước nhà sách Tia Sáng nằm trên đường Quang Trung, bởi sau biến cố tết Mậu Thân cảnh phục đã thay đổi với quần màu sậm cùng thời với huy hiệu, phiên hiệu đơn vị, bảng tên và lon lá màu ngụy trang đen thui của quân đội.
Trước năm 1969, phố Bụi Mù Trời có 4 rạp hát: LODO (không có rạp xi-nê LÔ ĐÔ à nhen), Tường Hiệp, Thăng Long và một rạp chiếu bóng mini nằm trước trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ tui không nhớ nổi tên. Tui còn nhớ tiệm An Phát trong bức ảnh đầu chuyên bán bánh kẹo làm thằng tui thèm nhễu nước miếng khi đi ngang đứng lại mà ngó vô.
“Con đường Tình Sử” của bạn SONG KIM chắc chỉ còn trong nỗi nhớ, bởi con đường Thống Nhất bạn đang thấy đã oằn mình trong bom đạn Mậu Thân năm 1968 tan nát hết rồi còn đâu? Mùng 3 tết Mậu Thân tui chạy chiếc Lambretta đi “thị sát chiến trường” thì trước Ty Ngân Khố, Tòa Hành Chánh và Tiểu Khu Darlac chỉ còn thấy thi thể của những sinh linh “sinh bắc tử nam” đang nằm chỏng chơ trần truồng còn chưa kịp có dấu hiệu một con người đã đến độ tuổi trưởng thành, hàng cây và những trụ sở hầu như đã bị san phẳng bởi đạn pháo và bom của những chiếc phản lực cơ xuất phát từ Nha Trang hay rocket của những chiếc Cobra cá lẹp của Mỹ rồi.
Tui cũng chẳng có cái “kỷ niệm ái tình” nào đối với con đường Nguyễn Du, nhưng những buổi trưa chớm hè đi đón hai đứa em học ở Trường Tiểu học Nguyễn Du, tui chạy xe từ bên hông trại Quân Cảnh Tư Pháp rồi Sân Vận Động song song với mặt hậu rồi vòng qua bên hông Biệt Điện với hàng phượng già có những chùm hoa đỏ râm ran tiếng ve kêu làm cái lọng che mát trên đầu đã giúp cho chú nhỏ thả hồn mơ mộng lên tới những chòm cây cao rợp bóng. Bây giờ được nhìn thấy lại loạt ảnh Banmêthuột xưa thì đó chính là bức ảnh gây xúc động cho tui nhứt.
So cái hình Ra Phi trường Phụng Dực ngày xưa với tấm ảnh bây giờ đã post lên trong bài viết Níu Tay Kỷ Niệm coi. Nó khác xa một trời một vực, biểu sao mà tui không lớ quớ khi đi tìm Hồ Trung Tâm?
Tui nghĩ bạn Vivu đã bước sang một phạm trù khác rồi. Nói về kỷ niệm của những người con lớn lên từ mảnh đất nắng bụi mưa bùn ấy chỉ thuần là những tình cảm thời mới lớn thì ai cũng như ai, không phân biệt từng giai đoạn như vậy đâu! Và đa phần chúng ta đều có chung những xúc động tương tự nhau khi đã cất bước ra đi mà nghĩ về nó như những hoài niệm đẹp của một đời người.
Nói đa phần có nghĩa không phải là tất cả, bởi tui nhận thấy cũng có những con người ra đi từ đất Banmêthuột hầu như vô cảm trước những hình ảnh gợi nhớ những kỷ niệm đẹp lúc thiếu thời ấy.
Nhìn những tấm hình xa xưa của BMT , xa xưa? không xa xưa một chút nào! vì trong đầu óc của cx lúc nào cũng in đậm nhưng hình ành xưa cũ , thân quen này. BMT ngày xưa không thể xóa nhòa bởi BMT hiện đại được...
con đường Thống Nhất thân quen,rợp mát dưới hàng phượng, ngày nào cx sáng, trưa, chiều đi học...
Thương và nhớ quá... những hình ảnh thân thương... làm sống lại một thời đã qua...
Lâu rồi , TT im ắng như rơi vào quá khứ !
Chợt nhớ đến lời Kinh : người biết sống một mình (?) :
“Quá khứ đã qua rồi , Tương Lai thì chưa tới …”
Quả thật cái Hiện Tại “lu bu” thật khó kiếm cho mình một vài giây phút thảnh thơi …rượu bàu thì có , thơ túi thì không !!!
….
Hôm nay ,hình như “Trời đi vắng” , Vivu mạn phép viết đôi giòng …sai nhiều hơn đúng …
Chuyện như vầy , hồi đó Vv có đọc một tài liệu nói rằng :
Y Jut và Y Ut là hai ông khác nhau , còn ở Bà Chiểu Saigon có con đường mang tên Nơ Trang Lơng ( Khoảng gần Trường Mỹ Thuật và Lăng Ông) , thì với Ama Trang Long ở BMT chỉ là một ông mà thôi . Vv có réo mấy ông bạn già chính gốc Êđê mà cứ ngoài tầm phủ sóng …nên đành viết “không chứng cứ” vậy !!!
….
Tuy nhiên , có tấm hình Nhà thờ chính tòa BMT thì Tuyệt diệu không chê vào đâu được , bất cứ ai nhìn vào thì cũng đề cập đến phố núi , không biết là thời gian làm cho ngả màu,hay là “bụi đỏ” bao trùm là thương hiệu của đất Banmê ???
Nhìn vào bộ sưu tập các nhà thờ trên lãnh thổ VN , người ta xác quyết đây là Nhà Thờ La Vang đầy vết bom đạn, đây là Vương Cung Thánh Đường Saigon kiêu sa đài các …
nhưng chỉ có ai đã từng sống ở xứ núi thì mới thấy sự khác biệt …
Tại Sao các nơi khác để tượng Đức Mẹ trước Nhà Thờ , còn BMT thì ngược lại ?
Mà đem tấm hình Tượng Chúa đi so sánh các nơi khác cũng khác biệt , cũng chẳng gầy hơn xưa ,cũng không buông xuôi cánh tay hay cầm một dóa hồng …
(ông trời con cũng còn đi tìm câu trả lời đây các bạn ạ ! )
…
Có một kỷ niệm ,không biết nhà thơ S@ có xêm xêm không ?
-chuyện như vầy : cứ mỗi lần có khó khăn mà không giải quyết nổi ,thì …con quỳ lạy Chúa trên trời …
-nhiều người nhận cùng một câu trả lời như sau :
“Ta còn biết làm sao hơn !!”
Thuở còn đi học, nhóm bạn tụi tui chiều nào cũng làm những con khỉ đánh đu theo mấy cây bông sứ trước sân Nhà Thờ Chánh Tòa Banmêthuột để ngẩn ngơ nhìn một cô bạn học cùng lớp chạy xe Vélo Solex ngang qua.
Kẹt nỗi là nàng có đạo mới chết chớ!
Có một Thánh lễ vô cùng đêm Noel năm nọ, tui cũng bắt chước người ta mà khấn rằng:
- Con quỳ lạy Chúa trên Trời, sao cho con lấy được người con yêu...
Dường như tai tui có nghe Chúa phán:
- Dễ mà! Thì con cứ theo đạo đi.
Phải nói một câu cũ rích lần nữa dẫu rằng khen cũng bằng thừa, " Vivu dù tỉnh táo hay lắc lư lúc nào cũng có những nghĩ suy thiệt ngộ nghĩnh và độc đáo".
Từ hồi gia đình SM rời Thủ đức lên BMT lập nghiệp đến nay ở căn nhà đường Y Jut hơn 50 năm rồi. SM còn nhớ rõ mình từng chui ngã sau nhà qua Đình Lạc Giao hái trộm ổi thiệt ngon rồi từ đó băng qua chợ BMT ngay trước cổng Đình. Từ nhà đi về phía tay phải chừng mười mấy căn nhà , chưa tới rạp LODO thì có cái ngỏ hẻm dẫn tới góc chợ "Đê" , chỗ các đồng bào Thượng tụ tập bày bán những thứ trồng nơi nương rẫy buôn làng. Qua những ý kiến của QH, s@ và Vivu làm sáng tỏ Y Jut và Y Ut là hai nhân vật khác nhau có thiệt , SM cũng phân vân cứ nhớ cái tên trường kỹ thuật là Y Ut. Mấy chục năm trời trôi qua, tên đường còn nguyên si để cho kỷ niệm hững ngày cuốc bộ dài dài từ ngã tư Y Jut-Phan Bội Châu, dọc lên phi trường L19 tới trường mãi không phai nhạt. Quả thiệt quá nhiều chuyện im ắng rơi vào quá khứ , hình như gió thổi vào cuộc đời đổi tên rồi , đâu còn là HEO MAY nhè nhẹ nữa đâu .
Khi SM coi bộ hình sưu tập phải giật mình khi so sánh hình ảnh ngôi nhà thờ Chính Tòa ngay cột đèn Ba ngọn ngày xưa và ngày nay được tu sửa rất nhiều. Màu bụi đỏ theo thời gian phủ lên tấm hình rất đậm nét đặc trưng BMT. Chúa vẫn dang tay mở rộng lòng với tất cả mọi người ..., khi nào Vv tìm được câu trả lời đã nêu lên thì đừng quên sân chơi này nhé.
Đọc cái nầy thấy hay nè! Cũng để tìm hiểu thêm một nơi mà ai cũng biết ở Banmêthuột.
Giáo phận Ban Mê Thuột
Bạn thơ Vivu nói thì nói vậy chứ NT đoán là Vivu vừa khấn, vừa quỳ gối, vừa lép nhép đọc kinh thì Chúa sẽ bảo nhỏ: "Để từ từ Ta tính ... duyên cho con" vì Chúa lòng lành mà, chỉ riêng mấy nàng khép nép khoanh tay đi nhè nhẹ trong cửa nhà Chúa, chứ không cột hai vạt áo dài như trong sân trường thì Chúa mới phán: Ta biết làm sao hơn... mỗi khi nàng bị cấm túc !
Riêng NT... thích nhất tấm hình xe ngựa vì nhìn tấm hình đó là một trời kỷ niệm của những ngày nắng chói chang và mưa ướt nhẹp, vén tà áo xanh, la ới ới lũ bạn rủ nhau đi xe ngựa xuống phố chợ khi tan trường !
"Một đám nữ tặc" trèo được cả lên chiếc xe ngựa thì cả ông đánh xe ngựa và chú ngựa cũng thiệt là hú hồn... con gái gì mà có yểu điệu chút nào đâu !?
Rồi thì dọc đường từ cổng trường đến chợ lại la oai oái với lũ bạn đi bộ từ đường về nhà. Đến chợ xong lại đòi một tua về lại cổng trường (!), xong rồi mới "xuống ngựa" !!!
Lâu lâu mới được một lần Vui Đáo Để như vậy nhá các bạn thơ vì tiền đâu mà đi hoài !
Hôm nay Vv lại vào được TT …
Bạn SM lại cho Vv đi ‘tàu bay giấy' …Thật ra Vv lượm lặt đó đây vài điều hay hay để làm quà tặng các bạn một vài phút phù du cho vui vậy mà …
Ví dụ như mấy ông Tây ở miệt dưới này đặt vấn đề : “Ngày xưa người ta bảo trái đất này hình vuông ,cho đến khi nhận ra trái đất này hình tròn …vậy thì sao ? – thì lại đặt vấn đề ,chứ sao !!
Ví dụ như : lâu nay cái bản đồ thế giới vẽ Bắc cực ở trên và Nam cực ở dưới ,có thể là đã sai (?) vậy thì nên vẽ lại : Nam cực ở trên và Bắc cực ở dưới ,thì trái đất này sẽ trở nên Thái Bình An Lạc , VN sẽ không còn bị phương bắc đè đầu cưỡi cổ nữa …phải không ?
Bạn NT nói phải dùng đến kính lúp để đọc comment của Vivu , cho nên Vv khoái quá đến ‘nổi da gà ‘ …hì hì …bởi vì Vv cũng dẫn chứng một vài câu của ‘ nhà thơ tháng sáu ‘để diễn tả ý mình cho gọn khỏi phải gõ lóc cóc mệt đầu ngón tay …
Ví dụ như “tượng Chúa gầy hơn xưa” là chữ của NTN ,nói đến tượng Chúa ở Biên Hòa ,Hố Nai …và – dĩ nhiên Chúa ở BH “hình như” khác với Chúa ở BMT …
Và cũng ở đây Vv muốn nói đến “nghệ thuật tạo hình” mà SM đang nghiên cứu …(chứ không có liên quan gì đến khía cạnh tôn giáo ***)
Anh S@ cũng đã có một bài viết về nghệ thuật điêu khắc theo luật phối cảnh , nếu bức tượng được đặt trên bệ cao thì nhà điêu khắc sẽ “nặn” bức tượng hơi dài và đầu to đít teo (xin lỗi về chữ nghĩa) …để đến khi “con quỳ lạy Chúa trên …bệ cao” thì Chúa đẹp như người …trong mộng !”
Các bạn xem hình chụp năm xưa của Bmt…hồi ấy có muốn quỳ cũng không dám quỳ ,vì có cái hàng rào nè , rồi đá sỏi tùm lum , đau đầu gối muốn chết !!! mà Chúa thì dang tay ra …hình như “bất lực” …(ngôn ngữ bất đồng …thì nói chuyện mỏi tay ,các bạn cũng đã có kinh nghiệm khi tiếp xúc với các dân tộc khác !)
Có một điều chắc chắn rằng : dưới chân tượng Chúa “hiếm” thấy các bảng Tạ Ơn ,mà ở phía bên tượng Đức Mẹ thì “không còn chỗ” !!!??? (hình như có điểm tương đồng ở Thiên Đình và Trần Gian ,nếu như ai đã đọc cuốn “nghệ thuật hối lộ” …)
Ái dà ! Nữ Sĩ NT ơi ! Những người hiền mà có thể khóc sướt mướt thì đã được gọi về cõi trên từ lâu rồi …còn lại thì “những kẻ Trời-đánh-không-chết “ thì vẫn còn nhăn răng ở lại trần thế trả nợ đời … hãy nghe tuổi trẻ thời nay (70 là còn trẻ) cầu kinh như thế này :
“ Con quỳ lạy Chúa trên trời …
“sao cho con lấy được người con yêu …
“đến khi con lấy được dzồi …
“con không theo Chúa , Chúa làm gì con ???? “
…hình như câu trả lời là …Ta còn biết làm sao hơn …
…
Lạc bước đến vài ngôi chùa , cũng nói về nghệ thuật tạo hình , tượng Quán Thế Âm Bồ Tát cũng không giống nhau … có điểm đáng suy nghĩ , tượng có y phục đầy đủ , hào quang chói lọi , nhưng lại không có giày ??? có nơi làm bàn chân nho nhỏ thanh tao , có nơi lại to xù như bàn chân nông dân …
có ai tìm được câu trả lời không hè !!??
Trời ạ ! "Ông Trời con" xuất ngôn thì... nín thở mà đọc một mạch, rồi nhẩn nha "gặm nhấm" lại từ từ... mai tính !
Ông Trời con thử ngẫm nghĩ lại tuổi thơ mình mà coi, có khi nào dám “mè nheo” Ông Bô không? Hay có yêu cầu gì cứ giả vờ đến đứng kế bên Bà Bô...vò đầu bức tóc hay bóp tay bóp chân người mà “thủ thỉ”.
Sự đời khi lớn lên đã chớm...thì cũng vậy thôi! Ta cứ đến gần bên người phụ nữ mà năn nỉ ỉ ôi là “chắc cú”. Chớ có dại dột mà đến gần mấy người đàn ông xin xỏ, chẳng những không đạt yêu cầu mà còn bị phùng mang trợn mắt hoặc đôi khi nhận được một cái cú đầu đau điếng nếu yêu cầu vượt quá khả năng.
Lại nói một chút về chuyện các tượng Chúa Phật mỗi nơi một cách. Lẽ ra không nên lạm bàn vấn đề nầy, nhưng để “rộng đường dư luận” cũng xin có một ý kiến cá nhân nhỏ:
Chỉ riêng về vẻ mặt và phong thái của các bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát: Ấn Độ, Trung Hoa, Thái, Miên, Lào, Việt Nam mỗi nơi một khác. Ấy chính là sự uyển chuyển mầu nhiệm trong tình cảm của con người với đối tượng mà mình yêu thương hoặc kính trọng.
“Người phụ nữ chỉ đẹp trong mắt của người yêu mình”. Vivu có còn nhớ câu “cách ngôn” nầy không?
- Anh S@ ơi ! đây là lần đầu tiên Vivu được biết đến câu này đấy !
Còn câu " Không có phụ nữ nào xấu ! chỉ vì không biết cách làm đẹp mà thôi ..." thì Vv thuộc nằm lòng đó .
- Vv đã được xem những bức hình của các siêu sao trước và sau khi trang điểm thì có thể yên chí một điều là "Ai cũng đẹp cả !"
Còn Yêu là một chuyện khác ! Nhiều người đẹp quá thì mỗi ngày yêu một người vậy !
Còn Yêu là một chuyện khác ! Nhiều người đẹp quá thì mỗi ngày yêu một người vậy !
Hay đó Vv, bạn quả là một SIÊU NHÂN .
Nghe bạn nói "“nghệ thuật tạo hình” mà SM đang nghiên cứu" tui bỗng thấy mình bệ vệ hẳn ra.
LẠC ĐỀ.
ĐỌC CÁC COMMENT CUỐI CÙNG, THẤY VIVU NHẮC ĐẾN ĐỨC QUÁN THẾ ÂM, RỒI NGHỈ ĐẾN NGÀY HIỀN MẪU SẮP TỚI NGÀY CHỦ NHẬT 13-5-2012. QH MỜI CÁC BẠN CÙNG ĐỌC MÔT BÀI VIẾT VỀ MẸ.
NGÀY HIỀN MẪU.
Thế thì Vivu không biết câu chuyện Thị Nở và Chí Phèo của Nam Cao chăng?
Nhận được bài thơ về Banmê của một người bạn với một vài địa danh mà đa số các bạn trong Trang thơ đã biết.
sk
Để hồi tưởng những kỷ niệm yêu thương tuyệt vời xa xưa.
VT
KỶ NIỆM SAO QUÊN
Bây giờ nhớ quá đi thôi.
Trăm năm kỷ niệm lòng tôi vẫn còn.
-----------------------------
Tôi vẫn nhớ thuở nào yêu Em lắm.
Từ những năm thơ dại tuổi học trò.
Em ươm mộng đáp tình tôi say đắm.
Chúng mình chung kỷ niệm đẹp hơn mơ.
Những buổi trưa Hè, trên đường Thống Nhất.
Vai kề vai nhẹ bước đếm yêu thương.
Giữa hàng cây phủ Phượng hồng bóng rợp.
Mình đan tay cùng giữ chặt tơ vương.
Có những chiều trời buông lơi nắng nhạt.
Cốc Lâm Tuyền hai đứa tựa bên nhau.
Tóc da Em thoảng mùi hương thơm ngát.
Lời yêu nồng gieo sáng tuổi trăng sao.
Chủ Nhật nào tôi em quỳ bên Chúa.
Dù ngoại đạo Em thầm thỉ kêu xin.
Chúa thương ban cho hạnh phúc chúng mình.
Trăm năm mãi yêu thương và chung thủy.
Đường Quang Trung gió lộng chiều Thứ Bảy.
Quán Chi Cao ngồi vuốt cốc kem thơm.
Từng thìa đưa tươi mát cánh môi hồng.
Em quyến rũ trong mắt tình đen mượt.
Chiều công viên tôi Em đều sũng ướt.
Dưới mưa rào mình che cặp cho nhau.
Ôm vai Em nghe da thịt ngọt ngào.
Chuyền hơi ấm cho mình sao đỡ lạnh.
Ban Mê xưa bây giờ xa vạn dặm.
Vẫn ắp đấy kỷ niệm thuở bên nhau.
Lần đó về gom thương nhớ nao nao.
Yêu Em mãi tuyệt vời trong ký ức.
Vi-Thể
Ngoài nhà thơ TRẦN HUY SAO hay làm thơ về những nơi chốn để lại nhiều kỷ niệm thời mới lớn ở Banmêthuột, hiếm khi tôi được đọc những bài thơ tương tự nhắc đến nhiều những địa chỉ ở xứ Bụi Mù Trời như bài thơ của nhà thơ VI-THỂ. Thật là quý!
Tôi cũng phải ngã mũ khâm phục cho cái tình học trò của Ông! Sao mà hai người bạo dạn thế!
Thuở mười bảy mười tám tuổi khi còn ngồi trên ghế nhà trường, quả tình một cái chạm tay với người bạn gái cũng làm tim tôi nhảy măm-bô.
Ước gì bạn SONG KIM giới thiệu bạn VI-THỂ gia nhập vào sinh hoạt chung trên Trang Thơ mà đa số là những người con xuất thân từ vùng đất đỏ với những chùm hoa cà phê đẫm hương thơm bát ngát nhỉ.
Cám ơn SK đã chia sẻ những vần thơ rất nồng nàn đầy ắp kỷ niệm Người Xưa và Ban Mê của anh Vi Thể, một trong những tài danh trung học BMT.
Những người còn ở lại hay đã đi xa vạn dặm nhớ không thể nào quên màu bụi đỏ cao nguyên mà ngày xưa hay ngày nay đều bám chặt lên vạn vật. Không thể nào quên những cơn gió lồng lộng thổi vào những ngày cuối kéo dài qua đầu năm dương lịch. Từ từng cành cây ngọn cỏ uốn cong ngã rạp tới biết bao tà áo xanh cuống quít trên đường tới trường...bao nhiêu thứ cứ quyện vào và làm thành dấu ấn sâu đậm trong lòng những người ít nhiều liên quan tới Ban Mê.
Cũng rất mới , SM xin giới thiệu cùng các bạn những hình ảnh đời bình thường dung dị, những người xưa từ lâu cách xa, những nơi chốn lê chân một thời tuổi nhỏ qua DVD đặc biệt:
Ban Mê Thuột Ngày trở lại.
Các bạn thơ ơi,
Thế đấy, người và dòng thơ Banmêthuột lại chảy xuôi về nguồn cội với thác đại ngàn và suối reo....
Đọc bài thơ KỶ NIỆM SAO QUÊN của bạn thơ Vi Thể mà NT như được một lần nữa bước chân trở về cổng trường và phố núi xưa...
Tất cả bắt đầu bằng hai chữ "Ngày xưa... " như trong truyện cổ tích và sẽ mãi theo ngày tháng những chuyện xưa ấy được gợi nhớ, được yêu thương, được nâng niu trong trí nhớ.
Viên ngọc Ngày Xưa ấy càng chạm tay trong cõi nhớ, càng trở thành lung linh như huyền thoại dẫu tất cả là sự thật đã xảy ra...
Tên những con đường Thống Nhất,Quang Trung là sự thật đấy chứ, tên những ngõ ngách hẹn hò Cốc Lâm Tuyền, Quán Chi Cao.. cũng là sự thật và hai cô cậu học trò ngày xưa ấy đã là hai nhân vật trong muôn ngàn cô cậu học trò thuở xưa
Tại sao mình lại thường tìm về kỷ niệm tuổi học trò... phải chăng nó là chiếc nôi êm dịu trong cuộc đời quanh quẩn và mệt mỏi với cơm áo hàng ngày, phải chăng nó là những hình ảnh hiện rõ ra một thời thần tiên nhất của một đời người... chắc hẳn thế thôi...
.. Để NT đọc hết bài thơ một lần, đọc đi đọc lại và cuối cùng dừng lại "ngắm" câu thơ " Bây giờ nhớ quá đi thôi..." đấy bạn thơ Vi Thể ạ !
Post a Comment