Thursday, January 30, 2014

CHÚC MỪNG XUÂN GIÁP NGỌ


37 comments:

Suong Mai said...

Đàn ngựa đang phi nước đại còn Trang chủ phi nước kiệu...
THÂN CHÚC CÁC BẠN CÙNG GIA ĐÌNH MỘT CUỘC SỐNG AN LÀNH, THÊM NHIỀU NIỀM VUI MỚI,THÊM CẢ TÀI LỘC QUA MẶT LUÔN NĂM CŨ...
SM

quehuong said...

THÂN CHÚC QUÝ BẠN VA GIA QUYẾN MỘT NĂM MỚI NHIỀU SỨC KHỎE, BÌNH AN VÀ HẠNH PHÚC.
QUÊ-HƯƠNG

Phạm Như Thương Bmt said...

Lại một mùa Xuân mới đang đến, NT nhìn tấm thiệp Xuân của Trang chủ vẽ vời mà thấy mình cũng muốn "tung vó ngựa" như bầy ngựa trong tranh !
... Để cảm thấy mình trẻ lại với cái sức bật một thời thanh xuân...
... Để cùng sống hòa nhịp với thiên nhiên biển trời mênh mông...
... Để nghĩ rằng mình... chưa già vì hãy "... đường còn xa... còn bao nhiêu chuyện vui, chuyện sẽ làm..." (chuyện không vui thì vất lại sau lưng rồi !!!)

Vậy thì lời chúc Năm Mới của NT. xin gởi đến tất cả các bạn thơ và gia đình một Năm Mới thật vui, thật trẻ trung, thật bình an, thật hạnh phúc và đầm ấm bên người thân, bạn bè

vivu said...

KÍNH CHÚC QUÍ ANH CHỊ VÀ GIA QUYẾN MỘT MÙA XUÂN AN KHANG THỊNH VƯỢNG .

Vivu

-----------------------------
Cứ 60 năm thì Giáp Ngọ trở lại một lần ,lần trước là 1954 .
cũng may là mỗi chu kỳ là khác biệt với nhau ! Mỗi năm đều có điều mới lạ , năm nay thì không thấy ồn ào chuyện Tận Thế nữa ...
Hy vọng : Năm mới sáng sủa hơn !

songkim said...

sk mến chúc quý bạn trong làng Trang Thơ năm Giáp Ngọ:
MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG
Thành công trong công việc giữ gìn sức khỏe và trẻ mãi không gìa
Thành công trong công việc làm ăn, trồng trọt, buôn bán
Thành công trong mọi dự tính và luôn được BÌNH AN + HẠNH PHÚC

Suong Mai said...

CHÚC MỪNG NĂM MỚI (2014)

Xuân về, Tết đến VIỄN KHÁCH thân chúc các bạn
Trang Thơ, năm mới

VẠN SỰ NHƯ Ý
TẤN TÀI - TẤN LỘC - TẤN BÌNH AN

VIỄN KHÁCH

TH said...

Chuc các bạn trong Trang Thơ một năm mới như ý, nhiều sức khỏe & gặp nhiều may mắn!

TH said...

Happy New Year!
Năm Giáp Ngọ bắt đầu (theo giờ địa phương nơi tôi ở)

TH

Suong Mai said...

Chuyển dùm HP và NS

Mừng xuân Giáp Ngọ ngựa phi
Đón mừng năm mới tứ thi đậm đà
Ai về ăn Tết quê nhà
Gửi người xa xứ bài ca xuân về !
Hồng Phượng và Ngàn Sau

Mời các bạn cùng nghe,
XUÂN CA-Hợp ca Asia?.

sao... said...

Trước thềm năm mới, kính chúc quý bằng hữu trên Trang Thơ được dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng.

Nhân dịp đầu xuân, xin mạn phép được khai bút dăm câu vần điệu:

XUÂN TƯƠI

Tiếng bước ngoài sân chừng ái ngại
Vấp cánh mai vàng cũng bởi ai?
Luống cuống xiêm y màu sương lạnh
Vội vin tay ngọc một cành mai
Có con bướm trắng bay thơ thẩn
Mỏng manh cho tựa nhẹ bờ vai
Thẹn thùng má bỗng hây hây đỏ
Chút nắng xuân tươi rực hiên ngoài.

s@...

Phạm Như Thương Bmt said...

KHUYA ĐỢI GIAO THỪA

Pha trà đợi đón Giao Thừa
Nhớ nhà ... nhớ quá ngày xưa trở về
Trùng trùng xa biệt đất quê
Thèm nghe pháo nổ đam mê thưở nào
Tìm đâu nụ cúc cành đào
Mai vàng nhụy biếc dâng trao cho đời
Thả câu lục bát lên trời
Nhắn cây nêu gởi nghìn lời sắt son
Bên kia non nước, nước non
Rưng rưng nước mắt tưởng còn như xưa
Gỗ trầm hương khói về chưa
Còn ta đứng ngóng nắng mưa trông chờ
Đợi con đò của tuổi thơ
Áo quần xúng xính ước mơ ngọt ngào
Đợi hàng cau nhỏ vút cao
Tình ơi phu phụ ngõ rào ướm duyên
Đợi em môi má đào tiên
Ửng hồng rượu chuốc mắt viền yêu thương
Đợi nghe chim hót trong vườn
Bờ đê ngọn cỏ nắng vương cuối ngày
Hoàng hôn pha khói lam bay
Nghe như thôi đã mắt cay cạn dòng
… Có gì đâu phút mênh mông
Đêm Giao Thừa nỗi nhớ mong chạnh lòng

Như Thương
(Giao Thừa Xuân Giáp Ngọ 2014)

coxanh said...

KÍNH CHÚC CÁC BẠN VÀ GIA QUYẾN TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC , VẠN SỰ MAY MẮN TRONG SUỐT NĂM GIÁP NGỌ NÀY

Suong Mai said...

Hôm nay SM nhận được NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ từ chị TN -Florida chuyển sang, xin chia sẻ cùng các bạn.

NHỮNG MÓN QUÀ VÔ GIÁ!

Có những món quà bạn không cần phải mua nhưng lại vô cùng ý nghĩa và có giá trị lớn lao khi bạn trao tặng cho bạn bè, người thân và cho cả chính bạn...

Món quà của SỰ LẮNG NGHE.
Hãy thật sự lắng nghe, chia sẻ những nỗi đau, tâm sự vui buồn cùng người khác. Hãy lắng nghe không chỉ bằng đôi tai mà bằng tất cả tấm lòng.

Món quà của SỰ QUAN TÂM.

Hãy dành thời gian để quan tâm đến người thân, bạn bè đồng nghiệp, xem những vấn đề của họ như là của chính bạn. Hãy để mọi người cảm nhận tình cảm của bạn qua những hành động bạn thể hiện hàng ngày.

Món quà từ SỰ TRÌU MẾN:
Hãy thể hiện sự trìu mến với những người thân yêu bằng những lời nói ân cần và cử chỉ trìu mến, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu.

Món quà từ NHỮNG NỤ CƯỜI.
Nụ cười là một ngôn ngữ không lời nhưng có khả năng lan tỏa sức mạnh đến người khác nhanh nhất. Một nụ cười làm niềm vui nhân đôi, làm nỗi buồn trở nên nhẹ bỗng. Hãy trao tặng nụ cười cho tất cả những người xung quanh.

Món quà từ SỰ GIÚP ĐỠ:
Mỗi ngày hãy chủ động làm một vài điều tử tế, bạn sẽ thấy cuộc sống thật vui vẻ và nhẹ nhàng.
Món quà của NHỮNG LỜI KHEN TẶNG.
Những câu nói giản đơn nhưng chân thành như “Hôm nay trông bạn thật rạng rỡ!”, “ Bạn làm việc đó thật tốt”, hay “Bữa ăn hôm nay thật tuyệt vời!”… sẽ tạo thêm niềm vui và phấn chấn cho người khác.

Món quà của SỰ SÁNG TẠO.
Mỗi ngày hãy thực hiện một điều bất ngờ nho nhỏ cho bạn bè và gia đình. Chắc chắn bạn cũng sẽ nhận được những điều bất ngờ thú vị từ họ.

Món quà của SỰ TĨNH LẶNG.
Là những khoảnh khắc bạn thực sự chỉ muốn yên lặng một mình. Hãy trân trọng thời khắc quý báu này và trao món quà của sự tĩnh lặng cho người khác đúng lúc.

Món quà của SỰ TRI ÂN.
Những lời đơn giản nhất để bày tỏ lòng biết ơn đối với sự quan tâm, chia sẻ của người khác chính là “Chào bạn!” và “Cảm ơn” cùng nụ cười chân thành…

Món quà từ NHỮNG MẨU GIẤY VIẾT TAY:
Hãy viết ra từ những lời chân thật, dù rất ngắn, nó có sức mạnh phi thường đấy, dù nó là dòng chữ “cảm ơn bạn đã giúp đỡ tôi” hay “xin lỗi vì mình đã quá nóng với bạn”. Hay thậm chí một bài thơ hay một lời khuyên đẹp. Chính những điều nho nhỏ đó, có thể đi suốt cuộc đời ta.
Khi bạn trao tặng những món quà này cho bất kỳ ai cùng với một ánh mắt khích lệ chính là tấm chân tình của bạn, chắc chắn chúng sẽ trở thành những món quà vô giá, cho người nhận và cả cho người trao tặng!

(Cám ơn chị TN nhiều lắm )

Suong Mai said...

Cám ơn bạn HB đã bỏ nhiều công dành cho Trang Thơ những tấm hình hoa Mai Vàng 2014 rực rỡ cả mùa Xuân. Cám ơn các nghệ nhân đã cho phép thưởng ngoạn những tuyệt tác dày công sáng tạo và chăm sóc trong nhiều năm dài.Tưởng tượng như mình cũng đang rảo bước du Xuân trong đó, thật thú vị.

sao... said...

MẤY BUỔI SÁNG XUÂN

Tôi cứ nghĩ là phàm việc gì mới chớm thì hấp dẫn người ta hơn bởi khi đó ta tha hồ mường tượng sự việc theo ý mình. Giả như vừa chớm yêu, đóa hoa chớm nở hay khoảng thời gian chớm Tết...

Kể từ khi tôi có ý thức, cứ cho bắt đầu từ lúc cắp sách tới trường để học vỡ lòng đi, tính đến giờ đã hơn sáu mươi lần niềm háo hức trong những ngày chớm tết vẫn còn mới keng như lúc mới tập biết mặt chữ cái đến nay như chưa hề cũ đi bao giờ.
Đương nhiên là gần tết ai ai cũng bận rộn. Lo giải quyết cho xong những công việc còn tồn đọng trong năm cũ, lo dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp, mua thức ăn dự trữ, bánh mứt và các thứ linh tinh khác để chuẩn bị đón mừng năm mới...Món tiền thưởng cuối năm cho phép người ta xài sang một chút. Không khí những ngày nầy thật nhộn nhịp rộn ràng và đầy niềm vui, lan tỏa trên gương mặt và cử chỉ tất cả mọi người chung quanh. Tôi thì lại kẹt chút chuyện nên quả tình không có cả thời gian cần thiết cho chuyện ăn ngủ hàng ngày nên những ngày chớm tết thì niềm háo hức chờ đón Nàng Xuân cũng quên biết tôi luôn!

Sáng ba mươi thì đường phố đã thưa thớt hẳn do hầu hết mọi người đã về quê sum họp gia đình trong những ngày đầu xuân. Tranh thủ chút thời gian trống ít ỏi sau một đêm gần như thức trắng, tôi đến quán cà phê vỉa hè quen thuộc kiếm tách cà phê nóng đầu ngày cho tỉnh táo. Mặt trời đã ló dạng phía đàng đông leo qua khỏi ngọn hàng cây phía xa xa. Nhưng tiết trời năm nay ở đây dường như lạnh hơn nhiều, màn sương mai vẫn còn mù mịt khói bay nên ông mặt trời chỉ như cái lòng đỏ trứng vịt muối (điều nầy hiếm thấy trong buổi bình minh mà thường chỉ có vào lúc hoàng hôn đã sậm màu) nên nhìn rất thú vị, nhưng không có thời gian thong thả để chiêm ngưỡng cho thỏa vì vẫn phải hoàn tất công việc còn lại một cách khẩn trương. Tôi đã quên hẳn cái thú vui đi chọn cho mình hai chậu cúc vàng mang về đặt hai bên cửa đón xuân, kế thừa từ Ba tôi như một cách tưởng niệm đơn sơ về sở thích của người trong những ngày đầu xuân.

Chiều ba mươi tết với những nỗ lực cuối cùng thì cũng hoàn tất được sản phẩm mà tôi ấp ủ bấy lâu nay. Nhưng than ôi! Chợ đời đã vãn...
Tôi dong xe ra đường để nhìn ngắm những tàn phai năm cũ còn rơi rớt lại. Ngang qua những chỗ bán hoa thấy còn lại cũng khá nhiều, nhưng phần lớn không được đẹp lắm nên khách hàng không chọn cũng phải. Những tay lái buôn giàu kinh nghiệm hẳn đã xử lý chúng từ chiều, chỉ còn lại bên vệ đường những khuôn mặt héo hon đen sạm dãi dầu mưa nắng của những nông dân tập tành buôn bán vì không muốn công sức của mình bị người khác chiếm đoạt một cách dễ dàng, ngồi chờ nhặt nhạnh những vận may nhỏ bé từ những người lao động có cùng số phận như họ đợi tới tối ba mươi đi mua rẻ những chậu hoa bị dạt để có cái mà vui mấy ngày xuân với thiên hạ. Họ ngồi đó giương đôi mắt vời vợi ngóng chờ những khuôn mặt no đủ thản nhiên phớt ngang qua mà rát ruột vì biết mấy đứa nhỏ đang trông ngóng mình từng phút ở nhà. Nhưng anh ơi! Cái gì cũng có cái giá của nó! Tôi chắc là thâm tâm anh đang nghĩ: Thôi! Năm tới chả thèm, cứ mặc cho bọn lái buôn xử sao thì xử cho khỏe!

sao... said...

Đêm ba mươi đường phố vắng tanh, chỉ còn tôi và đám lá vàng vừa rơi xuống bị những cơn gió lạnh cuối năm cuốn đi lông lốc. Tôi chợt nhớ tới câu hát mà cười một mình: “Anh đến thăm em đêm ba mươi, còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi...(vui cái khỉ gì đâu, sao tôi không thấy?) Anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em...(nàng nào tin vào cái bằng chứng đó thì thiệt là dại dột! Yêu chi một anh chàng nghèo kiết xác, chỉ có chiếc lá vàng làm bằng chứng mà còn phải đi xin xỏ mới có nữa đấy!).

Con tuấn mã của tôi như được sổ chuồng, mặc sức bay lượn trên đường phố thênh thang như để bù lại cả năm dài bị gò bó trên mặt đường lúc nào cũng đông ken người xe.
Đi chán cũng phải về thôi. Rồi giao thừa cũng lặng lẽ trôi qua trong khói nhang trầm mặc cùng những lời khấn vái cầu xin một năm mới tốt lành theo phong tục của người Á Đông.

Sáng mùng một tết thì những con đường của Sàigòn-Chợ Lớn vắng ngắt thật sự, tịnh không một bóng người qua lại trừ mấy ông già ngồi lặng lẽ nhâm nhi ly “cà phê ghiền” không bỏ được ở những quán cóc vỉa hè. Chắc cũng như tôi thôi, năm mới chẳng thể làm lay động những tâm hồn già cỗi mỏi mệt vì thời gian. Tôi ra đường không phải để xuất hành hướng tốt lấy hên hay thưởng xuân chi cả mà cần phải đi thôi. Lại chúi đầu vào công việc vì một yêu cầu từ đêm ba mươi. Tôi lại không biết ngày đầu một năm đã trôi qua ngoài ngõ thế nào? Mây trắng có rủ nhau bay về hân hoan? Đàn én có chao liệng chào đón mùa xuân? Gió xuân có mơn man những đôi má hồng những thiếu nữ thanh xuân hồn đang thơm ngát?

Đã quá nửa đêm ngày mùng một mà việc vẫn chưa xong. Thôi cứ gác lại đó mai “về quê” thắp nhang cho Ông Bà Cha Mẹ cái đã. Quê ở đây không phải là quê nhà mà là nhà quê. Cuộc sống trôi nổi không cho phép tôi có thể nhang khói cho song thân hàng ngày nên đành phải giao phó cho cô em ở nhà quê lo liệu. Chí ít thì bổn phận con trai ngày đầu năm và đám giỗ tôi cũng phải về mà thắp lên nén nhang tưởng nhớ chớ!

Mất tới ba tiếng đồng hồ chạy xe nên phải đi cho sớm. Trời vẫn lạnh căm với những ngọn gió xuân thổi về se sắt. Quang cảnh chung quanh vẫn mờ ảo trong màn sương sớm như Đà Lạt, khói sóng bốc lên từ mặt sông đầy như trộn lẫn với những hạt sương mai cho trở thành một thể đồng nhất trên sông Sàigòn.

sao... said...

Đến phà Cát Lái thì trời đã sáng hẳn với những tia nắng chiếu rọi qua rìa cánh mây thật đẹp! Muốn chụp tấm hình nhưng người xe trên phà đông quá nên không thể. Lúc nầy những ngọn gió xuân thổi tới chỉ đủ sức mơn man làn nước khe khẽ nên không có dịp nhìn thấy những giọt nắng chấp chới trên sông. Theo tôi, cảnh vật chung quanh trong sáng vui vẻ hay xám tối u buồn là đều do tâm thức của người cảm nhận. Với riêng tôi bây giờ thì chúng lướt qua một cách nhạt nhòa, không vui mà cũng chẳng buồn. Dấu hiệu của tuổi già mệt mỏi chăng?

Rừng cao su kéo dài ngút mắt hai bên vệ đường đã trở nên thưa thớt vì đang mùa thay lá. Những chiếc lá non màu đo đỏ chẳng mang lại chút ý niệm nào về nhành lộc biếc mùa xuân. Một nét chấm phá thú vị làm tôi nhớ lại khoảng đời trẻ thơ. Một chú bé con xúng xính trong bộ quần áo mới đang lom khom bên vệ đường rình bắt những con cào cào dành cho chú chim nhỏ thân yêu của mình. Tết thì tết với bao nhiêu điều hấp dẫn nhưng anh bạn chú vẫn phải ăn chứ! Trẻ con bây giờ thông minh hơn tôi ngày xưa nhiều, chúng biết lấy bao nylon cuộn miệng lại để tạo thành một cái vợt mini để chụp những chú cào cào dễ dàng hơn là bắt bằng hai ngón tay. Tiếc cho những chú bé trai chưa từng có dịp trải qua cái thú chơi nầy.

Tập quán truyền thống của người Việt Nam trong mấy ngày đầu xuân vẫn được lập lại với hai chậu cúc hoặc vạn thọ vàng tươi đặt hai bên cửa như để khuyến dụ nàng xuân ghé lại nhà, nó làm sáng hẳn ngôi nhà trong nắng xuân tươi.
Cây mai vàng vốn phù hợp với phong thổ và thời tiết ấm áp ngày xuân của miền đất phương nam. Nhưng năm nay, tiết xuân không còn trong sáng như xưa nữa mà đột nhiên trở lạnh khiến những nụ hoa hình như bị “nín” lại. Ngang qua sân nhà ai suốt dọc đường đi hầu như chỉ có những cây mai giương cành khẳng khiu với vài cái hoa vàng nhỏ xíu rụt rè góp vui với thiên hạ. Niềm háo hức ngày xuân đã bị hụt hẫng một mảng lớn. Những vườn điều chừng như cố tỏa cho bằng hết cái hương thơm nồng nàn của mình để bù lại phần nào chút màu sắc nhạt phai của những cây mai. Đi dưới tán những cây điều cổ thụ ngát hương, bóng nắng xuyên qua cành lá nhảy nhót trên vai như cố nhảy một điệu pasodope sôi động giúp lôi kéo tôi trở lại nhịp điệu tưng bừng của ngày xuân.

sao... said...

Theo lời yêu cầu của các người bạn phương xa còn nặng lòng với quê hương, sáng mùng 3 tôi lò dò tới Vườn Ông Thượng để tập tành làm nhiếp ảnh gia cố mà chớp cho được vài cái hoa mai của Hội Hoa Xuân tết Giáp Ngọ để gởi tặng người xa.

Cũng tuân theo lời dặn là nên có mặt ở đó khoảng 8:30 sáng thì còn ít người đi tham quan và đã có nắng lên rồi cho dễ chụp, tuy tôi thừa biết tiết trời năm nay vào thời khắc đó thì còn mù mờ lắm. Đúng y như rằng, lúc chạy xe ra đường tới đó thì trời còn âm u và khá lạnh. Gởi xe rồi và mua vé vào cửa, quả thật người còn thưa thớt lắm bởi chẳng ai dại gì đi chơi khi trời chưa đủ ấm. Lần tới khu vực trưng bày các chậu mai bonsai tham dự triển lãm thì thiệt tình là các nghệ nhân quả có tay nghề cao nên đã chọn đúng thời điểm cho mai trổ bông đúng dịp. Đẹp lắm!

Nhưng ông trời cứ âm u mãi, không chịu hé một chút nắng nào nên khu vực trưng bày giống như nằm lọt dưới tán lá cây trong rừng sâu thì làm sao mà chụp hình? Đứng vẩn vơ chờ nắng hút tàn mấy điếu thuốc nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan hơn.

Càng ngày thì khách kéo tới càng đông, nhưng trời vẫn chưa chịu có nắng. Tôi chớp đại vài “pô” nhưng khi xem lại thì coi mòi không xong. Nếu để flash thì hình không ra gì.

Phụ nữ già trẻ sao mà đẹp đến thế trong mấy ngày tết! Đương nhiên là họ đã trang điểm kỹ hơn, chọn quần áo đẹp hơn đi đến đây để chụp hình kỷ niệm một-thời-son-sắt(?). Nhìn vẩn vơ một hồi tôi lại quên mất nhiệm vụ chính của mình mà cứ chăm chú vào đám hoa di động đang lượn lờ ngang qua. Nói phải tội chớ mấy khi có dịp được nhìn gần nhiều phụ nữ đẹp đến thế! Không nhìn thì…phí của giời! Có một “đấng phụ nữ” chắc cũng tầm U.50 cứ láng cháng gần chỗ tôi đứng đỏng đảnh đạo diễn để đứa con chụp hình cho mình, giọng nói cứ như một cô thiếu nữ đôi mươi đang làm dáng (tôi hồ nghi là nàng đang single quá, chắc là muốn bắn đi tín hiệu chi đây cho anh chàng chỉ đứng có một mình. Nhưng “qua” đang làm nhiệm vụ, không có hứng thú em ơi!)

Mà ông trời sáng nay cũng chơi khăm cứ không chịu nắng. Thôi đành phải cuốn gói hẹn ngày mai trở lại coi tình hình có khả quan hơn không? Mặt khác, tôi cũng muốn “bảo quản” cái mỏ mình trong mấy ngày xuân, không muốn bị cảnh “cái miệng ăn trầu, cái đầu xỉa thuốc”, chớ cứ đứng đó mà nhìn vợ con bồ bịch người ta một hồi thì đố khỏi tai họa không rơi xuống đầu mình.

sao... said...

Sáng mùng 4 tết, rút kinh nghiệm tôi đi trễ hơn để chờ nắng. Tới nơi khoảng 9:00. Bữa nay thì ông trời lại “chơi” tôi lần nữa. Trời trong xanh từ sáng sớm, nắng xuân đã tràn ngập trên đầu cây ngọn cỏ làm không khí ấm áp hẳn lên. Lũ chim chóc và ong bướm đã trổi giọng tưng bừng bay lượn khi tôi tới đó. Và cũng hỡi ơi luôn khi khách tham quan đã ùn ùn kéo tới đầy kín khắp các lối đi. Trời sinh chi những người nữ phô diễn hết cái đẹp hình thể để tâm trí tôi phải khốn đốn thế nầy? Người đông vầy thế nầy thì làm sao có khoảng trống để chụp hình đây trời? Cứ đang nâng máy lên săm soi vật mẫu để chọn góc độ và ánh sáng thì thấy trong màn hình một cái đầu tổ chảng xuất hiện. Những mái đầu xanh thì coi như tuổi trẻ họ vô tình đi, nhưng thi thoảng vẫn xuất hiện những mái tóc bạc để dài theo kiểu các nhà làm văn hóa ở đây hay rập khuôn làm tôi khựng lại rồi tự hỏi: “Thế cái dân tộc bốn ngàn năm văn hiến sáng nay đã biến đi đâu mất rồi để tôi cứ phải bắt gặp nhiều người mất lịch sự đến thế?”.

Các gốc mai bonsai trưng bày được một vòng dây nylon trắng rào chắn tách biệt kèm theo tấm bảng “Không sờ vào hiện vật”, nhưng các nàng cứ leo qua để “tay vin cành lộc biếc” mà chụp hình, hết người nầy tới người kia nối tiếp nhau như trong một phòng chờ của bác sĩ khám bệnh. Đợi mãi không được đành chán nản lảng đi chỗ khác.

Khu vực Hoa Sứ quả thật là muôn hồng nghìn tía với nhiều giống lạ tôi chưa từng được thấy bao giờ. Nhưng thôi, đó không phải là nhiệm vụ của tôi hôm nay bèn lần ra phía cổng vào. Một ban nhạc với các nhạc cụ dân tộc đang giúp vui bằng những làn điệu dân ca quen thuộc. Một phụ nữ tầm ngoài ba mươi bước lên cây đàn t’rưng đôi của tây nguyên chơi bản nhạc Sài gòn đẹp lắm! Sài gòn ơi...Sài gòn ơi...của nhạc sĩ Y Vân với sự phụ họa của ban nhạc rất sôi động làm không gian ngày xuân rộn rã hẳn lên.

Trở lại khu vực hoa mai coi có thu hoạch thêm được gì không? Lúc nầy tuổi già đã thấm mệt nên lòng hơi chùng xuống. Nhìn những cánh mai vàng mỏng manh rơi dưới gốc, cánh cúc vàng rực rỡ trong nắng đã bắt đầu nhợt nhạt, hồ như trong tâm hồn tôi đã nghe được câu giã biệt thì thầm buồn bã trên bến chia ly: Xuân phai...

HÙNG BI
Xuân Giáp Ngọ 2014

quehuong said...

Vài suy nghĩ về câu Mã Đáo Thành Công

Quê-Hương

( Có kèm theo 3 tấm ảnh về Bát Tuấn Đồ và tượng Cửu Mã. Nhờ Trang Chủ post lên cho Các Bạn cùng xem).

Tranh vẽ tám ngựa là bắt nguồn từ điển tích “Bát tuấn đồ” kể về tám con ngựa của Mục Vương bên Trung Quốc, là vị vua thứ năm của nhà Chu.


Bát tuấn đồ (Bạch Cư Dị - 白居易,)
八駿圖 Bát tuấn đồ Bức tranh tám con ngựa đẹp (Người dịch: Ngô Văn Phú)

穆王八駿天馬駒,
後人愛之寫為圖。
背如龍兮頸如象,
骨聳筋高脂肉壯。
日行萬里疾如飛,
穆王獨乘何所之?
四荒八極蹋欲遍,
三十二蹄無歇時。
屬車軸折趁不及,
黃屋草生棄若遺。
瑤池西赴王母宴,
七廟經年不親薦。
壁臺南與盛姬遊,
明堂不復朝諸侯。
白雲黃竹歌聲動,
一人荒樂萬人愁。
周從后稷至文武,
積德累功世勤苦。
豈知纔及四代孫,
心輕王業如灰土。
由來尤物不在大,
能蕩君心則為害。
文帝卻之不肯乘,
千里馬去漢道興。
穆王得之不為戒,
八駿駒來周室壞。
至今此物尚稱珍,
不知房星之精下為怪,
八駿圖君莫愛。 Mục Vương bát tuấn thiên mã câu,
Hậu nhân ái chi tả vi đồ.
Bối như long hề cảnh như tượng,
Cốt tủng cân cao chỉ nhục tráng.
Nhật hành vạn lý tật như phi,
Mục Vương độc thừa hà sở chi?
Tứ hoang bát cực tháp dục biến,
Tam thập nhị đề vô yết thì.
Thuộc xa trục chiết sấn bất cập,
Hoàng ốc thảo sinh khí nhược di.
Dao Trì tây phó Vương Mẫu yến,
Thất miếu kinh niên bất thân tiến.
Bích Đài nam dữ thịnh cơ du,
Minh đường bất phục triều chư hầu.
Bạch vân hoàng trúc ca thanh động,
Nhất nhân hoang lạc vạn nhân sầu.
Chu tòng Hậu Tắc chí Văn, Vũ,
Tích đức luỹ công thế cần khổ.
Khởi tri tài cập tứ đại tôn,
Tâm khinh vương nghiệp như hôi thổ.
Do lai vưu vật bất tại đại,
Năng đãng quân tâm tắc vi hại.
Văn đế khước chi bất khẳng thừa,
Thiên lý mã khứ Hán đạo hưng.
Mục Vương đắc chi bất vi giới,
Bát tuấn câu lai chu thất hoại.
Chí kim thử vật thượng xưng trân,
Bất tri phòng tinh chi tinh hạ vi quái,
Bát tuấn đồ quân mạc ái. Đời Mục Vương, tám con ngựa đẹp,
Người đời sau, chuộng vẽ nên tranh.
Lưng như rồng chừ cổ như voi ,
Xương vững, gân bền, cơ bắp khoẻ.
Như bay, ngày đi ngàn dặm nhanh,
Mục Vương hay cưỡi, rong chơi đủ.
Góc biển, chân trời đi khắp cả,
Băm hai vó ngựa ruổi rong hoài.
Có phen, trục gãy, không đi nữa!
Nhà vàng cỏ mọc bỏ đầy nơi.
Dao Trì dự yến Tây Vương Mẫu,
Bảy miếu dâng lễ, nhiều năm thiếu.
Vợ đẹp Bích Đài nam dập dìu,
Bỏ mặc chư hầu xin đến chầu.
Mây trắng, trúc vàng, ca hát rộn,
Một kẻ ham chơi, muôn kẻ sầu.
Chu từ Hậu Tắc đến Văn, Võ,
Tích đức, công nhiều bao cần khổ.
Biết đâu đứa cháu, đời thứ năm,
Vương nghiệp như đất, bùn coi nhẹ.
Vì chưng trước vật lạ còn ham,
Xui khiến lòng vua thành báo hại.
Văn Đế không nhận đã từ chối,
Ngựa đẹp bỏ đi, đạo Hán hưng.
Mục Vương được ngựa, tham chẳng đừng,
Tám ngựa đẹp đến, nhà Chu mất.
Đời nay vẫn cho là quý nhất,
Biết đâu vật báu trong nhà, yêu quái sinh.
Tám con ngựa hay, đừng có thích.
Tấm tranh Bát Tuấn Đồ:



“Bát tuấn” (tám con ngựa) có tên Xích Ký, Đạo Ly, Bạch Mã, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lư và Duyên Nhĩ. Tương truyền, cỗ xe tám ngựa của Mục Vương đã chở nhà vua rong ruổi khắp đất nước để xem xét dân tình thế thái.

Chu Mục Vương được hậu thế tôn vinh là minh quân bởi ông đã có công giúp cho nhà Chu hưng thịnh trở lại. Hình ảnh tám ngựa có lẽ trở nên nổi tiếng cũng một phần nhờ điển tích lịch sử ấy.

quehuong said...

...Chúng ta đang xữ dụng thành ngữ HÁN-VIỆT:
Thành ngữ Hán Việt
Thành ngữ Hán Việt dùng để chỉ những kết cấu ngôn ngữ rất ổn định, phổ thông, cô đọng về mặt ngữ nghĩa thịnh hành trong tiếng Trung Quốc, được du nhập vào Việt Nam và sử dụng rộng rãi từ xưa đến nay.
Thành ngữ Hán Việt rất đa dạng nhưng thường gồm 4 chữ, 5 chữ hoặc 8 chữ, trong đó tỷ lệ các thành ngữ 4 chữ chiếm số lượng lớn đến 75-80%.
Kết cấu thành ngữ thường theo dạng biền ngẫu, đăng đối dễ dàng nhận thấy trong các thành ngữ 4 chữ, hoặc 8 chữ ví dụ:
• Công thành danh toại - Công thành <> Danh toại
• Đại sự hóa tiểu, tiểu sự hóa vô - Đại sự <> Tiểu sự
Còn dạng 5 chữ thì hai chữ Hán đầu và hai chữ Hán cuối là hai vế đối xứng qua một chữ ở giữa, ví dụ:
• Đại ngư cật tiểu ngư - Đại ngư < cật > Tiểu ngư
Rất nhiều thành ngữ sử dụng các điển cố văn học, là các tích truyện xưa có giá trị giáo dục và ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Chẳng hạn:
• Lục lâm hảo hán: chỉ người anh hùng trong dân gian, hoặc bọn cướp trộm tụ tập thành bầy. Theo truyện xưa thời Vương Mãng, những kẻ nổi dậy chống lại triều đình tụ họp nhau ở núi Lục Lâm.
• Bạt miêu trợ trưởng: nhấc mạ lên giúp lúa mau lớn, chỉ sự nóng vội làm hỏng việc. Chuyện xưa ở nước Tống có người thấy lúa quá chậm lớn, bèn lấy tay nhấc cho mạ cao lên hơn. Về nhà khoe rằng hôm nay đã giúp cho thân mạ lớn lên. Đứa con nghe vậy, chạy ra ruộng xem thì mạ đã khô héo cả.
• Ma chử thành châm: mài chầy nên kim, mài sắt nên kim. Theo truyện xưa, Lý Bạch hồi nhỏ rất lười học, ham chơi. Một buổi đi chơi thấy một bà lão suốt ngày ngồi cặm cụi cầm chiếc chày sắt mài đi mài lại. Lý hỏi làm thế để làm gì, bà lão trả lời rằng, mài cho thành chiếc kim khâu. Nhân đó, Lý Bạch tỉnh ngộ và chăm chỉ học hành, về sau trở thành nhà thơ lớn của Trung Quốc cổ đại.
Ứng dụng trong tiếng Việt
Hàng nghìn thành ngữ Hán Việt được sử dụng trong tiếng Việt từ xưa tới nay, không chỉ bởi những người "thích nói chữ" mà rất phổ biến trong đời sống thường nhật, do sự cô đọng về mặt ngữ nghĩa khiến các thành ngữ đó có giá trị ứng dụng rất lớn. Trong thực tế ứng dụng thành ngữ Hán Việt của tiếng Việt hiện đại người ta thường gặp các dạng sau:
Sử dụng nguyên gốc
Thành ngữ Hán Việt thường được sử dụng nguyên bản từ gốc Hán nếu đó là thành ngữ có những từ Hán Việt tương đối dễ hiểu, phổ thông với đa số, chẳng hạn:
• Tâm đầu ý hợp
• Bách chiến bách thắng
• Chiêu hiền đãi sĩ
• Vạn sự khởi đầu nan
• Trường sinh bất lão
• Vô danh tiểu tốt
• Tứ hải giai huynh đệ
• Tham quyền cố vị
Sử dụng như thành ngữ thuần Việt
Cũng không hiếm khi thành ngữ Hán Việt được dịch nghĩa để trở thành thành ngữ Việt, hoặc thành ngữ Hán Việt ngẫu nhiên trùng nghĩa với một thành ngữ do người Việt sáng tạo. Trường hợp chuyển hóa thành ngữ Hán Việt thành thành ngữ thuần Việt thường gặp đối với những thành ngữ sử dụng thường xuyên trong tiếng Việt, nhưng nếu để nguyên gốc sẽ rất khó hiểu, trúc trắc về mặt ngôn từ, chẳng hạn:
• Cung kính bất như tòng mệnh (thành ngữ Hán) - Cung kính không bằng tuân lệnh (thành ngữ Việt)
• Nhất khái chi luận (thành ngữ Hán) - Nhìn chung mà nói (thành ngữ Việt)
• Tỉnh đế chi oa (thành ngữ Hán) - Ếch ngồi đáy giếng (thành ngữ Việt)
• Tụ tinh hội thần (thành ngữ Hán) - Tập trung tinh thần (thành ngữ Việt)

quehuong said...

...• Thủy trung lao nguyệt (thành ngữ Hán) - Mò trăng đáy nước (thành ngữ Việt)
• Tri kỉ tri bỉ (thành ngữ Hán) - Biết mình biết người (thành ngữ Việt)
• Đại ngư cật tiểu ngư (thành ngữ Hán Việt) - Cá lớn nuốt cá bé (dịch nghĩa)
Sử dụng thành ngữ phổ biến hơn
Một số thành ngữ Hán Việt được sử dụng trong tiếng Việt nhưng ít phổ biến hơn một số thành ngữ Hán Việt khác có ý nghĩa tương đương, chẳng hạn:
• Vạn cổ lưu phương (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Vạn cổ lưu danh (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
• Nhập tình nhập lý (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Hợp tình hợp lý (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
• Tác uy tác phúc (thành ngữ Hán Việt ít sử dụng) - Tác oai tác quái (thành ngữ Hán Việt sử dụng thường xuyên hơn)
Thay đổi chữ và vị trí chữ
Khi được chuyển hóa thành thành ngữ Hán Việt, nhiều thành ngữ gốc Hán đã có sự chuyển hóa vị trí một số chữ Hán hoặc thay một chữ Hán khác cho phù hợp với tiếng Việt hơn, chẳng hạn:
• Xà khẩu phật tâm (thành ngữ Hán) - Khẩu xà tâm phật (thành ngữ Hán Việt)
• Cửu tử nhất sinh (thành ngữ Hán) - Thập tử nhất sinh (thành ngữ Hán Việt)
• An phận thủ kỹ (thành ngữ Hán) - An phận thủ thường (thành ngữ Hán Việt)
• Nhất lộ bình an (thành ngữ Hán) - Thượng lộ bình an (thành ngữ Hán Việt)
• Mã đáo công thành (thành ngữ Hán) - Mã đáo thành công (thành ngữ Hán Việt)
Nôm hóa một số chữ
Một số thành ngữ Hán Việt được thay đổi một vài chữ Nôm có nghĩa tương đương, ví dụ:
• Dĩ độc trị độc (thành ngữ Hán Việt nguyên bản) - Lấy độc trị độc (thành ngữ Hán Việt đã thay đổi chữ)
• Văn dĩ tải đạo (thành ngữ Hán Việt nguyên bản) - Văn để tải đạo (thành ngữ Hán Việt đã thay đổi chữ)
Sử dụng vắn tắt
Nhiều thành ngữ Hán chuyển sang tiếng Việt đã được vắn tắt hóa, tinh giản hóa thành các cụm từ ngắn gọn hơn, chẳng hạn:
• Thương hải biến vi tang điền (bãi bể thành ruộng dâu, nói về sự thay đổi của thế sự) - Dâu bể (giản hóa)
• Tự tương mâu thuẫn (xung khắc với nhau, như cái mâu/giáo đâm gì cũng thủng lại đâm vào cái thuẫn/khiên không gì đâm thủng được) - Mâu thuẫn (giản hóa)
• Xảo ngôn như lưu (nói năng khéo léo trôi trảy như rót vào tai) - Xảo ngôn hoặc Nói khéo (giản hóa)

Ngày nay thông thường chúng ta thấy báo chí thường dùng câu: Mã đáo thành công chúc tụng nhau vào dịp khai trương..năm nay Tết Âm Lịch năm Giáp Ngọ, Bà Con lại dùng câu thành ngữ Mã Đáo Thành Công hơi nhiều, tuy nhiên có nhiều giải thích mà theo theo tôi chỉ có tính thương mại.

Rồi từ bài thơ Bát Tuấn Đồ, người Tàu diễn ra là Mã Đáo Công Thành. Rồi người Việt ta chuyển đổi thành Mã Đáo Thành Công.

Thật ra nguyên nhân không từ câu Mã Đáo Công Thành mà ra.


Theo Hán Việt tự điển của Trần Trọng San:

Chữ CÔNG (GONG) = SỰ NGHIỆP. BỘ LỰC. Trang 48
Chữ THÀNH (CHENG) XONG, LÀM XONG. BỘ QUA . Trang 181

Thành ngữ Trung Hoa: Kỳ Khai Đắc Thắc – Mã Đáo Công Thành – 旗 開 得 勝 馬 到功成

Theo truyền thuyết trong lịch sử: Năm 1789, sau khi đánh tan quân Thanh, vua Quang Trung đưa quân vào thành, mùng 5 tết mừng xuân. Để báo tin thắng trận, vua đã cho người mang một cành đào, cưỡi ngựa truyền qua các trạm ngày đêm chuyển cành đào về cho công chúa Ngọc Hân. Đó cũng là MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG.

Theo như thành ngữ này thì truyền thuyết của Vua Quang Trung mang hoa đào về báo tin thắng trận là một truyền thuyết đáng ca tụng và làm biểu tượng cho việc BÁO TIN SAU KHI THẮNG TRẬN.

quehuong said...

...Bát Tuấn MÃ hay Cửu Tuấn MÃ:

Đây là một câu hỏi, mà QH bí, không trả lời được. Nội việc như sau: QH có một người Bạn Trung Hoa (Tàu), tặng cho một tượng cửu mã, năm nay là năm con ngựa, đem ra đánh bóng rồi chưng trong nhà cho vui, hồi khi tặng tượng này “thằng Tàu” chỉ nói tại sao là BÁT mã , CỬU là 9, Chín con ngựa thì phải hơn tám con ngựa chứ. QH không tìm đâu ra lời giải thích cho hợp với tượng Cửu Mã này. Chỉ biết có một người hiện đang làm tổng thống xứ Đài có tên là Mã Anh Cửu.





Chúc các Bạn một năm Giáp Ngọ : Ngựa về báo tin thắng trận .

Quê-Hương

sao... said...

Thấy có tài liệu nầy trên mạng, cũng na ná với tài liệu của bạn QUÊ HƯƠNG. Mời các bạn đọc để biết thêm:

TIẾT LỘ VỀ 8 CON NGỰA TRONG BỨC TRANH "MÃ ĐÁO THÀNH CÔNG"

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, người dân Trung Quốc thường tặng nhau bức tranh ngựa “Mã đáo thành công” để cầu may mắn, tài vận, thành công trong sự nghiệp.
Bức tranh ngựa “Mã đáo thành công” là tác phẩm vẽ 8 con ngựa tràn đầy năng lượng thể hiện chúng có sức mạnh vượt trội đồng thời đại diện cho quyền lực và uy lực siêu phàm.

Ở xã hội Trung Quốc thời xưa, chỉ có những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu mới có thể sở hữu ngựa. Trong bức tranh vẽ 8 con ngựa của người Trung Quốc, những con ngựa đang phi nước đại có nghĩa là chủ sở hữu của chúng có quyền lực và uy tín mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, Chu Mục Vương – vị vua thứ năm của nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc cũng nổi tiếng sử sách vì sở hữu 8 con ngựa vô cùng đặc biệt. Bát Tuấn (tám con ngựa hay) của Chu Mục Vương (1001 – 746 TCN) đã trở thành là một chủ đề nổi tiếng mà giới làm tranh cổ và tranh hiện đại khai thác, biến nó thành món quà độc đáo cho người dân dành tặng nhau.

Theo một số tài liệu ghi chép, chu Mục Vương sở hữu 8 con ngựa tuyệt vời và được dân gian gọi là Bát Tuấn. Tương truyền, Chu Mục Vương đặt tên cho 8 tuấn mã lần lượt là: Xích Ký, Ðạo Ly, Bạch Mã, Du Luân, Sơn Tử, Cừ Hoàng, Hoa Lưu, Duyên Nhĩ. Xa phu điều khiển Bát Tuấn có tên Tạo Phụ. Tạo Phụ thường xuyên chở Chu Mục Vương đi vi hành khắp nơi trên cỗ xe ngựa đặc biệt do 8 con ngựa kéo. Dưới thời trị vì của Chu Mục Vương, cuộc sống của người dân khá thịnh vượng. Do đó, các họa sĩ thời đó đã vẽ bức tranh 8 con ngựa của vị hoàng đế nhà Chu này và gọi nó là Bát Tuấn đồ.

sao... said...

Con số 8 cũng là một con số may mắn của người Trung Quốc, tượng trưng cho sự giàu có và thành công. Bức tranh vẽ những con ngựa phi nước đại, tràn đầy sinh lực, tinh thần tuyệt vời sẽ truyền cảm hứng cho mọi người làm việc chăm chỉ và theo đuổi mục tiêu của mình.

Ngựa không những là con vật trung thành nhất mà trong phong thủy, loài vật này còn được coi là biểu tượng của sự kiên nhẫn, bền bỉ, dẻo dai và mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ.

Vào dịp Tết âm lịch, người dân Trung Quốc và một số quốc gia châu Á thường tặng nhau bức tranh nổi tiếng “Mã đáo thành công”. Bức tranh đó có hàm ý đặc biệt, được đúc rút từ những chiêm nghiệm thâm thúy của tổ tiên.

Theo người xưa, sở dĩ trong bức tranh “Mã đáo thành công” có 8 con ngựa bởi số 8 “Bát” (chữ Hán là 八) đọc theo Hán ngữ thì gần âm với chữ Phát, có nghĩa là phát đạt.

Mã đáo có nghĩa là may mắn quay trở về. Ý nghĩa của cụm từ trên gắn liền với một điển tích. Vào thời xa xưa, ngựa là phương tiện đi lại vô cùng thuận tiện vì nó rất khỏe, chạy nhanh và liên tục trong suốt thời gian dài. Đồng thời, loài vật này rất thông minh và có mối quan hệ gần gũi với con người. Nó không chỉ được người dân sử dụng làm phương tiện di chuyển giúp việc giao thương dễ dàng hơn mà nó còn xông pha cùng binh sĩ trên chiến trường đánh địch. Những chuyến hành trình của ngựa với chủ nhân có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng thậm chí là cả năm mới quay về. Đặc biệt, đối với những người xông pha trận mạc thì khả năng quay trở về sẽ không cao. Có khi 10 người ra trận thì chỉ có 1 người quay về do cuộc chiến quá cam go, nguy hiểm. Do đó, người ta nói “mã đáo” dùng để ám chỉ cầu cho người nhận gặp may mắn và quay trở về nhà.

Trong bức tranh ngựa “Mã đáo thành công”, một con ngựa trong số 8 con quay đầu trở lại. Nó thường là con ngựa đứng ở vị trí thứ 4 hoặc thứ 5. Hành động quay đầu lại được cho là để khuyến khích những con ngựa còn lại trong đàn chạy nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Điều đặc biệt trong bức tranh này là con ngựa thứ 8 không bao giờ vừa chạy vừa quay đầu lại. Nếu quay đầu lại thì đồng nghĩa với việc một phần tiền bạc của gia chủ sẽ bị mất hay rơi vãi ở đâu đó.

sao... said...

Do đó, người dân thường tặng bức tranh “Mã đáo thành công” cho bạn bè, đối tác kinh doanh hay những người mới dấn thân vào sự nghiệp buôn bán, làm ăn hay quân ngũ với hy vọng cầu chúc cho đối phương gặp thuận lợi, may mắn trong sự nghiệp. Vì vậy, nó đã dần trở thành một món quà có ý nghĩa tuyệt vời.

Bức tranh “Ngựa phi nước đại” vẽ 8 tuấn mã chạy trên bãi biển là một trong những tác phẩm nằm trong loạt tranh “Mã đáo thành công”. Trong Ngũ Hành, ngựa là hành Hỏa và hành động phi như bay trên nước là hành Thủy. Hai hành này tương khắc với nhau. Người ta tặng nhau bức tranh này với mục đích cầu mong người nhận có ý chí mạnh mẽ hơn, tinh thần phấn chấn hơn và luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Bức tranh “Ngựa phi trên đồng cỏ” là một trong những món quà đặc biệt mà người ta tặng nhau để cầu tài lộc, danh vọng. Theo Ngũ Hành, ngựa là hành Hỏa, đồng cỏ tượng trưng cho cả hành Mộc và Thổ. Bức tranh là vòng kín thể hiện quy luật tương sinh giữa 3 hành: Mộc – Hỏa – Thổ. Do đó, gia đình nào treo bức tranh này cũng cầu mong may mắn, tài lộc sẽ đến với mình.

sao... said...

Tặng các bạn Tử Vi 12 cung Hoàng Đạo năm 2014 đọc cho vui mấy ngày năm mới.
Nếu có thể, nhờ Trang Chủ post lên những bức tranh minh họa đi kèm rất đẹp cho Trang Thơ thêm màu sắc.

TỬ VI 12 CUNG HOÀNG ĐẠO NĂM 2014

Bạch Dương (21/3 - 20/4)
Năm 2014 hứa hẹn sẽ là năm đầy sự kiện của Bạch Dương. Với bản tính nhiệt tình, hoạt bát nhưng cũng khá liều lĩnh và nóng vội nên Bạch Dương luôn mạnh mẽ và sẵn sàng tiến về phía trước để truyền cảm hứng cho mọi người.
Trong năm 2014, các vấn đề về sự nghiệp tác động khá mạnh mẽ đến bạn. Bạch Dương có khá nhiều năng lượng để khởi xướng những dự án lớn, những bước tiến mới trong công việc. Nó khiến bạn tập trung và quyết tâm cao độ dù bạn sẽ gặp khá nhiều trở ngại và cả rủi ro. Hãy luôn giữ niềm tin và quyết tâm Bạch Dương nhé!
Bạch Dương sẽ có thêm nhiều đối tượng thú vị trong chuyện tình cảm trong năm 2014 này. Bạn sẽ có một năm của gặp gỡ và mở rộng các mối quan hệ mới. Nó sẽ giúp bạn khám phá, trải nghiệm nhiều hơn trong chuyện tình cảm.
Tầm tháng 7 đến tháng 9, Bạch Dương có thể gặp phải chút thách thức trong mối quan hệ, đặc biệt là trong các cuộc hội thoại và vấn đề thường ngày.
Năm 2014 sẽ mang lại cho Bạch Dương nhiều sự thay đổi đáng kể và triệt để, dẫn đến một cuộc sống ổn định hơn và chất lượng hơn về mặt tài chính. Nếu bạn đang muốn đầu tư thì hãy yên tâm vì sẽ có quý nhân phù trợ giúp Bạch Dương khoản tiền vốn ban đầu đấy.
Năm 2014 sẽ không có gì nghiêm trọng về sức khỏe xảy ra với Bạch Dương. Những khoản thời gian cần chăm chút cho sức khoẻ nhất sẽ rơi vào đầu mùa Xuân, giữ mùa Thu và cuối mùa Đông.

Kim Ngưu (21/4 – 20/5)
Năm 2014 này hứa hẹn những thay đổi lớn trong đời sống cá nhân và sự nghiệp của Kim Ngưu. Bạn sẽ từ bỏ được thói quen xấu và ổn định hơn trong tình thần cũng như cuộc sống. Bạn nên tin vào trực giác của mình hơn. Hãy thử tham gia các hoạt động mới, những cộng đồng mới để có thêm trải nghiệm cho bản thân. Trong suốt năm nay, bạn vững vàng và tự tin hơn nhiều.
Bạn cũng sẽ có vô vàn động lực và được bạn bè xung quanh truyền cảm hứng nhiều trong năm 2014. Điều tuyệt vời nhất là dù có bao nhiêu đổi thay thì Kim Ngưu cũng có thể dễ dàng thích nghi, vượt qua khó khăn và hòa nhập với cuộc sống mới. Kim Ngưu cần chú ý đừng để bản thân giận quá mất khôn trong các mối quan hệ tình cảm năm 2014. Sẵn sàng đón nhận những lời khuyên có thiện chí từ người thân xung quanh. Bạn sẽ đạt được điều mình muốn trong đời sống cá nhân của mình.

Song Tử (21/5 – 21/6)
Ngay từ đầu năm mới, những kế hoạch ấp ủ bấy lâu của Song Tử sẽ có cơ hội thành hiện thực hơn bao giờ hết khi sao Mộc ở vị trí cao nhất trên bầu trời. Nó sẽ mang đến cho Song Tử nhiều cơ hội tuyệt vời để tiến gần hơn tới thành công. Trong năm 2014, Song Tử sẽ gặp không ít trở ngại khiến ý chí bị lung lay. Hãy kiên định với mục tiêu đã đề ra và cố gắng hoàn thành, chắc chắn thành quả mà bạn thu được sẽ vô cùng mỹ mãn.
Song Tử sẽ có cảm giác thoải mái và bình yên trong nhà và cả nơi làm việc suốt năm 2014. Bạn thấy an toàn và môi trường này thực sự phù hợp với bạn. Bạn có thể làm tốt hơn nhiều trong công việc so với những năm trước. Những vấn đề khiến bạn bực bội sẽ không còn xuất hiện trong năm 2014 này. Các kĩ năng của bạn được áp dụng hiệu quả trong công ty. Tuy nhiên, hãy lưu ý đừng để công việc trở nên quá nhàm chán mà quên mất mục tiêu lớn của bạn là gì.

Cự Giải (22/6 – 22/7)
Năm 2014 báo hiệu những ổn định về đời sống tình cảm và những động lực sáng tạo cho Cự Giải. Thử thách lớn nhất của Cự Giải trong năm này là thấu hiểu trái tim mình và lên dây cót để cảm xúc đi theo mạch nguồn tích cực.
Bản chất của những con cua là bền bỉ mạnh mẽ, và năm 2014 sẽ mang đến cho Cự Giải những thành quả xứng đáng với những nỗ lực và vất vả bạn đã bỏ ra. Không hẳn đây là khoảng thời gian của những may mắn đối với Cự Giải, đơn giản là đã đến lúc bạn thu hoạch những hạt giống do chính tay mình tưới tắm vun trồng.

sao... said...

Sư Tử (23/7 – 22/8)
Năm 2014 sẽ là thời điểm tỏa sáng của Sư Tử. Với tinh thần tự lực, tự cường, làm chủ cuộc sống của bản thân, Sư Tử có thể dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Bạn sẽ đạt được phần lớn nguyện vọng sau khi đã nỗ lực phấn đấu hết mình. Cũng trong năm mới, Sư Tử sẽ phải đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến đời sống cá nhân hay sự nghiệp. Đến cuối năm, Sư Tử sẽ thu hoạch được những thành quả đã vun trồng trong suốt 1 năm.
Năm 2014, bạn sẵn sàng miệt mài hỗ trợ bên trong, coi sự thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn của những người xung quanh làm động lực cho sự cố gắng bản thân. Đấy mới là sự tán dương, sự công nhận đáng trân trọng nhất.
Năm 2014, tình yêu của bạn sẽ gặp phải khá nhiều khó khăn, thách thức và rào cản. Cảm xúc của bạn và những nhu cầu cá nhân về mối quan hệ gây nên vô số vấn đề và các rắc rối trong chuyện yêu đương. Có lẽ năm 2014 là thời điểm bạn muốn tự dừng lại và nhận ra bản thân chưa sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc.

Xử Nữ (23/8- 22/9)
Năm 2014 sẽ là một năm may mắn của Xử Nữ khi các kế hoạch mà bạn ấp ủ bao lâu sẽ diễn ra thuận chèo mát mái. Nếu như Xử Nữ quá tập trung vào một việc nào đó nhằm đạt được kết quả hoàn mĩ thì rất có thể bạn sẽ bỏ lỡ một số cơ hội tuyệt vời khác. Trong năm nay, Xử Nữ có xu hướng thiên về lĩnh vực nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, nó sẽ giúp bạn kích thích óc sáng tạo, trí tưởng tượng.
Chuyện tình cảm của Xử Nữ trong năm nay vừa có ngọt ngào, vừa có đắng cay. Bạn sẽ được trải nghiệm những cảm xúc lứa đôi nồng cháy và có thời gian hạnh phúc mặn nồng bên người ấy. Bạn quan tâm và bị thu hút nhiều bởi các đối tượng khác phái. Và 2014 cũng xuất hiện nhiều cơ hội để những Xử Nữ còn đang độc thân có người yêu. Bạn hiểu hơn về đối phương và các mối quan hệ. Năm 2014 này, chuyện tình cảm của bạn chắc chắn sẽ phát triển hơn nhiều. Tuy nhiên, hãy cẩn thận trước những bước tiến quá nhanh và vội vã, nếu không bạn sẽ hối hận đấy.

Thiên Bình (24/9 – 23/10)
Sự nghiệp của bạn sẽ nở rộ trong năm nay. Những cố gắng của bạn sẽ mang lại ảnh hưởng tích cực về mục tiêu nghề nghiệp của bạn, công việc của bạn và cả tài chính nữa. Bên cạnh đó, bạn có cũng thế có nhiều bước tiến quan trọng trong sự nghiệp nhờ vào mối quan hệ với những người xung quanh. Hãy nghiên cứu và học tập thật chăm chỉ, rồi người thân và bạn bè sẽ tự mang đến các cơ hội tuyệt vời nhất cho bạn. Bạn sẽ có thời cơ để chứng minh năng lực của bản thân và làm những bạn bè xung quanh phải ngạc nhiên đấy. Thiên Bình cũng nên làm việc nhóm và hoạt động hòa hợp hơn với đồng nghiệp trong năm 2014.
Thiên Bình cần có một thay đổi lớn trong chuyện tình yêu. Nửa đầu năm sẽ có khá nhiều tín hiệu tốt đẹp trong chuyện yêu đương của bạn. Tuy nhiên, nửa cuối năm bạn sẽ gặp phải kha khá thử thách đấy.
Năm 2014, đặt ra một dự án chặt chẽ ngay từ bây giờ không phải là một ý tưởng tồi. Vấn đề tài chính của bạn được ưu tiên hàng đầu đấy Thiên Bình. Hãy tiếp tục cố gắng và nỗ lực tăng một khoản vốn, việc tăng thu nhập của bạn sẽ thành công. Hãy nhớ rằng: kiên nhẫn là một đức tính tốt!

Thần Nông (24/10 – 22/11)
Năm 2014, Bọ Cạp sẽ phải gánh vác nhiều trọng trách trong cuộc sống vì vậy bạn sẽ cảm thấy cần phải sống có trách nhiệm hơn. Với những nỗ lực, cố gắng đã bỏ ra, Bọ Cạp sẽ được đền đáp xứng đáng trong sự nghiệp lẫn tình yêu.
Đây là một năm để Thần Nông bắt đầu các dự án và kế hoạch kinh doanh riêng của mình. Bạn hãy tập trung công sức và có trách nhiệm hơn với các dự án mà mình đầu tư. Chìa khóa để có được sự thành công trong năm 2014 là các mối quan hệ và giao tiếp. Vì thế bạn hãy chú ý hơn đến những người xung quanh và thay đổi phong cách làm việc của bản thân khi đó đảm bảo là năm 2014 mọi thứ sẽ vô cùng thuận lợi với bạn.
Trong năm 2014 này, chuyện tài chính của Thần Nông có nhiều tín hiệu đáng mừng. Bạn quyết tâm và sẵn sàng để cải thiện tình hình hầu bao cá nhân. Bạn sẽ có khả năng thoát khỏi các nợ nần và rắc rối tiền nong trong năm 2014. Hãy sẵn sàng thỏa thuận và có các ký kết đầu tư trong năm 2014, vì nó hứa hẹn những khoản thu có lời cho bạn đấy

sao... said...

Nhân Mã (22/11 - 21/12)
Cuộc sống của Nhân Mã trong năm 2014 sẽ ngập tràn màu hồng của sự lạc quan do sao Mộc chiếu mệnh. Nó sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến sự nghiệp của Nhân Mã và đẩy lùi rủi ro, khó khăn trong cuộc sống của bạn. Tuy nhiên, Nhân Mã nên suy xét cẩn trọng khi đưa ra những quyết định quan trọng.
Nhân Mã sẽ gặp rất nhiều điều thú vị trong sự nghiệp của chính mình năm nay. Một mặt, đây là một dịp tốt, bạn sẽ có nhiều dự án được triển khai, nhưng sẽ có lúc bạn cảm thấy nhàm chán với nó. Tuy nhiên, sự phân tâm vào nhiều mục tiêu một lúc có thể sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng lượng của bạn. Thành công luôn đòi hỏi sự tập trung.
Chuyện tình yêu của Nhân Mã năm nay hầu như chẳng có biến động gì lớn hay quá bất thường trong năm nay.

Ma Kết (22/12-19/1)
Ma Kết sẽ gặp phải khá nhiều thách thức trong năm 2014. Những thay đổi, biến cố trong sự nghiệp, đời sống sẽ ảnh hưởng lớn đến Ma Kết. Nếu bạn kiên nhẫn và dần thích nghi với hoàn cảnh mới thì sẽ đạt được những thành tích đáng nể. Trong năm mới, bạn sẽ đạt đến đỉnh cao thành công nhưng để bảo vệ thành công đó, Ma Kết sẽ gặp không ít khó khăn, thử thách lớn.
Năm 2014 này bạn sẽ phải đối mặt với nhiều kẻ “ngầm” ganh ghét như vậy. Để đến được đỉnh của thành công là một thử thách, nhưng để trụ vững trên đó có thể là một khó khăn còn kinh khủng hơn.
Trong năm 2014 – hãy chú ý đến những người thuộc cung Cự Giải, Bọ Cạp, Song Ngư và các tháng thuộc những cung này. Bạn sẽ có khả năng gặp nhiều câu chuyện tình cảm lãng mạn với những người đó, và trong các khoảng thời gian đó đấy!

Bảo Bình (21/1 - 19/2)
Năm nay, Bảo Bình sẽ đặc biệt chú ý nhiều hơn vào những vấn đề cá nhân của mình. Đặc biệt, trong nửa sau năm 2014, điều khiến bạn bị áp lực nhiều nhất sẽ là sự nghiệp.
Về sức khỏe, có thể không đến mức đau ốm, nhưng bét nhất bạn cũng cảm thấy mình như bị rút năng lượng vì căng thẳng. Do đó, việc để ý đến sức khỏe bản thân là rất cần thiết.
Dưới ảnh hưởng của sao Mộc trong năm 2014, Bảo Bình sẽ gặp nhiều may mắn trong sự nghiệp và tình yêu. Khá nhiều cơ hội trong cuộc sống và sự nghiệp sẽ đến với bạn, vì vậy, hãy biết nắm bắt thời cơ đúng lúc. Với khả năng hùng biện, giao tiếp tốt và tư duy mạch lạc, Bảo Bình sẽ rất chủ động và tích cực thực hiện những dự án mới.

Song Ngư (20/2 - 20/3)
Năm 2014 của Song Ngư sẽ là năm của những biến đổi lớn và sự tái sinh. Bạn dường như đang chuẩn bị cho một cuộc cải cách bản thân rất lớn mà thế giới nội tâm của bạn chưa bao giờ được trải nghiệm. Tất nhiên, điều này cũng sẽ làm cải thiện thế giới bên ngoài của bạn một cách tích cực hơn rất nhiều. Sức sáng tạo của bạn trong nửa năm đầu sẽ được phát huy triệt để. Hãy coi như mình đang sống như hồi còn bé và tận dụng mọi cơ hội để chơi đùa cùng trí óc sáng tạo nhé!
Năm nay, bạn rất thành công trong việc dùng hình ảnh để tạo ra lợi nhuận. Tiền bạc trong năm nay không còn là ưu tiên hàng đầu của bạn nữa và bạn nhận ra điều này chẳng hại gì cho bạn cả.
Trong năm tới đây, hãy thực tế hóa những niềm đam mê của mình nhé Song Ngư. Bạn có khuynh hướng thích tự do bay nhảy, nhưng năm nay hãy ưu tiên năng lượng để dồn vào những đam mê của mình. Điều này có nghĩa rằng đã đến lúc bạn nên ra khỏi thế giới mộng mơ của mình và bắt đầu hướng tới những mục tiêu sự nghiệp nghiêm túc hơn, tuy nhiên như vậy không có nghĩa bạn phải bỏ hẳn cách sống mơ mộng như trước. Trong thực tế, bạn càng mơ mộng nhiều, sự nghiệp của bạn sẽ càng bay xa. Chỉ là đừng để chuyện mộng mơ tách rời khỏi sự nghiệp.

Suong Mai said...

Cám ơn QH và Sao đã cho biết thêm nhiều chi tiết ý nghĩa về những bức tranh vẽ tám, chín con ngựa. Ngân dịp Tết Giáp Ngọ lại được tích lũy thêm các loại kiến thức liên quan, NT đã chia sẻ thêm về hình ảnh Ngựa trong âm nhạc VN qua bài viết của Phạm Anh Dũng. Xin cám ơn tác giả PAD và lưu lại đây thêm vào mục sưu tầm.

NGỰA TRONG ÂM NHẠC VIỆT NAM

1. Vài bài hát tựa đề có “Ngựa”:
Bài hát xưa nhất có lẽ là bài Lý Ngưa Ô. Nguyên thủy là một bài dân ca miền Nam, nghe nói do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ghi nhạc lai.

Nhạc sĩ viết bài tựa đề có “Ngựa” nhiều nhất là Phạm Duy:
Chàng Dũng Sĩ Và Con Ngựa Vàng tức Đạo Ca 3 (Phạm Thiên Thư - Phạm Duy)
Ngựa Hồng tức Rong Ca 9 (Phạm Duy),
Vết Thù Hằn Trên Lưng Ngưa Hoang (Ngọc Chánh và Phạm Duy)
Những nhạc phẩm khác do các nhạc sĩ khác với tựa đề có “Ngựa”:
Ngựa Phi Đường Xa là (Lê Yên)
Vó Ngựa Giang Hồ (Lê Mộng Nguyên)
Ngẫu Hứng Ngựa Ô (Trần Tiến)
Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa (Lê Uyên Phương)
Vó Ngựa Trên Đồi Cỏ Non (Giao Tiên)
...
2. Những bài có chữ “ngựa” trong lời nhạc:
Người “dùng” nhiều “ngựa” nhất là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những bài nổi tiếng có “ngựa” nhớ được là:
Xin Mặt Trời Ngủ Yên (Trịnh Công Sơn): …Ngựa hồng đã mỏi vó chết trên đồi quê hương...
Một Cõi Đi Về (Trịnh Công Sơn): … Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa …
Phúc Âm Buồn (Trịnh Công Sơn): …Ngựa xa rồi, người vẫn ngồi, bụi về với mây …
Dấu Chân Địa Đàng (Trịnh Công Sơn): … Ngựa buông vó người đi chùng chân đã bao lần …
Một Ngày Như Mọi Ngày (Trịnh Công Sơn): … Một ngày như mọi ngày, xe ngựa về ngủ say …
Đóa Hoa Vô Thường (Trịnh Công Sơn): … Ngựa hí vang đường xa, vọng suốt đất trời kia …
Xa Dấu Mặt Trời (Trịnh Công Sơn): …Vó ngựa trên đời, hay dấu chim bay…
Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quen (Trịnh Công Sơn): … Nhớ ngựa thồ ngoại ô xa vắng …
Chỉ Có Ta Một Đời (Trịnh Công Sơn): …Đời vẽ tôi tên mục đồng, rồi vẽ thêm con ngựa hồng…
Trịnh Công Sơn còn nhiều bản nhạc khác có “ngựa” như là Giọt Lệ Thiên Thu, Có Những Con Đường, Rơi Lệ Ru Người, Thưở Bống Là Người …
Các nhạc sĩ khác:
Chinh Phụ Ca (Phạm Duy): …Ngựa hồng âu yếm bước sang, trên lưng có chàng trai trang...
Ra Biên Cương (Phạm Duy) … Trăng non dị thường, ngựa tung gió bước ...
Như Chiếc Que Diêm (Từ Công Phụng): …Xót dùm cho thân ta ngựa bầy đã xa …
Một Mình Trên Đồi Nhớ (Từ Công Phụng): … Đồi xưa ngựa hồng đã khuất bóng hồn chênh vênh cỏ buồn …
Ghé Bến Sài Gòn (Văn Phụng): … Ngựa xe như nước rộn ràng...
Mộng Hải Hồ (Văn Phụng - Lữ Liên):… Lòng ta mơ tiếng vó ngựa chập chùng ...
Sài Gòn (Y Vân): …Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau…
Bài Ca Ngợi Tình Yêu (Thanh Tâm Tuyền - Phạm Đình Chương): …Con ngựa buồn lửa trốn con ngươi…
Hát Trên Đồi Tăng Nhơn Phú (Vũ Đức Sao Biển): … Ngựa hồng ơi bao nhiêu năm rồi …
Hồ Như (Hoàng Quốc Bảo): … Ngựa hồ như hí đứng thiên thu …
Mai Chị Về (Quang Dũng - Cung Tiến): … Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua …
Khi Xa Sài Gòn (Lê Uyên Phương): … Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa …
Đi Chơi Chùa Hương (Nguyễn Nhược Pháp - Trần Văn Khê) … Thầy theo sau cưỡi ngựa …
Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười (Trần Trung Đạo – Võ Tá Hân): … Ngựa rừng xưa lạc dấu sơn khê …
Nghe Tiếng Suối Đời Gọi Dửng Dưng (thơ Miên Du Đà Lạt-nhạc Vũ Thư Nguyên): …Bờ cát trắng ngựa hồng phi trong gió bụi …
...

Bài cuối cùng là Xin Giữ Lại Trái Tim Người (thơ Vương Ngọc Long – nhạc Phạm Anh Dũng): … Anh sẽ hứa nhưng đừng chờ em nhé - Một mai ngựa thồ mỏi vó chồn chân …
Phạm Anh Dũng
Tháng 1, 2014
Santa Maria, CA

Suong Mai said...

Thời gian như ngựa chạy tên bay, hôm nay thứ bảy vẫn còn mùng 9 , quê nhà chắc vẫn còn dư âm Tết đọng lại. Sau những ngày hạn hán , từ hôm qua mưa đã rơi tầm tã cứu nguy cho khu vực SM đang ở. Cuộc sống rộn rã hơn trong tuần trước nhờ dịp Tết đã cùng chị em trong nhà xuôi về San Jose nghe tiếng pháo dòn tan. Bây giờ nhịp sống trở lại bình thường nhưng âm vang MẤY BUỔI SÁNG XUÂN của HB vẫn rất lôi cuốn hấp dẫn như niềm an ủi gợi lại những thiếu vắng vào những ngày đầu năm nơi đất khách quê người, khó lòng thay thế được cái cảm giác đón Tết ngay tại mảnh đất nhà. Dẫu xuân mới có phai dần, những cánh Mai cánh Đào tàn rụng, SM hy vọng sự an lành hạnh phúc và may mắn luôn đến với các bạn cùng gia đình trong cả năm Giáp Ngọ, rồi xa hơn nữa...

sao... said...

Có vài bài viết về NGỰA của các bậc thức giả, xin chép ra đây để các bạn thưởng lãm.

Nhà văn Võ Thị Hảo: Từ trước đến giờ người ta vẫn quan niệm sinh tuổi Ngọ là...(tốt - ndr). « Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi, tôi nay tủi cực ngậm ngùi tuổi Thân » chẳng hạn. Thông thường, người Việt Nam hy vọng năm ngựa sẽ tốt hơn năm tỵ. Một trong những điều khiến con người có thể sống được là tự an ủi mình. Xung quanh thế giới bất ổn quá, hoang lạnh, quá nhiều điều mà mình không thể thay đổi được. Và con người phải chịu nhiều tai họa, nên người ta cứ muốn một điểm tựa. Điểm tựa đó có thể là vào tín ngưỡng, hoặc tôn giáo, hay là một niềm tin có thể là vu vơ như vậy thôi. Nhưng đây là cái mà con người từ trước đến nay vẫn dựa vào.
Bà Võ Thị Hảo (Hà Nội)
31/01/2014

«Ngọ» : cơ hội cho giác ngộ, và «chất thơ» của mê tín

Năm Giáp Ngọ không nên chỉ được nhìn là năm con Ngựa. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn nhấn mạnh đến một tính chất khác của biểu tượng Ngọ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn : Chữ Ngọ sự thực không có dính gì đến con ngựa. Cần nói rằng tên của các chi với các hình tượng con vật là không dính với nhau. Trong chữ nho, muốn gọi ngựa, người ta dùng chữ « mã ». Ngọ trong chữ nho là chính giữa đỉnh đầu. Cho nên cửa mà vua tiếp các quan ở triều đình gọi là « Ngọ môn ». Giờ Ngọ là giờ chính giữa trưa, khi mặt trời chiếu xuống không có một cái bóng nào cả. Ngọ chính là lúc ánh sáng chiếu xuống huy hoàng nhất của một ngày. Và trong vòng 12 năm, Ngọ là dấu hiệu ở giữa.
Ông Nguyễn Tiến Văn (Sài Gòn)
31/01/2014

Cái giờ phút linh thiêng nhất, giờ phút quan trọng nhất, gần như có thể nói là giờ phút quang vinh, giờ phút giác ngộ, người ta gọi là « Ngọ ». Thành ra trong tác phẩm Zarathoustra của Nietzche ca tụng cái « Grand Midi » tức là cái « chính Ngọ ». Qua cái đó và với hình tượng đó, tôi chỉ có hy vọng rằng năm Giáp Ngọ, riêng với người Việt chúng ta, có lẽ giác ngộ nhiều hơn về những đau thương, hy sinh, những lầm lạc của ông cha mình, mà sống với nhau tốt lành hơn. Nếu mà nghiên cứu và suy tư thâm sâu thì chuyện đó quan trọng hơn là hình tượng con ngựa, theo tôi là như vậy.

Mặc dù không phải là người ca tụng các khoa bí truyền giải đoán vận mệnh con người, xã hội qua năm tuổi tháng tuổi..., nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn vẫn nhìn nhận ở những truyền thống này nhiều tác động tích cực đối với con người.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn : Lúc trước, tôi là một người rất có thành kiến về chuyện gọi là mê tín, dị đoan như vậy. Cho đến khi tôi đọc được một câu của thi hào Goethe, người Đức. Ông nói một câu mà mình thấy mình phải xét lại thành kiến của mình. Ông ấy nói rằng, « mê tín » là « chất thơ của đời sống ». Vậy thì cái thơ đó có làm cho đời sống đẹp hơn, vui hơn, đáng sống hơn hay không ? Một ví dụ rất đơn giản thôi, nếu trai gái tin rằng có trăng già, có nguyệt lão « xe duyên » và lấy sợi chỉ đỏ cột chân người con trai và con gái với nhau. Nói như thế, mình có thể xếp vào mê tín dị đoan, hoặc không có cơ sở khoa học cũng được, nhưng nếu nói theo ông Goethe, đây là chất thơ của đời sống.

Mà không chỉ là chất thơ mà còn là chất thuốc nữa. Nếu những cặp gái trai, vợ chồng, yêu nhau, lấy nhau rồi đổ vỡ chẳng hạn..., thì lấy cái gì để an ủi cho họ. Nếu họ cho rằng cái đó là duyên số, là số phận, thì họ bớt trách mình, bớt oán thán người khác thì khiến cho họ dễ sống hơn. Còn điều này có khoa học, có thực chứng hơn không, thì lại là một vấn đề khác.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn đặc biệt chú ý đến khía cạnh chất thơ, chất thuốc, nâng đỡ tâm hồn con người, trong những cách lý giải về biểu tượng huyền bí của năm, trong khi đó, nhà văn Võ Thị Hảo hết sức ám ảnh bởi thực trạng mê tín trầm trọng trong xã hội Việt Nam, mà trong rất nhiều trường hợp có gắn với quan niệm về những chi phối vô hình, những chi phối của « thiên can », « địa chi »..., đặc biệt thông qua các mạng lưới « pháp sư », « thầy bói »...

sao... said...

Năm Ngọ kể chuyện Ngựa trong lịch sử văn chương

Tuổi Ngọ được mô tả là con người phóng khoáng, nhanh nhẹn, trung thực nhưng từ « Ngựa » lại gây không ít ngộ nhận cho người tuổi ngựa kể cả trong thành ngữ...

Những hình ảnh tuyệt đẹp con ngựa trong lịch sử Việt Nam, từ con ngựa sắt của Phù Đổng Thiên Vương hay sự hy sinh của các chiến mã của Bình Định Vương Lê Lợi có lẽ người Việt nào cũng biết. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày tại sao từ Ngựa lại mang hai ý nghĩa lúc khen lúc mắng.

Thành ngữ « thẳng ruột ngựa » là đẹp hay xấu ? Bằng cách nào mà con ngựa Pháp cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng...đủng đỉnh đi vào đời sống và văn chương bình dân của Việt Nam ? Trong bài khảo luận « Ngựa...và Thẳng ruột ngựa », giáo sư Nguyễn Dư ở Lyon tìm cách trả lời các câu hỏi này.

Nguyễn Dư: Ngựa không gần gũi người Việt bằng trâu. Ngựa chỉ biết kéo xe, không biết kéo cày. Ngựa còn bị khiển trách là không chịu tham gia khề khà chén chú chén anh. Đảo mắt nhìn quanh chỉ thấy nào lẩu dê, bê thui, nào dồi chó, cật heo, nào...Thôi đừng nói nữa, ta thèm !

Tuy vậy, ngựa chưa phải là hoàn toàn vô tích sự. Ngược lại, ngựa đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người Việt. Thần thoại của ta có cậu bé làng Phù Đổng sinh ra chẳng nói chẳng cười, trơ trơ, nghe tin vua tìm người cứu nước, bèn vươn vai hoá thành chàng trai cao lớn. Chàng xin vua cho đúc một con ngựa sắt để đi dẹp giặc Ân. Giặc tan...

Áo nhung cởi lại Linh-san
Thoắt đà thoát nợ trần hoàn lên tiên.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)

Hình ảnh đẹp tuyệt vời. Dẹp giặc, giữ nước, cứu dân. Giặc tan, thánh Gióng cưỡi ngựa sắt bay lên trời. Không ở lại lo tính chuyện làm vua! Phải là thánh mới hành động...như vậy. (Suýt buột miệng phê bình thánh Gióng hành động...thiếu suy nghĩ. Tấu lạy Ngài, vạn lạy Ngài, xin Ngài xá tội cho).

Tục truyền vua Lý Thái Tổ (1010-1028) xây thành Thăng Long cứ bị lún, đổ. Xây mãi không được. Vua phải sai các quan đến cầu đảo tại đền Long Đỗ. Lễ vừa xong thì có một con ngựa trắng (Bạch Mã) từ trong đền đi ra, chạy một vòng rồi trở về đền. Vua bèn hạ lệnh bắt xây thành theo dấu chân ngựa chạy.

Thành Thăng Long được hoàn thành. Vua phong Bạch Mã là tối linh thượng đẳng thần, Thành Hoàng của thành Thăng Long.

Ngựa ngự trị trong tín ngưỡng dân gian. Tĩnh, điện trong nhà, hay gốc đa, gốc me, hốc đá ngoài đường được chọn làm nơi nhang khói thờ các ông hoàng, bà chúa, cậu quận. Ban thờ luôn có vài con ngựa để các ngài dùng làm phương tiện di chuyển.

sao... said...

Từ ngày nước ta bị Pháp cai trị, dân ta bất đắc dĩ phải làm quen với ngoại hình, nội tạng của ngựa.

Xưa kia, ai vô phúc phải đáo tụng đình (đến toà án), thì sẽ được biết cái vành móng ngựa. Vành bằng gỗ cao độ một mét, hình bán nguyệt. Trông giống hình miếng sắt đóng dưới móng chân ngựa (fer à cheval). Bị can đứng trong vành nghe quan toà buộc tội, thầy cãi bào chữa. Vành móng ngựa của thực dân ngày nay vẫn còn được dùng.

Mấy ông lính cô-lô-nhần (thực dân) ngoài Bắc rất ngán ngẩm cái mùa đông rét mướt, nhiều mưa phùn. Đóng cái áo bành tô màu cứt ngựa nặng chình chịch mà vẫn chưa đủ ấm. Cái màu xanh lá cây độc đáo! Không sáng như màu hoa thiên lí. Không xỉn như quần áo bộ đội. Không tươi như quần áo công an bây giờ. Khó tả. Dân Hà Nội thời tây cứ trông mặt đặt tên, gọi là màu cứt ngựa. Đúng nhất, hay nhất. Ai cũng hiểu.

Một dạo, thanh niên Hà Nội đua nhau cắt tóc ngắn. Mốt húi cua (court). Mái tóc chỉ còn như cái móng chân (sabot) ngựa. Gọi là đầu móng ngựa.

Vào khoảng những năm 1960, Sài Gòn có mốt tóc đuôi ngựa (queue de cheval). Các cô cột mớ tóc thề thành cái đuôi ngựa con con. Nhún nhảy, rung rinh...Ô mê lý! mê ly! Ô mê lý, mê ly đời ta!

Bên cạnh ngựa thần thoại, ngựa của tín ngưỡng dân gian hay ngựa của đời sống hàng ngày, phải kể thêm mấy con ngựa của văn học. Mỗi con một số phận.

Có con mang vẻ đẹp oai hùng :

- Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in (Chinh phụ ngâm)

Có con đồng loã với chủ, làm chuyện lén lút :

- Cùng nhau lẻn bước xuống lầu
Song song ngựa trước ngựa sau một đoàn (Kiều)

Có con hay tự hào, tự tôn :

Ớ ! nầy, nầy, tao bảo chúng bay
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa? (Lục súc tranh công)

Ngựa khoe cái mặt dài thòng với đám trâu, chó, dê, gà, lợn cùng hội cùng thuyền. Không biết rằng dưới con mắt của người ngoài thì mặt ngựa...thấy mà phát khiếp!
(Nhớ tới mặt anh chàng hề người Pháp Fernandel có cái bản mặt và hàm răng như mặt ngựa. s@...)

Người nách thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi (Kiều)

(Đầu trâu mặt ngựa là bọn quỷ sứ dưới địa ngục. Nghĩa đen chỉ bọn hung ác vô lương tâm).

Ngược lại, có con mang mặc cảm tự ti. Tự hạ thấp mình một cách hơi quá đáng.

Tâu rằng: «Hổ phận ngu si,
Đem lòng khuyển mã đền nghì bể sông» (Nhị độ mai)

(Khuyển mã là chó và ngựa. Hai giống vật có nghĩa, mến chủ).

Tái sinh chưa dứt hương thề
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai (Kiều)

(Theo thuyết luân hồi của đạo Phật, người nào lúc sống mắc nợ ai mà không trả, thì chết rồi, đầu thai lại làm thân trâu ngựa để trả cho hết nợ).

sao... said...

Có con xả thân vì đại nghĩa :

- Năm 1422, Trẫm (Lê Lợi) thu binh trở về núi Chí Linh, quân sĩ tuyệt lương hơn hai tháng, chỉ đào rễ cây, hái rau và măng để ăn đỡ đói mà thôi. Trẫm làm thịt bốn thớt voi và cả ngựa của mình cưỡi để nuôi quân sĩ, thế mà thỉnh thoảng vẫn có kẻ bỏ trốn...(Lam Sơn thực lục).

Có Con ngựa già của chúa Trịnh (Phùng Cung, 1956) chết thảm thương.

Ngoài ra, bên lề văn học còn có một con...có vấn đề. Thật không ? Ngựa cũng có vấn đề à?

Ta có thành ngữ Thẳng ruột ngựa. Ngắn gọn nhưng...khó hiểu. Chỉ có 3 từ mà còn than khó hiểu à? Chịu khó lật sách ra...

Loay hoay tra tìm trong đống thơ văn cổ của Tàu, của ta thì không thấy danh ngôn, điển tích nào có thành ngữ này.

- Tự vị Huỳnh Tịnh Của (1895), từ điển Génibrel (1898) không có Thẳng ruột ngựa.

- Tục ngữ phong dao của Nguyễn Văn Ngọc (1928), Thành ngữ tiếng Việt của Nguyễn Lực - Lương Văn Đang (1978) có Thẳng như ruột ngựa.

- Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức (1931) lại có Ngay ruột ngựa.

- Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê (1988), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân (1989) có Thẳng ruột ngựa.

Thành ngữ Thẳng ruột ngựa và các biến thể được giải nghĩa là: Nghĩ thế nào thì nói ra như thế, không giấu giếm, không nể nang. Cởi mở và thẳng thắn. Tính tình thẳng thắn, bộc trực.

Nói gọn lại, Thẳng ruột ngựa nghĩa là thẳng thắn, nói thẳng.

sao... said...

Thế nhưng, ai cũng biết rằng ruột người, ruột chó, ruột gà, ruột bò hay ruột ngựa, ruột nào cũng... không thẳng. Bộ ruột, bộ đồ lòng nào cũng được sắp xếp lòng vòng, uốn éo trong bụng con vật, con người.

Chúng ta có thể loại bỏ hai câu Thẳng như ruột ngựa và Tính thẳng đuột như ruột ngựa (Hoàng Phê, thí dụ của từ Thẳng đuột) vì thẳng như cái không thẳng là một điều chưa ai chứng minh được. Các tác giả đã chép thừa chữ như.

Còn lại hai thành ngữ có nghĩa giống nhau là Thẳng ruột ngựa và Ngay ruột ngựa,

Xin bàn về câu Thẳng ruột ngựa.

Từ trước đến nay, người ta thường hiểu câu nói được chia thành hai phần : Thẳng / ruột ngựa. Phân chia như vậy vừa đúng ngữ pháp tiếng Việt vừa dễ hiểu. Chỉ phiền một điều là...thẳng như cái không thẳng. Một nghịch lí khó chứng minh!

Chỉ còn một cách chia khác là Thẳng ruột / ngựa.

- Chia cắt kiểu gì ngộ nghĩnh vậy? Ruột ngựa bị chia hai, chẳng có nghĩa gì! Thẳng ruột nghe muốn...lộn ruột. Ngựa đứng một mình lơ láo vô duyên ! Thẳng ruột / ngựa hoàn toàn không có...bản sắc Việt Nam!

- Dạ, đúng vậy. Thẳng ruột ngựa không phải là tiếng Việt của người Việt !

1) Thẳng ruột là dịch từ chữ Hán Trực trường.

Trực trường nghĩa là : Ruột gan ngay thẳng. Tên một chứng bệnh ăn vào thì đi tả ra ngay, tuồng như đại trường thẳng tuột, nên không giữ được đồ ăn (Từ điển Đào Duy Anh).

Thực tế thì không có ruột người hay ruột súc vật nào thẳng cả. Vì vậy, Thẳng ruột chỉ được dùng theo nghĩa bóng. Đào Duy Anh cũng nói rõ là tuồng như đại trường thẳng tuột.

Thẳng ruột (Tự điển Khai Trí Tiến Đức gọi là Ngay ruột) nghĩa bóng là ruột gan ngay thẳng hay lòng dạ ngay thẳng. Trong bụng nghĩ thế nào thì nói thẳng ra như thế, không giấu giếm. Ruột gan, lòng dạ được dùng để chỉ tâm tính con người. Ruột gan, lòng dạ, tâm tính không đặt ra vấn đề thẳng như.

Mấy cách giải nghĩa của các học giả còn thiếu sót. Vô tình hay cố ý các học giả chỉ giải nghĩa hai từ Thẳng ruột và đã bỏ rơi mất từ ngựa.

2) Ngựa của thành ngữ Thẳng ruột ngựa là...ngựa Tây, ngựa thực dân. Ngựa này không biết kéo xe, không ham chạy đua. Ngựa này chỉ để cưỡi chơi trong phòng.

Tiếng Pháp phân biệt ngựa đực (cheval), ngựa cái (jument). Ngựa cái (jument) được văn chương gọi là cavale (gốc tiếng Ý là cavalla). Cavalla (giống cái) và Cavallo (giống đực) của tiếng Ý còn đẻ ra mấy từ của tiếng Pháp như cavalerie (kị binh), cavalier (kị sĩ), cavaleur (mấy ông đi tán gái), cavalière (được Việt hoá thành ca-ve, gái nhảy) v.v.

Vòng vo một hồi mới thấy ngựa (cái) có dây mơ rễ má với gái nhảy.

Mấy em ca-ve, nhảy trên sàn không đủ sống, phải nhảy cả lên giường. Thế là...ca-ve bị biến dạng, trở thành gái điếm. Từ đó, nghĩa là từ ngày thực dân Pháp cai trị dân ta, ngựa (tiếng Việt không phân biệt ngựa đực hay ngựa cái) được dùng để ám chỉ bọn me tây, đĩ tây (Nguyễn Khuyến gọi là Tây kĩ). Chẳng bao lâu ngựa của tây chạy cả vào làng xóm bình dân của ta. Cuối thế kỉ XIX ngựa đủng đỉnh đi vào sách vở.

Tự vị Huỳnh Tịnh Của có câu Thua ngựa một cái đuôi nghĩa là dâm dục quá (tiếng mắng).

Từ điển Génibrel có Nết ngựa : ám chỉ người đàn bà lăng loàn, sa đoạ (de moeurs légères, débauchée). Đĩ ngựa : đàn bà thô lỗ, hạ cấp (poissarde).

Các bà thời thượng trong Nam bắt đầu lớn tiếng chửi nhau là đồ ngựa, hay đĩ ngựa.

Năm 1931, Nguyễn Công Hoan viết Ngựa người và người ngựa, kể chuyện đêm giao thừa, anh phu xe tay bị cô gái điếm lừa.

Ngựa người ám chỉ cô gái điếm. Người ngựa (homme-cheval) là anh phu kéo xe tay. Hai loại ngựa đặc sản của thời Pháp thuộc.

sao... said...

Rốt cuộc, Thẳng ruột ngựa nghĩa là lòng dạ ngay thẳng của gái điếm, hay là nói thẳng, nói thật như gái điếm.

- Trời đất quỷ thần ơi ! Đĩ điếm cũng nói thẳng, nói thật sao ?
- Còn lâu ! Thẳng ruột ngựa phải được « hiểu ngầm » theo một cách khác !
- Cách nào ? Đính chánh lẹ lên.

Trước khi trả lời, đề nghị được lạc đề chút xíu.

Người xưa có câu Thật thà lái trâu và Thật thà lái buôn. Ai cũng biết rằng lái buôn, nhất là lái trâu, đều nói điêu, nói láo, lừa dối khách hàng để kiếm lợi. Không có lái trâu hay lái buôn thật thà. Thật thà lái trâu hay Thật thà lái buôn là một cách nói châm biếm, hài hước, tương tự như Vè nói ngược :

Bong bóng thì chìm
Gỗ lim thì nổi
Đào ao bằng chổi
Quét nhà bằng mai...

Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng

Ai không thích « giễu dở » thì nói : Thật thà cũng thể lái trâu, Yêu nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng.

Người xưa quan niệm rằng gái điếm cũng gian dối như lái buôn. Không có gái điếm ngay thật.

Nghe các em « giãi bày tâm sự » thì tình cảnh em nào cũng đáng thương. Cha chết, mẹ bịnh, một lũ em thơ. Phải bỏ nhà, bỏ quê, lên tỉnh kiếm sống, gởi tiền về nuôi gia đình. Em mới « đi » được một tuần. May sao bữa nay gặp được anh hào hoa phong nhã...

Anh nghe mà muốn rớt nước mắt...cá sấu.

Thẳng ruột ngựa muốn khuyên mấy ông hơi bị bay bướm, lang bang phải coi chừng « ruột gan ngay thẳng...của ca-ve ». Chẳng khác gì người miền Nam ngày trước khuyên nhau đừng tin lời hứa cuội của mấy ông bự hét ra lửa mửa ra khói.

Gái điếm lòng dạ không ngay thẳng. Cuội không giữ lời hứa. Lái buôn không thật thà. Thành ngữ Thẳng ruột ngựa phải được hiểu ngược, hiểu theo lối nói châm biếm.

Thẳng ruột ngựa là kết quả chồng chéo của ba nền văn hoá Tàu, Tây và Ta. Ý nghĩa quanh co chứ không thẳng đuột như người ta thường lầm tưởng, hiểu sai.

Nói thẳng nhưng đừng nói...thẳng ruột ngựa!

Rắc rối quá! Nói thẳng, nói thật...khó nói quá!

Nguyễn Dư
(Lyon, Tết con Ngựa 2014)