Tuesday, August 27, 2013

CHIỀU VÀNG

Theo thói quen trong giờ giải lao tôi hay cầm tờ báo địa phương liếc qua phần tin tức, trang nhất hôm nay đăng tấm hình một công nhân Mexican đang bậm môi ra sức cắt những chùm nho to còn căng mọng trên cành. Tôi cứ nghĩ là phải qua tháng chín thì mới đúng thời vụ thu hoạch, không ngờ hãng rượu này đã cho cắt trái trước hai tuần vì khí hậu nóng hơn bình thường so với dự báo thời tiết, nho tại vùng đó đã chín nhanh hơn.

 Cách công ty tôi đang làm chừng 300 mét, dọc theo đường xa lộ người ta trồng nhiều hàng nho thẳng tắp, không biết những chùm nho còn đó hay bị cắt sạch hết rồi? Bấy lâu nay cái cổ tay đau cứ phải đi khám và tập vật lý trị liệu thường xuyên hai hoặc ba ngày một tuần nên không có thời gian đi bộ hàng ngày quanh khu vực này, bỏ quên những cảnh vật mà tôi rất quen thuộc từng góc quanh ngã rẽ. Thói quen vào ngày thứ sáu đa số mọi người đi làm sớm để ra về sớm, tôi cũng muốn vậy nhưng cứ loanh quanh xem mấy cái thư mới hay tin tức bạn bè chuyển qua lại thành ra cứ trễ tràng.

Bước ra khỏi cửa thì bãi đậu xe đã vắng tanh, thưa thớt còn vài chiếc. Bầu trời xanh, nắng chiều vàng ươm viền quanh những đám mây trắng lững lờ. Về ngay thì phí quá vả lại có ai chờ đợi mình ở nhà đâu nên tôi quyết định dừng lại vườn nho mà tôi vẫn ngắm hoài khi tản bộ. Chọn một chỗ đậu xe thật gần, băng tắt qua lối cỏ chứng ba mét, không gian như trải rộng ra với trời -mây-cây-nước, cái hồ nhỏ nhân tạo chỉ cho nước phun lên ở giữa trong giờ làm việc, còn bây giờ im lìm trả lại sự yên tĩnh của thiên nhiên với tiếng gió thì thào .





Tôi thích những lối đi nhỏ tráng xi măng, chầm chậm tản bộ thật dễ chịu, vòng quanh cả khu vực hồ ước khoảng mười lăm phút. Nhiều cây cao che bóng mát rất thích hợp khi ngồi ăn trưa hay đãi tiệc do công ty tổ chức ngoài trời, từ đây có thể nhìn dọc suốt theo chiều dài các giàn nho để thấy ngoài xa lộ còn nườm nượp xe qua lại.


Bầy vịt trời chừng 30 con chọn nơi này làm quê hương, chúng đi vòng vòng trên bãi cỏ phóng uế dính nhiều trên lối đi, vô ý một chút là dẫm lên liền. Thỉnh thoảng kéo nhau ra đường lớn cứ thẳng hàng mà đi khiến xe cộ hai chiều đành dừng lại mà chờ chớ biết sao giờ ? Vừa thấy bóng dáng tôi là đám vịt lao nhao chia tam chia tứ ùa nhau xuống nước tránh mặt, chẳng lẽ mặt tôi “hiền hậu” lắm hay sao mà chúng sợ đến thế?




Gió nhẹ trong ánh chiều vàng đung đưa các nhánh cây buông lơi trên mặt nước như những mái tóc thiếu nữ tạo dáng xõa dài, tôi không biết loại cây này tên gì, thấy đẹp nên cứ nghiêng đầu ngắm mãi.



Người ta trồng hoa hồng đỏ và trắng sát bờ, loại hoa này nhiều cánh không đẹp như hồng nhà tôi, chỉ có điều là nở từng chùm, chen chúc và chồm sát mặt nước, chẳng cần công chăm sóc bao nhiêu. Thế cũng đúng!  Đẹp thì một cây có được mấy bông, chi bằng chọn giống vừa vừa miễn nở rộ đầy màu sắc, bắt mắt người ta là được, có đưa tay bứt vài bông cũng chẳng hề chi.
Đưa mắt nhìn theo vài cánh hồng rụng trôi lãng đãng tôi chợt bắt gặp mấy cọng cỏ chát ngộ nghĩnh, nhớ lại trò chơi ngày còn bé, mãi hơn thua cố sức giật cho mạnh về phía mình, sau đó mới thấy đau, lằn đỏ hằn vết  hết mấy ngón tay bé bỏng.


Một loại cây cao chừng ba mét điểm trang bằng những chùm Lồng đèn trông rất thú vị. Kìa một cặp tách đôi riêng lẻ, tôi chợt mỉm cười, hoa nào có khác chi người cũng tình tứ quá đi.



Lại có một loại cây trái chi chit đầy cành, tôi chẳng biết loại trái cây này có ăn được không mà khi ánh nắng hắt vào nhìn thật là hấp dẫn. À, mấy con chim khôn lắm, không bay tới mổ ăn là tín hiệu báo cho biết mình chẳng nên chạm vào mà thiệt thân. Biết đâu đã có vài chú chim từng thiệt mạng vì háu ăn và để lại cho đám hậu duệ một kinh nghiệm đầy xương máu nhỉ ?


Chỉ còn vài bước sải qua mấy dàn hoa tím Wisteria là chạm tới vườn nho. Tôi biết loại hoa này thường nở vào tháng ba nhưng sao cuối tháng tám lại thấy tua buông dài, có khi nào thời tiết thay đổi thất thường  mà nở đợt hai? Mà thôi, thắc mắc làm chi, còn hoa cho mình ngắm là tốt lắm rồi.


Cuối cùng thì chủ đích của buổi chiều thứ sáu là ở đây, màu xanh của những giàn lá được trồng sắp xếp thẳng hàng hiện ra trước mắt tôi. Nghe nói trồng nho gần ba năm mới cho trái làm rượu được và phần lớn sau đó liên tục cho trái tới bốn mươi năm sau hoặc lâu hơn.
Khoảng cách giữa các giàn rộng đủ để cho xe chạy xuyên qua, ngọn lá cao chừng hai mét xum xuê quanh các gốc cây sần sùi, cong queo như đầy thương tật hoàn toàn ngược lại các chùm nho tươi mát như thiếu nữ xuân thì. Thừ người mất vài phút tôi cố quan sát  thật kỹ và tưởng tượng xem những dòng nhựa sống nuôi cây đang luân lưu ở đâu, nhìn bề ngoài vô phương vì tất cả hoàn toàn ẩn sâu dưới lớp vỏ cây khô rang xấu xí. Tạo hóa thật tuyệt vời !



Tài liệu về rượu nho thì vô số, cả ngàn loại nho được dùng để làm rượu nhưng các hãng sản xuất chỉ tập trung vào một số ít giống phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Đơn giản nhất là rảo qua các tiệm, các chợ với hai loại chính là Vang trắng và đỏ, trên nhãn có ghi tên các loại nho đã dùng khi chế biến. Cuối hạ mà lá xanh kiểu này thì tôi đoán là nho Chardonnay hay Sauvignon Blanc, hoặc Riesling để làm rượu trắng, chớ nho đỏ thì khi chín lá sẽ đổi màu đỏ lốm đốm dần như màu trái chín. 
Tới gần vén lá nhìn thì khỏi cần đoán gì nữa, chao ôi là đã con mắt !








Nếu quan sát kỹ một chút thì nho chín chưa đồng loạt, có chùm còn xanh non, có chùm chín đổi màu vàng hay rám nắng, tất cả có lớp phấn trắng bao phủ phía ngoài tạo thành chất men tự nhiên. Trước khi hái chuyên viên thử lượng đường trong nho sẽ lang thang suốt ngày ngoài vườn, họ lấy mẫu nho về coi chín cỡ nào, đo thử đã đủ lượng đường cho phép thu hoạch chưa, tôi nhờ có bạn làm công việc này nên mới rõ. Thời tiết rất ảnh hưởng  tới vụ mùa và quyết định phẩm chất của rượu được làm ra. Xui xẻo mà bị vài trận mưa trước khi hái thì nho sẽ sũng nước và rượu chắc chắn sẽ nhạt hơn bình thường.
Nhìn ánh nắng chiếu xuyên qua chùm trái thì Nho trồng  làm rượu thấy rõ hột bên trong, còn bán cho khách tiêu dùng tại các chợ hoặc nho khô thì phần lớn không có hột.


Tôi chẳng màng tới thời gian cứ đăm đăm nhìn qua kẽ lá, tận hưởng những nét đẹp dung dị ngay trước mắt mình mà giữ lại qua máy hình cầm theo.






 Rồi đây sau một hoặc hai tuần, liệu những chùm căng mọng có còn đong đưa trong chiều vàng óng ả nữa không? Những trái nho đậm đà sẽ cuốn theo tay ai về hãng rượu, đẩy đưa số phận trôi theo máy ép rồi lên men theo qui trình sản xuất, dâng cho người chất men nồng say đắm.
Lá vàng úa vì nỗi nhớ nhung dâng đầy, cũng rụng và theo gió bay đi…( Sao hôm nay lại lãng mạn thế này nhỉ ?)
Tôi tưởng như mình nãy giờ ngao du giữa chốn đồng quê, chút bâng khuâng còn đọng lại trong lòng nhưng trời đã bắt đầu lạnh, gió nổi lên nhiều hơn. Thôi, đành chấm dứt bước chân lang thang dù rất luyến tiếc một buổi chiều hè đầy thú vị.

SƯƠNG MAI 

63 comments:

sao... said...

CHIỀU VÀNG

Một chút nắng vàng rơi rớt lại
Làm thêm óng ả áng mây bay
Em bước bâng khuâng trên lối nhỏ
Hương chiều theo gió khiến em say

Em trải hồn mình theo màu nắng
Dưng không em ước phận cát đằng
Nép bóng tùng quân cùng sánh bước
Trong màu chiều nhẹ biết hay chăng?

Em níu hoàng hôn lay vạt áo
Em mời ghé lại gió xôn xao
Mây trắng đừng bay cho em hỏi
Cớ gì trong dạ thấy nao nao?

Cứ thẫn thờ đi...xin chậm lại
Cùng em thở nhẹ chút hương say
Chiều vàng đẹp quá! Người đâu hỡi
Sao chẳng cùng em ở chốn nầy?

Gió nổi lên rồi, em thấy lạnh
Lòng em ao ước chiếc khăn xanh
Được ai quàng vội bờ vai nhỏ
Nhưng chỉ hư không...thế cũng đành!

s@...

Phạm Như Thương Bmt said...

NT được Trang chủ... dẫn đi chơi xa, rồi lại được đọc một bài thơ thật ngọt ngào của bạn thơ s@. Tuyệt !
Dạo này Trang chủ giung giăng giung giẻ nhiều à nha, lại chụp hình rất đẹp- chừng đó cũng thấy yêu đời, yêu cảnh, yêu hết mọi người rồi.
NT thích những tấm hình có bóng lá rủ xuống dòng nước dịu dàng, hình hoa tim tím và những chùm nho mọng nước nhất.
Đã có lần NT được khom mình đi dưới những chùm nho xanh ấy. Giàn nho thì thấp hơn mình mà trái thì lẫn trong lá xanh thật quyến rũ
Bây giờ là Mùa Tựu Trường, nên NT chạy co giò ! Vẫn nhớ đến những ngày làm học trò xa xưa, mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua...

songkim said...

Hôm nay "bay" lạc vào không gian của Trang Thơ, vội đáp xuống coi những comments trong trang "Chúc mừng Trang Thơ 6 năm tình thân" mới thấy SM hỏi "SK nhớ chỉ thêm bí quyết để TT lớn nhanh , sống mạnh nghe". Thì may qúa , bạn @ đã cứu bồ cho biết phải làm gì rồi.
Cám ơn bạn @ nhiều thật nhiều.

Bây giờ vào trang "Chiều vàng" được đọc và coi những hình ảnh do SM chụp, sk phải nói ngay là bài viết thật hay và hình ảnh chụp đẹp qúa!

sk cũng đang sống trong bối cảnh chung quanh là những vườn nho ngút ngàn mà sao không "động tình" chút nào cả - Xin mượn chữ Tình của hai bạn NT và @ đó - chứ nói theo thời thượng thì phải viết là "động não" mới chỉnh.

Nói về hai bạn NT và @ thì sk nhận thấy hai bạn này sao thơ phú hay qúa thể! chẳng chia cho sk chút nào cả....hu!!!hu!!!....

Thôi thì nhân SM viết về vườn nho trong Chiều Vàng nên cũng thêm thắt một chút cho "trọn tình NHO".

Ngoài những vườn nho do SM vừa kể, nơi sk cư ngụ cũng trồng rất nhiều loại nho cũng như các loại cây ăn trái khác và còn có một đại học ở đó có môn học về "canh nông" rất nổi tiếng. Quanh trường là những khu đất rộng mênh mông để các sinh viên thực tập trồng trọt. sk thích nhất những trái bắp (ngô) họ trồng ở đây, cả hai loại bắp trắng và bắp vàng đều ngon ngọt như nhau, còn nho thì không chê vào đâu được! Đủ loại nho các bạn ạ. Hiện nay đang trong mùa nho nên dân chúng ở đây có đi đâu xa hay mua nho hoặc bắp để làm qùa cho bà con và bạn hữu.

Tóm lại nơi sk cư ngụ cây trái bốn mùa: cam, nho, lê, táo, mận, đào v...v...nơi mà người ta gọi là "vựa cây" lớn nhất thế giới, mùa nào thức ấy, chỉ không có sức mà thưởng thức thôi!

Nhưng nói gì thì nói trái cây ở quê hương Việt Nam chúng ta có rất nhiều loại và loại nào cũng rất ngon. Không biết các Bạn Ta có đồng ý không nhỉ?

SM ơi khi nào rảnh "vác" máy ảnh xuống đây chụp ít hình cho bà coi coi nha.

...Máy bay sắp hết xăng rồi sk phải cất canh bay về "tổ ấm" để ngày mai còn phải thi hành nhưng phi vụ khác nguy hiểm nhưng hấp dẫn hơn.

Tổng chào!

sk

Suong Mai said...

NT à, bây giờ là cuối tháng 8, các trường học đã khai giảng rồi, NT có thấy mùa hè qua rất nhanh? Cũng mừng là hàng ngày đi làm đều đặn, có tiền thanh toán những khoảng cần thiết chứ nếu trễ là phiền hà. Thoắt một cái là tới cuối tuần, SM cứ mong sao cho mau tới ngày thứ sáu khỏi bận lòng vì chiếc đồng hồ báo thức.
Quanh quẩn với thời khóa biểu hàng ngày đều đều như nhau, sáng dậy đi làm trễ, chiều về muộn vì hầu như hôm nào cũng có chuyện gì đó phải làm sau khi ra khỏi công ty. Mùa xuân và hè năm nay SM ít cầm tới máy, và thời gian làm hình ảnh cũng giảm nhiều khiến Trang thơ giải lao hơi dài đó. Nhờ một ngày nắng đẹp
đi chơi xa, thế là tâm hồn "nghệ sĩ" bừng dậy, khởi sắc hơn thường lệ trước khi về vườn đó mà.
Cám ơn thi sĩ nhà cho thưởng thức một bài thơ họa với bài viết thiệt mượt mà óng ả như Chiều vàng. Ý thơ bay bổng dệt thành bức tranh sinh động và lãng mạn quá xá. Phải chi được đọc trước bài thơ này thì chắc là chụp đến hết... Pin luôn.

Suong Mai said...

Ý MUỐN NÓI GÌ ĐÂY SK?
... để ngày mai còn phải thi hành nhưng phi vụ khác nguy hiểm nhưng hấp dẫn hơn.
Qua lời mời ân cần này SM chợt nghĩ ra khoảng cách giữa hai thành phố khoảng 4 tiếng lái xe, nếu SK mà bay thì nhanh hơn gấp bội. Tại sao bên đó đầy đủ phi hành đoàn thuận lợi hơn lại không bay lên Sonoma County này nhỉ? Vùng này sát Napa, cả hai làm nổi danh rượu rượu Vang Cali trên toàn thế giới.

sao... said...

Bạn SƯƠNG MAI nói ngược lại rồi.
Mới đầu thì nói bài thơ họa với bài viết...đoạn sau lại nói phải chi đọc trước bài thơ nầy thì chắc chụp đến...hết pin luôn.(đọc câu nầy làm tui mỉm cười với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó)

Thì từ bài viết mới có ý tưởng mà viết mấy câu thơ đó chớ.

Nói kiểu đó khác nào như câu đặt vấn đề: Con vịt có trước hay cái trứng có trước? khi người ta ví von "Trứng mà đòi khôn hơn vịt."

Suong Mai said...

"Trứng mà đòi khôn hơn vịt."

Không dám, không dám.
Ý SM muốn nói là khi đọc những bài văn bài thơ hay sẽ giúp cho tâm hồn mình thăng hoa bay bổng hơn. Khi đầu óc thoải mái vui vẻ thì ai cũng lóe thêm nhiều ý tưởng mới để diễn đạt , còn SM thì chắc chắn là bấm thêm nhiều hình cho thỏa ý mình, hết pin thì không còn cách nào khác là phải về thôi.

sao... said...

Bạn SƯƠNG MAI hiểu sai ý tôi rồi.
Đưa ra câu ví von đó chỉ để làm một ví dụ về cái vòng lẩn quẩn của chuyện đời.
Con vịt đẻ ra cái trứng hay cái trứng nở ra con vịt.

quehuong said...

..Những trái nho đậm đà sẽ cuốn theo tay ai về hãng rượu, đẩy đưa số phận trôi theo máy ép rồi lên men theo qui trình sản xuất, dâng cho người chất men nồng say đắm…
Hà hà..cuối tuần có 3 ngày nghỉ, cô Trang Chủ cho đi vô vườn nho, “thử rượu”..thôi thì cứ uống đi, có sao đâu..nếu có say “xỉn” thì có cô Trang Chủ đưa về..lo gì.
Nhớ ngày nào đó lâu lắm rồi, ghé thăm cô Trang chủ, ra về còn được “kèm” theo một chai rượu chát “đặc biệt” nhỏ xíu mà rựou óng ánh “màu vàng như ..như vàng 24 ..”. Quý lắm “cắt ca. cắt củm” để dành..
QH thì thích uống rượu chát, mà chỉ thích Carbenet hoặc Sauvignon Blanc ..
Việt Nam ngày nay cũng phát triển “nghề làm rượu vang”. Có lần khi về VN, QH bị mời trong một buổi ăn tối tới ba chai rượu chát Carbenet của Úc, vì lúc đó các khách cùng bàn chưa ai bao giờ uống rượu chát…chỉ uống rượu “mạnh’ không thôi, cho nên khi khách yêu cầu QH chọn rượu thì QH lại chọn rượu chát..mà rượu chát thì các “ngài VN ta” uống như “ngưu ẩm ” thành ra làm tới ba chai. Sau bửa ăn chừng 30 phút, còn đang ngồi ‘đấu láo” thì các “ngài” bắt đầu say..như chưa say lần nào.. đúng là ..dâng cho người chất men nồng say đắm..
Cám ơn Sương Mai cho đi dạo vườn nho.
.. Chọn rượu vang cho món việt

Theo quy tắc cơ bản về chọn rượu theo món ăn thì món ăn địa phương nào sẽ đi kèm hợp với rượu địa phương đó và chắc chắn rượu Tây sẽ hợp với món Tây. Nhưng nếu ăn món Ta mà uống rượu Tây thì sao?
Theo quy tắc cơ bản về chọn rượu theo món ăn thì món ăn địa phương nào sẽ đi kèm hợp với rượu địa phương đó và chắc chắn rượu Tây sẽ hợp với món Tây. Nhưng nếu ăn món Ta mà uống rượu Tây thì sao?
Thật ra, cũng khó để chọn lựa đúng bài bản rượu vang nào cho thức ăn Á Đông nói chung và món Việt nói riêng. Nhưng theo người phương Tây, món Á hoặc Việt thích hợp nhất với vang bọt, vang hồng, vang trắng hoặc vang đỏ nhẹ. Để phân tích đơn giản sự tương hợp này, cần biết một số thành phần và tính chất của rượu vang và món Việt.

Rượu vang có cồn tạo vị nồng, vị chát ( tanin ), vị chua ( acid ), vị ngọt, chất hữu cơ có mùi thơm. Các tính chất này hoà quyện với nhau tạo nên đặc điểm riêng cho rượu vang. Vang đỏ nhiều tannin, ít acid nên chát và ít chua hơn vang trắng. Cấu tạo của vang đỏ thường đậm đà và “chắc” hơn vang trắng.

Về phía thức ăn, cũng cần sự phân tích tương tự về cấu trúc, độ đậm đà, mùi vị, dư vị, sự cân đối, các vị chua-cay-mặn-ngọt… Cả hai cần được phân tích sâu hơn về vị giác lưu lại trên lưỡi, nhưng điều này đi quá xa so với phần phân tích giản đơn của chúng ta. .

quehuong said...

..Chọn rượu vang cho thức ăn làm sao hợp với nhau cũng giống như chọn bạn mà chơi hoặc tìm ý trung nhân. Hai bên cần có những tính chất tương đồng để bổ sung cho nhau, hoặc có những nét tương phản bổ khuyết cho nhau, nhưng không được phán nhau hoặc bên này quá trội lấn át bên kia. Điều này cũng cho thấy rượu vang đi kèm thức ăn phù hợp hơn bia và rượu mạnh.

Người ta thường khuyên nên chọn vang trắng cho hải sản và vang đỏ cho thịt đỏ. Điều này quả không sai. Để giải thích, hãy lấy ví dụ như khi ta ăn cua hấp thì nên chọn vang trắng thơm và nhẹ. Cua có vị ngon, thịt mềm và nhẹ ( không chắc như thịt heo, bò ), hơi tanh, có thể mặn. Vang trắng cũng có những đặc điểm tương tự như thơm, ngon, nhẹ, không quá “chắc” như vang đỏ, hơi chua, ít chát và các tính chất này hỗ trợ và tương hợp với tính chất của món cua hơn là vang đỏ. Khi ta có món bò nướng thì nên chọn một loại vang đỏ vừa với các phân tích tương tự như trên.

Món ăn Việt thường không theo cách chế biến châu Âu mà có những nét riêng. Nguyên liệu chế biến thường pha trộn chứ không thuần một loại, ví dụ hủ tiếu có tôm nhưng nước lèo nấu từ xương và thịt heo. Nước mắm thường được dùng để nêm nếm hoặc làm nước chấm. Gia vị và nước chấm cũng rất đa dạng. Do đó khi xét món ăn, cần lưu ý nguyên liệu gì, cách nấu, gia vị và nước chấm đi kèm. Tất cả các yếu tố này quyết định mùi vị của món ăn.

Rượu vang trắng làm từ nhiều loại nho. Các giống nho được xếp theo thứ tự độ đậm đà giảm dần là Riesling, Chardonnay, Sauvignon Blanc, Semillon, Chenin blanc, Colombard… Vang đỏ với các giống nho theo độ đậm giảm dần là Shiraz, Cabernet, Grenache, Mataro, Pinot Noir, Merlot… Độ đậm của rượu còn tuỳ vào tuổi cây nho, đất trồng, vùng khí hậu và cách làm rượu.

Nhiều người Việt thích vang đỏ hơn. Nhưng để dễ hoà hợp với các món hải sản, cần bắt đầu thử với vang đỏ nhẹ. Loại vang đỏ đậm có nhiều vị nồng và chát sẽ át hết các tính chất nhẹ, thơm, mềm của hải sản.

Hãy thử sự tương hợp giữa các món bò, dê, cừu có các cách chế biến quay, chiên với vang đỏ vừa hoặc món nướng với vang đỏ đậm. Cách chế biến làm tăng độ đậm là luộc-hấp, chiên-xào, quay-nướng. Gia vị và nước chấm cũng ảnh hưởng đến khẩu vị cuối. Do đó, cần chọn rượu vang đỏ theo các yếu tố đó. Thường là vang đỏ nhẹ cho món luộc hấp, vang vừa cho món chiên xào và vang đậm cho món quay nướng. Thí dụ khi ăn bò tái chanh, có thể chọn một chai Baron Saint-Georgés. Nhưng nếu dùng thịt dê nướng thì chọn một chai Chateau Talussion là lựa chọn tốt với giá mềm nhất.

Tóm lại, khi chọn rượu cho món ăn Việt, cần xem món ăn đó làm từ nguyên liệu gì, cách nấu nướng ra sao, gia vị gì và dùng với nước chấm gì, rồi cũng theo nguyên tắc hải sản, thịt trắng ( gà, heo, bê ) đi với vang trắng và thịt đỏ kèm vang đỏ. Tuỳ cách chế biến luộc-xào-nướng để chọn loại rượu vang nhẹ-vừa-đậm cho phù hợp. Ngoài ra, cần xét đến gia vị và nước chấm đi kèm có ảnh hưởng đến các nguyên tắc trên hay không. Nếu cần thì tăng độ đậm của rượu vang theo độ đậm của gia vị và nước chấm.

Một xu thế hiện nay là phá cách trong lựa chọn vang - món ăn : cứ uống vang gì bạn thích mà không cần phải xét đến món ăn nào để chọn rượu và đừng quá câu nệ vào nguyên tắc cổ điển nữa. Một điều bạn cần biết là trái với thông thường, dân mê rượu vang sẽ chọn rượu vang trước khi chọn món ăn.

QH

sao... said...

Nhân bạn QUÊ HƯƠNG nói về chuyện chọn rượu vang trước khi ăn của người sành điệu, tui chợt nhớ tới một pha khôi hài trong phim Hàn Quốc “Năm giác quan của thần tình yêu”.
Một anh chàng trẻ tuổi khá vụng về trong chuyện tiếp xúc với phái nữ tình cờ làm quen được với một cô gái trên chuyến xe lửa tốc hành đi Busan. Cô gái rất sắc sảo mà chàng thì quá lớ ngớ trong việc mở lời làm quen nên chẳng biết nói gì. Cuối cùng thì cũng xin được số điện thoại của nàng một cách rất khôi hài.
Ghé nhà ông anh ruột ăn cơm, ông đem ra một chai rượu vang hiệu Brunello di Montalcino của Ý ra mời và hỏi:
- Em có thích uống rượu vang không? Ngon lắm!
Anh chàng trả lời:
- Không, em chỉ uống rượu Sochu.
Có nghĩa là anh chàng chưa từng uống và chả có chút kiến thức nào về rượu vang.

Rồi chàng cũng đánh bạo gọi điện thoại cho cô gái và nhận được một lời hẹn hò.
Thì cũng đưa nhau tới một nhà hàng sau khi gặp mặt. Bắt đầu bữa ăn, cô gái hỏi:
- Anh có thích rượu vang không?
- Vang ấy hả? Tôi thích lắm.
Cô gái đề nghị chàng chọn rượu mà trong đầu chỉ mang máng có một cái tên duy nhất bèn mạnh dạn nói với người hầu bàn và được trả lời là có nhưng mà giá hơi đắt. Chàng bèn nhủ thầm:
- Gợi ý dùm tôi đi.
Người hầu bàn cứu dùm chàng khi đưa ra cái tên Rene Barbier kèm theo câu hàng đang được khuyến mãi. Chàng gật gù ra vẻ hài lòng và đồng ý mà trong bụng rủa thầm:
- Mẹ! Có cần nói thế không chứ?
Dân tay mơ nên rót gần đầy ly và uống quá nhanh nên “xỉn” đến mức ngủ quên khi đến nhà cô gái.
Chính vì sự thành thật và lơ ngơ đến mức dễ thương ấy mà lại “được việc” đấy!
Tính cách với những lời tự nói thầm của anh chàng gây nên sự thích thú mà tui coi lại mấy lần rồi cứ cười một mình.

sao... said...

Hổm nay cứ lo “thơ thẩn” nên chưa kịp nói điều nầy:
Quả là bạn SƯƠNG MAI đã làm người ta ngạc nhiên khi “xuất chiêu” viết một bài tường thuật ngắn về cuộc dạo chơi chiều hè kèm theo những hình ảnh trong “chuyến đi thực tế” rất đẹp mắt.
Đọc xong đừng hỏi sao nội dung bài viết không thấy gì so với chủ đề? Tui thì thấy trong đó có một tấm lòng muốn đem đến các bạn khác những hình ảnh thực tế tự tay mình chụp lại mà không phải ai cũng có thể nhìn thấy tận mắt.(Mà theo tin tui đọc qua mấy câu thơ trên Trang Thơ thì cái tay đang bị đau thì phải).
Có thể vì chủ tâm là muốn đưa những hình ảnh đẹp cống hiến cho các bạn nên những câu chữ chỉ như những lời chú thích kèm theo mà thôi, không phát triển rộng hơn. Mỗi người có một sở trường riêng và cố gắng phát huy nó trong sân chơi chung.

Câu viết cuối cùng trong bài viết làm tui bật cười: Tôi tưởng như mình nãy giờ ngao du giữa chốn đồng quê,

Chẳng lẽ người ta trồng nho trong phòng khách?

Phạm Như Thương Bmt said...

Đến phiên NT phì cười đây ạ ! Trang chủ trồng nho trên Trang thơ í mà !
Đất lành chim đậu, nên Trang chủ trồng hoa bốn mùa rồi, nay lại trồng trái cây nữa

Mỗi người đều có khả năng viết hết, chỉ có điều là cảm thấy mình viết không hay nên không dám trình làng mà thôi. Các bạn thử xắn tay áo lên hạ bút xem... như Trang chủ đấy - không thành cơm thì cũng thành "cháo" ! Đó là cảm nghĩ đầu tiên của NT khi NT bắt đầu làm thơ đó nha... Quả thật, nhìn lại đoạn đường mình đi qua cũng có những bài thơ là "cháo" và cũng vui vui khi có những bài thơ được độc giả lén để dưới gối mà NT gọi những bài thơ ấy thành "cơm".

Cuối tuần này sẽ có thêm ngày lễ, thế thì Trang chủ chuẩn bị vác máy đi lang thang nữa chưa? Riêng NT thì hổm rày tu ở ... thư viện với lũ vịt láo nháo (học trò), ngày nào cũng như ngày học trò đi thi Tú tài cả

Trở lại bài viết của Trang chủ, ừ thì thành cơm rồi nhé Trang chủ...

NT thích nhất đoạn này :
"...Gió nhẹ trong ánh chiều vàng đung đưa các nhánh cây buông lơi trên mặt nước như những mái tóc thiếu nữ tạo dáng xõa dài, tôi không biết loại cây này tên gì, thấy đẹp nên cứ nghiêng đầu ngắm mãi...." để rồi lòng ngóng đợi tấm hình Trang chủ "nghiêng đầu"....

Cuối cùng sau khi đọc bài, NT chợt ứng khẩu...
Mưa làm rượu nhạt rồi sao
Em nghiêng đầu ngắm bỗng nao nao lòng..

Suong Mai said...

Làm sao mà có được tấm hình Trang chủ "nghiêng đầu"...hả NT? Chiều thứ sáu vắng, sau giờ làm việc là ai nấy cũng hối hả ra về chỉ có SM là lơ tơ mơ với trời xanh mây nước, tà tà đi tìm "Món Quà của Thượng Đế", lấy đâu ra bóng Tùng Quân mà yểu điệu nhờ chụp tấm hình?

Unknown said...

Lâu qúa mới thấy Cô Giáo SM viết văn, chụp hình! Văn thì Tình lắm & hình thì đẹp như ... "chiều vàng" ...
Tình & Đẹp qúa mà đến nỗi s@.. phải
thốt lên:

Em níu hoàng hôn lay vạt áo
Em mời ghé lại gió xôn xao
Mây trắng đừng bay cho em hỏi
Cớ gì trong dạ thấy nao nao?

....
Rồi QH thấy vườn nho lại bàn đến rượu chát! Món ăn gì uống loại nào ... nghe mà muốn đi Tây, đi Cali (NAPA valley) .. và:

Làm hồn tôi say và tim óc tôi lại nhớ về thứ rượu nổi tiếng ơ Quảng
Nam:
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đã say!

Bây giờ các bạn ở Trang Thơ cho hồn tôi bay về VN để nói về rượu Hồng Đào 1 tí .. rồi hứa với các bạn sẽ trở lại rượu Napa ở Cali sau.

Có nhều truyền thết về rượu Hồng Đào ở Quảng Nam. Nó không là gì hết,
chỉ là rượu đế bằng gạo, người nấu rượu có làm 1 chủ quán bán rượu ông cất .. và có cô gái tên là Hồng Đào. Do vậy các dân trai làng ở Quảng Nam, đa tình đa cảm "chưa mưa đà thấm" đến qúan uống rượu, thấy cô Hồng Đào là mê là say, nên mới có câu: "chưa nhấm đã say"!

Xin thưa chuyện đó thực hay "bịa đặt" chỉ có trời mới biết!

Có 1 thuyết nữa là rượu Hồng Dào là "ba xí đế", ngâm trái đào ra màu hồng, gọi là rượu Hồng Đào.

Có 1 thuyết nữa: Cũng ba xi đế nhưng lấy tăm cây hương (màu đỏ), hay lấy bao hương màu đỏ, ngâm vào, ra màu đỏ .. cho nó có vẻ "rượu ngoại"! Thuyết này không hợp vói tính tình của dân xứ Quảng, chân thật, hiền từ ... nhưng cũng có thể
có thực vì Hội An có nhiều người MInh Hương.. họ có nhiều cách "LẠ"!
Who knows?

Có diều chắc chắn là rượu Hồng Đào là rượu đế.

Người ta đồn rằng, đất Quảng Nam
ngày xưa là đất Chiêm Thành, kinh đô ở Mỹ Sơn (Thánh Địa Mỹ Sơn, tây nam Đà Nẵng). Người Chàm chưa biết uống rượu. Người dân Quảng Nam từ
vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩng vào dành đất, dụ người Thượng uống
rượu Hồng Đào, nhưng khi đó hưa có chen, tách .. mới đổ rượu đế vào 1 cái lọ lớn, rồi mỗi người dủng cây sậy, thọc thông lỗ ... và hút (tu) rượu từ lọ lớn ra.

Sở dĩ tôi nói lai lịch này để cho các bạn Trang Thơ sinh ra, lớn lên
ở BMT biết nguồn gốc của "rượu cần"
của người Thượng từ đâu có.

Nghe đồn rằng, người Champa bị dân Quảng Nam phục rượu say .. nên việc lấy đất, mở mang Trấn Quảng Nam dễ dàng là vậy!

Người viết Sử có thể lệch lạc nhưng
lịch sử tự nó luôn luôn là sự thật.
Dân Quảng Nam lấy đất Chiêm Thành là thật, dân Thượng học làm "rượu cần" từ rượu Hồng Đào là không ngoa!

Bây giờ xin trở lại rượu nho NAPA.
Khi qua Mỹ tui mới biết rượu từ vùng NAPA là ngon nhất Cali, ngon nất ở Mỹ. (tương đối thôi!)
Vậu tui đố các anh chị, rượu chát sản xuất ở NAPA valley, cùng 1 hãng trên chai có để chữ "NAPA VaLLEY",
có khi chỉ để chữ NAPA, có kho NAPA California, hay chỉ California.
Vậy rượu trong các chai đó có gì đặc biệt?

Unknown said...

QH nói về làm rượu chác ...
tui khi mới qua Mỹ, có viết bài "Chai nước Mắm". Khi người Mỹ hỏi tui làm nước mắm như thế nào, tui trả lời cũng giống như làm rượu chác ở Napa Valley vậy!

Các bạn nào muốn thì tui sẽ gởi bài "Chai nước mắm" riêng cho, như món "qùa tặng", .. như QH bảo là được tặng chai rượu hác nhỏ ..qúy lăm!

Xin trích 1 đoạn cho các bạn biết chơi:


Nói nước mắm tui nhớ lại thưở mới lập nghiệp ơ? Hoa Kỳ. Người Mỹ khoái chả giò, nhưng mới ngưởi/"nghe" mùi mắm thì cũng hơi ớn! Ăn chả giò mà không có nước mắm chấm thì khó nuốt, lạt lẽo, tựa chừng ăn thịt bò beefsteak mà không có A1.
Người bản xứ hỏi tui nước mắm được làm "chế tạo" như sao. Tui một phần "không rành" về cách làm nước mắm dẫu biết rằng là người Việt Nam, tôi đã lớn lên bằng cơm, nước mắm, sữa mẹ, tình thương gia đình, và khí thiêng của vùng địa linh nhân kiệt xứ Quảng quê hương tui; một phần nữa không rành tiếng "Ảnh", tiếng Anh, nên nhẹ nhàng trả lời gián tiếp:
Nước mắm ở quê hương tôi được làm giống như làm rượu chác vậy ơ? Napa Valley vậy. Họ hỏi tiếp, có nghĩa là như thế nào?

Thực ra khi họ hỏi tiếp, tui hơi lúng túng, vì Ăng lê của tui đã không mạnh và giọng Quảng Nam lại cứng, khó nghe, làm sao giải thích cho thông suốt. Nhưng cái tự ái dân tộc của tui nó sùng sục dâng lên. Dân tộc mình đã gần 4 ngàn 200 trăm năm văn
hiến, xứ sở họ khi đó chưa đầy 200 năm tuổi gìa, thế mà họ dám chất vấn "Ông" về "tinh hoa" của dân tộc Tiên Rồng Ông!

Nước mắm, với trứng hột gà, hột vịt, hay trứng chim, trứng gì cũng được, có tròng đỏ càng tốt, tròng trắng không không sao, rau cải, (hay chỉ nước mắm không với cơm khoai) là tôi đã sống ít ra được 12 tiếng đồng hồ! Cũng nhờ nước mắm mà cha Ông chúng ta đã dẹp Tống bình Chiêm. Chỉ có nước mắm, khoai lang mà dân xứ Quảng tui có được ngũ phụng tề phi, ..... Thế mà họ dám "question" tui hả?

Nhưng biết phận "hẩm hiu", ăn nhờ ở đậu xứ sở này, trong người ngoài cái tên họ đảo ngược, tui chỉ mang vỏn vẹn cái giấy tùy thân I-94, tứ cố vô thân, một hàn sĩ, người tình bay xa, xa tất cả chỉ bên mình bây giờ có chai nước mắm và chai rượu đỏ. Tui lễ phép, very gentle, làm bộ như mình là rành nước mắm, xuất thân từ gia đình "nước mắm", trả lời nhưng vẫn cố gắng giữ lấy bí quyết làm nước mắm của tổ tiên,
không phản bội tổ tiên, trả lời bằng sự so sánh:
Thì dân tui bắt cá về, ướp muối vào, ít nước vàọ (Xim mở ngoặc ở đây là phải tươi rồi muối vào, chớ không là hỏng, vì: Cá không ăn muối cá ương mà!) bỏ vô vựa/thùng gỗ lớn có lỗ ở dưới, sau thời gian biến chất, thành nước mắm, "nước mắm" chào đời, giống như ở Napa valley dân bản xứ, hái trái nho, chở về, dậm lên, trái nho tan nát đời em, ình lên (lên men - fermented), bỏ vô thùng oak, có lỗ cho rượu chác chảy ra. Chúng ta uống rượu đỏ mà tí tí oaky mới OK. Như vậy đó!

Unknown said...

"sao" .. kể chuyện về chàng trai trong phim Đại Hàn .."qưới nhân giúp kẻ khù khờ" .. tui xin kể 1 chuyện "của tui":

Hè năm 1976, tui được gia đình bảo trợ cho đi "ké" đền thành phố New York city. Ông bảo trợ là 1 bác sĩ về ung thư, ông cũng là Chairman of cancer society" của tiểu bang.
Ông Bà f ở NY city, cho tui đi theo như con trong gia đình.

Hôm đó có tiệc khoảng đãi trong gia đình. Người hầu bàn đưa mỗi người 1 list wines .. nó dài như sông Trường Giang ở quê tui.
Đến lượt nó hỏi tui, qua Mỹ được 1 năm, anh văn âm ớ, mà tên rượu chát thì ... như tiến Phạn .... nhưng mình là con Hồng cháu Lạc ... đâu để mất mặt ...
nhanh trí, tui bảo người hầu bàn cho tôi 1 ly giống như Bố tôi (tui gọi Ông Bà bảo trợ tui là Mom & Dad.)

Thế là thoát nạn! Hú hồn!
Ba MÁ nuôi tui sau bửa tiệc bảo tui là mầy có thể từ chối không order wine, không sao đâu!

Ông Bà biết là ở nhà dinner hay lunch ông bà thường uống rượu vang nhưng tui thì không!

Bây giờ lại thêm c1i bịnh bao từ ..nên bia rượu: Ta xin chào mi!


sao... said...

Với tư cách cá nhân, tui xin hoan hô bạn TRỊNH HÒE đã tham gia tích cực bằng những comments sống động và thực tế.

Xin vô phép được nói là ở sân chơi nầy có bạn QUÊ HƯƠNG viết comment rất hạp với ý tui, nay có thêm được bạn nữa thì rất lấy làm vui mừng.
“Tiếng lành đồn xa”. Vốn tui chỉ mới biết và tham gia sân chơi nầy chưa lâu, nhưng đã nghe Trang Chủ giới thiệu về bạn khá nhiều. Cũng mong được có dịp sinh hoạt chung với một người trai xứ Quảng mà tiếng tăm của họ về thơ văn nhạc rất nổi trội trong nước thí dụ như nhà thơ Lê Minh Quốc hay nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển. Riêng cái ông Sao Biển nầy được s@...rất ngưỡng mộ ở bài hát đầu tay Thu Hát Cho Người mà ca từ rất chải chuốt và những bài khảo luận về những truyện võ hiệp của Kim Dung rất đặc sắc.

Chẳng biết câu ca dao hồi xưa có vận vào những chàng trai Quảng Nam không mà có rất nhiều người nổi tiếng về mặt thơ văn.
Học trò trong Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế chân đi không đành


Đi không đành chẳng lẽ chỉ đứng chôn chân mà làm cây si thôi sao? Thế là phải vận dụng tất cả những sở trường vốn có của mình mà...tán tỉnh chớ? Mà hình như những âm điệu mềm mại ngọt ngào của thơ nhạc dễ lọt vào tai con gái hay sao đó.

Vậy cho nên, theo tui cái “truyền thống “ nầy được lưu truyền từ đời ông cho đời cha, rổi từ đời cha cho đời con...nên hầu hết những chàng trai đất Quảng Nam đều rất tài tình trong lãnh vực nầy. Do phong thổ tại đất Quảng làm cho giọng họ hơi cứng khó nghe đối với người miền khác, nhưng chữ viết thì giống nhau hết. Vậy thì cần chi phải nói? Ta cứ làm thơ, viết văn, đặt nhạc để “tán đào” cũng dư sức qua cầu mà. Đến khi nàng xiêu lòng rồi thì “khi thương trái ấu cũng tròn”. Mọi sự đều viên mãn...

Hổng biết tui nói vậy có trật chỗ nào không bạn TRỊNH HÒE?

Unknown said...

Thân chào một vì "Sao" sáng của Trang Thơ.

Dân Quảng tui thì chất phát, ăn cục nói hòn ... có sao nói vậy, do đó
tên tui săo thì tui để lên trang thơ là vậy. Xin tự giới thiệu: tui tên là: Trịnh Hòe, sinh đẻ ở Quảng Nam, có một dạo ở Quảng Tín, sau khi mất nước 30 tháng 4, 1975, Quảng Tín của tui mất luôn.

Về hai câu thơ:
Học trò xứ Quảng ra thi
Thấy cô gái Huế bỏ đi không đành.

Đó là mấy anh chàng nói tiếng trọ trẹ sửa lại vì thấy mấy O gái Huế chê "đồ nội", vọng ngoại ... mê anh
chàng trai xứ Quảng, con cháu của Ngũ Phụng tề phi, ... mấy anh trai Huế đổi câu sau "original":

Mấy cô gái Huế bỏ đi không đành!

Bình tâm mà nói, ngày xưa đi thi
nó quan trọng lắm. Thi đậu ra làm Quan cả họ được nhờ, cả làng cũng nhò lây. Thi rớt 1 cú, các anh chị dư biết, tốn kém bao nhiêu, có nhiều chàng tự tử, có nhiều mối tình đi đong ... do vậy tâm tư nào
mà "đứng" khi thấy mấy O Huế!

Do vậy, mấy anh chàng Huế 100% đã sửa chữ Mấy thành chữ Thấy để chọc quê mấy cháng trai xứ Quảng vậy thôi!

Về giai thoại "Thu Hát cho Người" của Vũ Đúc Sao Biển, anh có biết chưa? Nếu chưa tui rất vui để hầu chuyện. Tôi co biết biết cô Thu, người Thăng Bình .. mà VĐSB yêu mà không dam nói ..chỉ biết viết nhạc, đàn ca ... run .. không dám tỏ tình .. không biết sao mà anh lại "ngưỡng mộ" VĐSB mới là lạ ....

Thân chào, TH

sao... said...

Dĩ nhiên là xuất xứ bài hát Thu Hát Cho Người làm sao tui biết được?
Thiệt ra, nếu chịu khó nhờ Ông Google là cái gì cũng biết, nhưng tui là ghét nhứt ba cái vụ nhờ cậy người khác, cứ biết cái gì thì nói cái đó thôi nên cũng có đôi khi trật bài vị chưa biết chừng.

Sở dĩ tui ngưỡng mộ Ông Sao Biển vì bài hát đầu tay mà viết hay quá, nhứt là những ca từ rất trau chuốt. Nói theo bạn thơ NHƯ THƯƠNG là thành cơm liền chớ không thành cháo.

Đoạn sau nầy Ổng đăng ký làm cây viết bình loạn, phiếm loạn thường trực trên tuần san Thanh Niên nói lan man và tào lao quá nên tui chê! Ít có đọc bởi đó đâu phải là sở trường của ổng.

Nhưng nghĩ cho cùng thì tui cũng có phần thông cảm vì ai cũng cần có chén cơm để ăn hàng ngày. Ba cái thơ nhạc chỉ để cho vui thôi chớ có nuôi sống được ai đâu? Giả sử thỉnh thoảng có tờ báo nào đăng cho một vài bài thơ thì tiền nhuận bút chưa chắc đủ uống cà phê một tháng chớ nói chi tới mấy dĩa cơm bình dân lề đường.

Unknown said...

Bạn "Sao" hỏi tại sao dân Quảng Nam lại khá về lãnh vực thơ văn, ca nhạc.

Tui dân Quảng Nam chính gốc .. nhưng
thấy câu trả lời cho câu hỏi trên ...
hơi nặng ký.

Tui nghĩ (đoán thôi) chắc tại "phong thổ".
Thử coi, ở xứ Quảng, sau lưng Tây dãy Trường Sơn ngạo nghễ, trước mật biển Thái Bình Dương mênh mông.
Hè thì nóng ơi là nóng, đông thì
lạnh ơi là lạnh, va thêm lũ lụt ...
Do đó con người Quảng Nam sống gần với thiên nhiên. Cuộc sống khắc khổ, nghèo khó, tạo con người xứ
Quảng "vương lên", "chiến đấu".
Con người Quảng nam rất khí khái, ăn nói bộc trực, vì vậy dân Quảng Nam có nhiều nhà cách mạng nhưng it có người giỏi trong "chính trị"!

Về văn thơ, tui nghĩ chắc vì sống gần thiên nhiên và viết văn lam thơ đâu có cần "giàu sang phú qúi".
Chính cái "nghèo", "khó", "sống với thiên nhiên", "đau khổ" ... đó la những chất xúc tác để cho tâm hồn người dân Quảng Nam trào ra những vần thơ, bài viết nói thay mình ...
mà không phải cần tiền triệu ...

Với lại thực ra xứ Quảng có khá nhiều dân "tứ chiến". Nhiều người Hoa lập nghiệp ở Quảng nam lâu đời.
Những con cháu c3a Thôi Hiệu, Tô Đông Pha ... chắc cũng giúp văn thơ của đất Quảng Nam không ít!

Tui nghĩ vậy!

TH,

Phạm Như Thương Bmt said...

NT... hết hồn... khi thấy bạn thơ Trịnh Hòe viết một mạch mấy trang ! Vì hồi nào đến giờ NT đã biết bạn thơ TH qua vài dòng ngắn ngủi đi kèm theo những bài đọc trên Net dài như dòng sông- thế mà hôm nay NT lại phải nín thở đọc lời bạn thơ kể chuyện về tình người Quảng Nam, rượu tình ngọt lịm, rồi lại nước mắm mặn mòi. Thế là NT biết mình sắp được chu du xứ Quảng dài dài rồi đây.
Nói đến miền đất ấy, NT thường hay nghĩ ra một điều ngay tức khắc: Nếu có người nào đó làm thơ hay, nhớ hỏi lại phải người đó dân Quảng Nam không...Nên NT không biết địa linh nơi ấy đã có điểm gì đặc biệt để họ làm bạn với Nàng Thơ một cách dễ dàng như vậy?

sao... said...

Tự ái ghê!

Suong Mai said...

...dân Thượng học làm "rượu cần" từ rượu Hồng Đào là không ngoa!

Điều này thì SM mới nghe nói lần đầu đây , nhưng SM còn có những bạn người Mường quê tại Hòa Bình ngoài Bắc, khi vào Nam chọn đất lành BMT sát ngay phi trường Phụng Dực mà định cư thành lập làng lấy cùng tên quê cũ. Những lần ghé thăm gia đình bạn nhất là vào dịp Tết thì không thể nào từ chối chuyện uống rượu cần vì dân tộc Mường rất thân tình hiếu khách, rượu ngon nồng thơm hơn rượu cần của người Ê đê BMT. Ngàn Sau chắc còn nhớ ngày Tết nào cùng SM và các học cũ ngồi trên chiếu hoa mà vít cần , Cô với trò ngất ngưởng hát hò thiệt vui. Thế thì liệu người Mường hay người Thái và những dân tộc vùng Tây Bắc Việt Bắc liệu họ có liên quan gì tới rượu Hồng Đào không hả TH ?

Suong Mai said...

Còn chuyện này nữa về rượu Napa, TH có đố nếu nếu trên chai có nhãn ghi Napa Valley thì có gì đặc biệt? SM hiểu nôm na là nếu phải pha trộn thì ít nhất 75% thứ nho làm rượu đó phải được trồng tại Napa Valley còn 25% còn lại trồng từ những nơi khác trên Cali. Về mặt hành chánh người ta còn gọi tên Napa County với năm thành phố chính rất nổi tiếng về sản xuất về rượu Vang là Napa-Calistoga-St. Helena-American Canyon-Yountvilleis. TH biết trong chai có gì đặc biệt hơn thì kể cho bà con nghe với.

sao... said...

Chà! Nghe bạn SƯƠNG MAI nói năng và so sánh giữa rượu cần của người Mường và người Êđê nghe có vẻ...sành điệu nhỉ!

Thời kỳ tui sống ở xứ Banmêthuột lúc đã có thẻ căn cước trong túi rồi, thỉnh thoảng cũng có nhờ mấy anh người Êđê làm cho một ché rượu cần nho nhỏ uống chơi.
Không biết họ ủ rượu bằng lá rừng hay bằng men rượu mua ngoài chợ vì miệng ché đã được bịt kín bằng lá rừng, nhưng dĩ nhiên là đặc biệt hơn bình thường rồi.
Vài người bạn ngồi lại chung quanh ché rồi rót rượu cần ra tô mà uống chớ không vít cần như người thượng.
Bọn tui uống rượu cần theo kiểu "công tử Bến Tre", có nghĩa là châm nước dừa tươi vô ché rượu chớ không bằng nước lã theo kiểu thông thường. Hương vị nó nồng nồng, cay cay, ngọt ngọt dễ uống như một ly huýt-ky Bà Quẹo nên cứ làm tới tới.
Cứ tới tới như vậy thì đố các bạn có bị say không?
Say tới quẹo tại chỗ luôn chớ nói chi tới cái câu "không say không về".
Về có nổi đâu mà nói về!

Phạm Như Thương Bmt said...

Tự ái chi Ngũ Âm Tình thi sĩ !
"Kho trời chung mà vô tận của mình riêng" (Cao Bá Quát)

Phạm Như Thương Bmt said...

Phen này Trang chủ dẫn cả làng ... đi nhậu chăng !? NT thú thật là dẫu ở Bmt bao nhiêu năm, nhưng chưa bao giờ nếm được giọt rượu cần, chứ đừng nói chi có được cái cảm giác "cong vít cần" ! Hồi xưa mà được vậy thì thế nào thơ NT cũng loáng thoáng ché rượu cho mà xem...
Tuy nhiên, cảm giác say rượu Tây thì NT "TRẢI QUA" rồi !!! Oai chưa ? May phước là còn biết đường đi về. Chả là NT đi đám cưới bạn, rồi được mời rượu, chỉ một chung nhỏ thôi, cỡ chung nằm gọn trong lòng bàn tay. Thấy vậy, phe ta bỗng khinh địch, "ực" một hơi gọn hơ ...
Đến đây thì các bạn thơ biết hồi kết cuộc rồi phải không? Thấy trái đất quay ngược chiều !!! Phải nói NT phục lăn mấy ông nhậu, lại phục mấy ông nhà thơ "Đời vắng em rồi say với ai "

Unknown said...

Trả lời SM:
1. Người Thượng tui nói đây là người Champa. Mỹ Sơn 1 thời là thánh địa của họ ... bị dân Quảng nam chiếm ... (nghe nói bằng cách phục rượu ..
không biết có đúng không! Đồn vậy thôi!

Còn mấy anh Mường di cư (sau 1954) vào BMT ... thì chuyện họ làm rượu .. tui không biết! Nhưng người Champa nghe nói học các làm rượu từ
cách nấu rượu Hồng Đào!

Nếu chưa đi thăm Mỹ Sơn nên đi 1 chuyến cho biết:

http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%A1nh_%C4%91%E1%BB%8Ba_M%E1%BB%B9_S%C6%A1n

2. Napa Valley:
Phải là 100% làm từ nho hái ở Napa valley và fermented và vô chai ngay ở NAPA valley!
Đó là lời giải thích khi tui thử rượu Mondavi. Lúc đó khoảng giữa thập niên 1980's, tui đi thử rượu
ở đó, tui thấy trên chai có Napa Valley, 1 số chai khác, cùng hãng,
nhưng không có NAPA velley, tui hỏi và họ giải thích vậy!

quehuong said...

Hello Trịnh-Hòe,
Mấy hôm nay, Trang Thơ náo nhiệt với sự góp mặt của Bạn..Đúng ra là nhờ những tấm ảnh do SM “dãi nắng dầm mưa..” ở vườn nho “đô thị” cống hiến cho Anh Em mình xem..từ đó mới có “chiện” rượu chát, rượu nho..qua rượu Hồng Đào xứ Bạn..Tui có nhiều Bạn “ xứ Quảng..” mà tui khoái nhất là Ngũ Phụng Tề Phi..”NHƯNG..” lại nhưng, hình như mấy Ông Ngũ Phụng Tề Phi này mà không có rượu Hồng Đào vào thì chắc cũng “trớt quớt”..Còn về chuyện ai học ai cách nấu rựou thì chịu thua, tuy nhiên theo những gì mà mình có thể “truy cứu” được thì…hình như cho đến năm 1471 mới có Quảng Nam. Trước đó thì thuộc Điện Bàn. Và cho đến năm 1605 thì vùng Điện Bàn này mới nhập vào Quảng Nam..
Cuối cùng, dẫu có hiểu rượu Hồng đào theo cái nghĩa nào, thì hẳn ta cũng sẽ đồng ý một điều rằng, rượu Hồng đào là rượu tình, rượu nghĩa, thể hiện cái tình, cái nghĩa của những con người xứ Quảng. “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say” là vậy. Và bài viết này cũng chỉ như một lời khẳng định thêm về niềm tự hào ấy.

Rượu Hồng Đào là loại rượu của xứ Quảng, nổi tiếng từ xưa tại Việt Nam, mang trong mình những câu chuyện, huyền thoại đẹp. Rượu được nấu từ nguyên liệu đầu vào là nếp hương Bà Rén và gạo Gò Nổi, tất cả là nguyên liệu mới (thu hoạch không quá ba tháng). Men rượu là loại men đặc biệt tuyển chọn từ men lá cổ truyền. Rượu thường được dùng trong các dịp lễ, cưới hỏi nghinh hôn, lấy làm rượu hợp cẩn giao bôi.
Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say...

Nhưng đến đây lại có một vấn đề đặt ra. Đó là khi đã khẳng định loại rượu trên là rượu Hồng đào, thì tại sao, trong câu ca dao vẫn được lưu truyền rộng rãi kể trên, rượu Hồng đào lại chỉ gắn với địa danh Quảng Nam. Lần giở lại lịch sử, chúng ta thấy, địa danh Quảng Nam lúc đầu là một định danh. Sau đó, năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông khôi phục lại bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa (vốn là đất Chiêm Thành đã nhượng cho nhà Hồ từ năm 1402), vua đã lập thừa tuyên Quảng Nam đạo, tức thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt gồm có 3 phủ, 9 huyện, với nghĩa “Quảng Nam Thừa tuyên” là đất mở rộng về phía Nam, vâng lệnh vua để tuyên dương đức hóa”.
Khi ấy, bản thân phần đất từ bờ bắc sông Thu Bồn trở ra đến đèo Hải Vân lúc này mang tên huyện Điện Bàn (tức vùng đất lưu truyền câu chuyện về cô gái Hồng Đào và được xem là nơi có cách chế tác rượu Hồng đào), vẫn còn thuộc phủ Triệu Phong của Châu Hóa. Mãi đến năm 1605, Nguyễn Hoàng mới tách vùng đất này ra khỏi trấn Thuận Hóa, nhập vào trấn Quảng Nam. Đất Quảng hồi đó như vậy bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và một thành phố bây giờ là Đà Nẵng.

quehuong said...

Ngũ Phụng Tề Phi, Tứ Kiệt, Tứ Hổ
Ngũ Phụng Tề Phi
Ngũ Phụng Tề Phi nghĩa là năm con chim phượng cùng bay lên là danh hiệu do vua Thành Thái phong tặng cho năm vị đại khoa đồng hương tỉnh Quảng Nam và đồng khoa cùng đỗ trong một khoa thi năm 1898, một điều hy hữu xưa nay chưa từng có tại ViệtNam.
Năm tân đại khoa đồng hương và đồng khoa được xếp theo thứ tự như sau:

Ông Phạm Tuấn :
Tiến sĩ đệ nhị giáp, người lớn tuổi nhất, cử nhân xuất thân,
Vốn tên Phạm Tấn, sau đổi thành Phạm Trọng Tuấn, rồi Phạm Tuấn. Tự là Hỷ Thần. Hiệu là Văn Luân. Sinh năm Nhâm Tý 1852. Người làng Xuân Đài, tổng Phú Khương Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn. Năm Mậu Dần 1878, niên hiệu Tự Đức XXXI, đỗ tú tài và năm kế tiếp đỗ cử nhân.
Theo Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn (sđd), từ năm Ất Dậu 1885, Phạm Tuấn đã ra Huế thi Hội rồi thi Đình đều trúng cách, song chưa kịp truyền lô (lễ tuyên chỉ của hoàng đế chính thức công nhận học vị) thì xảy ra sự biến thất thủ kinh đô và vua Hàm Nghi xuất bôn. Chiếu luật lệ, kết quả thi khoa ấy bị huỷ. Phạm Tuấn lĩnh chức bang tá phủ Điện Bàn, rồi được bổ làm huấn đạo Quế Sơn quyền nhiếp tri huyện Hà Đông (Tam Kỳ), đến năm Bính Thân 1898 thì làm giáo thụ phủ Thăng Bình ở tỉnh nhà. Cũng theo sách vừa dẫn, năm Mậu Tuất 1898, Phạm Tuấn dự thi Hội lần thứ nhì (?) và đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân nên bà con gọi “ông nghè nhị khoa tiến sĩ”. Bấy giờ, Phạm Tuấn đã 46 tuổi, hơn Phạm Liễu và Phan Quang những 21 tuổi. Như thế nghiã là ông Phạm Tuấn 2 lần đổ tiến sĩ 2 khoa thi hội cách nhau 10 năm, 1889-1898.
Năm Kỷ Hợi 1899, Phạm Tuấn được bổ làm thừa biện bộ Lễ. Năm Nhâm Thân 1902, làm thị giảng học sĩ. Năm Mậu Thân 1908, làm đốc học Hà Tĩnh, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Năm Quý Sửu 1913, về hưu, được thăng hàm Hồng lô tự khanh. Năm Tân Tị 1917, tạ thế tại quê nhà.
Ông Phạm Liệu:
Tiến sĩ đệ nhị giáp, người nhỏ tuổi nhất.
Tự là Tăng Phố và Sư Giám. Sinh năm Quý Dậu 1873. Người làng Trừng Giang, tổng Hoà Đa Thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Trung, huyện Điện Bàn. Năm Giáp Ngọ 1894, thi đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân và lưu lại Huế học tiếng Pháp tại Tứ Dịch quán. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Đông Sơn rồi tri phủ Nga Sơn ở Thanh Hoá. Năm Ất Tị 1905, làm chủ sự bộ Hình rồi chủ sự Quốc sử quán ở kinh đô. Năm Mậu Thân 1908, niên hiệu Duy Tân thứ II, làm tri huyện Phù Cát ở Bình Định. Năm Nhâm Tý 1912, làm viên ngoại phụ chánh Cơ mật viện, hàm Quang lộc tự thiếu khanh. Khoa thi TS năm Quý Sửu 1913, làm quan duyệt quyển (1) cùng với Nguyễn Thiện Hành – biện lý bộ Học. Hai năm sau, được thăng hàm Hồng lô tự khanh, làm phó chủ khảo trường thi Hương tại Nghệ An. Trải qua nhiều chức trọng quyền cao nơi triều chính, như tham tri bộ Công và tham tri bộ Lại, đến năm Kỷ Tị 1929 còn được bổ làm thượng thư bộ Binh.
Năm Quý Dậu 1833, vua Bảo Đại cải tổ nội các, bãi nhiệm cùng lúc 5 thượng thư, gồm: Phạm Liệu – bộ Binh; Nguyễn Hữu Bài – bộ Lại; Tôn Thất Đàn – bộ Hình; Võ Liêm – bộ Lễ; Vương Tứ Đại – bộ Công. Sự việc đó thường được dân chúng truyền tụng qua bài thơ thất ngôn bát cú của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1897 – 1947):
Năm trụ khi không rớt cái ình!
Đất bằng sóng dậy xứ Thần Kinh.
Bài không đeo nữa, xin dâng Lại,
Đàn nỏ ai nghe, khéo dở Hình.
Liệu thế không xong Binh chẳng được,
Liêm đành giữ tiếng Lễ đừng rinh.
Công danh thôi thế là hưu hĩ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
Phạm Liệu về hưu tại quê nhà và mất ngày 21-11-1936 (Bính Tý). Sách Khoa bảng Quảng Nam dưới thời nhà Nguyễn do Phạm Ngô Minh và Trương Duy Hy hợp soạn (NXB Đà Nẵng, 1995) ghi thời điểm TS Phạm Liệu lìa trần đúng ngày tháng vừa kể, nhưng lùi lại một năm: 1937 (Đinh Sửu).
Một trong những người con của TS Phạm Liệu là nhà thơ tài hoa bạc mệnh Phạm Hầu (1920 – 1944) từng được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong tập Thi nhân Việt Nam rằng: “Ở giữa đời, Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường đi”.

quehuong said...

Ông Phan Quang:
Tiến sĩ đệ tam giáp,quê quán làng Bàng Lãnh, tổng Phú Khương Thượng (Gò-Nổi Phù Kỳ), phủ Ðiện Bàn, trú quán làng Phước Sơn, huyện Quế Sơn.
Tự là Quế Nam. Sinh năm Quý Dậu 1873. Là bạn đồng niên, đồng môn, đồng song, đồng khoa với TS Phạm Liệu: cùng học trường Đốc tại Quảng Nam, cùng đỗ cử nhân năm Giáp Ngọ 1894 tại trường thi Thừa Thiên, cùng đỗ đệ tam giáp đồng TS xuất thân năm Mậu Tuất 1898 rồi cùng lưu lại Huế luyện Pháp văn tại Tứ Dịch quán. Năm Tân Sửu 1901, được bổ làm tri huyện Lệ Thuỷ rồi tri huyện Bố Trạch ở Quảng Bình. Sau nhiều năm làm quan luân chuyển qua các địa phương duyên hải miền Trung, đến năm Bính Dần 1926 được điều về kinh đô làm thị lang rồi tham tri bộ Hình. Ấy là lúc Bảo Đại vừa lên ngôi. Năm Canh Ngọ 1930, về hưu. Năm Kỷ Mão 1939, mất tại quê nhà.
TS Phan Quang có 7 anh chị em ruột thì 4 anh em trai đều thuộc nòi thi thư: anh là tú tài Phan Xáng, em là tú tài Pham Ấm và cử nhân Phan Vĩnh.
Con trai của TS Phan Quang có nhà giáo kiêm nhà sử học Phan Khoang (1906-1972)và nhà báo kiêm nhà văn Phan Du (1915 – 1983). Nhà sử học Phan Khoang là tác giả các sách “Việt Nam Pháp Thuộc Sử”, “Trung Quốc Sử Lược” v.v… Sau cuộc đảo chính ngày 11–11–1960 của Đại tá Nguyễn Chánh Thi ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam tại trại giam bí mật P42 trong Sở Thú – một nhà giam tàn bạo nhất chỉ dành riêng để giam cầm tra khảo người quốc gia đối lập quan trọng như trại Chín Hầm của Ngô Đình Cẩn ở Huế.(Lê Văn Thông).
Ông Dương Hiển Tiến:
Sinh năm Bính Dần 1866. Người làng Cẩm Lậu (còn gọi Cẩm Lũ), tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn. Năm Tân Mão 1891, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Năm 1907, Dương Hiển Tiến lâm bệnh thương hàn và mất ở quê nhà.
Ông Ngô Lý ( Tức Ngô Chuân) :
Còn gọi Ngô Chuân, Ngô Trân và Ngô Lý. Chào đời năm Quý Dậu 1873. Quê làng Mông Lãnh, tổng Phú Xuân, huyện Quế Sơn, phủ Thăng Bình. Do gia cảnh bần hàn, cha lại mất sớm, nên phải cùng thân mẫu qua ngụ cư làng Cẩm Sa, tổng Thanh Quýt, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn; nay thuộc xã Điện Nam, huyện Điện Bàn.
Năm Giáp Ngọ 1894, đỗ cử nhân. Năm Mậu Tuất 1898, đỗ PB. Kế đó, được bổ làm tri huyện Thạch Hà ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, chẳng may lâm trọng bệnh, Ngô Truân yểu tử lúc đương chức vào năm Kỷ Hợi 1899. Trong tập I Những con chim phụng đất Quảng (Hội Khuyến học Quảng Nam – Đà Nẵng ấn hành, 1992), nhà giáo ưu tú Huỳnh Trảng viết rằng Ngô Truân nguyên là học trò của hoàng giáp Phạm Như Xương (1844 – 1917) và Ngô Truân mất khi làm tri huyện Can Lộc ở Hà Tĩnh, được nha môn tẩm liệm tử tế, đoạn tức tốc đưa về làng Cẩm Sa để mai táng.
Phó bảng Ngô Chuân (tức Ngô Lý) xem ra là người “lặng lẽ” hơn cả. Có khá ít tư liệu nhắc đến cụ. Ông Lý Quốc Sum, người gọi cụ Ngô là cố ngoại, kể thêm rằng, sau khi “Ngũ phụng tề phi” vinh quy, có tộc lớn trong làng cho rằng tộc Ngô là “tộc lẻ” (tộc nhỏ, nơi khác đến) mà đỗ đạt cao nên nảy sinh đố kỵ. Cụ lâm bệnh chết khi đang làm quan ở Huế, thi hài sau đưa về làng. Nhưng rốt cuộc, mộ của cha con cụ buộc phải dời đến một nơi khác trong làng Cẩm Sa. Mãi đến năm 2000, chính quyền xã Điện Nam(nay là Điện Nam Bắc, Điện Bàn) cùng gia đình viết đơn đề nghị hỗ trợ kinh phí trùng tu mộ cụ Ngô Chuân – một nấm mộ nhỏ chưa đến 10m2
Cho tới nay truyền thống hiếu học của người QuảngNam vẫn còn rất đáng nể !
Thật ra, đất Quảng Nam xưa còn có Thập Ngũ Phụng Tề Phi trong khoa thi Hương năm 1900 (Canh Tý) có 32 thí sinh đỗ cử nhân trong đó, người Quảng Nam chiếm hết 15 người mà thủ khoa là Huỳnh Thúc Kháng.

quehuong said...

Ngoài ra, đất Quảng Nam còn có TỨ KIỆT và TỨ HỔ
1._ Khoa Tân Sửu (1901) 4 vị đỗ Phó bảng đồng khoa và đồng hương là ông Nguyễn Ðình Hiến (Trung Lộc,Quế Sơn), Ông Nguyễn Mậu Hoán (Phú Cốc,Quế Sơn), Ông Võ Vỹ (An phước,Thăng Bình), Ông Phan Châu Trinh (Tây Lộc,Tiên Phước) mà dân gian thường mệnh danh là ” TỨ KIỆT “
2._ Trong 4 khoa thi Hương liên tiếp là khoa Ðinh Dậu (1897), khoa Canh Tý (1900), khoa Ất Mão (1903), khoa Mậu Ngọ (1906), có 4 vị đỗ thủ khoa là: ông Phạm Liệu (Trừng Giang, Ðiện Bàn), ông Võ Hoành (Long Phước, Duy Xuyên ), ông Nguyễn Ðình Hiến (Trung Lộc,Quế Sơn ), ông Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Bình,Tiên Phước) mà dân gian thường mệnh danh là ” TỨ HỔ “. Như vậy:
* Ông Phạm Liệu vừa là “Ngũ Phụng Tề Phi” vừa là ” Tứ Hổ “.
* Ông Nguyễn Ðình Hiến vừa là ” Tứ Kiệt ” vừa là ” Tứ Hổ “.
CẢNH ÐÓN RƯỚC NGŨ PHỤNG TRONG NGÀY VINH QUY:
Khi Tổng Ðốc Ðào Tấn nhận được tin Quảng Nam có 5 vị đỗ đại khoa, thì cùng lúc đó “…Có một vị lão thành biết được, liền loan truyền cho mọi người hay. Và nhân dân Quảng Nam trong niềm hãnh diện chung đã lũ lượt đi từ Vĩng Ðiện đến chân Hải Vân quan để chào mừng 5 vị tân khoa Ngũ Phụng Tề Phi…” (theo Dây Quảng Nam của Vũ Lang NXB Thời Mới – Ðà Nẵng 1973).
Dọc hai bên đường từ đèo Hải Vân đến Vĩng Ðiện, hương lý sức dân quét dọn sạch sẽ. Mỗi làng đều có đặt một bàn hương án bên vệ đường (trong địa phận làng mình, nơi các tân khoa đi ngang qua). Vị chức sắc cao nhất trong làng, trang phục chỉnh tề, áo rộng, khăn đóng, cùng thân hào nhân sĩ trong làng chuẩn bị sẵn sàng để nghinh đón.
Các vị tân khoa đi ngựa sau 4 chữ Ân Tứ Vinh Quy của vua ban (Nhà thờ cụ Phan Quang ở Quế Sơn hiện còn giữ quý vật nầy). Mỗi lần đến nơi có bàn hương án thì xuống ngựa, đón nhận sự vái chào và chào trả lễ của hương chức sở tại. Xong, được mời ăn một miếng trầu cau hoặc hút một điếu thuốc, uống một chén rượu mừng…Ðôi bên bày tỏ niềm hân hoan về kết quả kỳ thi…rồi lại lên ngựa, từ từ tiến về Vĩnh Ðiện (Theo tư liệu của cụ Phạm Phú Hưu).
NHỮNG VỊ NÀO TRONG “NGŨ PHỤNG” KHÔNG DỰ BỮA TIỆC KHOẢN ÐÃI CỦA TỔNG ÐỐC VÀ ÐỐC HỌC QUẢNG NAM HỒI ẤY?

Thời bấy giờ chưa có cầu Vĩnh Ðiện. Ðám rước được nhân dân đưa qua sông bằng ghe. Lúc lên bờ phía Vĩng Ðiện – một trong năm con Phụng, cụ Ngô Chuân, nguyên nhà rất nghèo, ngụ cư tại Cẩnm Sa. Cụ xúc động mạnh trước cuộc đón rước quá long trọng của nhân dân trong tỉnh dành cho cụ và các bạn đồng khóa, mà cụ không sao dám mơ tuởng đến! Lúc lên bờ, không hiểu sao,cụ rời đám rước, một mạch chạy bộ về Cẩm Sa!…Do đó, tại bữa tiệc trong dinh Tổng đốc QuảngNam vắng mặt cụ Chuân!
BA BÀI THƠ “TỨ TUYỆT” CỤ ÐÀO TẤN ỨNG KHẨU TẠI BỮA TIỆC ÐÃI CÁC VỊ ÐẠI KHOA MẬU TUẤT 1898 TẠI DINH TỔNG ÐỐC QUẢNG NAM ÐỂ TẶNG AI?

Quan niệm của những vị Nho học ngày trước thì thi cử đạt học vị cao, xã hội phải kính nể, trọng vọng. Mà thật vậy, những vị đỗ từ Ðệ tam giáp trở lên “…Ðược vua ban áo mão, cỡi ngựa xem hoa trong vườn Ngự Uyển và dự Yến (Các vị phó bảng chỉ được áo mão chứ không được dự Yến vả cởi ngựa xem hoa, để ngắm những tà áo tím của cung phi mỹ nữ yêu kiều…). Tiến sĩ họ Ðào, hình dung ba tiến sĩ tốt số như ba tiên ông, đang ngự du nguyệt điện, chuyện vãn với Hằng nga, ngâm thơ chuốc rượu, còn hai phó bảng không được nhập điện, thì như hai chú tiểu đồng, đứng ngoài trông vào, thèm thuồng ham muốn, trộm lấy bút mực vẽ bóng chị Hằng Nga để khuây lòng hoài vọng. Ông tặng hai phó bảng một bài thơ hài hước…” (theo giai thoại văn chương trang 21-Trần Gia Thoại- nhà in Kim Ngọc Sàigòn 1957) (3).
Có lẽ cụ Ðào cũng nghĩ như thế nên cụ xuất khẩu ba bài thơ tứ tuyệt để tặng năm vị đại đăng khoa này.
Bài thứ nhất tặng Cụ Phạm Liệu
Nguyên tác:
Chiết quế nhơn tùng nguyệt điện lai
Ðình bôi vị vấn thiếu niên tài
Khán ba mã qua song kiều lộ (4)
Thùy thị Nam chi (5) đệ nhất mai
Bản dịch (Cụ Trần Gia Thoại):
Bẻ quế cung trăng ấy mới tài
Nâng ly thử hỏi khách là ai?
Xem hoa cỡi ngựa qua cầu kép
Là cánh hoa Nam đệ nhất mai

quehuong said...

Bài thứ hai tặng Cụ Phan Quang và Phạm Tuấn.
Nguyên tác:
Vận hội tuần hoàn ngũ thập niên
Thứ ban (6) tương kế xuất danh hiền
Trúc Ba nhơn khứ Hà Ba tại(7)
Nhụy bảng do truyền Giáp Ất niên
Bản dịch:
Cơ trời mấy chục năm qua
Cõi Nam liên tiếp sinh hoa ngạt ngào
Trúc tàn Hà nở thơm sao
Bảng đề Giáp Ất ai nào dám tranh.
Bài thứ ba tặng Cụ Ngô Chuân và Dương Hiển Tiến:
Nguyên tác:
Giang sơn thanh thục dị tài ba
Tam quế tề khai nhất dạng ba
Cánh hữu Quảng Hàm cung đợi khách
Du tương thể tà Hằng Nga
Bản dịch:
Non sông hun đúc lắm tài hoa
Một loạt ba bông nĩ đậm đà
Cung Quảng ngoài hiên còn khách đợi
Trộm đem bút mực tả Hằng Nga
Ý KIẾN CỦA CỤ HUỲNH THÚC KHÁNG VỀ KHOA THI MẬU TUẤT THÀNH THÁI 10 -1898- TỨC KHOA” NGŨ PHỤNG TỀ PHI QUẢNG NAM”.
Khi làm báo Tiếng Dân tại Huế, (báo này được tồn tại từ năm 1927 đến 1943 do cụHuỳnh Thúc Kháng chủ trương)- theo tư liệu của Cụ Nguyễn Xương Thái, Thưký báo Tiếng Dân hồi đó- có lần Cụ Huỳnh viết bài báo phàn nàn về sự bất công của khảo quan trong khoa thi Mậu Tuất(1898) với nội dung như sau:”… Khoa Mậu Tuất 1898( tức khoa Ngũ Phụng) có 10 danh nho, quan của triew62u đình xung vào làm Hội Ðồng Giám Khảo. Trong số đó, hết 8 vị là người Quảng Nam. Lúc ráp phách, Hội Ðồng ngạc nhên thấy 5 sĩ tử đạt điểm chuẩn Tiến sĩ đều là sĩ tử Quảng Nam! Bấy giờ, Cụ Hà Ðình Nguyễn Thuật quê Hà Lam thuộc phủ Thanh Bình, tỉnh Quảng Nam là một hành viên của Hội đồng đề nghị: Chỉ nên lấy 3 tiến sĩ, 2 phó bảng chứ không nên cho đỗ một lúc 5 tiến sĩ như thế, vì cho sĩ tử Quảng Nam đỗ nhiều tất không tránh tai tiếng với người trong nước rằng, khoa nầy, đa số là người Quảng Nam chấm thi, nên đã chấm nới tay cho học trò Quảng Nam đỗ cao và đỗ nhiều! Ấy vậy mà Hội đồng cũng nghe theo.
Nếu công bình mà xét thì hồi đó Quảng Nam có 5 vị tiến sĩ…”
Kết hợp với sự kiện cụ Tổng Ðốc và Ðốc học Quảng Nam khen tặng cho 5 vị tân khoa Mậu Tuất của Quảng Nam lúc bấy giờ là “Ngũ Phụng Tề Phi”, thì rõ ràng cả hai cụ Ðào-Trần cũng đã xác nhận đó là 5 con phụng hoàng của Quảng Nam, tức cả 5 vị đều là tiến sĩ.
Niềm hân hoan và hãnh diện của “Ngũ Phụng” và nhân dân Quảng Nam trước thành tựu khoa cử là ở cái đất địa linh nầy quả đã sinh được nhân kiệt. Nhưng theo nhận xét của cụHuỳnh, chỉ tiếc một điều là năm con phụng hoàng Quảng Nam không lưu lại cho hậu thế một công trình nào về mặt văn học, ngoài cảnh huy hoàng nhất thời! Nên ngày cụ Liệu qua đời, cụHuỳnh đã phúng điếu một câu đối, mà nay còn được lưu truyền:
“Văn tự quả hữu túc duyên đa, ấu nhi tĩnh tường nghệ chiến, lão nhi kinh đệ minh đàm, trừ trung gian quốc sự dịch kỳ trần lộ sâm thương dư nẫm tái.
Hà sơn do thụy giai khí giả, cựu tắc Hán học thành tinh, tân tắc Âu khoa nhược trí, thứng vãn tấn châu bình nguyệt đán khẩu bi danh tánh mỗi song đề“.
Diễn ý:
Văn chương chữ nghĩa có đầy duyên tứ trước vậy. Lúc nhỏ học trường tỉnh, ganh đua nghiệp văn. Khi già ở nhà khách tại kinh đô đàm luận. Ngoài việc biến đổi quốc sự, thì đường trần ai (tôi và ông) xa cách nhau hơn 20 năm.
Sông núi do tú khí tạo nên, Hán học tinh thông, Tây học còn non yếu. Mỗi tháng cùng bạn văn chương bình thời sự. Danh tánh đều được bia đá bia miệng lưu truyền.
Ngày nay , Ngũ phụng Tề Phi là tấm gương hiếu học, học giỏi, đổ cao của những người con Quảng Nam, mà hầu hết có đức tính kiên trì theo đường học vấn, trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, để cuối cùng đạt được học vị cao trọng trong xã hội mà thôi.

quehuong said...

Nổi chìm “Ngũ phụng tề phi”


Hẩm hiu mộ người số 1
Khoa thi năm Mậu Tuất 1898 đã khắc một dấu vết quan trọng trong lịch sử khoa bảng ViệtNam. Cả 5 vị đại khoa đều sinh quán Quảng Nam, gồm 3 tiến sĩ (Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn) và 2 phó bảng (Dương Hiển Tiến, Ngô Chuân). Nhưng hành trang sau này của mỗi vị quả thực rất khác nhau. Đặc biệt với cụ Phạm Liệu, người đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi và từng được xem là một trong ba người thông minh, hay chữ nhất kinh đô Huế những năm 1891-1894.
Một vài nhà nghiên cứu khẳng định, khi làm Án sát ở Quảng Ngãi, chính Phạm Liệu lại là người phát giác đầu mối cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916, đưa đến cuộc thảm sát hàng loạt nhà cách mạng như Trần Cao Vân, Thái Phiên…
Đến năm 1933, nội các do Nguyễn Hữu Bài đứng đầu đã phải từ chức tập thể, khi đó Phạm Liệu giữ chức Thượng thư bộ Binh.



Phải chăng những biến cố lịch sử và chính trị này đã làm “mờ” đi phần nào nhân vật số một của “Ngũ phụng tề phi”? Những người chép sử về xứ Quảng lâu nay dường như cũng ít muốn nhắc đến. Trong cuốnChí sĩ Trần Cao Vân (NXB Đà Nẵng 1999) do Trần Trúc Tâm sưu tầm, biên soạn, tác giả – người gọi cụ Trần Cao Vân là cố – đã có những lời phê nặng nề: “Phạm Liệu – một tiến sĩ đứng đầu “Ngũ phụng tề phi” của đất Quảng Nam, nỡ đem tài học vấn của mình giúp cho chính quyền bảo hộ khám phá bí mật của công cuộc khởi nghĩa Duy Tân 1916″. Đây hẳn là nỗi đau lớn đối với con cháu cụ Phạm.
Chúng tôi gặp đôi chút khó khăn khi viếng mộ cụ Phạm Liệu ở Điện Trung (huyện Điện Bàn). Quá ít người biết về nơi yên nghỉ của cụ. Đấy là ngôi mộ không lớn do gia đình xây năm 1997, tương đối vững chãi, nằm khuất trong vùng trồng bắp khá vắng vẻ, cạnh một nghĩa địa nhỏ. Bia ghi dòng chữ “Phạm Liệu, tự Sư Giám, hiệu Tang Phố, Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898)”. Và chỉ có hai chữ “ngũ phụng” tiếp bên dưới mà bỏ sót hai chữ “tề phi”, không hiểu có ngụ ý gì.
Danh thơm và hậu vận
Nhưng thế hệ trẻ nếu có tâm nguyện được biết tường tận nơi chốn các bậc đại khoa ấy đang yên nghỉ, phải tìm đến nơi đâu?
Trên cánh đồng Xuân Đài (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn), mộ tiến sĩ Phạm Tuấn nằm giữa một vuông đất nổi lên trông khá lẻ loi, chỉ cách mộ cụ Hoàng Diệu chừng vài trăm mét. Cụ Phạm Tuấn (1852-1917) làm đến Thừa biện bộ Lễ, sau mất tại làng. Những năm 1972-1973, mộ ở gần sông Thu Bồn, gia tộc sợ bị nước cuốn trôi đã cải táng về Cồn Nô. Sau năm 1975, mộ cụ lại cải táng lần nữa khá trang trọng về quê cũ với diện tích khoảng 160m2… Nhưng khu mộ này hiện đang bị “vây khốn” bởi bốn bề lúa và cỏ voi, lối đi vào chỉ bằng bàn chân men theo bờ ruộng rồi hẹp dần. Bên dưới cổng tam quan cao lớn có dòng chữ “Ngũ phụng tề phi” lại đang bị chân ruộng lúa lấn sát. Sau mùa lụt 2007, dãy tường phía sau đổ sập, bia ghi công trạng bị vỡ ngổn ngang. Phòng VH-TT huyện Điện Bàn từng đề nghị địa phương mở con đường rộng 1 mét dẫn vào mộ, đã một năm rồi mà vẫn chưa thấy động tĩnh. Thật khó hình dung đây là một di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

Mộ cụ Phan Quang, tiến sĩ thứ ba trong “ngũ phụng”, hiện tọa lạc tại thôn 4, xã Quế Châu (huyện Quế Sơn). Cụ Phan có hoạn lộ suôn sẻ, làm đến chức Tham tri bộ Hình, về hưu được tặng hàm Lễ bộ Thượng thư. Mộ phần do con cháu dòng tộc trùng tu chừng 10 năm trước trên diện tích xấp xỉ 80m2…
Nếu mộ cụ Phan táng trên một gò cao thoáng đãng, thì ở thôn Cẩm Phú 1, xã Điện Phong (huyện Điện Bàn), mộ cụ Phó bảng Dương Hiển Tiến lại chen chúc giữa hàng trăm ngôi mộ san sát nhau của nghĩa địa Cẩm Phú có 16 chi tộc phái. Cụ từng về quê dạy học đến năm 1907 lâm bệnh chết, đồng môn các nơi quy về mai táng. Chiến tranh đã phá hỏng một phần của tấm bia cũ, mãi sau năm 1975 mộ cải táng về đây để lấy đất sản xuất. Đến lần tu bổ năm 2001, mộ cụ nghè Dương hoàn chỉnh theo lối song tam mộ (có hai nấm của cụ bà chánh và thứ), nấm mộ chính hình bát giác đã cũ nhưng trông gần gũi, ấm áp…

quehuong said...

Tại dinh Tổng đốc Điện Bàn ngày trước, có bức thục thêu hình năm con chim phụng, 3 con đang bay tượng trưng cho 3 tiến sĩ, 2 con xếp cánh tượng trưng 2 phó bảng. Sắc ban “Ngũ phụng tề phi” của vua Thành Thái ngày nào hiện chỉ còn lưu lại trong tâm thức người dân hiếu học. Với những vị đại khoa ấy, danh thơm không hẳn đã “chia đều” cho tất cả. Họ đã tứ tán trên đường công danh sau một lần “tề phi” (cùng bay), và đến nay càng có nguy cơ mất hút trong sự lãng quên.
(Tài liệu từ Gia Phả Tộc Nguyễn Hữu. Thanh Quýt)

sao... said...

Chờ bạn TRỊNH HÒE giải đáp cho cái “théc méc” về xuất xứ bài hát “THU, HÁT CHO NGƯỜI” lâu quá, tui bèn nhờ ông Cậu Google thì nhận được câu trả lời như sau:

Những bóng hồng trong thơ nhạc: Thu của một thời

Đất Quảng Nam vốn sinh ra nhiều nhân tài và cả nhiều giai thoại. Trong đó một giai thoại hy hữu là có 2 nhạc sĩ đương thời cùng nặng tình với một nàng thiếu nữ, và mỗi người đã sáng tác một ca khúc để riêng tặng nàng. Cả hai bài hát này đều rất quen thuộc với công chúng...
Đó là một giai thoại lý thú mà giới văn nghệ Quảng Nam và Sài Gòn vẫn kể cho nhau nghe: Ngày xưa (thập niên 60), ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Nam, có một cô học trò trung học, ngày hai buổi ôm cặp đi về trên con đường bụi mù phố lẻ. Nàng họ Hồ, tên Thu, có mái tóc dài, mặt trái xoan, da trắng hồng và cặp mắt long lanh như sóng nước hồ thu. Sóng mắt của nàng đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Nhờ đó mà giới yêu nhạc có được hai ca khúc “để đời” mà hát: bài Thu, hát cho người của Vũ Đức Sao Biển và bài Ru con tình cũ của Đynh Trầm Ca.
Người viết là “thằng em” thân thiết của cả hai nhạc sĩ. Mười lăm năm trước, khi tôi vào làm Báo Thanh Niên thì anh Vũ Đức Sao Biển là “sếp” - phụ trách tờ Thanh Niên bán nguyệt san, còn khi anh Đynh Trầm Ca giã từ ngày tháng phiêu dạt ở phương Nam để đưa vợ con về quê (năm 1998) thì chính tôi là người đưa tin trên báo. Chuyện cả hai ông anh cùng yêu một cô gái rồi viết nhạc, tôi cũng đã biết từ lâu nhưng nay mới có dịp... hỏi cho ra nhẽ.
Với anh Vũ Đức Sao Biển, trong những phát biểu chính thức thì anh không hề nói anh viết “Thu, hát cho người” cho đích danh một ai cả. Chỉ là một buổi sáng năm 1968, anh lang thang trên đồi sim ở Thăng Bình quê anh, chợt nhớ về một người con gái đã xa mới bật ra những tứ nhạc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm chốn xưa...”, rồi bảo: Những câu thơ Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu đã ám ảnh anh, để anh làm câu tiếp theo Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ, về đồi sim, ta nhớ người vô bờ... Gì thì gì, chính dấu phẩy sau chữ Thu trong cái tựa Thu, hát cho người đã khiến anh bị “bắt quả tang”: viết cho Thu chứ còn ai vào đó nữa!...
Tôi hỏi anh Đynh Trầm Ca thì anh cười khà khà: “Chuyện cũ rích, mà nếu tau kể thì có hay ho chi mô. Tau cho mi số điện thoại của ông anh rể của cô đó và cả của cô đó nữa. Mi hỏi đi!”. Tôi mừng rơn, gọi cho anh Hồ Luân đang ở Quảng Nam. Anh ấy tuôn một tràng: “Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị (tên Liên), Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như... mất hồn! Còn con Thu có “tình cảm” chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà... hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó. Năm rồi, cô em tôi kể trong cuộc nhậu có một ông lãnh đạo địa phương. Ổng hỏi: “Ở Quảng Nam có hai nhạc sĩ nổi tiếng, quý vị biết là ai không?”. Mọi người đáp: “Vũ Đức Sao Biển với Đynh Trầm Ca chứ ai!”. “Đúng. Vậy hai ông này có đặc điểm gì?”. Đáp: “Cùng yêu cô Thu và cùng viết bài hát cho cô này!”. “Đúng luôn, nhưng mà xuất xứ của từng bài hát ra sao?”. Không ai trả lời được, lúc đó vị này mới kể: “Hai ông này là nhạc sĩ nên chơi thân với nhau. Thân quá, cho nên khi yêu thì cũng yêu một người. Nhưng do ông Đynh Trầm Ca nghèo, mà lại xấu trai còn ông Vũ Đức Sao Biển chẳng những đẹp trai mà còn làm được bản nhạc Thu, hát cho người rất nổi tiếng nên cô Thu... lấy ông này. Khi cặp vợ chồng này có một đứa con thì một hôm ông Đynh Trầm Ca đến thăm bạn cũ, thấy ông Vũ Đức Sao Biển đang ngồi... ru con. Chuyện vãn được một lúc thì ông Vũ Đức Sao Biển bận việc gì đó, mới nhờ bạn ru con hộ mình. Ông Đynh Trầm Ca ngồi ru con (của) người tình cũ, thấy buồn thấm thía, nên mới cảm tác ra bài Ru con tình cũ. He he... Hay quá phải không chú mày?”...

sao... said...

Tôi hỏi nhân vật chính: Thu - người đẹp của một thời: “Chị ơi, sao người ta lại gọi chị là Thu Chuẩn?”. “À, Chuẩn là tên ba của tôi, ở miền quê người ta thường gọi tên “kép” như thế để phân biệt con nhà này với con nhà kia”. Hỏi “chuyện xưa”, chị cười bảo: “Dạo đó tôi với anh Đynh Trầm Ca cũng có tình cảm nhưng chỉ là tình cảm tuổi mới lớn. Hồi quen anh ấy tôi mới học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) trường Trung học Tiểu La, nhưng rồi không duyên nợ. Tôi lấy chồng năm 1966, chồng tôi người gốc Hà Nội. Một năm sau thì tôi biết anh Đynh Trầm Ca có viết bài Ru con tình cũ...”. “Do đâu chị biết được?”. “Chu choa, bài này được hát ra rả trên radio, không muốn nghe cũng phải nghe! Còn chuyện anh Vũ Đức Sao Biển thì sau này tôi có nghe một người bạn gái kể là anh ấy cũng có tình cảm với tôi và có viết bài Thu, hát cho người. Nếu đúng vậy thì... cũng là chuyện có duyên không nợ...”.
Có một trùng hợp lý thú là cả Đynh Trầm Ca lẫn Vũ Đức Sao Biển đều bỏ quê, trôi dạt vào phương Nam. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Vũ Đức Sao Biển vào Bạc Liêu dạy học suốt mấy năm rồi lên Sài Gòn làm báo. Sau 1975, Đynh Trầm Ca cũng dắt díu vợ con trôi dạt về Sóc Trăng, An Giang, rồi Sài Gòn... đến năm 1998 mới hồi hương. Anh hiện là ông chủ quán Thạch Trúc Viên ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Có một chuyện ly kỳ nữa là dạo còn ở miền Tây, một lần Đynh Trầm Ca xuống bến đò thấy cha con một người hành khất, người cha ôm cây đàn guitar cũ kỹ hát, còn đứa con gái cầm chiếc thau nhôm móp méo đi đến từng người để xin tiền. Bản nhạc mà người hành khất đang hát là bài... Ru con tình cũ: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ. Ngồi ru con như ru tình buồn... Ôi, ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão... Người xa xôi phương nào, người oán trách gì không?”. Đynh Trầm Ca nghe mà thắt cả lòng. Tháng 5.1988, Báo Thanh Niên đăng bài thơ Bất chợt trên bến đò ngang của anh: “...Mười mấy năm rồi người con gái sang sông/Tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?/Những lời ca cho lòng tôi thuở ấy/Ai biết bây giờ/Bố con người hành khất dùng để ăn xin?”. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã phổ nhạc bài thơ này.

Hà Đình Nguyên

sao... said...

Thu, hát cho người-Vũ Đức Sao Biển-Thanh Long Bass

Thu, hát cho người

Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt
Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa
Hoàng hạc bay...bay mãi bỏ trời mơ
Về đồi sim ta nhớ người vô bờ.
Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó
Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư
Đêm nguyệt cầm ta gọi em trong gió
Sáng linh lan hồn ta khóc bao giờ
Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương
Trong mênh mông chiều sương
Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín
Một mình ta ngồi hát tuổi thơ bay.
Thời gian nào trôi bềnh bồng trên phận người
Biệt ly nào không muộn phiền trên dấu môi
Mùa vàng lên biêng biếc bóng chiều rơi
Nhạc hoài mong ta hát vì xa người.
Thu, hát cho người...Thu, hát cho người...người yêu ơi!

VŨ ĐỨC SAO BIỂN

Suong Mai said...

Qua Trang thơ nhiều tài liệu về rượu Bàu đá nổi tiếng của Bình Định, đế Gò đen Long An , nay lại biết thêm rượu Hồng Đào, đặc sản xứ Quảng Nam.Thật thú vị. SM còn nghe nói tỉ lệ cồn trong ba loại rượu này đều trên 50%,dễ say quá, trong khi hầu hết rượu vang chỉ có từ 9% đến 14% alcohol.
NT nhà mình thì "TRẢI QUA" cảm giác say rượu Tây rồi, xoay Đất Trời nghiêng ngả hả? SM thấy mấy ông say rồi tìm chỗ ngủ yên một giấc là an toàn nhất.

Suong Mai said...

Thu, hát cho Người
Đây cũng là một trong những bài hát SM ưa thích với giọng ca Lệ Thu, thiệt tình nhớ lời mà quên tựa. lại càng không biết tác giả là ai.
Cám ơn bạn Sao cho nghe một bài tình tự êm đềm như lời ru rất nhẹ nhàng.

sao... said...

Nhân chuyện ngài Ngô Chuân trong Ngũ Phụng Tề Phi mặc dù đỗ đạt cao mang lại danh thơm cho đất Quảng, nhưng cái trắc tréo trong cuộc sống có tộc lớn trong làng cho rằng tộc Ngô là” tộc lẻ” (tộc nhỏ, nơi khác đến) mà đỗ đạt cao nên nảy sinh đố kỵ nên khi qua đời mộ của hai cha con buộc phải dời đến một nơi khác trong làng Cẩm Sa.

Đó là chuyện xưa nhưng nó vẫn lưu truyền cho tới ngày nay. Lệ làng ở miền trung vẫn còn những thói lề rất hà khắc, họ vẫn cố giữ mãi và cho đó là bản sắc riêng của họ. Đây là một nhận định cá nhân của một người Nam Bộ chớ tui không hề dám có ý phê bình hay dở.

Phàm ở đời, cái phận ở rễ lúc nào cũng có tủi nhục không nhiều thì ít.
Cho tới tận bây giờ ở đất Quảng Trị, những người đàn ông dù là người Quảng Trị nhưng phải ăn nhờ ở đậu để sinh cơ lập nghiệp nơi làng vợ vẫn bị xem thường và người ta đặt cho những người đó cái tên là dân NGỤ NGÔN, khi qua đời thiệt khó mà được an táng nơi quê vợ. Nguyên nghĩa của chữ đó ở đất Quảng Trị ra sao thì tui không hiểu, nhưng hệ lụy của chuyện phải sống nhờ nơi quê người thì hiển nhiên phải gánh chịu. Đây là chuyện thực tế do người Quảng Trị kể lại chớ chẳng phải là truyền thuyết.

Thêm một hiểu biết về cuộc sống thực tế của người Việt Nam ta.

Phạm Như Thương Bmt said...

NT đọc lại chuyện xưa của Ngũ Phụng Tề Phi mà cảm phục người xưa - nơi mà đất cằn sỏi đá nhưng lại sinh ra hiền tài dường ấy
Có lần NT nghe nói một câu nôm na thế này: Dân miền Trung phải học cho có mảnh bằng dán đằng sau lưng trước cái đã, rồi có đi ăn mày cũng cam lòng !

Unknown said...


Trang chủ vừa sưu tầm và trình làng mấy chai rượu hấp dẫn quá. Chuyến nầy về VN sẽ tìm và thử xem sao !
Các loại ở xa thì không biết có dịp ra ngoài đó không, chứ các loại ở Long An và Bến Tre thì chắc chắn tìm được thôi.
Tuy là chân mỏi gối chùn rồi mà nghe rượu ngon vẫn muốn thử !

Unknown said...

Cám ơn SM cho đọc đoạn văn CHIỀU VÀNG của bạn. Lời văn thật tự nhiên , chân tình , gần gủi , Vân cừ ngỡ như đang cùng SM đi dạo thăm vườn nho vào buổi chiều vàng . Bài văn thêm phần giá trị bởi những hình ảnh thật nên thơ , tuyệt vời do SM chụp . Thiệt tình Vân rất ngưỡng mộ. Không những SM mà các bạn thơ khác mỗi người một tài năng riêng làm TT thât dồi dào , phong phú , đôi lúc rất sống động rộn ràng.
Ngồi lắng nghe các bạn thơ bàn về Rượu . Về rượu thì Vân chỉ biết nghe mà không có ý kiến. Nghe đề mở rộng tầm hiểu biết của mình , chứ Vân uống rượi dở lắm . Nơi Vân ở , tỉnh bang Ontario Canada, có loại rượu Ice Wine ngon lắm . Năm 2012 , Vân qua Cali , có mang một
số chai tặng cho bà con , bạn bè , anh em đồng môn ai cũng khen cả. Ấy vậy mà Vân không uống . Để khi nào Vân sẽ thử xem sao ???

quehuong said...

Ice Winw, rượu ngon xứ lạnh
Cám ơn Khánh-Vân nhắc đến Ice wine, một loại rượu rất là đặc biệt, khởi đầu từ nước Đức, được coi như là một “đặc sản” hiếm về rượu chát, mình có thể gọi là Rượu tuyết, Băng tửu..đây là một loại “rượu chát ngọt” Khánh Vân và các Bạn có thể “thưởng thức” mà không sợ say, nếu say thì..gọi cho “nhà thơ Như-Thương…để làm thơ..say).
Có một loại rượu, kết quả của một sự tình cờ, từ Châu Âu, vùng Francoinia thuộc nước Đức. Rượu vang này rất ngon, ngọt lịm, uống một lần nhớ mãi, phải mỗi tội giá hơi cao. Một chai khoảng 300ml giá bán tại cửa hàng miễn thuế đã gần trăm đô rồi. Người Đức gọi loại rượu này là "Eiswein", người Anh gọi là "Ice Wine", người Pháp gọi "Vin de glace". Dịch sang tiếng Việt, sát theo chữ có lẽ là "Rượu Nước Đá", nhưng tôi thì thích gọi loại rượu ngon đặc sản của xứ lạnh này là "Rượu Tuyết" hoặc nếu xài tiếng Hán - Việt thì "Băng tửu" nghe cũng "tạm được". Cái tên diễn tả được nguồn gốc, phẩm chất và như phảng phất đâu đó hương vị của loại rượu tương đối hiếm và đặc biệt này.
Về nguồn gốc của Ice Wine, theo tương truyền, vào năm 1794, có một chủ vườn nho (vineyard) ở Đức vì bận công chuyện phải đi xa, đã không sắp xếp được việc hái nho đúng lúc như thông lệ hàng năm. Khi ông trở về thì nho đã chín mùi và thời tiết lạnh của mùa đông đã làm nho đông đặc lại. Nhưng có lẽ vì "tiếc của", ông vẫn quyết định hái những trái nho đã đông đặc và ép lấy nước nho làm rượu. Kết quả, ông đã vô tình sản xuất được một loại rượu đặc biệt mà người ta lúc đó gọi là "rượu mùa đông" (winter wine). Loại "rượu mùa đông" này là một "bí mật" của nước Đức mãi cho tới khoảng thế kỷ 18 thế giới mới biết đến, từ các nhà sản xuất rượu ở vùng Rheingau (Đức).
Khoảng năm 1962 thì "rượu tuyết" đã sản xuất thành sản phẩm thương mại phổ biến ở Châu Âu. Và bắt đầu từ đó những tên như Eiswein, Ice wine, Vin de glace... trở thành quen thuộc trong giới sành rượu.
...

quehuong said...

Ở Bắc Mỹ, theo bước chân của di dân Âu Châu, phương cách và nghệ thuật làm rượu tuyết được truyền bá đến những vùng khí hậu lạnh và có đủ điều kiện thiên nhiên thuận lợi cho việc sản xuất rượu tuyết như các tỉnh (provinces) của Canada như British Columbia, Ontario..., và một số tiểu bang (states) của Mỹ như New York, Michigan, Ohio... Theo tài liệu ghi lại thì Walter Hainle, ở Canada, đã sản xuất được một số lượng nhỏ rượu tuyết vào năm 1973. Nhưng đến năm 1978 thì rượu tuyết do Hainle Vineyards sản xuất mới chính thức trở thành sản phẩm thương mại.
Trên thế giới thì ngoài Đức và Bắc Mỹ (Canada, Mỹ) còn có Áo (Autria), Úc (Australia), Tiệp Khắc (Czech Repulic), Tân Tây Lan (New Zealand)... cũng sản xuất Ice Wine. Nhưng các quốc gia này chỉ sản xuất một số lượng nhỏ của Ice Wine, có mặt trên thị trường tiêu thụ. Hiện nay, Canada là một nước sản xuất rượu tuyết dẫn đầu thế giới, vì có điều kiện thiên nhiên thuận lợi nhất để sản xuất loại rượu quý và hiếm này.
Ở Canada, giá của một chai rượu tuyết (350 ml) trung bình khoảng 45 đô (Can) và cao nhất có thể lên đến 300 đô (Can).
Điều ngạc nhiên, theo thống kê, thị trường tiêu thụ tăng trưởng mạnh nhất cho loại rượu này lại là Châu Á, nhất là ở Viễn Đông, tiêu biểu là Nhật Bản và giá rượu tuyết ở Nhật có thể mắc hơn gấp đôi so với giá rượu tuyết ở Canada.
Cái đặc biệt nhất của Ice Wine là nho dùng để làm rượu phải để "chín mùi" và đông đặc ngoài trời với thời tiết thiên nhiên của mùa đông. Nho chín được hái bằng tay và thường thì ngay sau trận lạnh đầu tiên (the first frost) của thời tiết hàng năm, vào những giờ rất sớm của buổi sáng (trước 10 giờ sáng) và nhiệt độ lý tưởng để hái nho phải ở trong khoảng trừ (minus) 10 đến trừ 13 độ Celcius. Nho phải được ép lấy nước ngay trước khi tan. Nói cách khác, là người ta không thể đông đặc nho trong tủ lạnh và sau đó ép lấy nước nho để làm rượu và gọi đó là Ice Wine được.
..

quehuong said...

Đức và Canada là hai quốc gia có qui định rõ ràng nhất và kiểm soát rất chặt chẻ việc sản xuất Ice Wine. Ở Đức, Ice Wine phải hội đủ các điều kiện qui định bởi QmP (Qualitätswein mit Prädikat - German wine classification), một cơ quan có trách nhiệm phân loại và theo dõi việc sản xuất các loại rượu có phẩm chất cao. Ở Canada, thì các hãng rượu sản xuất Ice Wine phải theo đúng qui định của VQA (Vintners Quality Alliance). Nếu qui trình sản xuất, nguyên liệu và thành phẩm không đạt đủ tiêu chuẩn qui định, hoặc cố ý "gian lận" trong quá trình sản xuất Ice Wine như dùng các phương tiện khác hơn để "đông đặc" nho với mục đích rút ngắn thời gian sản xuất...v. v thì sẽ không được dùng nhãn hiệu "Ice Wine" cho rượu đã sản xuất hoặc sẽ bị rút giấy phép làm rượu Ice Wine. Theo qui định của QmP và VQA thì điều kiện cơ bản và bắt buộc để rượu được dán nhãn hiệu "Ice Wine", là nho dùng làm rượu phải được đông đặc một cách tự nhiên bởi thời tiết và nho phải được hái ở một độ lạnh tối thiểu, QmP qui định độ lạnh tối thiểu là trừ 7 độ C, còn VQA thì trừ 8 độ C.
Ngoài ra, VQA còn qui định rất chi tiết về nguyên liệu, qui trình sản xuất, và phẩm chất của Ice Wine mà các hãng sản xuất rượu tuyết ở Canada bắt buộc phải theo đúng như :
- Nước nho lúc vừa ép xong phải có "Brix" tối thiểu là 32%, và thành phẩm Ice Wine phải có "Brix" tối thiểu là 35%. Brix là cách đo "độ ngọt" của Ice Wine (Brix is the measure of ice wine sweetness in degree of concentration). Độ ngọt (brix) của Ice Wine sản xuất trên thế giới thường ở trong khoảng 29% (ít ngọt) đến 56% (ngọt giống như mật ong) và brix được ghi ở chai rượu rõ ràng để cho người tiêu thụ có thể chọn theo ý thích.
- Nồng độ đường đọng lại (residual sugar) tối thiểu 125g/ lít và rượu (alcohol) phải hình thành từ chất đường thiên nhiên của nho.
- Không được "hái nho" trước ngày 15, tháng 11 mỗi năm. Và trước khi hái phải ghi chép lại đầy đủ các chi tiết trên "giấy tờ" như VQA qui định.
- Tất cả các nhà trồng nho và hãng làm rượu tuyết phải ghi danh với VQA.
- Các nhà sản xuất rượu phải dự cuộc họp thường niên về tiêu chuẩn của Ice Wine (Icewine Standards Seminar) do VGA tổ chức mỗi năm.
...

quehuong said...

Vì có những qui định rõ ràng và kiểm soát nghiêm túc như vậy nên Ice Wine của Canada và Đức có phẩm chất cao và được ưa chuộng nhất trên thị trường tiêu thụ.
Việc sản xuất Ice Wine đòi hỏi sự nhẫn nại, như phải chờ đợi đúng thời điểm để hái nho, giống như chờ đợi một bông hoa nở trọn vẹn. Nho hái sớm quá hay muộn quá sẽ làm giảm phẩm chất của rượu. Trong thực tế thì khó mà biết trước lúc nào là thời điểm "tốt" nhất để hái, việc này tùy thuộc rất lớn thời tiết và may mắn của nhà sản xuất rượu. Ngoài ra chủ vườn nho còn phải coi chừng chim chóc phá hoại. Nên từ khoảng cuối tháng Mười cho đến đầu tháng Ba, vườn nho được chăm sóc rất cẩn thận.
Cả hai loại nho trắng (white grapes) và đỏ (red grapes) đều có thể dùng để làm Ice Wine. Qua kinh nghiệm thu thập của những nhà sản xuất Ice Wine thì hai loại nho: Riesling và Gewurztraminer là thích hợp nhất để làm rượu tuyết.
Riesling, thuộc giống nho trắng, có lớp vỏ dày, nên trái nho bám vững chắc vào cây nho hơn và giữ được toàn vẹn nồng độ đường của nho trong thời tiết khắc nghiệt của mùa đông.
Gewurztraminer là giống nho đỏ, mặc dù có tên Đức nhưng nguồn gốc giống nho này lại xuất phát từ Ý (Tyrollean Alps, vùng Alto Adige, Italy), rượu làm từ giống nho này có mùi thơm rất nồng, rất đặc biệt và dù chưa có kinh nghiệm thưởng thức rượu, một người vẫn có thể nhận ra hương vị của nó.
Vì phương cách làm Ice Wine tùy thuộc rất lớn vào thời tiết thiên nhiên, lại phải dùng lao động tay chân khá nhiều nên rượu tuyết là loại rượu tương đối khó sản xuất, hiếm và giá cả khá cao so với nhiều loại rượu khác. Có lẽ vì vậy mà rượu tuyết thường được bán dưới dạng "nửa chai" (half bottle, 375 ml) thay vì "một chai" (one bottle, 750ml) như thường thấy ở các loại rượu khác.
Có một đặc điểm là các chai Ice Wine đều làm dáng thon, nhỏ, cao hệt như mấy em chân dài vậy.
...

quehuong said...

Theo một số lớn các chuyên gia ẩm thực thì nên thưởng thức Ice Wine ướp lạnh khoảng 10-12 độ C. Ice Wine tự nó đã được mệnh danh là "món tráng miệng trong cái ly" (dessert in a glass). Vì vậy không cần thiết phải có đồ nhấm đi theo, nhưng nếu thích thì có thể dùng trái cây tươi hoặc phó mát (cheese) đi kèm. Lúc đầu người ta thường dùng loại ly thanh nhã và nhỏ để uống rượu tuyết, nhưng những nghiên cứu về Ice Wine gần đây thì loại ly lớn (9oz) sẽ làm khuếch đại và làm tăng thêm hương vị của Ice Wine với người thưởng thức. Riedel Crystal, một hãng sản xuất ly dùng để uống rượu, đã thiết kế một loại ly để dùng uống Ice Wine, loại ly tên là "The Vinum Extreme Ice Wine".
Ice Wine, không những đã thỏa mãn những đòi hỏi của người sành điệu và thưởng thức rượu ngon. Nhiều đầu bếp nổi tiếng cũng đã khám phá ra là chỉ với vài giọt Ice Wine, họ có thể nâng cấp một món ăn bình thường như món gà nấu rượu đến nổi thực khách sành ăn phải tò mò "hỏi" vì chợt nhận ra những mùi vị thơm ngon khác biệt với mùi vị của "gà nấu rượu" bình thường.
Ice Wine có màu vàng như mật ong, vị ngọt tương tự như vị ngọt hòa trộn giữa các loại cam, quít và tùy theo loại, Ice Wine có mùi thơm giống như trái đào (peach), vải (lychee), xoài (mango)... Nhắp một hớp Ice Wine, cái cảm giác mát lạnh, êm dịu, mềm mại, ngọt ngào... của rượu thấm vào từng tế bào lưỡi có thể diễn tả tương tự như "Nắng Sài gòn... chợt mát... vì em mặc áo lụa Hà đông". Ice Wine "hấp dẫn" như "em và áo lụa Hà đông" vậy.
Một đêm yên bình nào đó, bên cạnh người bạn đời, một chút nhạc nhè nhẹ, hương vị của Ice Wine sẽ làm buổi tối thêm đậm đà. Nếu có dịp, hãy thử thưởng thức, tôi tin là bạn sẽ thích loại rượu ngon, đặc sản của xứ tuyết này.//

sao... said...

“Mưa Sài gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”

Câu thơ nổi tiếng ấy phải được cải biên như vầy mới phù hợp hoàn cảnh bây giờ ở đây.
Mưa! Trời Sài gòn mùa nầy không chợt mưa chợt nắng mà là những cơn mưa ào ào lũ lượt như trời đã gom hết mây tự tứ phương về đây rồi làm thành những cơn mưa cuồng bạo, gió thổi mưa bay sấm chớp rền vang.
Trước đây vì nhu cầu xây dựng nhà ở mới, người ta đua nhau chở đất đá các nơi về để san lấp mặt bằng cho nên “có một dòng sông đã qua đời”. Bây giờ trời đổ những cơn mưa lớn sẽ có những con phố biến thành những dòng sông nhỏ thay thế.
Trời lại hay mưa vào những giờ tan tầm, mọi người đều hối hả chen nhau ra về vì còn quá nhiều bổn phận đang chờ đợi như tới trường học để rước con, ghé ngang chợ mua ít thực phẩm về làm bữa cơm chiều, những cuộc hẹn hò đã được định trước...

Theo lệ thường thì những con đường vốn đã đông nghẹt người xe. Trời mưa xuống lại xuất hiện không biết cơ man nào những dòng sông nhỏ để chúng sinh tha hồ lội bì bà bì bỏm. Nước ngập cao quá xe đâm ra chết máy bất tử, quần áo giày vớ đầu tóc ướt loi ngoi...
Đến những ngã tư đèn đỏ thì hầu như dồn lại thành một đám đông hỗn loạn, ai cũng tranh nhau đi trước nên tất cả mọi người hóa ra...mù màu. Tôi thì chẳng có điều gì chờ đợi nên cứ tha thẩn nhích từng phân một, buồn tình thì ngó nghiêng qua lại để giải sầu. Thú thiệt tôi chẳng có được chút thanh cao như bạn Vivu mà ngắm tóc mai sợi vắn sợi dài đâu, mà cũng chẳng dám ngước mặt nhìn đời vì những hạt mưa bay tạt vào trong mắt. Chẳng lẽ lại cứ cúi nhìn những dòng nước bẩn chảy dưới chân? Hơn nữa, tôi vốn là người còn nhiều trần tục nên cũng phải chọn một nơi nào để ghé mắt chớ!
Đi gần khu vực công sở thì có những tà áo dài hoa, gần khu vực trường học thì có những tà áo dài trắng nữ sinh. Những “tam giác tình” lúc nầy cứ hé lộ thảnh thơi vì tà áo đã ướt nhẹp nên gió đâu còn phơ phất mà trả lại vị trí vốn có của nó?
Mỗi loại tam giác tình lại làm cho đầu tôi có nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có cái chỉ dành cho sự chiêm ngưỡng và cũng có cái dành cho sự mường tượng.

Đấy! “Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội...” và “Mưa Sài gòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì...”

Unknown said...

Đọc bài viết về Ice Wine PC thật thán phục về kiến thức rượu của QH. Đọc lại 2, 3 lần mà cũng không nhớ hết !!

Tiện đây xin QH cho biết thêm về Black Beer của Mỹ(*) ma2trong chuyến du Nam vừa qua PC có dịp thưởng thức, rất ngon và mùi vị khác với những loại beer mà PC đã uống qua.

Cám ơn trước nha.

Suong Mai said...

Nói về Bia vàng hay đen thì SM không có uống bao nhiêu, lâu lắm mới vui cùng gia đình hay bạn bè nhắp nhắp một chút. Có ý kiến cho rằng:
Bia vàng có tỷ lệ hoa bia (houblon) nhiều hơn, trong khi bia đen có thành phần lúa mạch nhiều hơn và lại là loại lúa mạch được sấy khô cho có màu đen (còn gọi là carafamalt). Chính đặc điểm này tạo sự khác biệt về tính chất sản phẩm: bia đen có chất đạm cao hơn, bia vàng nhiều vitamin (B2, B6 và B9) hơn. Bia tươi uống ngon nhất ở nhiệt độ 12 độ C. Nếu để bia nguội đi quá nhiệt độ này, bia đen uống vẫn còn vị ngọt, trong khi bia vàng lại đắng.
Người Việt mình rất chuộng bia chai, bia lon và đặc biệt bia tươi dẫu đen hay vàng phải không mấy bạn?
Hàng năm thì vào tháng 9 tại thành phố Munich của Đức rất tưng bừng với Beer Festival Oktoberfes, đón nhận hàng triệu du khách đến chung vui. Cả quốc gia cùng say với men bia thật thú vị.

Suong Mai said...

“Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội...”
Ấy ấy, ngắm bao nhiêu Tam giác Tình cho đầu óc rung cảm nhiều cung bậc khác nhau cũng không sao nhưng dầm mưa ướt lạnh thì lại dễ dàng dẫn tới một vấn đề khác đó bạn Sao à.

Phạm Như Thương Bmt said...

NT đúng thật là nhanh nhẩu đoảng ! Chỉ vừa nghe bạn thơ Quê Hương nói nho đông đá làm thành rượu ngon là ... chíp trong bụng rồi " Phen này ta sẽ tự làm rượu và say ngất ngưỡng à nghen !"
Thế rồi, đọc thêm vài hàng nữa thì bạn thơ QH bảo ấy ấy chớ, đừng lấy nho trong tủ lạnh ra làm rượu !
Rượu gì say chớ rượu tình ... không bao giờ say ! Say thì phí mất của giời, phí thời gian ngồi cạnh Người Tình sao !?
Nhưng mà Nt. thấy bạn thơ s@ say Tam Giác Tình đấy ! Chẳng phải rượu mà vẫn say "mảng thiên đàng thênh thang với mưa nắng " ấy, lạ nhỉ ? NT mà như bạn thơ s@ thì sẽ có một quyển Album về Tam Giác Tình để lại cho đời cho mà xem...
Chưa hết, bạn thơ Phượng Các lại dẫn vòng vòng qua Bia nữa ... Bia có say không hả Phượng Các? Ừ mà Bia Đen chắc là để dành cho người "thất tình" rồi ?!
NT không rượu, không bia (ngoan chưa?) mà vẫn say đây ...

Phạm Như Thương Bmt said...

CHẠM PHÚT TẦN NGẦN


Đừng say men rượu men tình
Đừng nâng chén ngọc đừng nhìn gót hoa
Dùng dằng ta chợt hỏi ta
Em là men rượu đêm qua ấm lòng
Em là châu báu ngọc trong
Là trăm mộng đẹp chỉ hồng se duyên
Sao ta tu vụng cõi tiên
Nên gian truân với đường viền môi thơm
Để bên lòng rực lửa rơm
Thôi Ta để mặc hoa đơm nhụy vàng
Chỉ xin thần phục nữ hoàng
Phận thần tử khép thiên đàng hoan ca
Để Em mãi mãi ngọc ngà
Mãi như lóng lánh tiên nga cõi trần
Nhỡ tay chạm phút tần ngần
Đàn rung phím lạc phai dần phấn hương
Nhỡ môi tìm chút nụ thương
Son tình trôi cả thiên đường mây bay
Nhỡ thân ngụp lặn cõi say
Ta-Em quên hết vòng xoay vô thường
Trả em - một đóa trầm hương
Về rừng đại ngã vấn vương... Tuyệt tình


Như Thương

sao... said...

Ấy! Đừng xúi dại bạn thơ NHƯ THƯƠNG ơi!
Có những giới hạn tuy vô hình nhưng ta phải nhận biết nó, đừng vượt qua mà...hỏng.

Không dám nói quá, tuy tôi tự nhận lòng mình vẫn còn nhiều trần tục nhưng tục mà thanh vẫn hơn thanh mà tục!

sao... said...

Khẩu vị con người ta cũng tùy thuộc vào thói quen hàng ngày nhiều.
Ở Sàigòn, có một thời bia đen được phát triển từ những người đi hợp tác lao động ở Đức mang về và làm nhà máy sản xuất tại chỗ hẳn hoi có cả bia lon, bia chai, bia tươi. Lại cũng có những sản phẩm nhập khẩu từ Đức.

Trong một đám tiệc, có lần tôi đã thử uống bia chai đen của Đức nhưng cảm thấy không ngon chắc là không hợp khẩu vị.
Rộ lên một thời gian với mạng lưới phân phối quy mô lớn, nhưng tính cho tới thời điểm hiện tại thì số phận của loại bia đó cũng đen đủi như màu sắc của nó. Tất cả đã lụi tàn và hầu như mất dấu trên thị trường Sàigòn.

quehuong said...

Các Bạn ơi,
Rượu chát, Rượu đế, Bia..loại nào cũng làm cho mình "say".
Cái này thì Bạn nào ở Mỹ, cũng thường được nhắc nhở thường xuyên..nếu không thì "mất bằng lái xe" như chơi.
Cho nên "thuyềm chìm tại bến không mất đồ" áp dụng ở xứ "cờ hoa" là số một.
Dưới đây là bảng ghi "nồng độ" để mình biết khi uống các loại bia, rượu...
QH.


Standard drink chart (U.S.)[2]

Alcohol Amount (ml) Amount (fl oz) Serving size Alcohol (% by vol.) Alcohol
80 proof liquor 44 1.5 One shot 40 0.6 US fl oz (18 ml)
Table wine 148 5 One glass 12 0.6 US fl oz (18 ml)
Beer 355 12 One can/bottle 5 0.6 US fl oz (18 ml)

Male
Female Approximate blood alcohol percentage (by vol.)[3]

One drink has 0.5 US fl oz (15 ml) alcohol by volume

Drinks Body weight
40 kg 45 kg 55 kg 64 kg 73 kg 82 kg 91 kg 100 kg 109 kg
90 lb 100 lb 120 lb 140 lb 160 lb 180 lb 200 lb 220 lb 240 lb
1 –
0.05 0.04
0.05 0.03
0.04 0.03
0.03 0.02
0.03 0.02
0.03 0.02
0.02 0.02
0.02 0.02
0.02
2 –
0.10 0.08
0.09 0.06
0.08 0.05
0.07 0.05
0.06 0.04
0.05 0.04
0.05 0.03
0.04 0.03
0.04
3 –
0.15 0.11
0.14 0.09
0.11 0.08
0.10 0.07
0.09 0.06
0.08 0.06
0.07 0.05
0.06 0.05
0.06
4 –
0.20 0.15
0.18 0.12
0.15 0.11
0.13 0.09
0.11 0.08
0.10 0.08
0.09 0.07
0.08 0.06
0.08
5 –
0.25 0.19
0.23 0.16
0.19 0.13
0.16 0.12
0.14 0.11
0.13 0.09
0.11 0.09
0.10 0.08
0.09
6 –
0.30 0.23
0.27 0.19
0.23 0.16
0.19 0.14
0.17 0.13
0.15 0.11
0.14 0.10
0.12 0.09
0.11
7 –
0.35 0.26
0.32 0.22
0.27 0.19
0.23 0.16
0.20 0.15
0.18 0.13
0.16 0.12
0.14 0.11
0.13
8 –
0.40 0.30
0.36 0.25
0.30 0.21
0.26 0.19
0.23 0.17
0.20 0.15
0.18 0.14
0.17 0.13
0.15
9 –
0.45 0.34
0.41 0.28
0.34 0.24
0.29 0.21
0.26 0.19
0.23 0.17
0.20 0.15
0.19 0.14
0.17
10 –
0.51 0.38
0.45 0.31
0.38 0.27
0.32 0.23
0.28 0.21
0.25 0.19
0.23 0.17
0.21 0.16
0.19
Subtract approximately 0.01 every 40 minutes after drinking.

• United States — all states impose penalties for driving with a BAC greater than 0.08[39] (down from 0.15% just a few decades previously.[40]). Even below those levels drivers can have civil liability and other criminal guilt (e.g., in Arizona driving impairment to any degree caused by alcohol consumption can be a civil or criminal offense in addition to other offenses at higher blood alcohol content levels). Drivers under 21 (the most common U.S. legal drinking age) are held to stricter standards under zero tolerance laws adopted in varying forms in all states: commonly 0.01% to 0.05%. See Alcohol laws of the United States by state. Federal Motor Carrier Safety Administration: 0.04% for drivers of a commercial vehicle requiring a commercial driver's license[41] and 0.01% for operators of common carriers, such as buses.[42]

sao... said...

Thầy Chú thiệt!

Unknown said...

Như Thương said: Ừ mà Bia Đen chắc là để dành cho người "thất tình" rồi ?!

Việc nầy thì PC chưa có biết à nhen !

Thực ra PC uống bia đen lần đầu nên thấy lạ miệng và thơm, có lẽ không thể xĩn với loại bia nầy vì nó ...nhẹ!. PC uống bia đen của Tiệp Khắc vì viếng thăm một làng bé nhỏ của Tiệp trên đất mỹ để biết phong tục của người ta thôi.

Ở Mỹ thì có rất nhiều loại bia, ở Mỹ gần 20 năm rồi mà PC cũng chưa nếm đủ hết các loại !

NT hỏi uống bia có say không? Say chết chứ sao không hả NT? căng bụng mà nốc chừng 24 lon thì biết ngay thôi. Nhưng mà PC chỉ uống được 6 lon là ngưng rồi vì...còn lái xe cho không lắc tay lái, nhưng mà rủi ro bị cảnh sát chận lại để thổi kèn thì PC chưa lần nào, Còn may mắn !!

Có 1 cách uống bia vừa xĩn mà muốn lái xe thì nên ngồi lại uống chừng vài cốc trà đậm nóng, sau đó thì hình như tất cả sẽ OK !

Phạm Như Thương Bmt said...

Bạn thơ Phượng Các bày bí quyết uống rượu hỏng say vậy thì dễ quá... Mai mốt trước khi Nt. làm "thơ say" sẽ dám nhậu một mình bí tỉ luôn... để xem câu thơ lên tận đỉnh say sẽ thế nào !
Say tình, say sóng mắt em
Say nồng men rượu nghiêng thềm bóng trăng...

Unknown said...


Say tình, say sóng mắt em
Say nồng men rượu nghiêng thềm bóng trăng...

NT ơi, thứ say nầy thì không có cách giải đâu, lúc đó chỉ có cách nầy thôi:

Một tay níu giải cung hằng
Một chân nghiêng sóng thuyền trăng bềnh bồng
Dìu em lên cỏi thinh không
Ngân nga tiếng gọi tình hồng chân mây...

hà hà.