Monday, October 31, 2011

BIỂN TIGÔN

Đoàn Thạch Biền - BIỂN TIGÔN
Tôi đã viết nhiều truyện về nước mắm, chẳng phải tôi là người dân xứ nước mắm mà chỉ vì hằng ngày tôi thường ăn nước mắm. Chúng ta dễ quên đi những điều thường ngày. Tôi nghĩ nếu có lần bạn thử không quên và hết sức chú ý đến chúng, điều thường ngày sẽ có khối chuyện hay xảy ra.
**********
Hàng ngày thay mặt ông chủ, tôi thường liên hệ với các nhà lều sản xuất nước mắm ở Phan Thiết, nhưng đặt chân đến đó thì chưa bao giờ. Sáng nay, bận công việc đột xuất, ông chủ giao tôi theo xe tải từ Đà Lạt xuống Phan Thiết nhận hàng. Hàng của chúng tôi không phải là nước mắm mà là "xác mắm" - loại phân bón tối ưu cho các nhà vườn trồng légumes ở Đà Lạt. Bạn đã bao giờ thấy xác mắm chưa? Đó là xác những con cá nát bấy được vét từ đáy những thùng muối mắm. Thấy xác mắm, bạn sẽ quên nó ngay vì nó chẳng có gì đặc biệt. Nhưng nếu đã ngửi nó một lần trong đời, chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên nó được. Xe tải đến Phan Thiết lúc hai giờ chiều. Trời nắng gắt. Nhà lều chúng tôi đến lấy xác mắm nằm sát bên bờ sông Mương Mán nhưng không có ngọn gió nào từ mặt sông thổi lên. Tôi lấy khăn lau những giọt mồ hôi lấm tấm trên mặt rồi bước vào văn phòng làm việc. Một người đàn ông tóc đã có những sợi bạc, đeo kính lão, đang ngồi xem sổ sách. Chếch về phía bên phải bàn làm việc của ông, một cô thư ký tóc dài đang ngồi đánh máy chữ lóc cóc. Tôi mỉm cười thầm nghĩ, ông chủ này chịu chơi, tuyển nữ thư ký "nhí" ghê!
- Chào ông, tôi đại diện cho ông Quang ở Đà Lạt xuống nhận hàng.
Người đàn ông đứng dậy, vồn vã bắt tay tôi:
- Mời cậu ngồi. Tôi đã nghe điện thoại ông Quang dặn giao hàng chiều nay. Nhưng tôi gom chưa đủ số lượng. Vậy cậu hãy chịu khó đợi đến sáu giờ chiều, chúng ta sẽ cân hàng và chất lên xe luôn. Rồi ông già quay qua cô thư ký "nhí", nói:
- Con lấy cho ba hai chai nước ngọt.
Cô thư ký rời bàn máy chữ đi vào nhà trong. Tôi ngạc nhiên hỏi ông chủ:
- Cô ấy là con gái của ông?
Ông chủ cười hề hề:
- Nó là con gái út của tôi. Nó đang học lớp 12 trường Phan Bội Châu. Những lúc rảnh, nó thường phụ giúp tôi đánh máy mớ giấy tờ. Cậu mới xuống Phan Thiết lần đầu?
- Dạ phải.
- Vậy trong khi chờ đợi nhận hàng. Tôi sẽ nói con gái tôi dẫn cậu đi coi phố xá hay đi tắm biển.
- Cám ơn ông. Tôi thích tắm biển hơn, vì ở Đà Lạt chỉ có hồ với thác, không bơi lội được.
Cô bé bưng ra hai ly nước đá và hai chai nước ngọt để xuống bàn. Ông chủ nói:
- Ba phải đi lo giấy tờ chuyên chở hàng kẻo chiều tối công sở họ nghỉ việc. Con thay ba dẫn ông khách đây đi tắm biển, ông ấy mới ở Đà Lạt xuống chưa biết biển Phan Thiết nằm ở đâu.
Cô bé quay qua nhìn tôi. Tôi cố gắng nở nụ cười thật tươi để em không từ chối. Và may mắn thay, cô bé đã gật đầu. Uống một hớp nước ngọt, ông chủ nói:
- Cậu đi tắm biển vui vẻ nghe. Sáu giờ chiều mời cậu về đây ăn bữa cơm gia đình rồi chúng ta cùng cân hàng.
Ông cầm túi xách đứng dậy, dắt chiếc xe Honda đỏ ra khỏi nhà. Cô bé hỏi tôi:
- Ông có biết bơi không?
- Em hỏi làm chi?
- Để em biết nên dẫn ông đến chỗ bãi biển cạn hay sâu.
- Tôi sợ chết đuối lắm. Em dắt tôi đến chỗ nào nước sâu đến... trái tim là được.
Cô bé mỉm cười đi vào nhà trong sửa soạn. Tôi đi ra chỗ xe tải đậu, nói tài xế đợi đến sáu giờ chiều mới nhận hàng. Tôi với lấy túi xách có đựng quần tắm và khăn lông, tôi đã dự trù mang theo từ Đà Lạt xuống đây đợi có dịp là đi tắm biển bơi lội cho thỏa thích. Một lát sau cô bé chạy chiếc xe cúp màu xanh rêu đến bên chiếc xe tải. Tôi vội nhảy lên ngồi ở yên sau. Cô bé tắt máy xe, bước xuống: - Ngồi vậy kỳ chết. Ông ngồi trước lái xe đi.
- Nhưng tôi đâu có rành đường. Chạy lạc thì sao?
- Ông khỏi lo, em ngồi sau chỉ đường cho ông.
- Trời đất! Đâu có ai ngồi sau mà "chỉ đạo" được người ngồi trước.
- Có chứ. Mấy ông "sếp" thường ngồi ghế sau xe hơi chỉ đạo cho tài xế ngồi ghế trước.
Tôi nhăn mặt ngồi lên yên trước, đạp máy xe nổ. Cô bé ngồi xuống yên sau, vỗ nhẹ vào vai tôi:
- Ông cho xe quay lại.
Theo sự hướng dẫn của cô bé, tôi cho xe chạy lòng vòng qua một vài đường phố chính. Thành phố này chưa xây dựng nhiều nhà mới. Những ngôi nhà cũ kỹ được quét lớp vôi mới nhưng những mái ngói vẫn để nguyên màu nâu đen. Xe chạy qua một cây cầu mới xây ra ngoại ô. Hai bên đường, nhà cửa cũng còn mới được xây dựng nên mái ngói còn đỏ tươi. Qua một đoạn đường đầy ổ gà, xe bắt đầu leo dốc lên một đỉnh đồi. Vừa lên đến đỉnh đồi, cô bé vỗ vai tôi.
- Dừng lại.
Tôi thở phào hỏi:
- Đến rồi hả?
- Đến rồi.
Tôi lái xe vào một chỗ trống, tắt máy, đứng nhìn quanh. Trời đất! Biển xanh thẳm ở tuốc phía xa dưới chân đồi. Trên sườn đồi cây cỏ dại mọc tùm lum không thể chạy xe được. Nếu muốn tắm biển phải đẩy xe xuống dưới đó rồi lại đẩy xe lên, chắc tôi sẽ bị "xụm bà chè".Trong khi tôi đang phân vân có nên tắm biển hay không thì cô bé lấy sợi thun cột mái tóc đang bị gió thổi bay tung lên. Em hỏi:
- Ông có biết ông đang đứng ở đâu không?
Tôi nhìn xuống chân mình, quan sát kỹ lưỡng rồi trả lời:
- Tôi đang đứng trên vùng đất pha đá.
Cô bé lắc đầu:
- Ông đang đứng trên nền Lầu Ông Hoàng được người Pháp xây dựng từ năm 1920 và bị sụp đổ năm 1945. Địa danh này nổi tiếng với chuyện tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm.
Nóng mũi vì thấy kiến thức của mình thua cô học trò lớp 12, tôi nói gắt:
- Tôi không cần biết Ông Hoàng là ai. Tôi cũng không cần biết thi sĩ Hàn Mặc Tử yêu ai. Tôi chỉ biết tôi đang yêu...
- Ông yêu ai?
- Yêu... xác mắm.
Cô bé lững thững bỏ đi vào một vùng cây leo bò xanh rì mặt đất và nổi bật lên những chùm hoa đỏ hồng. Sợ cô bé bị rắn cắn hay bò cạp chích, tôi vội đi theo em để xem nếu có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ về báo cáo với ba em thật chính xác: em bị rắn nào cắn hay bị loại bò cạp nào chích. Chứ nói vu vơ ba em sẽ coi thường tôi thiếu óc quan sát thực tế. Cô bé dừng lại bứt một bó hoa đỏ hồng rồi quay lại hỏi tôi:
- Ông có biết hoa này tên gì không?
Tôi lắc đầu:
- Ở Đà Lạt tôi chỉ rành tên các loại rau củ, còn tên hoa thì chịu thua.
- Đây là hoa Tigôn, được người Pháp đem qua trồng ở Lầu Ông Hoàng. Lâu đài đã sụp đổ nhưng loài hoa vẫn còn. Thi sĩ T.T.Kh đã tả "Hoa dáng như tim vỡ" ông thấy đúng không?
- Không. Tôi thấy nó giống đầu con cá cơm bị vỡ khi làm mắm.
Cô bé thở dài:
- Đầu óc ông không biết mơ mộng.
- Em thông cảm cho tôi. Một người buôn bán xác mắm mà mơ mộng thì xác mắm sẽ "thơm lựng", bán không được thì tôi sẽ bị chết đói.
Cô bé trao bó hoa đỏ hồng cho tôi:
- Em tặng ông. Tôi cầm lấy bó hoa thắc mắc hỏi:
- Em nói "Hoa dáng như tim vỡ". Vậy em tặng tôi loài hoa này làm chi? Tim tôi đâu đã... vỡ.
- Em tặng ông để cảnh giác ông đừng làm vỡ trái tim.
- Bộ tôi khùng rồi sao mà tự làm vỡ tim mình?
- Nhưng ông có thể làm vỡ tim người khác vì không biết mơ mộng.
Nghe cô bé nói nhức đầu quá, tôi đề nghị:
- Chúng ta hãy tìm chỗ gửi xe rồi đi bộ xuống dưới kia tắm biển.
- Chúng ta đã tắm biển rồi thôi.
Tôi trố mắt nhìn em:
- Chúng ta tắm biển hồi nào đâu?
Cô bé cười, vòng tay chỉ quanh mình:
- Ông không thấy chúng ta đang tắm trong biển hoa Tigôn sao? Tắm ở đây ông không sợ chết đuối vì hoa Tigôn chỉ mọc cao đến tim ông. Thôi trời sắp tối rồi, chúng ta hãy về kẻo ba em đợi cơm.
Cơm nước xong, chúng tôi bắt đầu cân những bao lát chứa xác mắm chất lên xe tải. Mãi đến tám giờ tối công việc mới hoàn tất. Xe nổ máy, tôi bắt tay chào ông chủ rồi leo lên xe ngồi bên tài xế. Tôi vừa đóng mạnh cửa xe lại thì cô bé chạy đến, trao qua khung cửa xe bó hoa Tigôn.
- Ông để quên cái này.
- Cám ơn em. Mong có dịp chúng ta sẽ lại cùng nhau đi tắm biển Tigôn.
Xe chạy. Tôi buồn buồn nhìn bó hoa đỏ hồng. Tôi tưởng em sẽ đổi ý tặng tôi một lít nước mắm nhĩ loại đặc biệt hay một ký khô mực loại xuất khẩu để làm quà kỷ niệm, nào ngờ vẫn chỉ là bó hoa Tigôn.
Xe chở xác mắm sẽ chạy suốt đêm để tảng sáng có thể giao hàng cho các chủ vườn légumes ở Đà Lạt. Thật kỳ lạ, khi xe chạy qua chỗ nào, những người đứng hai bên đường đều bịt mũi. Vậy mà tôi ngồi ngay trong xe lại ngửi thấy một mùi hương rất dễ chịu. Phải chăng hương hoa Tigôn đã át mùi xác mắm? Hay tại tôi đã biết... mơ mộng?

38 comments:

Suong Mai said...

Lâu thật lâu mới đọc lại một truyện ngắn của nhà văn ĐOÀN THẠCH BIỀN sao SM thấy giọng văn dễ thương chi lạ. Dường như tâm trí mình đang lang thang nơi đâu, trở về Phan Thiết trên đường ra mũi Né chăng? Cũng nơi ấy có lầu Ông Hoàng,khi rong chơi ngang qua bạn bè chỉ trỏ cho biết tên địa danh nổi tiếng với chuyện tình của thi sĩ Hàn mặc Tử với người đẹp Mộng Cầm.SM không có lên tận nơi để coi có nhiều hoa Ti gôn cỡ nào mà chỉ ngắm nghía những vườn dừa xiêm dọc theo hai bên đường chạy ra mũi Né.Thấm thoát đã 37 năm trôi qua nhưng chưa có dịp trở lại , hẳn là vật đổi sao dời nhiều ghê lắm . Bạn bè cũ ở PT nay đã tản mác khắp nơi, cũng khó lòng gặp lại. SM hy vọng các bạn có chút thoải mái qua câu chuyện ngắn của ĐTB.

HUONG said...

Trang chủ "dẫn" cả làng đi chơi một chỗ bất ngờ nghen... Hình minh họa Biển Ti Gôn đẹp quá Trang Chủ ơi ! Bây giờ NT sẽ nhâm nhi đoạn văn đây

HUONG said...

NT đọc xong thấy những "Chiêu Tình" như thế này...

- Em dắt tôi đến chỗ nào nước sâu đến... trái tim là được.

- Tôi chỉ biết tôi đang yêu...
- Ông yêu ai?
- Yêu... xác mắm.

- Em tặng ông để cảnh giác ông đừng làm vỡ trái tim.

- Nhưng ông có thể làm vỡ tim người khác vì không biết mơ mộng.

Cô Bé trong truyện cũng đáo để lắm đấy chứ dẫu ông khách đã "vung kiếm pháp" ra chiêu trước, phải không các bạn thơ?

Thế rồi, NT lại tiếc thầm... truyện chỉ đến đấy thôi à !?
Vậy thì ai thắng, ai thua sau buổi luận kiếm tình ấy...

Unknown said...

Hôm nay trang thơ chúng ta thay đổi menu mới, món mới bà con ơi: Đoản văn !
Có phải Trang chủ muốn trình làng kiến thức nhiếp ảnh của mình chăng?
một tấm hình hoa tigon tuyệt đẹp phải không các bạn?
Xin chúc mừng !

Tigon mọc dại ở ven đường
Lá hoa còn đọng ít giọt sương
Vươn tay thả lỏng rung theo gió
Lữ khách đừng chân, chợt vấn vương!
.....

Ai bảo hoa ấy như tim vở?
Riêng tôi chỉ thấy giống trái tim
Nhiều ngăn xếp lại chờ ai đó
Mở cánh hoa lòng, đẩm hạt sương!

**Nhìn hình (thay tranh) mần thơ đó!

Suong Mai said...

Ui chao, PC chúc mừng sớm quá, dĩ nhiên là SM cũng sẽ trình làng những tấm hình non nớt, tập tành nhiếp ảnh của mình nhưng chưa phải lúc này. Hoa Ti gôn ấy là lướt trên web thấy đẹp nên mượn đỡ về làm phúc của Ta trên Trang Thơ đó thôi. Nhìn hình mần thơ , lẹ quá hén, nếu PC có hình hoa này thì post lên cho mọi người cùng ngắm nghía đi.

vivu said...

Đúng là hôm nay TT đổi mới một chút !
Văn cũng như Thơ ,hay một loại hình nghệ thuật nào khác ,đưa ta về một cõi nào đó ...nghĩ lại ngày xưa tác giả Truyện Kiều - mong cho người đọc mua vui - một vài trống canh,có lẽ bây giờ là đã "quá dài" rồi chăng - chỉ cần 5 phút feelings là tác phẩm đời nay đã thành công rồi đó ..

Hơi lạc đề một chút , kỷ niệm xưa ngồi đấu rượu với Đoàn Thạch Biền,lúc ấy dùng bút hiệu khác, bài viết được đưa tới tòa soạn ,và được tòa soạn vấn kế : hãy chọn một cái tên cho kêu kêu một chút...để mà có người đọc đến ...thế là cái tựa "Ví dụ ta yêu nhau " ra đời ...

Và nhiều năm trôi qua ,vẫn chưa có ngày hội ngộ ..

quehuong said...

PHIẾM...
Hết sức tình cờ, sáng nay có một người gởi cho QH bốn slide show của TTKH, dỉ nhiên là có bài Hai sắc hoa Tigôn, bài thơ từng gây nhiềug sóng gió từ thập niên 40. Mà chúng ta không ai không biết..
Hôm qua đọc xong bài viết của nhà văn, thơ Đoàn Thạch Biền...Biển Tigôn..QH chợt nhớ đến bài Hai sắc hoa tigôn.., đọc hết bài văn thì chợt nhớ đến Phan-Thiết...vùng đất mà QH từng ghé nhiều lần trước và sau 1975..
Cho nên sáng nay QH mời ác Bạn cùng nhâm nhi ly cà phê Ban-Mê (chánh hiệu Bụi Mù Trời)và đọc QH Phiếm:
Về câu chuyện của bài thơ Hai sắc hoa Tigôn thì QH biết một chút như sau:

Luật sư Lê Ngọc Chấn.. từ Pháp về làm việc ở VN, khi Ông đi ngang một tiệm ảnh ở Thanh Hóa, Ông thấy ở tiệm có trưng một tấm ảnh chân dung một người thiếu nữ đẹp..từ đó Ông đi tìm người thiếu nữ trong ảnh và kết hôn với cô ta. LS Chấn qua đời..QH là người đại diện đoàn thể đọc điếu văn cho Ông. Bà LS Chấn..hiện nay sống cùng các con, viết truyện và làm thơ về Đạo.

HOA TI GÔN
Hoa Tigôn (Antigone in French): loại hoa dây leo, không thơm, có hình quả tim vỡ làm mấy mảnh. Hoa Tigôn rất đẹp, có hai loại: loại cho ra hoa mầu trắng và loại cho ra hoa mầu đỏ hay hồng tươi, có thể mọc tại bất kỳ đâu tại Việt Nam. Lá Tigôn mầu xanh, hình tim như lá trầu nhưng nhỏ cỡ 3 ngón tay. Hoa Tigôn nhỏ bằng đầu chiếc đũa ăn cơm, mọc thành chùm. Hoa Tigôn có 5 cánh hình trái tim, hai cánh nhỏ ở trong và 3 cánh lớn hơn chụm vào nhau bao ở ngoài. Khi gặp gió hay mưa hoa rụng từ cuống hoa, rơi xuống đất nhưng vẫn còn nguyên cả bông hoa. Ở miền Nam Việt Nam gọi là hoa nho vì lá giống lá nho. Màu trắng của hoa làm chúng ta liên tưởng tới màu trinh bạch, ngây thơ của người còn gái, còn màu hồng là màu tượng trưng cho sóng gió người con gái phải trải qua những sự đau khổ trong tình trường khi con tim nàng tan vỡ.
...

quehuong said...

...HUYỀN THOẠI VỀ HOA TIGÔN
Hoa Tigôn lấy tên từ một người con gái trong Thần thoại Hy Lạp, cô Antigone, con của Oedipus và Jocasta.

Theo truyền thuyết, thì Oedipus (tiếng Pháp là Oedipe) là con của vua Laius và hoàng hậu Jocasta. Vua Laius bị lời nguyền của Appolo nói rằng con trai có vết đỏ nơi gót chân sẽ giết cha và kết hôn với mẹ. Laius cho giết Oedipe vì cậu này có vết đỏ nơi gót chân, nhưng người hầu cận đã bỏ mặc trên núi rừng mà không giết. Sau khi trường thành, Oedipe về lạ Athens, bị một chiếc xe cán lên chân. Laius đi trên xe rút gươm ra đe dọa Oedipe, và Oedipe đã giết Laius, mà không hề biết đó là cha mình. Sau đó, thành Athens mắc tại họa do một con sphinx (sư tử mặt người) gây ra. Hoàng hậu Jocasta ra giá: ai giết được con sphinx thì lấy làm chồng. Oedipe giết được và kết hôn với Jocasta, mà không biết là mẹ mình, và trở thành Vua Athens.

(Sau này trong ngành phân tâm học, Sigmund Freud nói đến Oedipus complex - Mặc cảm Oedipe - nghĩa là trong mỗi đứa trẻ (nam) thì có khuynh hướng ghét (giết) cha, để lấy (thương) mẹ một cách độc quyền. Trẻ em nữ thì ngược lại!)

Oedipus và Jocasta có 4 người con, tên là Antigone, Ismene, Eteocles và Polyneices. Riêng người con gái Antigone trẻ nhất, xinh đẹp và rất có hiếu với cha mẹ.

Một hôm, Oedipe biết đuợc tin dữ. Người hầu cận ngày xưa của vua Laius, người mà được lệnh vua đem dứa bé vào núi rừng giết chết. Hầu cận này tình cớ thấy gót chân vua có dấu đỏ, khi vua bước qua một tảng đá cuội trên dòng suối cạn. Hầu cận này đã già, nhưng vẫn nhớ chuyện ngày xưa và kể lại cho vua. Vua Oedipus nghe được chuyện, biết chính mình là kẻ đã giết cha ruột. Về cung điện, bỏ ăn bỏ ngủ ba ngày đêm liên tiếp. Chuyện kinh hoàng không thể nói nên lời. Trời ơi! Vợ mình Jocasta đang say ngủ trên giường có phải là vợ mình hay không? Còn người nào mà ngày xưa đã cho mình bú, mang nặng đẻ đau mình, nay lại là vợ mình sao? Còn mấy đứa con nữa, Antigone xinh đẹp có phải là con mình hay là em gái của mình vì Jocasta sanh ra? Không thể được, ngàn lần không thể được như vậy đâu.

Vua Oedipus không chịu nỗi cắn rứt lương tâm, không muốn nhìn thấy Jocasta, Antigone, Ismene, Eteocles, đồng thời muốn đền tội loạn luân, nên Oedipus dùng tay móc cặp mắt của mình. Trọn đời mù lòa. Ông bỏ cung điện mà lang thang trong rừng sâu núi thẳm. Cô gái xinh đẹp nhất, Antigone, thương cha mình tự dưng nổi điên mà tự làm đui mù, nên Antigone khóc nức nở mà chạy theo cha vào rừng sâu núi thẳm. Đi xin ăn nuôi cha mình, lo giấc ngủ cho cha mình. Một lòng hiếu thảo vô biên, nhưng cô không hiểu tại sao cha mình, từ khi đui mù thì lại tìm cách xa lánh mình, không muốn nói chuyện gì với mình hết, ngày đêm than khóc mà thôi. Cho tới ngày kia cha cô chết héo rủ trong một ngôi đền Eumenides ở Colone. Chôn cất cha xong, Antigone trở về Athens.

Nhưng câu chuyện thương tâm lại đổ thêm vào đầu cô gái vô tội. Créon đã kết án tử anh mình tội phải quốc và ra lệnh cấm chôn xác. Vì thương anh, Antigone đã trái lệnh Creon, và cử hành nghi lễ chôn cất cho anh. Antigone bị bắt, rồi Thượng hội Đồng kết án tù chung thân trong mộ.

Bị giam sống trong ngôi nhà mồ của dòng họ. Cửa nhà mồ bị bít kín, ngày đêm dưới mộ sâu, Antigone chiu không nổi thảm cảnh xảy ra liên tiếp cho đời mình. Antigone đành quyên sinh. Dân làng sau đó lập một ngôi mộ mới chôn nàng. Nhưng tại ngôi mộ của cô gái đầy lòng hiếu thảo với cha, lòng thương anh, có một loài hoa lạ mọc trên ngôi mộ của mình. Dân thành Athens không dám gọi thẳng là tên Antigone, mà người ta gọi tắt là hoa Tigone.//

BÀI HOATIGÔN ĐĂNG TRÊN BÁO TIỀU THUYẾT THỨ BẢY NĂM 1937 CỦA KÝ GIẢ THANH-CHÂU;

“… Hoa leo ti gôn sắc đỏ, sắc hồng, sắc trắng năm nào cũng vậy, một mùa tàn lại một mùa nở. Nó chẳng giống lòng bất trắc của con người…”
Tháng 6/1937, báo "Tiểu Thuyết Thứ Bảy" xuất bản tại Hà Nội đăng truyện ngắn Hoa Tigôn của ký giả Thanh Châu. Câu chuyện kể lại một mối tình buồn giữa một chàng họa sĩ và một thiếu nữ.
...

quehuong said...

...Hoa Ti gôn - Thanh Châu
"Sáng nào cũng vậy, hết giờ dạy vẽ ở trường Mỹ thuật về qua phố Tràng Tiền, họa sư Lê cũng không quên mua một bó hoa ti gôn. Đó là thói quen của họa sư mà không một người bạn hay người học trò thân nào là không biết rõ. Đến mùa hoa ti gôn nở nhiều nhất, trong nhà họa sư Lê người ta chẳng còn thấy một thứ hoa nào khác. Mà có người nào tẩn mẩn ngắt một nụ hoa nho nhỏ ấy xem kỹ, họ sẽ phải cho lời nhận xét của họa sư Lê là đúng: Hoa ti gôn hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu hồng dịu như nhuốm máu đào. Rồi người ta phải tự hỏi thầm:
“Tại sao họa sư Lê lại thích chơi cái thứ hoa trông như giấy ấy, để trong phòng quá một ngày đã rụng rồi? Chắc lại có điều tâm sự chi đây”.
Một buổi trưa – hồi đó Lê Chất hai mươi bốn tuổi, còn là một họa sĩ nghèo mới ở trường ra – một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hà Nội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe. Người thiếu niên ấy đi tìm cảnh vẽ. Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua. Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự của một ông quan hưu dùng làm chỗ nghỉ ngơi, Chất hãm xe, nghễnh cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm. Chiều qua, lúc Chất sắp đạp xe rất nhanh qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một chiếc ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nứa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khỏe mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ. Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vầng trán, cảnh “con gái hái hoa” ấy như một bức tranh linh động, khiến người họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt. Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẻ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy một lần đều in sâu trong trí nhớ. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn đã để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Đến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng.
Nhưng từ hôm đó, hôm nào họa sư cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà. Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi bởi ngôi nhà hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ nhìn thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn. Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ. Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Anh đã vẽ nhiều croquis (Ký họa: Loại tranh vẽ nhanh thường được thực hiện trong khoảng vài phút) cất trong album để ghi giữ lại rồi dần dần cũng quên đi…
Lê Chất đã nổi tiếng. Thầy học cũ của anh vì mến tài, đã đưa anh lên một địa vị mà nhiều người ghen tỵ. Tranh của anh được nhiều báo nước ngoài nói đến và bán với giá cao: Anh đã bỏ lối phong cảnh để vẽ người. Tranh vẽ người, nhất là tranh vẽ đàn bà đã khiến các bạn Chất tặng cho cái tên: “Người lấy máu để vẽ các cô gái đẹp”. Họa sĩ đã trở nên giàu có, ăn mặc sang, khó tính. Lê Chất bây giờ đã đứng tuổi, từ lâu không còn là gã họa sĩ nghèo huýt sáo đạp xe quanh vùng lân cận Hà Thành đi tìm cảnh đẹp, với giá vẽ buộc trên xe đạp.
Mùa lạnh năm ấy, Lê Chất đi vẽ ở một vùng Vân Nam phủ. Trong một bữa tiệc chiêu đãi của tòa lãnh sự Pháp, họa sĩ trông thấy một thiếu phụ ta, đẹp một vẻ khác thường, nhưng có dáng buồn. Chất bỗng ngờ ngợ như hơn một lần đã gặp người này. Ở đâu? Chất giật mình. Có thể nào? Nhưng quên làm sao được khuôn mặt ấy, đôi môi ấy? Nhờ một người quen giới thiệu, Chất được rõ: Thiếu phụ là vợ một viên chức trong tòa lãnh sự.
..

quehuong said...

...Trong khi nhảy với thiếu phụ một bản tăng-gô, Lê Chất đột nhiên hỏi:
- Bà vẫn thích hái hoa ti gôn chứ?
Thiếu phụ nhìn chàng rất ngạc nhiên:
- Ông nói gì… tôi không hiểu.
- Có lẽ bà đã quên Hà thành, làng Mọc, cái biệt thự xinh xinh có một giàn hoa…
Người đàn bà ấy kêu lên, mắt long lanh:
- Có phải ông là cái anh chàng họa sĩ vẫn nhìn trộm tôi ngày trước đó không?
Nàng nói tiếp:
- Thảo nào mới nhìn ông tôi cũng tự nghĩ không biết đã gặp ở đâu rồi. Tám chín năm rồi đấy, thế mà chúng ta còn nhận được nhau…
Mai Hạnh – tên thiếu phụ – rất buồn ở Vân Nam phủ. Nàng không có bạn. Lấy một người chồng gia thế cân đối với nhà mình, cuộc đời nàng bằng phẳng nơi đất khách. Bây giờ gặp được người cùng xứ, người đó lại đã dự vào dĩ vãng tươi đẹp của mình, một họa sĩ nổi danh, nàng không có cảm tình với Lê Chất làm sao được? Hạnh thường đến chỗ họa sĩ trọ, thăm viếng mỗi ngày, và thuận cho chàng vẽ một bức chân dung. Một buổi sáng, hai người đi chơi, trên một ngôi chùa Tàu cheo leo đỉnh núi, Lê Chất nói:
- Tôi biết thế nào trong đời tôi cũng còn gặp Hạnh, bởi vì không bao giờ tôi quên cái buổi chiều ở làng Mọc. Nhưng số mệnh khiến chúng ta gặp nhau lần này có phải là để chúng ta chỉ có thể thành đôi bạn thôi ư? Hạnh có đoán được lòng tôi lúc này không? Mai Hạnh, giọng run run tái nhợt, giơ tay bịt miệng Lê Chất. Nhưng khi Chất đã ôm nàng thì Hạnh không cưỡng lại:
- Em cũng yêu anh ngay từ buổi đầu.
Thế là, hai người như sống trong một cơn mê.
Mai Hạnh cố chống chọi lại với tình yêu mỗi ngày một lớn, còn Lê Chất thì lo ngại, tính toán như ngồi trên đống lửa. Chàng định cùng Hạnh trốn đi Nhật, không cần danh dự, chức nghiệp, dư luận của người đời. Nhưng Mai Hạnh tuy yếu đuối hơn, rụt rè, e ngại sau cùng cũng nhận lời.
Lê Chất trở về Hà Nội, sắp đặt xong mọi việc, lo lót giấy tờ tiền bạc, đồ dùng đi xa, tất cả đã sẵn sàng, thì phút cuối cùng nhận được thư của Hạnh: “Chất, anh hãy đi một mình và quên em đi, vì em không có thể theo anh. Đừng giận em tội nghiệp, em không phải là loại đàn bà có thể vượt được hết những khó khăn như anh đã tưởng. Đến phút cuối cùng, em bỗng sợ, em sợ gia đình tan tác, khổ thân thầy mẹ em, chồng em khinh bỉ, tai tiếng ở đời, những lo ngại ở tương lai… Em thấy rằng: nếu đi với nhau chưa chắc chúng ta đã sung sướng. Anh thấy chưa?
Em là một đứa hèn! Em không yêu anh được như anh tưởng đâu, vì em đã hy sinh anh cho tất cả những lo ngại trên kia. Vậy mà em yêu anh có thể chết vì anh được. Trong đời anh còn nhiều chuyện, anh có thể quên em được đấy! Nhưng còn em thì chẳng bao giờ, chẳng bao giờ! Vì em biết em sẽ không bao giờ tự an ủi được, bởi em đã làm hỏng đời em, nếu em chẳng theo anh…” Trong thư, một dây hoa ti gôn nhỏ ép rơi ra: những nụ hoa chum chúm hình quả tim vỡ, đỏ hồng như nhuộm máu đào.
Lê Chất đặt một cái hôn trên những cánh hoa, và khóc. Nhưng đó là một kẻ đàn ông có nghị lực. Chàng đi du lịch xứ Phù Tang có một mình.
Bốn năm sau, một hôm họa sư Lê Chất thấy trên bàn giấy mình một phong thư viền đen báo tang. Ông mở ra xem thì đó là của người chồng Mai Hạnh báo tin nàng đã chết. Họa sư đáp xe lửa đi Vân Nam ngay để một buổi chiều đặt trên mồ Mai Hạnh những dây hoa quen thuộc. Rồi trở về Hà Nội, ông mới sực nhớ ra rằng đã quên không hỏi xem Mai Hạnh đã chết vì một bệnh gì, một cơn cảm sốt…, hay vì sầu muộn…
Ngày nay, họa sư Lê Chất đã già, nhưng cứ đến mùa hoa ti gôn nở, không buổi sáng nào ông quên mua một ôm về thay thế hoa cũ trong phòng vẽ, vì thứ hoa ấy chóng tàn "...

quehuong said...

...VÀ BA NGÀY SAU KHI ĐƯỢC ĐĂNG:
3 ngày sau một người thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thùy mị, nét mặt u buồn, mang đến một bì thơ dán kín gửi cho chủ bút của tòa soạn, trong đó chỉ gọn một bài thơ Hai Sắc Hoa Tigôn, dưới ký tên T.T.Kh. Khi thiếu phụ đi rồi, tòa soạn xem thơ nhận thấy đó là thi phẩm ghi lại cảnh tình đáng thương tâm, nhưng người ta chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh thiếu phụ kia. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện. Câu chuyện "Hoa Tigôn" đã khơi lại mối tình xưa mà người thiếu phụ (T.T.Kh) đã từng yêu một người và từng trao lời gắn bó dưới giàn hoa Tigôn. Rồi chàng ra đi, nàng ở lại và nhận một mối tình gượng ép. Nàng đã làm bài thơ để giải tỏa niềm tâm sự. Trong "Hai Sắc Hoa Tigôn" tác giả thuật lại câu chuyện tình giữa nàng và chàng nghệ sĩ trót đã yêu nhau, song hoàn cảnh trái ngang, nàng phải gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một ông chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ...
Hai Sắc Hoa Ti Gôn
-T.T.Kh-
Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi
Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy
Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường
Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẻo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người
Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.//

quehuong said...

...Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa, người ta đã tốn biết bao công phu đi tìm hiểu về T.T.Kh. Không ai biết được tên thật cũng như quê quán của nàng...
Hai năm sau, vào giữa 1940, mới thấy xuất hiện bài thơ "Gửi T.T.Kh" với bút hiệu Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình). Ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh, gọi nàng bằng tên "Khánh" và nhắc tên nầy tổng cộng 4 lần. Bài thơ nầy là để trả lời cho bài thơ của nàng, nhưng với giọng điệu cay đắng, mỉa mai! Ngoài ra Thâm Tâm còn 2 bài thơ khác viết cho T.T.Kh như sau: Màu Máu Tigôn, Dang Dở - những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho T.T.Kh. xuất hiện trong năm 1940. Bài thơ "Dang Dở" trên đã chấm dứt mối tình bí mật đó. T.T.Kh trong các tác phẩm của Thâm Tâm là người yêu của thi sĩ, tên là Trần Thị Khánh, một nữ sinh phố Sinh Từ, Hà Nội.Nhưng...
Sau đó, người ta lại được biết chút ít về T.T.Kh qua bài thơ "Dòng Dư Lệ" của Nguyễn Bính. Lúc bấy giờ ai chẳng nghĩ T.T.Kh chính là người tình vườn Thanh của Nguyễn Bính. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận của một kẻ si thơ T.T.Kh. mà thôi. Lúc còn trẻ Thi sĩ Nguyễn Bính có máu "giang hồ", vào Nam ra Bắc mấy lần. Một lần dong ruổi, gặp đêm mưa lớn, ông ghé vào trọ tại một nhà ở vùng Thanh Hóa, được người lão bộc tiếp đãi. Nhà có khu vuờn đẹp, trong nhà có cô gái trẻ ngồi quay tơ - mà ông gọi là "Người Vườn Thanh" - đã khiến ông run động, thao thức bâng quơ, nhưng nghĩ mình còn nặng kiếp phong trần nên chưa dám tính đến chuyện tình duyên.
Rồi mấy năm sau, ông lại có dịp qua vùng Thanh Hóa, bèn tìm đến chốn cũ, thì được người lão bộc năm xưa kể cho nghe "một thiên hận tình" Thời gian lại qua đi, ông gần như đã quên câu chuyện đó, thì đọc được những bài thơ của T.T.Kh xuất hiện trên báo. Ông thấy những bài thơ đó giống hệt thiên hận tình của "Người Vườn Thanh" năm nào, ông nghĩ rằng "Người Vườn Thanh" chính là T.T.Kh, và viết bài thơ "Dòng Dư Lệ" để tặng nàng.
Trong khi các thi sỹ xôn xao bàn tán và ngộ nhận về thơ và về con người của mình, T.T.Kh vẫn hoàn toàn biệt tăm ... Cho đến ngày 30 tháng 10 năm 1938 thì trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy lại xuất hiện T.T.Kh với Bài Thơ Cuối Cùng. Cuối thập kỷ 80, vẫn có người nói rằng bà còn sống và đã gặp bà, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một lời nói mà thôi. Và cũng kể từ đó, dù cho các nhà văn tốn không biết bao giấy mực và hoài công tìm kiếm nhưng họ vẫn không biết gì hơn về nàng.
Vậy T.T.Kh nàng là ai ? Và vì ai mà làm thơ ??
Cái nghi vấn đã kéo dài hơn 50 năm cho đến năm 1994. Bà Đặng Thị Liên đã tiết lộ cái mà thiên hạ cho là "thiên cơ bất khả tiết lộ" cho nhà văn Thế Nhật, và đó cũng là cái chìa khóa để mở cánh cửa nghi vấn đóng im trong suốt 57 năm cho làng văn học Việt Nam.
...

quehuong said...

...T.T.Kh là gì?
T chữ thứ nhất là TRẦN
T chữ thứ hai là THANH
Kh chữ thứ ba là KHÓC
KHÓC ở đây là khóc cho mối tình có duyên không nợ, khóc cho cái éo le cuộc đời. Tạo hóa trớ trêu khiến cho họ gặp nhau rồi đem cho họ bao nhiêu là nước mắc ngậm ngùi khi xa nhau.
THANH là Thanh Châu, là tác giả của truyện ngắn"Hoa Tigôn" đã nhắc ở trên. Ông hiện cư ngụ tại Hà Nội, là người đã tạo cho T.T.Kh. những cảm xúc để viết lên những giận hờn, thương xót, và khóc thương. Người đã mang nặng chữ chung thủy với chữ tình, đã gắn bó với thơ T.T.Kh., với cái hồn của nàng suốt hơn 50 năm trời đăng đẵng. Một người mà hôm nay thân đã tàn sức đã tận, nhưng tâm hồn vẫn lâng lâng cái trẻ trung, cái nhớ thương ray rứt về cố nhân. Một người có tâm hồn cao thương và sắc đá, trước những thử thách trớ trêu của tạo hóa, nhưng lại mềm mại, đắng cay trong từng ngòi bút ông buông lời.
TRẦN là Trần Thị Chung, (tên thường gọi là Trần Thị Vân Chung) sinh ngày 25-8-1919 tại thị xã Thanh Hóa, Hà Nộị sinh trưởng trong một gia đình quan lại thời bấy giờ. Vân Chung có một người anh cả, hai người em gái và một người em trai út. Năm 1934, qua mối mai, gia đình nàng đã hứa gả nàng cho một luật sư (Lê Ngọc Chấn, ông đã chết sau khi mãn tù cải tạo học tập). Hiện nay bà cùng các con sinh sống ở miền Nam nước Pháp trong một thị xã nhỏ và bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu khác khau như Vân Nương, Tơ Sương v.v...

MỘT CHÚT VỀ ĐOÀN THẠCH BIÊN:

VIVU À, HÌNH NHƯ TAY NGUYỄN THANH TRỊNH NÀY CŨNG LÀ TAY "NHẬU VÔ TƯ" PHẢI HÔNG VẬY.
THẦY GIÁO DẠY Ở BÌNH-THUẬN...VỚI TẬP TRUYỆN "VÍ DỤ TA YÊU NHAU"...
CHA CÁI VỤ NÀY COI BỘ KHÓ NHA..GÌ MÀ VÍ DỤ..ĐÚNG LÀ "THẦY GIÁO" CÓ KHÁC...THÍ DỤ LA "LÀM NHÁP" ĐÓ HẢ ?
MÀ HÌNH NHƯ CÁI TỰA NÀY LÀ DO VIVU HIẾN KẾ MÀ PHẢI HÔNG ĐÂY...?

Đoàn Thạch Biền: Tập truyện “Ví dụ ta yêu nhau” gồm những truyện tôi viết thời sinh viên ở Sài Gòn rồi đi dậy học ở Bình Thuận. Chính các cô sinh viên và học sinh đã giúp tôi có cảm hứng viết về lứa tuổi áo trắng. Tôi đã gửi những truyện đó cho những tạp chí văn nghệ nổi tiếng ở miền Nam trước 1975: Nghệ Thuật, Văn, Văn Học nhưng họ đều ném vào sọt rác. Sau đó tôi gửi cho báo Tuổi Ngọc, không ngờ được chọn đăng đều đều sau đó còn được in thành sách. Nếu ngày đó Tuổi Ngọc cũng ném truyện của tôi vào sọt rác, chắc tôi đã nản chí không viết văn nữa mà cặm cụi viết sách giáo khoa dạy học sinh bình giảng các bài văn hay. Nhớ ơn Tuổi Ngọc, tôi nghĩ khi mình có điều kiện sẽ thực hiện một tờ báo như vậy. Gíup các bạn trẻ có chỗ để đăng sáng tác đầu tay, để các bạn không nản chí mà viết tiếp. Khi các bạn đã nổi tiếng có thể đến với các tờ báo lớn, nhường chỗ cho các bạn trẻ khác. Đấy là lý do mà tôi cùng các bạn được báo Tuổi Trẻ giúp đỡ thực hiện tập san Áo Trắng hiện nay.

VỀ PHAN THIẾT
Đang chờ KHÁNH-VÂN kể chuyện PHAN-THIẾT..rồi QH theo sau...

Thien Thanh said...

Cac ban tho oi,trang chu cho xem mot doan van la va hay..Bien Tigon,lai co phan dong gop cua cac ban tho ve hoa Tigon,ban Huong thi tim ra duoc may chieu..hay hay that
thienThanh nho may cau tho xua cu(chu Han)cai may bua nay lam eo khong co dau xin loi cac ban nhe

Giac lai mien tien dinh
Nhat dieu hoa gian minh
Tu van thu ha nhat
Xuan phong nga luu danh..

Dich la

Tinh day trong san truoc
Trong hoa chim hot vang
Hom nay ngay nao nhi?
Gio dua tieng oanh vang..

Suong Mai said...

Sáng nay QH cho đọc đã đời luôn mà tiếc là trễ giờ đi làm nhiều lần rồi nên cũng đành mà xếp lại. Qua câu chuyện Phiếm của QH thì có câu này thì SM thấy có ý này lẫy lừng nhất " LS Chấn qua đời..QH là người đại diện đoàn thể đọc điếu văn cho Ông. " BÀI HOA TIGÔN ĐĂNG TRÊN BÁO TIỀU THUYẾT THỨ BẢY NĂM 1937 CỦA KÝ GIẢ THANH-CHÂU hẳn là gây tiếng vang rất lớn cho độc giả lúc đó, bây giờ đọc vẫn hấp dẫn lôi cuốn quá chừng.
SM ngẫm nghĩ, tác giả T T Kh có biết chăng vô tình vì mình mà biết bao thi sĩ khác phải ngần ngại khi phóng bút làm thơ liên quan tới sắc hoa này.

Suong Mai said...

Vivu ơi, bạn lạc đề một chút nữa đi, ngoài kỷ niệm xưa ngồi đấu rượu với Đoàn Thạch Biền thì thế nào bạn cũng còn thêm các kỷ niệm khác chứ? Nói thiệt là Trang Thơ đang chờ một đoản văn ngắn của bạn đây, làm gương trước rồi SM theo sau bạn nghe?

HUONG said...

NT đọc hết một mạch... Huyền thoại TTKh... của bạn thơ Quê Hương mà tưởng chừng như không cần đọc thêm tài liệu nào nữa cả ! Thật thú vị... Có những điều mà NT vẫn chưa biết đấy, như chuyện Trần Thanh Khóc...

HUONG said...

Đọc lời comment của Trang chủ, NT chợt muốn nói rằng: Sau TTKh. không còn ai làm thơ về loài hoa Tigone hay bằng ... cũng như nhà thơ Hữu Loan với Màu Tím Hoa Sim, nhà thơ Đỗ Trung Quân với bài thơ Chút Tình Đầu... Tất cả nhà thơ đã buông bút ngẩn ngơ rồi thì lấy chi mà viết ra chữ nữa !

vivu said...

Có phải những giai thoại văn thơ được truyền tụng dựa trên những ức đoán mù mờ hay không ?
Khi mà bí mật TTKh được bật mí thì …còn gì để …nói nữa đây,ngoài việc cất vào viện bảo tàng !

TV ,tin tức mấy hôm nay ,rôm rả về một đám cưới của tài tử giai nhân ,linh đình một góc trời ,mà hôn nhân chỉ tồn tại có 72 ngày !
Nhớ hồi Vv đi chụp hình đám cưới kiếm cơm, hẹn tuần sau trở lại lấy tiền , tuần sau đã li dị rồi còn đâu !

bây giờ xấp hình vẫn còn đó !
20 năm qua rồi !
Ví dụ - lại ví dụ - họ trở lại tìm mình ,thì tính sao ??
…..

Trở lại câu hỏi của QH ,và gợi ý của SM …
Thật ra Vv chẳng có tài cán gì ! chỉ có Duyên gặp gỡ nhiều Nghệ Sĩ đủ mọi lứa tuổi, học hỏi để biết được vài kinh nghiệm đời …
Vậy thì Vv kể chuyện xem sao:

“Có người hỏi Vv có biết Nhà Thơ Tháng Sáu không ? Hồi đó Nhà Thơ như vầy …như vầy …
- Biết chứ sao không ? mỗi tuần đều có trao đổi ý kiến ,có lúc còn cãi cọ nữa !
- Hả ?
Vậy chứ dạo này Nhà Thơ thế nào ? Mái tóc còn đẹp dài không ?
- Có được gặp bao giờ đâu – mà dài với ngắn !
-HẢ ???? “

Vien Khach said...

Nhân đọc comments của các bạn Thơ bàn về Nhà thơ TTKH . VK chợt nhớ lại một thời áo trắng xa xưa, VK có lần cố tìm hiểu về Nữ sĩ TTKH tác giả bài thơ "Hai Sắc hoa Tigôn" là ai.
Cuối cùng qua các tài liệu, VK chỉ được tìm thấy TTKH có hai tên :
1.- Trần Thanh Khóc (QH đã giải thích ở trên)
2.- Trần Thị Khánh
Có người cho nàng là một nữ sinh phố Sinh Từ, Hà Nội. Có kẻ lại cho là người yêu của thi sĩ Thanh Tâm, Thi sĩ Nguyễn Bính lại nhận TTKH là người yêu của mình . Kể từ đó, dù cho các nhà văn tốn không biết bao giấy mực nhưng vẫn không biết gì hơn về nàng.
Trong làng Thi ca thời đó, Nhà thơ TTKH đã hiến cho đời 4 tuyêt tác, mà có lẽ bài thơ "Hai sắc Hoa Tigôn" được nhiều người biết đến nhứt. VK mạo muội xin được post 4 bài thơ của TTKH để gởi đến bạn thơ nào chưa có thì giờ đọc qua .

Bài Thơ Thứ Nhất

Thuở trước hồn tôi phơi phới quá,
Lòng thơ nguyên vẹn một làn hương.
Nhưng mà nghệ sĩ từ đâu lại,
Êm ái trao tôi một vết thương.
Tai ác ngờ đâu gió lạ qua,
Làm kinh giấc mộng những ngày hoa,
Thổi tan tâm điệu du dương trước
Và tiễn Người đi bến cát xạ
Ở lại vườn Thanh có một mình,
Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh;
Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo,
Yêu bóng chim xa, nắng lướt mành.
Và một ngày kia tôi phải yêu
Cả chồng tôi nữa lúc đi theo
Những cô áo đỏ sang nhà khác,
- Gió hỡi! làm sao lạnh rất nhiều.
Từ đấy không mong, không dám hẹn
Một lần gặp nữa dưới trăng nghiêm,
Nhưng tôi vẫn chắc nơi trời lạ,
Người ấy ghi lòng :"vẫn nhớ em !"
Đang lúc lòng tôi muốn tạm yên,
Bỗng ai mang lại cánh hoa tim
Cho tôi ép nốt lòng dư lệ
Rỏ xuống thành thi khóc chút duyên
Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ
Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ!
Tóc úa giết dần đời thiếu phụ...
Thì ai trông ngóng, chả nên chờ !
Viết đoạn thơ đầu lo ngại quá
Vì tôi còn nhớ hẹn nhau xưa :
- "Cố quên đi nhé, câm mà nín
Đừng thở than bằng những giọng thơ !"
Tôi run sợ viết; lặng im nghe
Tiếng lá thu khô siết mặt hè
Như tiếng chân người len lén đến.
- Song đời nào dám găp ai về!
Tuy thế, tôi tin vẫn có người
Thiết tha theo đuổi nữa, than ôi
Biết đâụ..tôi : một tâm hồn héo,
Bên cạnh chồng nghiêm luống tuổi rồi!

Vien Khach said...

2.- Ðan Áo Cho Chồng

"Chị õi! Nếu chị ðã yêu.
Ðã từng lỡ hái ít nhiều ðau thương
Ðã xa hẳn quãng dường hướng,
Ðã ðem lòng gởi gió sương mịt mùng
Biết chãng chị? Mỗi mùa ðông,
Ðáng thương những kẻ có chồng như em .
Vẫn còn thấy lạnh trong tim,
Ðan ði ðan lại áo len cho chồng.

Như con chim hót trong lồng,
Hạt mưa nó rụng bên song bõ thờ.
Tháng ngày nổi tiếng tiêu sõ,
Than ôi! Gió ðã sang bờ ly tan...

Tháng ngày miễn cưỡng em ðan,
Kéo dài một chiếc áo len cho chồng.
Như con chim nhốt trong lồng,
Tháng ngày mong ðợi ánh hồng nãm nao !

Ngoài trời mưa gió xôn xao,
Ai ðem khóa chết chim vào lồng nghiêm ?
Ai ðem lễ giáo giam em?
Sống hờ trọn kiếp trong duyên trái ðời...

Lòng em khổ lắm chị õi !
Trong bao tủi cực với lời mỉa mai.
Quang cảnh lạ, tháng nãm dài,
Ðêm ðêm nghĩ tới ngày mai giật mình!"


3.- Hai Sắc Hoa Tigôn

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít giây hoa trắng chạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui
Bảo rằng: hoa giống như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Thuở đó nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp: Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy

Đâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ chết yêu đương
Người xa xăm quá, tôi buồn lắm!
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Từ đấy thu rồi, thu lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẻo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người

Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng, tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo, chân mây trắng
Người ấy sang sông đứng ngóng đò

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi, người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng.

4.- Bài Thơ Cuối Cùng

Anh hỡi tháng ngày xa quá nhỉ ?
Một mùa thu cũ, một lòng đau ...
Ba năm ví biết anh còn nhớ,
Em dã câm lời, có nói đâu !

Đã lỡ, thôi rồi ! chuyện biệt ly,
Càng khơi càng thấy lụy từng khị
Trách ai mang cánh "ti-gôn" ấy,
Mà viết tình em, được ích gì ?

Chỉ có ba người đã đọc riêng,
Bài thơ "đan áo" của chồng em.
Bài thơ "đan áo" nay rao bán,
Cho khắp người đời thóc mách xem...

Là giết đời nhau đấy, biết không ?
....Dưới dàn hoa máu tiếng mưa rung,
Giận anh, em viết dòng dư lệ,
Là chút dư hương : điệu cuối cùng !

Từ đây, anh hãy bán thơ anh,
Còn để yên tôi với một mình,
Những cánh hoa lòng, chừ ! đã ghét,
Thì đem mà đổi lấy hư vinh.

Ngang trái đời hoa đã úa rồi,
Từng mùa gió lạnh sắc hương rơị..
Buồng nghiêm thờ thẫn hồn eo hẹp,
Đi nhớ người không muốn nhớ lời !

Tôi oán hờn anh, mỗi phút giây,
Tôi run sợ viết, bởi rồi đây
Nếu không yên được thì tôị..chết
Đêm hỡi ! làm sao tối thế nầy ?

Năm lại năm qua cứ muốn yên
Mà phương ngoài gió chẳng làm quên;
Và người vỡ lỡ duyên thầm kín,
Lại chính là anh ? anh của em !

Tôi biết làm sao được hỡi trời ?
Giận anh, không nỡ ! Nhớ không thôi !
Mưa buồn, mưa hắt, trong lòng ướt...
Sợ quá đi, anh..."có một người" !...

"Bài Thơ Cuối Cùng" xuất hiện vào giữa năm 1938, trong đó T.T.Kh. giận trách người tình cũ đã đem thơ của nàng lên mặt báo làm lộ chuyện thầm kín cho khắp người đời xem .
Sau đó, không còn thấy xuất hiện bài thơ nào khác của nàng nữa.

Viễn Khách
(Kỹ niệm một thời áo Trắng).

HUONG said...

NT đọc một đoạn viết của bạn thơ Vivu mà cười thầm trong bụng...

“Có người hỏi Vv có biết Nhà Thơ Tháng Sáu không ? Hồi đó Nhà Thơ như vầy …như vầy …
- Biết chứ sao không ? mỗi tuần đều có trao đổi ý kiến ,có lúc còn cãi cọ nữa !
- Hả ?
Vậy chứ dạo này Nhà Thơ thế nào ? Mái tóc còn đẹp dài không ?
- Có được gặp bao giờ đâu – mà dài với ngắn !
-HẢ ???? “

Chịu thầy luôn !

HUONG said...

Bạn thơ Viễn Khách làm NT nhớ hồi còn học Trung học... Thuộc Truyện Kiều và thơ TTKH. nhất ! Xong rồi còn chép thơ bằng tay với khổ giấy nhỏ hơn khổ giấy học trò, tặng qua tặng lại bạn bè phương gần phương xa... Mà tựa đề của "tập thơ" chép tay ấy được gò lưng nhất... bao nhiêu tài năng vẽ vời đều tập trung vô bốn chữ TTKH. !!!!

sao... said...

Thông thường, người ta hay nói gộp THƠ VĂN trong chuyện viết lách.

Nói về viết VĂN xuôi thì hầu như ai cũng có thể viết bởi viết như nói ấy mà, cứ nghĩ sao viết vậy. Ai muốn câu chữ cho hay ho thì chỉ cần chịu khó trau chuốt ngôn từ cho bóng bẩy hơn một chút thôi. Còn về thể loại văn vần thì cũng tương tự, thì cũng nghĩ sao viết vậy (thậm chí nghĩ sao nói vậy như Ông bác tui một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhưng Ông đặt vè thì khỏi chê! Ổng cứ đọc rào rào như hành vân lưu thủy làm bà con chòm xóm kính nể biết dường nào).

Tuy nhiên bước vào phạm trù THƠ thì hơi phức tạp hơn một chút bởi còn phải dựa vào niêm luật, vần điệu tùy theo mỗi loại thơ. Niêm luật thơ từ đâu mà có? Cũng là từ con người. Bởi vậy không hiếm những người làm thơ phá cách vì người ấy không muốn bị rập vào một khuôn khổ có sẵn cho dòng tư tưởng của họ, từ đó đã nảy sinh ra thể loại thơ tự do. Làm thơ đúng niêm luật rồi phải vận dụng ngôn ngữ sao cho vần điệu trơn tru. Và theo thiển ý của tôi, Thơ chưa chắc đã phản ánh được đúng con người viết ra, bởi trong khi trau chuốt niêm luật vần điệu thì đã phải hướng ngôn ngữ viết của mình theo chiều hướng mỹ học nhiều hơn cho êm tai.

Lại một điều hết sức cơ bản: Một bài thơ hay phải có tứ thơ hay, từ đó mới nảy sinh cảm xúc thật sự làm cho bài thơ có thể thuyết phục người đọc. Nếu ta chỉ ngồi trong tháp ngà suy nghĩ tưởng tượng vẩn vơ rồi “chế tác” dăm ba câu vần điệu thì cũng thành một bài thơ đó, nhưng phỏng có chạm được tới sự rung động của người đọc không?

Kết lại: Câu nói cửa miệng của thiên hạ mà ta nghe hoài “Văn tức là người” hoàn toàn chính xác. Nhất là những câu chữ thông thường hàng ngày.

Suong Mai said...

Nhớ hồi Vv đi chụp hình đám cưới kiếm cơm...
Té ra trong nhà có Bác Phó Nhòm mà không biết, chỉ dùm vài chiêu về bí quyết hình Trắng Đen đi.
Cái thời áo trắng xa xưa, NT gò lưng o bế tập thơ chép tay chuyền cho bạn bè, SM thì chọn mực tím nhưng chỉ chép cho mình đọc thôi. Đám học trò con gái thơ thẩn thế đó,nhưng té ra VK một thời cũng bỏ công ra tìm hiểu TTKh là ai.
Mời các bạn vào www.musicselection.net phần Thơ Trữ tình( Ngâm thơ) là nghe thêm giọng ngâm của Hoàng Oanh và Hồng Vân các bài thơ của TTKh.

sao... said...

Minh chứng điều trên xin đưa ra trường hợp cụ thể là anh bạn thơ Vivu của chúng ta.

Nếu để ý tất cả những comments của Vivu đã viết từ trước đến nay, ta dễ dàng nhận thấy đây là một người có óc khôi hài cao, nhiều ý tưởng ngộ nghĩnh, thường tự xưng mình là con Ngọc Hoàng (Ông Trời con).
Bởi vậy đôi khi có những comments của Vivu...hiểu hổng nổi!

Đúng y như rằng! Dù tuổi trẻ chúng tôi đều xuất thân từ miền đất Banmêthuột, nhưng trước đây chưa hề quen biết nhau. Qua Trang Thơ giữa hai chúng tôi đã nảy sinh tình thân và trong dịp Vivu về Việt Nam đã tìm gặp nhau 3 lần để chuyện trò. Lần đầu tiên gặp mặt, anh ấy đã biếu tôi món quà của dân “chuyên nghiệp”: Cái khui bia! Lần thứ hai là một bữa nhậu xôm trò tại nhà Cỏ Xanh. Lần thứ 3 gặp để từ giã thì nhuốm màu văn nghệ hơn: Uống cà phê chuyện vãn.

Cách nói chuyện của Vivu ngoài đời cũng y hệt những ngôn ngữ trong comments. Một anh chàng hơi nặng ký, nói chuyện khề khà và tếu táo làm không khí chung rất vui. Sự gặp gỡ khởi đi từ tình thân nên rất thân tình và theo tôi, sợi dây thân ái ấy ngày càng dài thêm ra theo thời gian.

vivu said...

Có lẽ Vv phải “chạy làng “ quá …

Nhưng trước hết phải cám ơn Viễn Khách về bốn bài thơ của TTKH ,nhưng cũng hơi thắc mắc về một thời áo trắng - ẩn ý này thường dùng cho phe tóc dài !?

QH ơi ! Từ bài thơ cuôí cùng mang ý nghĩa trách móc :Sao người nỡ đem thơ em đi đăng báo …thì cái đoạn “ có một thiếu phụ trạc 20 tuổi ,mang một phong thư đến tòa soạn …” thì nghĩ sao đây ?? không lẽ bài thơ thứ tư là bài thơ “viết nhái “ ?

Các bạn còn nhớ không ? Khi báo Hồng Kông chưa qua kịp mà báo VN vẫn có mục kiếm hiệp Kim Dung như thường lệ ,vì có …một người có tài ..viết nhái ! mà vẫn ăn khớp đoạn trước đoạn sau ,giọng văn không khác gì Kim Dung !

Trở lại cái hồi …mới đây ,gặp gỡ Nhà Thơ S@ ở một quán ven đường ,miền đồng thảo …không ngờ anh S@ nhớ nhiều chi tiết quá,sau này lại đem đăng báo thì …phải sửa lại một chút : như “Ông Trời Con” là do QH thân ái tặng cho vì chỉ có Trời Cha may ra mới hiểu , còn “Ông Thần miệt dưới “ cũng là quà tặng của PC !
Cái tên Vivu cũng do người khác đặt cho …thế thì …”chịu Thày luôn “!

quehuong said...

Hi ViVu,
Có lẽ trong giai thoại văn chương Viêt Nam cận đại thì 4 bài thơ của tác giả TTKH đã trở thành HUYỀN THOẠI.
Cho nên để có một đáp án cho một huyền thoại là một việc làm khó, khó cho giới nghiên cứu văn học và gây bối rối nhiều cho giới thưỡng ngoạn..dù rằng gần đây nhiều tác phẩm ra đời nhằm mục đích cho ra một đáp án...nhưng càng làm cho HUYỀN THOẠI TTKH trở nên thêm HUYỀN THOẠI.
Tuy nhiên trong bài biên khảo của THỤY-KHUÊ, Bà đã chỉ ra hai "điều" mới từ bài Hai sắc hoa ty gôn:


1-...Giọt lệ tương tư mới

Hai sắc hoa ty gôn mở đường cho một lối lãng mạn khác với lãng mạn Đông Hồ, Tương Phố. Có thể nói Hai sắc hoa ty gôn là giọt lệ tương tư mới, nơi TTKh, không phải là giọt lệ khóc chồng của Tương Phố, khóc vợ của Đông Hồ, mà là giọt lệ khóc cho tình yêu; hơn thế nữa, khóc người tình ngoài hôn nhân, một đối tượng tự do, phóng khoáng, vượt khỏi khuôn khổ lễ giáo thời bấy giờ. Và lần đầu tiên hai chữ người ấy được chính thức đưa vào thi ca, sau này nó sẽ trở thành "cổ điển", trở thành ngôn ngữ gối đầu giường của giới trẻ trong nhiều thế hệ :

Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn,
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc,
Tôi chờ người đến với yêu đương.

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong,
Và phương trời thẳm mờ sương, cát,
Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng.

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng:"Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!"

Thuở ấy, nào tôi đã hiểu gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly,
Cho nên cười đáp:"Màu hoa trắng
Là chút long trong chẳng biến suy."

Đâu biết lần đi một lỡ làng,
Dưới trời đau khổ chết yêu đương.
Người xa xăm quá ! - Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm đường...

Từ đấy, thu rồi, thu lại thu,
Lòng tôi còn giá đến bao giờ
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ...
Người ấy, cho nên vẫn hững hờ.

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người".

Buồn quá! hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Nhưng hồng tựa trái tim tan vỡ.
Và đỏ như màu máu thắm pha !

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Đến nay tôi hiểu thì tôi đã,
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi !

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ,
Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây vắng,
Người ấy ngang sông đứng ngóng đò.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng,
Trời ơi! Người ấy có buồn không ?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng ? (1)

...

quehuong said...

...

2- Người ấy

Trong văn xuôi Việt Nam, hai chữ người ấy đã được Nguyễn Trọng Quản dùng để chỉ người tình trong truyện ngắn Thày Lazaro Phiền từ 1887. Vậy Nguyễn Trọng Quản là người đầu tiên đưa danh từ Người ấy vào trong văn Việt. Và Thanh Châu xướng lên hình ảnh hoa ty gôn trong truyện ngắn đăng trước bài thơ của TTKh một tháng, trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy.

Nhưng TTKh là người đầu tiên sử dụng hai chữ "người ấy" và hình ảnh "hoa ty gôn" vào thơ, như một hình tượng nghệ thuật mơ hồ và phiếm định về người tình và cuộc tình tan vỡ. Về mặt tâm lý xã hội, người đàn bà có chồng những năm 36 - 37, mấy ai dám nói đến người tình một cách công khai ? TTKh đã viết nên những lời tâm sự của bao nhiêu người đàn bà cùng cảnh ngộ ngang trái, sống trong xã hội Khổng Mạnh đầu thế kỷ :

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết,
Vẫn giấu trong tim bóng "một người"
....
TRÍCH BIÊN KHẢO CỦA THỤY-KHUÊ VỀ HUYỀN THOẠI TTKH VÀ HAI SẮC HOA TY GÔN. CÓ THỂ ĐỌC Ở BLOG ĐIỂM NHẤN.

Câu mở đầu của bài thơ nhắc ngay đến mùa thu, và chúng ta (ở Mỷ) đang là mùa thu. QH không nhớ rõ là Hoa Ty Gôn kéo dài bao lâu khi mùa thu bắt đầu. Giữa một không gian đầy lá vàng bay mà có những cánh hoa màu đỏ máu hồng rơi như "tim vỡ" thì chắc "tim không vỡ thì nó cũng phải nứt ra...".

Tình thân.

sao... said...

Thân chào anh bạn Vivu!

Tui không rõ QUÊ HƯƠNG đặt cho bạn danh xưng Ông Trời con thì dựa vô cái gì?
Riêng tui có để ý mỗi lần anh bạn vô comment hay nói mình...đang "xỉn".

Rồi tui dựa vô mấy câu thơ dân gian sau đây mà kêu hùa theo thôi:

Hiu hiu gió thổi đâu non
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng
Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng
Thấy con uống rượu...hai hàng lệ rơi...


Chà! Mấy câu thơ nầy mà ngâm lên theo điệu sa mạc thì...hết sẩy đó nghen!

quehuong said...

CÁM ƠN BẠN SAO ĐÃ GIẢI THÍCH LÀ TẠI SAO CÓ VIVU CÓ "BIỆT DANH" ÔNG TRỜI CON...

Hiu hiu gió thổi đầu non
Mấy thằng uống rượu là con Ngọc Hoàng
Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng
Thấy con uống rượu...hai hàng lệ rơi...

NHƯNG ÔI THÔI ÔNG NGỌC HOÀNG CON NÀY " LÀ CHUYÊN GIA UỐNG RƯỢU ÃO..".

HUONG said...

Hổm rày NT quên một chuyện... Trang chủ thay cơm để nấu xôi gà đãi cả làng (!), làm bạn thơ Phượng Các tức cảnh sinh thơ... Ái chà, chỉ nhìn hình thôi mà thành thơ thì tuyệt vời quá
NT đọc lại nghen...Lữ khách dừng chân, chợt vấn vương!
Chỉ bấy nhiêu đó thôi là đã đủ ngẩn ngơ đời rồi phải không các bạn thơ? Là thân lữ khách, thì chuyện dừng chân đã hiếm hoi... thế mà bạn thơ PC còn thêm hai chữ cuối " vấn vương" nữa...

Unknown said...

Nói thật mà nghe PC không có cảm tình với hoa tigon lắm vì người ta ví hoa đẹp nầy với trái tim ...vỡ vụn! Một tâm hồn mà có trái tim vỡ thì còn nói chi nữa đây ??

Và chuyện tình TTKh nữa.
Các bạn thử nghĩ có người đối ngẩu của mình mà khi ân ái lại nghĩ đến một người thì Ô Hô !

Đối với PC tình yêu là một cuộc đấu tranh để giành thắng lợi mỹ mãn, phương cách đấu tranh thì tùy vào tài năng và tâm hồn của hai đối tượng với nhau. Yêu nhau là chăm sóc là thương yêu về nhau thì cuộc đời nầy mới có ý nghĩa, còn tình yêu đau khổ thì yêu mà làm gì chứ ???.
Những mẫu đời như TTKh thì chĩ làm êm dịu những ai bị thất bại trên tình trường thôi, không phải là mẫu để cho những người đang yêu và được yêu ( Yêu và dấu hì hì)

SM nhắc đến Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết làm PC chợt nhớ trước cồng vào cái tháp nầy có nhiều hoa tigon mọc hoang dại 2 bên và 2 bên cái dốc vào tháp cũng mọc dầy vào mùa hè, cũng đẹp lắm đó. Lần viếng thăm nầy PC có mai mắn được đứa cháu là hướng dẫn viên du lịch nên được vào tháp và vào bên trong xem những di vật thiêng liêng của người chết để lại, cũng ghê ghê ( không biết có phạm sai lầm gì không !)

Vien Khach said...

Cám ơn Vivu dành cho VK về 4 bài thơ của TTKH được posted lên Trang Thơ . Thật ra, đây là tài liệu mà VK sưu tầm được của thời ÁO TRẮNG . Vivu nói đúng, khi nhắc đến thời áo trắng, người ta thường liên tưởng đến các Nữ sinh tóc dài với tà áo trắng thước tha trên đường phố . Riêng VK, thì chiếc chemise trắng là bạn đời của VK từ thuở học sinh và thời sinh viên lúc bây giờ . Kỹ niệm thời ÁO TRẮNG mà VK nhắc đến là như vậy .
Thân ái chào các bạn và chúc mọi người cùng vui cuối tuần .
VK.

vivu said...

Thưa Huynh Viễn Khách ,

Vivu muốn tìm hiểu về danh từ “Áo trắng” để khi áp dụng thế nào cho hợp với tình cảnh ,thế thôi ! Tương lai gần ,Vv sẽ hỏi Đoàn Thạch Biền vì sao chọn cái tên “Tập san áo trắng” ??
Học trò xứ Bụi Mù Trời dùng đồng phục “áo xanh” !
“Một thời” thì có nghĩa là đã qua …Phe kẹp tóc khi đã lên Bà thì hiếm khi mặc lại áo dài trắng,còn giới mày râu thì khi đụng chuyện,không chemise trắng thì không phải phép !

Anh S@ ơi !

Anh kiếm đâu ra bài thơ Ngọc Hoàng vậy ? Nhưng mà Anh có biết vì sao Ngọc Hoàng rơi lệ không ?
Số là như vầy : Thân phụ của Vv được thân hữu tặng cho nhiều chai rượu ngoại, Ông không biết uống nên sưu tập được khoảng 30 chai ! Sau thời đổi tiền ,mỗi gia đình chỉ được 200 đồng, mà giá chai rượu ông già chống gậy (Johnny Walker) là 800 đồng ở ngoài tiệm rượu banmê !
Ông già bèn nói đem mấy chai rượu đi bán, được nửa giá cũng là đại gia rồi ! Nhưng hỡi ôi ,thằng con Vivu của ông đã rủ hai thằng em leo lên nóc nhà vào những đêm trăng sáng - quất sạch từ khuya rồi ,kể từ ngày nghe tiếng loa vang …
Nhưng mà Ổng đâu có rơi lệ đâu ! Con hơn Cha là nhà có phúc !

sao... said...

Anh bạn Vivu à!

Để ý cụm từ nầy chút đi: “Mấy thằng uống rượu”.

Lúc bình thường cũng như ai, khi còn trẻ đang sống trong gia đình thì Cha Mẹ mình phải tôn kính và vâng lời rồi.
Nhưng kể từ khi...Ông Thần Lưu Linh ghé ngang, nhất là những lúc ta gặp điều trắc trở trong cuộc đời thì ấy là lúc ta đã được “bán cái” qua thành con của Ngọc Hoàng Thượng Đế rồi đó.
Thậm chí đôi khi ta còn “coi Trời bằng vung” nữa kìa!

Có những đứa con như vậy bảo sao Ngọc Hoàng không rơi lệ?

Thien Thanh said...

Hoa Tigôn

Các bạn thân mến,ThThanh nhớ đến một câu chuyện liên quan đến hoa Tigôn,hồi còn ở Dalat luc đó ThTh còn nhỏ khoảng đâu 13,14 tuổi,có một cô bạn thân nhà ở con đường dẫn xuống Bờ Hồ(Hồ Xuân Hương),nhà cô trồng nhiều loại hoa từ Pháp như hoa Lis,Arum(hoa kèn)Penseé,Mimosa và đặc biệt có một giàn Tigôn nữa.

ThTh nhớ mỗi lần đến nhà cô chơi thường hái hoa Tigôn kết vòng vương miện để trên đầu(trò chơi trẻ con thường làm)Một lần cô bạn xách chiếc ghế trèo lên định hái,bỗng nghe kêu một tiếng thất thanh rồi té xuống cái bịch,ThTh mất hồn chạy tới,thấy cô bạn chỉ tay lên giàn hoa,miệng lắp bắp rắn rắn..rồi cô ngất xỉu luôn.ThTh lật đật kêu người trong nhà đem cô vô đánh dầu,uống nước gừng cho lay tỉnh,thì cô kể tính thò tay hái hoa tigôn,một con rắn màu xanh bò trườn ngang,đúng là rắn vì sau đó người nhà cóđập một con rắn lục ở sau bếp.may mà rắn hiền không có nọc độc.ba cô sợ quá phải bỏ giàn hoa đi,ai cũng tiếc ngẩn ngơ vì hoa rất đẹp 2 màu trắng hồng xen quyện nhau,mỗi lần hoa nở phất phơ trong gió đẹp như tranh vẽ.

Đalạt trồng được nhiều hoa đẹp nhập từ Châu âu,nhất là nước Pháp,sau này có trồng hoa phượng màu tím nhập từ Án độ.Nếu có dịp về Đalạt tới thăm vườn hoa Bích Câu,bây giờ đổi tên vườn hoa thành phố,và rất nhiều các loại lan xinh đẹp/Lan của rừng lan biên và lan ở ngoại quốc nhập về thật phong phú...

vivu said...

Cám ơn ThTh đã viết về Dalat!

"Thành Phố Ngàn Hoa" !
Một lần trở lại ,lạc bước tìm về chốn cũ : Thấm trong từng mạch máu của tâm trạng "Từ Thức" ...

Có lẽ đối với kẻ phàm tục vivu ,không phải là ngàn sắc Hoa ,kể cả hoa biết nói ,để gợi nhớ một thời ...
Mà là Café Tùng có cái quạt máy thổi khói thuốc lên sân thượng và cái tiệm tắm nước nóng bên kia đường Phan Bội Châu ..

"Ai có về bên bến sông Tương ..."