Tối hôm qua SM cũng đã lục hết những hình ảnh chụp trong chuyến đi vừa qua, lướt trên mạng về cảnh đẹp của Hà Tiên nhưng không thấy ưng ý cảnh nào cho đúng tâm trạng của LTV khi ngồi thả thơ trên bến Đông Hồ, SM đành phải chờ đợi Nhiếp ảnh gia Ngàn Sau gởi qua tác phẩm Trăng nổi tiếng của mình, chụp trước khi các bài thơ Trăng được cảm tác. Đêm thanh gió mát cả nhóm uống trà, cà phê ( thua BMT xa lắm ), ai cũng gác máy qua một bên để NS trổ tài, quả thật Sư Mẫu làm mọi người trầm trồ trong vai " Người Nhiếp ảnh bến Đông Hồ " đêm ấy .
Uống cà phê ở Hà Tiên thiệt là kỳ quá, cả nhóm đi tới đi lui chấm được một chỗ hữu tình , có chỗ bên đường cho xe đậu, hài lòng nhìn trăng nước, mà sao tiếng nhạc mãi im lìm. Chắc những người khách địa phương ngồi đó cũng lấy làm lạ sao mấy người này đi vô quán, ngồi xuống ghế rồi lại lục đục kéo ra. Quanh quẩn thêm vòng nữa chẳng thấy chỗ nào khá hơn cũng đành trở lại chấp nhận nghe nhạc từ TiVi phát ra và nhâm nhi ly cà phê pha theo tỉ lệ một cà phê ba sữa chứ biết sao, ngọt ơi là ngọt. Điều mà SM ráng nhớ nhứt ở miền sông nước Cà Mau-Hà Tiên vào ban đêm phải ngồi động đậy bàn tay, bàn chân để đám muỗi sợ mình mà bay dùm ra chỗ khác, thế mà cũng bị hỏi thăm kỹ hơn ai hết, đến nỗi khi nắm bàn tay lại thấy trên lưng 2 bàn tay mình sao cồm cộm y như bị nổi rôm hay sẩy. Có phải mấy con muỗi sợ Ngàn Sau mà bay hết qua phía SM tấn công không vậy ta?
Nhờ SM nhắc mới nhớ,NS coi bộ hợp Càmau VÀ Hà Tiên nên từ ngày xuống cho đến ngày đi không một con muỗi nào hỏi thăm cả,mặc dầu trước khi đi NS đã phát cho mỗi người một tờ BOUNCE...có lẽ tại da thịt SM thơm tho và mềm mai,nhất là bàn tay dịu dàng làm người ta ngất ngây làm sao!cho nên muỗi thích tấn công là phải ,chứ mấy chị em NS có ai bị muỗi ưu ái đâu ...Với là tối hôm đó NS sau bận rộn làm thơ,chụp hình còn SM thì bị cảnh sắc mê hoặc quên cả không gian thời gian,nên muỗi tha hồ hành quân...!
Bến ĐÔNG HỒ , cỏ xanh mới nghe nói tới đây, xem hình sư mẫu chụp thật đẹp. Gia như cỏ xanh được ngồi ờ nơi ấy, biết đâu đã chẳng có một bài thơ được ra đời..hi.hi...nhưng mà LÁ THU VÀNG đã làm thay chúng ta một cách xuất sắc rồi. Chảng còn gì để mà phàn nàn nữa phải không các bạn!
Cảnh trăng Đông Hồ xinh đẹp hữu tình quá làm người ngắm cảnh...cảm tác bao vần thơ đẹp.. ThiênThanh ở nhà rầu rĩ không được đi chơi,còn bịnh cảm cúm lươn ương kéo dài nữa chớ..thôi bây giờ ngắm ..đỡ hình của các nhiếp ảnh gia cây nhà lá vườn mà cũng nên thơ chán..Cầu mong Tết sang năm tới lẹ lẹ để có một hành trình "Về Quê ăn Tết" nữa nghe bà con......Chẩn bị sửa soạn là vưà hen
Lần đầu tiên, VK được nghe đến địa danh Đông Hồ, dù rằng trước đây giữa thập niên 60, VK có đôi lần ghé đến các Tỉnh phía nam nước Việt, nhưng chưa được nghe ai nói đến Đông Hồ. Nhìn toàn cảnh bức tranh do NS chụp rất mỹ thuật, lại được Trang chủ, khéo minh họa. VK có lời khen thật tình, đến hai nàng . Bài thơ "Trăng Đông Hồ" của LTV thật dễ thương, ý thơ giản dị, trong sáng, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc . "Đông Hồ tên thật nên thơ , Khen ai khéo dệt Bài thơ Đông Hồ" .
ĐÊM Gió mát và trăng thanh Thuyền ai đang lướt nhanh Bến Đông Hồ sóng vỗ Giờ xa nhau ! Sao đành ! KHUYA Chờ mãi giấc mộng lành Đêm qua hết năm canh Nhặt ánh trăng soi muộn Nhẹ như tình mong manh !
Chào các Bạn: Sư Mẩu ới ời, sao mà đi lẹ zậy, mới nghe, xuống phi trường ở thành phố, vèo một cái là "ngồi ở bến Đông Hồ làm nhiếp ảnh gia" rồi. QH đây theo hổng kịp, ráng muốn đứt hơi luôn. Nhắc đến Đông Hồ, chắc là trong chúng ta không ít bạn không nhớ đến Gíao Sư Đông Hồ, giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa ngày nào. Và Ns và các Bạn trong chuyến du nam, đã đến nơi kỷ niệm nhà Giáo Đông Hồ Lâm Tấn Phác và phu nhân là Nử thi sỉ Mộng-Tuyết một thời đả góp phần phát triển nền văn học của miền Nam. Nhân dây QH xin mời các bạn cùng tìm hiều về đất Hà-Tiên, vùng đất có nhiều "truyền kỳ" trong thời kỳ mở đất về phương Nam của nhà Nguyễn. (Dài nghe các Bạn).
RẠCH GIÁ – HÀ TIÊN
Nguyễn Thanh Liêm
Tổng Quát:
Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá) là tỉnh ở về phía cuối Miền Tây Nam nứơc Việt, cách Sài Gòn 250 km (156 miles). Về phía Đông và Đông Nam, Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang và Cần Thơ, về phía Nam giáp với Cà Mau, và về phía Bắc giáp với Kampuchia, với đường biên giới chung dài 54 km. Phía Tây của Kiên Giang là Vịnh Thái Lan. Với diện tích 6, 253 km vuông, và với dân số hơn 1 triệu 600 ngàn người (2004), Kiên Giang hiện có 11 huyện là Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, và hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải. Kiên Giang có hai thị xã là Rạch Giá và Hà Tiên. Ba dân tộc sống ở đây là người Việt (người Kinh), người Miên (Khmer) và người Hoa. Kiên Giang, trong đất liền, có nhiều núi thấp như núi Đại Tô Châu (cao 178 m, hay 234 ft), núi Hòn Sóc (cao 187 m), núi Hòn Đất (cao 260 m), núi Vân Sơn, núi Địa Tạng v v . . . Trong Vịnh Thái Lan, Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ như Hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chông, hòn Rai, hòn Mấu, hòn Nam Du. . . Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất với 566 km vuông, dài 50 km, ngang rộng nhất 29 km, trên đảo có dãy núi Tà Lơn với những ngọn cao như Hàm Rồng (cao 365 m), núi Chúa (cao 603 m), núi Mắt Quỷ (cao 360 m). Kiên Giang có khu rừng ngập nước ở phía Nam là khu U Minh Thượng, có nhiều sông và kinh rạch chằn chịt như sông Trèm Trẹm, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, kinh Hà Tiên, kinh Cái Sắn, kinh Tân Hiệp, kinh Ba Thê, kinh Thốt Nốt, kinh Cán Gáo, rạch Giang Thành, rạch Sỏi, v v . . . Những liên tỉnh lộ số 8 và số 12 là những trục giao thông quan trọng nối liền Kiên Giang với các tỉnh khác. Có ba phi trường chính đặt ở Hà Tiên, Rạch Giá, và Dương Đông (Phú Quốc). Rạch Giá – Hà Tiên có nhiều danh lam thắng cảnh, có những di tích lịch sử quan trọng, nhiều đền chùa nói lên sinh hoạt tôn giáo, tín ngưởng đặc biệt của người dân ở đây, và nhất là “Chiêu Anh Các”, thường được xem là trung tâm văn học ở Miền cực Nam nước Việt hồi hơn thế kỷ trước. Trước khi đi vào chi tiết của những điều vừa nói, chúng ta hãy đi ngược thời gian, trỡ về thuở xa xưa xem có những giống người nào đã từng sinh sống trên vùng đất này.
Hà Tiên thời tiền sử
Các nhà khảo cổ học không hay chưa tìm được những di chỉ nào cho thấy có sự hiện diện của con người sinh sống ở vùng này trong thời gian trước văn hóa Óc Eo. Con người thời hái lượm , săn bắn không sinh sống hoặc không có để lại dấu vết ở vùng này. Nhưng nếu nói chung cho cả vùng Hậu Giang thì theo Sơn Nam thổ dân thời tiền sử ở đây có lẽ thuộc giống Indonesien (có bộ sọ người tìm thấy ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu). Người Mon- Khmer tràn tới, xua các thổ dân này qua miền Trung hoặc ra Nam Dương vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Riêng ở vùng Hà Tiên con người sớm nhất mà ngày nay các nhà khảo cổ có được dấu vết là người Phù Nam và văn hóa Óc Eo của họ.
Những di chỉ khảo cổ tìm thấy ở Óc Eo do nhà khảo cổ Malleret của Pháp khai quật hồi thập niên 1940 cho thấy nơi đây xưa kia là một trung tâm, có thể là một đô thị vừa là một thương cảng quan trọng của vương quốc Phù Nam. Óc Eo hiện nay nằm trong tỉnh An Giang, ở chân núi Ba Thê, cách biển hơn 20 km. Địa bàn của vương quốc Phù Nam trải rộng cả vùng Đồng Nai Cửu Long qua tận Kampuchia trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VII của thiên niên kỷ thứ nhất. Dấu tích của vương quốc Phù Nam không phải chỉ có ở Óc Eo mà còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, v v . . . đến Đồng Nai, vùng Đông Nam Phần theo các công cuộc khai quật gần đây. Theo Malleret thì Óc Eo là một đô thị rộng lớn, một thương cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối giao thương Âu-Á khá rộng rãi. Óc Eo cũng là một đô thị tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á. Nhưng người Phù Nam là ai? Tên Phù Nam ở đâu mà có? Chữ Phù Nam là chữ người ta tìm thấy trong thư tịch Trung Hoa. Tân Đường Thư ghi là Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng. Sách cũng ghi là họ (Phù Nam) có 5,000 voi chiến. Lương Thư cũng có nói đến Phù Nam nhưng không sách nào nói rõ hơn về người Phù Nam là người gì? George Coedès, trong quyển “The Indianized States of Southeast Asia” thì chữ Phù Nam là chữ của người Trung Hoa phiên âm từ tiếng b’iu-nâm, tức là tiếng Khmer cổ có nghĩa là “vua ở trên núi” (Khmer cổ là bnam, Khmer mới là phnom). Cũng theo Coedès thì người Phù Nam có thể từ miềng Đông Nam Ấn Độ, hoặc từ bán đảo Mã Lai hay từ các đảo trong châu đại dương. Trong quyển “The Making of South East Asia”, Coedès có nói đến truyền thuyết Kaundinya (như một tù trưởng) từ miền Nam Ấn Độ đến kết duyên cùng hoàng hậu Liễu Diệp ở vùng hạ lưu sông Mêkông, lập nên nước Phù Nam. Kinh đô ở vùng Ba Nam, thuộc tỉnh Preyveng ngày nay, cách biển 500 dặm.
Nhưng tại sao Phù Nam suy tàn và mất dấu vết từ thế kỷ thứ VII? thì cho đến bây giờ không có tài liệu nào cho biết về việc này ngoài những giả thuyết cho rằng là do một đại thiên tai nào như hồng thủy, sóng thần, bệnh dịch đã tiêu diệt giống người này. Nhưng trên bình diện trải rộng như các di chỉ khảo cổ cho thấy thì không thể có thiên tai nào có khả năng tiêu hủy cả vương quốc Phù Nam được. Có giả thuyết cho là người Java đã tiêu diệt người Phù Nam, nhưng không có dấu hiệu gì đáng tin cậy về sự việc này.
Đến cuối thế kỷ XIII, khoảng 1296 – 1297, sứ thần Trung Hoa là Châu Đạt Quan đã đến vùng này nhưng lúc bấy giờ thì vùng này đã thuộc về Chân Lạp chớ không còn là Phù Nam nữa. Trên đường đi Chân Lạp, Châu Đạt Quan có ghi nhận quang cảnh hoang vu vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau : “. . . hầu hết các vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hằng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chổ trú xum xê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nữa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hằng trăm hằng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường giốc đầy tre chạy dài hằng trăm lí.” (Châu Đạt Quan, Chân Lạp Phong Thổ Ký, Lê Hương. Sài Gòn: Kỷ Nguyên Mới, 1973, tr. 80).
Thành ra trong thời gian từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XIII, nghĩa là sau khi Phù Nam tan rã cho đến lúc Chân Lạp phồn thịnh lên, người ta không tìm được những dấu vết gì có thể cho biết là dân tộc nào ngự trị ở vùng này và dân tộc đó đã phát triền bành trướng hay suy tàn như thế nào? Theo Charles Higham trong quyển “The Archaeology of Mainland Southeast Asia” (Cambridge University Press, 1989), tựa trên những công trình khai quật từ trước đến thập niên 1980 thì từ khỏang 10,000 năm trước Chúa Giáng Sinh cho đến cuối thế kỷ XVI, cả vùng Đông Nam Á (lục địa) đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử vơi những hình trạng xã hội khác nhau: thời săn bắn hái lượm từ 10,000 BC đến 5,000 BC; thời định cư ven biển từ 5,000 BC đến 1,500 BC. . . . thời kỳ thành hình các mandalas ở Đông Nam Á từ 500 BC đến thế kỷ III; và thời kỳ phát triển và chuyển biến của những mandalas từ thế kỷ III đến thế kỷ XVI. Văn hóa Óc Eo và Angkor chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ cuối trong những thời kỳ ghi trên. Đây là thời kỳ tương ứng với sự phát triển của các quốc gia cổ với chế độ xã hội gọi là “mandala” (một loại chế độ vừa tôn giáo vừa phong kiến ở Đông Nam Á). Trước khi có những mandalas thì xã hội Đông Nam Á còn ở tình trạng bộ lạc với các tù trưởng (chiefdoms). Phù Nam, Chân Lạp, Lâm Ấp là ba trong 5 hay 6 mandalas của vùng Đông Nam Á. Mỗi mandala bao gồm một khu vực địa lý dưới sự thống trị, và làm chủ của một vị vương vừa như nhà vua vừa là người được tôn sùng như một lãnh tụ về tôn giáo. Nhưng mandala không có biên giới nhất định; ranh giới của nó rất co giản, nó thay đổi luôn (fluid) tùy theo sức ảnh hưởng của nhà vua chủ nhân. Mandala chưa phải là một quốc gia, một nước có chủ quyền, có quy luật truyền ngôi, có biên giới rõ rệt. Vương quốc Phù Nam chỉ là một mandala và mandala này đã bị tan biến trong mandala Chân Lạp, cũng như mandala Lâm Áp sau này bị tan biến trong quốc gia Việt Nam vậy.
Một giả thuyết gần đây lại cho rằng vùng Hà Tiên xưa kia là vùng đất của người Việt cổ. Giả thuyết này tựa trên một số các địa danh mà người Thái (Xiêm) và người Miên (Khmer) đã đặt ra cho những địa điểm đó. Thí dụ núi Phù Dung có thể là do chữ Phù hay Phnom và Youn, có nghĩa là Núi của người Việt. Ngay danh từ Hà Tiên, theo thuyết này, cũng có thể là do chữ Tà Ten mà ra, Tà có nghĩa là núi và Ten là tên con sông, theo tiếng Miên. Thuyết này bác bỏ truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống, đi lại trên sông nên gọi là Hà Tiên (tiên hiện ra trên sông). Người chủ trương thuyết này là ông Trương Minh Đạt. Trong quyển “Nhận Thức Mới về Đất Hà Tiên”, ông Đạt viết:” . . .có thể nói được thời xa xưa, vùng đất Hà Tiên chính thống là vùng đất Phù Dung (Phù Youn) của người Lạc Việt. Trong quá trình chung sống hội nhập, những người Việt đầu tiên đã trỡ thành dân cư của Phù Nam, rồi họ tiếp nhận đợt sóng Khmer và Java sau đó. . . . Vào các thế kỷ XVII, XVIII, người Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thống nhất lãnh thổ xưa của tổ tiên. Cuộc thống nhất diễn ra nhanh, chỉ do người Việt đã có mặt rải rác khắp nơi trên lãnh thổ phía Nam này.” (tr. 28-29). Đây cũng chỉ là một giả thuyết còn chờ đợi nhiều chứng liệu lịch sử nữa để có thể chứng giải được.
Giả thuyết khác nữa là giả thuyết của Hà Văn Thuỳ sau đây, tựa trên những khám phá của nhà địa chất học H. Fontaine của Pháp. Từ cuối Đại Trung Xinh (Pleistocene) đến đầu Đại Tân Xinh (Holocene), đại khái từ khoảng 100,000 đến 11,000 năm trước, nước biển hạ thấp từ 100 đến 120 m, biển Đông khô cạn, chỉ còn là một vũng nhỏ, tạo điều kiện cho động vật từ Châu Á tràn sang Châu Đại Dương, khiến cho hệ đông vật gần nhau giữa hai châu. Từ 10,000 năm trước công nguyên trỡ lại đây có nhiều lần (4 lần) biển tiến (dâng cao) và lùi (xuống thấp), đặc biệt là trong hai lần tiến và lùi của biển lần thứ 3 và lần thứ 4 có mật thiết liên hệ tới sự thành hình và tan biến của vương quốc Phù Nam. Trong lần nước biển lên cao lần thứ ba (200 năm BC đến 50 AD), nước biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ngăn chặn bước tiến của các giống dân sống ở vùng Đồng Nai qua định cư ở vùng này. Rồi khi nước lùi từ năm 50 đến thế kỷ thứ V, thì người Mã Lai-Đa Đảo (MalayoPolynésien) từ các đảo ngoài biển vào đây định cư làm thành vương quốc Phù Nam với nền văn minh Óc Eo tiêu biểu của họ. Tiếp theo đó trong lần dâng cao thứ IV kéo dài 800 năm từ năm 350 đến 1,150, với điểm cao nhất vào khoảng năm 650, nước biển đã làm ngập cả đồng bằng sông Cửu Long khiến không còn ai có thể sống được trong vùng. Vương quốc Phù Nam tan rả, một phần của người Phù Nam lên miền núi cao sinh sống, và phần khác trỡ về các đảo trong Châu Đại Dương. Từ thế kỷ XII nước biển xuống thấp trỡ lại, ở mức bình thường như ngày nay. Cũng từ đó nước Chân Lạp thành hình chiếm cả vùng đất Phù Nam trước kia. Và ta có hình ảnh của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long do Châu Đạt Quan ghi lại hồi thế kỷ XIII như đã thấy trên.
Qua các giả thuyết cũng như các công trình khai quật nói trên ta có thể tạm kết luận là vùng Hà Tiên vào các thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất thuộc vương quốc Phù Nam, và từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XVII thuộc Thủy Chân Lạp và từ thế kỷ XVIII trỡ đi thuộc Việt Nam. ...
Điều mà ngày nay chúng ta biết chắc nhất là Mạc Cửu đã đến khai phá xây dựng đất Hà Tiên và dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Việc dâng đất xãy ra hồi nào thì nhiều sách chép khác nhau. Có sách cho là năm Giáp Ngọ (1714) nhưng nhiều sách ghi là năm Mậu Tý (1708). Theo ông Trần Kinh Hòa và một số các học giả khác thì năm Mậu Tý (1708) có thể đúng nhất. Nhưng Mạc Cửu là ai? và ông đã đến khai phá xây dựng vùng Hà Tiên hồi nào trước khi dâng đất này cho Chúa Nguyễn? Và trước khi Mạc Cửu đến khai phá thì người Việt đã có ở đây chưa? Theo nhiều học giả thì vào thế kỷ XVI đã có người Việt đến sinh sống ở Hà Tiên rồi. Những người này có thể là những tội nhân trốn chánh quyền Đàng Trong hay là những người dân Miền Trung phiêu bạt từ bờ biển Đông đến. Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi là những lưu dân người Việt đến ở những vị trí “sườn gò khởi phục, cây tốt, suối trong”. Họ ở chung với người Miên (Khmer), trong những khu vực sống trù mật. Sau đó người Hoa cũng đến đây làm ăn sinh sống. Như vậy có thể người Việt đã có ở đây trước khi Mạc Cửu đến.
Mạc Cửu sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm Ất Mùi (1665) tại xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Năm 1671 Mạc Cửu trốn tránh Nhà Thanh, đưa gia quyến và một số người di dân xuống thuyền ra nước ngoài. Theo một số sử gia thì ông đã qua các nước Phi Luật Tân, Nam Dương rồi sau đó vào khoảng 1680 mới đến Chân Lạp và được vua nước này dùng làm quản lý việc thương mãi. Ít lâu sau nhờ lo lót cho quyền thần và đám cung phi của vua, Mạc Cửu được quốc vương Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha. Trong chức vụ mới này, Mạc Cửu chiêu dụ thương khách ngoại quốc cùng với nhiều người Việt, người Hoa, người Khmer đến cư ngụ, làm ăn ở Mang Khảm, tức là Hà Tiên sau này. Mang Khảm thuộc Thủy Chân lạp. [Nước Chân Lạp được chia thành hai vùng: Thượng Chân Lạp hay Lục Chân Lạp là vùng đất cao, chạy dài từ Biển Hồ đến Đồng Nai, và Thủy Chân Lạp là vùng đất thấp hoang vu, ngập đầy nước ở miền Hậu Giang. Người Khmer thích ở vùng cao, không thích ở vùng thấp]. Khi đến Mang Khảm Mạc Cửu cho mở sòng bạc, tiệm hút, và phát triển việc buôn bán, làm nên một thành phố. Trước kia cũng đã có người ngoại quốc đến đây mua bán, nhưng đến thời Mạc Cửu thì việc giao thương buôn bán càng phát triển mạnh hơn, tàu thuyền đi lại rộn rịp. Từ đó người Việt, người Đường, người Liêu, người Man (Miên) kéo đến trú ngụ, làm ăn, hộ khẩu ngày càng đông đúc.
Công cuộc phát triển ở Mang Khảm không tránh khỏi sự dòm ngó của Xiêm La. Trong những năm 1687-1688 quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, Mạc Cửu bị quân Xiêm bắt đem về Xiêm đến năm 1700 mới thả ra. Lúc này tình hình Chân Lạp cũng rất rối ren vì cuộc nội chiến và giặc giả nổi lên cướp phá dữ dội ở nhiều nơi. Thấy thế lực của Chúa Nguyễn đang lan ra mạnh mẽ về phương Nam, Mạc Cửu theo lời khuyên của mưu sĩ họ Tô, cho thuộc hạ là Trương Cầu và Lý Xá mang ngọc lụa đến Thuận Hóa vào mùa thu năm Mậu Tý (1708), dâng biểu xin dâng đất Hà Tiên cho Chúa Nguyễn và xin làm Hà Tiên Trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu ban ấn tín, phong cho Mạc Cửu làm Tổng Trấn Hà Tiên, và Mang Khảm trỡ thành Hà Tiên trấn. Hà Tiên Trấn gồm các ấp vừa thành lập từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá đến Cà Mau.
Mạc Cửu mất năm 1735. Chúa Nguyễn Phúc Chu truy tặng Khai Trấn Thượng Trụ Quốc, Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công. Năm sau Chúa Nguyễn sắc phong cho con trai của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm Đô Đốc trấn Hà Tiên. Dưới thời Mạc Thiên Tích, Hà Tiên càng phát triển mạnh hơn nữa. Mạc Thiên Tích mở thêm các huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Di (Bạc Liêu), Trấn Giang (Cần Thơ), sáp nhập Kiên Giang và Long Xuyên vào trấn Hà Tiên. Về phương diện thương mại Hà Tiên lúc này hết sức phồn thịnh. “đường lối tiếp giáp, phố xá liền lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt. Thật là một đại đô hội ở nơi gốc biển vậy.” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí). Hầu hết các sản phẩm đưa đến Hà Tiên đều chịu thuế không đáng kể. Nhờ vậy mà các sản phẩm như cá, khô, mật ong, sáp ong, gạo. . . trong vùng đều đưa đến Hà Tiên ngày một nhiều. Các xứ như Vạn Tượng (Lào), Chân Lạp cũng đưa ngà voi đến đây có đến hằng trăm tấn. Ngoài ra các loại sản phẩm như lông chim ở rừng U Minh, trầm hương, hải sâm từ Phú Quốc và các đảo khác cũng được đưa về đây.” Nhưng đó chỉ là sự phồn thịnh về thương mãi mà thôi còn về nông nghiệp thì rất thô sơ, chưa có những phát triển gì đáng kể. Trong bài tựa Hà Tiên Thập Vịnh Mạc Thiên Tích viết:”Từ khi tiên quân khai sáng đến nay đã hơn 30 năm mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt. . .” Chung quanh Hà Tiên vẫn còn là vùng hoang địa, bùn lầy nước đọng, cây cỏ um tùm, nhiều mối và đỉa, trong sông có nhiều cá sấu, đất thường ẩm thấp, phải xây gác cây để ở. Hà Tiên phải nhờ lúa gạo của hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang cung cấp. Cùng lúc với sự phồn thịnh về thương mại, Hà Tiên cũng phát triển mạnh về văn hóa. Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời trong lúc này (1736). Chiêu Anh Các không những chỉ là tao đàn để các nho sĩ xướng họa thi ca mà còn là trung tâm giáo dục miễn phí, một nghĩa thục giúp các nhân tài và con nhà nghèo có nơi học hỏi. Bên cạnh Chiêu Anh Các họ Mạc còn cho xây dựng văn miếu thờ Khổng Tử, và xây cất nhiều chùa chiền.
Nhưng giặc Xiêm, giặc Miên và cướp biển cứ nối tiếp nhau đến đây tàn phá, thêm vào đó còn có cuộc nội chiến giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn làm cho tình thế của Hà Tiên càng chông chênh, bất ổn. Con cháu Mạc Thiên Tích không giữ nổi sự nghiệp của cha ông, Hà Tiên bắt đầu đi xuống từ giữa thập niên 1770. Dù sao thì đối với nhà Nguyễn ba người có công lớn trong dòng họ Mạc ở Hà Tiên là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh. Và trong ba người này, giỏi nhất là Mạc Thiên Tích.
Đời Mạc Thiên Tích, Rạch Giá và Cà Mau được thiết lập thành đạo Kiên Giang và Long Xuyên, đồn lủy được dựng lên. Hai nơi này dần dần trỡ nên quan trọng về mặt kinh tế nhờ sản xuất nhiều cá, mật và sáp ong, lông chim và lúa gạo. Kiên Giang là bàn đạp vững chắc cho người dân Việt tiến sang bờ sông Ba Thắc. Các con sông Cái Lớn, Cái Bé nối qua rạch Ba Láng, Ô Môn được thám hiểm. Sau cuộc chiếm đóng Hà Tiên của quân Xiêm hồi đầu thập niên 1770, Mạc Thiên Tích phải ngụ tại Kiên Giang để cho con trai về chỉnh đốn Hà Tiên. Trong các thập niên 1770 và 1780, Rạch Giá – Cà Mau đã cung ứng cho Nguyễn Ánh vùng địa thế hiểm yếu để dung thân trước sự lùng bắt gắt gao của Tây Sơn. Với hệ thống sông rạch như mạng nhện thông thương lẫn nhau, với rừng tràm dày bịt, ăn sâu vào U Minh Thượng và U Minh Hạ, Nguyễn Ánh dễ đi về liên tiếp trong những năm 1777, 1782, 1783, 1784, 1787 . . . Nhiều nền nhà hiện còn dấu vết ở Cạnh Đền, Cây Bàng là những nơi quân Nguyễn Ánh đồn trú. Một số dân Rạch Giá – Cà Mau đã sung vào quân đội của Nguyễn Ánh. Từ ngày Gia Long thống nhất đất nước, Rạch Giá – Cà Mau càng trỡ nên trù phú. Chợ Rạch Giá phát triển không thua Hà Tiên, có phần phồn thịnh hơn nhờ lúa gạo, và dần dần trỡ nên thương khẩu quốc tế. Ghe buôn Hải Nam, Xiêm La ra vào tấp nập. Sòng bạc mọc lên khá nhiều. Người Phước Kiến lập vườn làm ăn, người Hải Nam chuyên về xuất nhập cảng và thương mãi nội địa. Người Việt từ An Giang, Sa Đéc, Ba Xuyên đổ đến khai thác đất hoang ở ven sông, ven rạch rất nhiều. Theo thống kê năm 1886 thì bên cạnh 100 người Việt ở Rạch Giá có 114 người Miên. Nhưng đến năm 1930 thì bên cạnh 100 người Việt chỉ còn có 38 người Miên dù là dân số Miên tăng gắp 3 lần từ 1886 đến 1930. Rạch Giá chia ra ba xã rộng lớn: (1) Vĩnh Hòa (sau này mở ra làng Vĩnh Lộc, Vĩnh Phước theo ven sông Cái Lớn), (2) Đông Yên (từ chợ Rạch Giá đến vàm sông Ông Đốc), (3) Vân Tập (thị trấn Rạch Giá, sông Cái Bé, rạch Tà Niên).
Hà Tiên thời Pháp thuộc
Pháp chiếm ba tỉnh Miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên) năm 1867. Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ có 21 tỉnh. Hà Tiên là một tỉnh, và Rạch Giá là một tỉnh khác trong số 21 tỉnh đó. “Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà. . .”, câu đầu của bài thơ 21 tỉnh ở Nam Kỳ, có cả hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá ở trong. Vào thập niên 1930, dân số Hà Tiên có khoảng 26,000 người. Có 4 quận tất cả là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, và Phú Quốc. Ngoài tỉnh lỵ Hà Tiên nhiều điểm tập trung dân cư mới được thành hình như Giang Thành, Bhttp://www3.ca.com/securityadvisor/pestscan/ình An, Thuận Yên, Núi Trầu. Một số trường học được mở ra như trường Hà Tiên, Thuận Yên, Hòn Chông, Lộc Trĩ. Dân thành thị ở Hà Tiên và Phú Quốc chỉ buôn bán tạp hóa, hoặc các nghề tiểu thủ công nghệ đơn giản chớ không có hảng xưởng gì quan trọng. Ngoài thành thị người dân ở nông thôn thì sống với nghề ruộng rẫy và vườn tiêu. Ở Hà Tiên không có hạng đại điền chủ như ở Bạc Liêu.
Tháng 3 năm 1957 Việt Nam Cộng Hòa đổi Hà Tiên thành ra một quận của tỉnh Kiên Giang. Năm 1960 các xã Dương Hòa, An Hòa, Bình An, An Bình tách ra khỏi Hà Tiên để sáp nhập vào quận Kiên Lương mới được thành lập. Nhà máy xi măng Hà Tiên ra đời từ năm 1957, nằm trong quận Kiên Lương. Hiện giờ Hà Tiên vẫn là một trong 11 huyện của tỉnh Kiên Giang, nhưng là 1 thị xã hấp dẫn nhiều du khách bởi những cảnh đẹp và những di tích lịch sử ở đây. Đầu thập niên 1970 do biến động chính trị ở Kampuchia, nhiều đồng bào Việt sống bên Miên di cư về Hà Tiên, khiến dân số ở đây tăng gắp đôi. Người ta cho rằng cũng từ đó phong vị Hà Tiên dần phai nhạt, người ta không còn tìm lại được những món ăn Hà Tiên độc đáo thời nào như xôi, hủ tiếu hấp, cốm chùi . . . Do quan hệ lịch sử người ta thấy Hà Tiên gần với Phú Quốc và Châu Đốc hơn là gần với Rạch Giá, Cà Mau.
Người Hà Tiên – Rạch Giá
Cộng đồng dân tộc sinh sống ở Hà Tiên – Rạch Giá bao gồm người Việt, người Hoa, và người Miên. Người Việt chiếm đa số, có mặt ở khắp nơi nhưng có tỷ lệ cao nhất ở cac xã Vĩnh Điều, Tiên Hải, Hòa Điền, Kiên Lương, v v . . . Người Hoa lai (Việt hoặc Khmer) cư trú khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở thị trấn Hà Tiên, Bình An, Thuận Yên, Dương Hòa. Người Hoa gồm có Quảng Đông, Triều Châu, một ít Phúc Kiến và Hải Nam. Người Khmer sinh sống khá đông ở Mỹ Đức, Phú Mỹ (Trà Phô, Tà Ten), Bình An (Rạch Đùng), Dương Hòa v v . . . Ta hãy theo Sơn Nam “hình dung cuộc sống phiêu lưu của người dân vùng vịnh Xiêm La thời ấy”: “Hôm nay thì bơi xuồng theo sông rạch để vớt sáp ong, ngày mai thì theo vài người bạn đi tìm sân chim. Mãn mùa giết chim, họ ra biển đánh lưới. Lông chim, sáp ong, cá khô . . . vì qú nhiều nên họ sẵn sàng bán lại với bất cứ giá nào cho các thương buôn Hải Nam để xuất cảng ra ngoại quốc. Rồi thì họ đi ghe biển đến Rạch Giá để ăn uống, cờ bạc cho thỏa thích. Họ không cần lo đến ngày mai vì ngày mai còn dành cho họ nhiều thú vui mới . . . Sau khi sạch túi, họ ra khơi, tìm hòn Nhạn để hốt trứng chim, nhìn mây nước xa vời, thả hồn ao ước một cuộc viễn du đến tận bên kia Vịnh. Họ là người cực khổ, deo dai, chịu đựng muỗi mòng, rắn rít, cọp sấu giỏi nhất và cũng là người hào hiệp, lãng phí nhất, đồng tánh chất với những người cũng đồng thời đi rìm vàng, mua bán da chồn tận bên kia biển Thái Bình Dương, ở Gia Nã Đại, ở Mỹ, ở Ba Tây. Cuộc sống đã tạo cho họ nhiều đức tính và nhiều tật xấu: máu “anh chị”, trọng nghĩa bạn bè, sẵn sàng kết thân và hy sinh với người lạ miễn là người ấy tỏ ra rộng lượng, anh hùng như mình; không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc; vô kỷ luật; thích biểu dương võ lực để giải quyết mọi xung đột; ưa hài hước, lãng phí, tự đắc. Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng, Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi.” (Sơn Nam, Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr. 48-49)
Thắng Cảnh Hà Tiên
Nói đến Hà Tiên người ta thường nhớ ngay đến “thập cảnh” trong thơ Mạc Thiên Tích. Nhưng đó chỉ là 10 cảnh đẹp xưa theo Mạc Thiên Tích. Ngày nay ngoài 10 cảnh đó Hà Tiên còn có nhiều cảnh đẹp khác. Hầu hết các thắng cảnh đều trải dài theo con đường ven biển như Bãi Dương, Hòn Trẹm, Hòn Chông, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, Hang Tiền, Núi Mo So, Núi Tô Châu, Thạch Động, v v . . .
Nhà thơ Đông Hồ, người Hà Tiên, đã có những nhận định đặc biệt về cảnh đẹp Hà Tiên như sau:
“Muốn đem so sánh với những danh lam thắng tích, muốn đem so sánh với những danh sơn đại xuyên, thì phong cảnh Hà Tiên thực hãy còn thua kém nhiều nơi lắm. Nhưng mà Hà Tiên dễ yêu, dễ cảm nhiểm người, vì ở đó núi rừng không cao rậm lắm, đến cho người ngắm hải hùng, biển hồ không sâu rộng lắm, đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn thưởng. Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ hết. Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giũa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải. Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; Ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh, mà cảnh nào cũng có. Phân tích được điều đó, rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến để say lòng. Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27).
Bên cạnh thắng cảnh, Hà Tiên còn có những di tích lịch sử đáng chú ý. Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Ông Bổn, chùa Quan Đế, chùa Bà Cửu Thiên, v v . . . Phong tục xưa của người Hà Tiên được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như sau:
“Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, quá nữa là nghề bán buôn, còn kỷ nghệ tầm thường. Ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá; ở gần núi thì hay bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng việc công; kẻ tiểu nhân thì an thường thủ phận, không gian tham trộm cướp. Nhiều người hào hiệp và hay trau giồi hoa sức, đàn ông ra đường hay che dù, đàn bà con gái trùm đầu bằng khăn vải dài, con trai bới tóc hay cài khúc thoa (cái thoa cong một đầu) để cho tóc khỏi sổ; con gái trang sức sơ đạm, bới tóc thả thòng ra sau. Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo, hay đi thuyền giỏi nghề bơi nước, ưa nóng ghét lạnh; bệnh tật ít hay tìm thầy uống thuốc, ưa dùng đồng bóng và thầy phù pháp Cao Man. Gặp việc tang tế, lễ nghi theo nho mà cũng theo Phật. Có việc hoàn nguyện ắt đốt đèn trời; cưới hỏi thì dùng có ba lễ vấn danh, thỉnh kỳ, và thân nghinh. Tính ưa thờ Phật, những ngày tam nguyên (thượng nguyên, trung nguyên, và hạ nguyên) đều dùng hương đèn hoa quả cầu phước trước bàn Phật. Đêm nguyên đán chiêm nghiệm khí trời trong sáng thì năm ấy được mùa màng lúa thóc, hoặc khí đất trong sáng thì năm ấy được mùa ở sông biển, ấy là di tục chiêm nghiệm trong năm. Tiết đoan ngọ 5-5 âm lịch làm bánh ú có sừng để cúng tiên tổ và đua ghe; tiết thanh minh con trai con gái đi tảo mộ ông bà gọi là đạp thanh; tiết trung thu mời bạn hữu chung thưởng trăng thu, đêm trừ tịch thì thắp đèn suốt đêm gọi là “thủ tuế”. Còn tục thổ dân thì mỗi năm cứ đến tháng ba là sắm đèn hương hoa quả đến cầu phước ở chùa Hồ Tự rồi ba ngày sau có cuộc hội ẩm gọi là “hạ tuế”. Tháng 8 có lễ rước nước, tháng 10 lễ đưa nước, giống như thổ tục ở An Giang.” (tr. 85-86)
Dân Khmer có hai điệu múa phổ biến: múa ăn ong và múa lên tổ. Múa ăn ong rất phổ biến ở vùng Bình An, Dương Hòa, Phú My, nơi mà nghề lấy mật ong và sáp ong rất thịnh hành trước kia. Múa lên tổ được tổ chức trong những buổi cúng tế trị bệnh, rất phổ biến ở vùng Xà Ngách, Tà Xăng, Tà Phô, Bà Lý. Có hai lễ hội đặc biệt của đồng bào Khmer: lễ OK-OM-BÓC và hội ĐUA GHE NGO. Lễ OK-OM-BÓC là lễ cúng trăng và đút cốm dẹt, diễn ra vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch (15 tháng 10 âm lịch). Hội đua ghe NGO được tổ chức cùng lúc với lễ Ok-Om-Bóc. Thường được tổ chức tại ngả ba sông Tắc Cậu, quận Châu Thành.
Món ăn Hà Tiên
Hà Tiên có nhiều món ăn ngon rất độc đáo: Canh mấm tràm, vịt nấu tiêu, món móc cá, món giả cầy, canh cà na nước, cơm cơi buôi, món cà xỉu móng tay, nham cua, cá xào lăn. Hà Tiên có các thứ bánh dân gian rất đặc biệt: Bánh óc, bánh lọt xiêm, bánh thốt nốt, bánh trứng sam, bbánh chài, cốm chùi, chè hột me.
Các nhóm đảo trong Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Kiên Giang
Đặc điểm quan trọng trong vùng biển Tây Nam là sự hiện hữu của rất nhiều hòn đảo. Có trên một trăm đảo lớn nhỏ chia làm 6 nhóm quần đảo và các đảo lẻ: nhóm Hải Tặc, nhóm Bà Lụa, nhóm Nam Du, nhóm Hòn Khoai, nhóm Phú Quốc và An Thới, nhóm Thổ Châu và những hòn đảo khác nằm rải rác đơn độc như Hòn Nghệ, Hón Tre, Hòn Rái, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc. Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc, diện tích 568 km2, rộng hơn quốc gia Singapore, dài 52 km, chiều rộng từ 3 đến 29 km. Phú Quốc cách Mủi Nai, Hà Tiên 46 km, cách Rạch Giá 114 km. Núi và rừng chiếm phần lớn diện tích đảo (có đến 99 ngọn núi). Vùng biển Phú Quốc là một trong những ngư trường phong phú nhất của Vịnh Thái Lan. Đánh cá và bắt thủy sản là nghề truyền thống của người dân Việt ở đây. Một báo cáo của phái đoàn quan sát về Phú Quốc gởi Thống Đốc Nam Kỳ hồi 1898 có ghi:”Đảo Phú Quốc có khoảng 500 dân đinh. Người An Nam không trồng trọt. Tất cả đều làm nghề chài lưới, rành rõi hơn mà lại sanh lợi hơn.” Từ nghề đánh cá, người dân Phú Quốc đã sản xuất loại nước mắm nổi tiếng: nước mắm Hòn Phú Quốc. Quyển Monography de la province de Hà Tiên, 1901, có đoạn ghi :”Nước mắm Phú Quốc tập trung ở Dương Đông, vừa là lỵ sở của Tổng Phú Quốc, vừa là trung tâm kỷ nghệ nước mắm của toàn Nam Kỳ”. Mỗi năm trung bình ở đây sản xuất lối ba đến bốn triệu lít nước mắm. Rừng chiếm khoảng 85% diện tích với 929 loài thực vật, trong đó còn những khu rừng nguyên sinh thuộc hệ rừng cao vùng nhiệt đới. Các loài động vật cũng rất phong phú. Ở đây vẫn còn nhiều thú rừng như trâu, bò, heo, nai chồn, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn. Dân Phú Quốc gần đây sản xuật rất nhiều hồ tiêu có giá trị. Phú Quốc không nằm lẻ loi, mà nằm trong nhóm đảo An Thới. Nhóm đảo này gôm 15 đảo lớn nhỏ ở phía Nam của Phú Quốc, khiến Phú Quốc ít bị sóng gió, và trỡ thành cảng biển lý tưởng trong Vịnh Thái Lan. Phú Quốc hiện có 60,000 cư dân sanh sống. Lớn thứ nhì sau Phú Quốc là Hòn Rái. Hòn Rái còn có tên là Lại Sơn hoặc Sơn Rái, diện tích hơn 12 km2. Hòn Tre, nhỏ hơn Hòn Rái, diện tích chỉ hơn 4 km2, nhưng có địa vị quan trọng, vì đây là huyện lỵ của huyện Kiên Hải. Hòn Nghệ nằm giữa đường Rạch Giá đi Phú Quốc. Diện tích khoảng trên 4 km2 có 1,350 người sinh sống. Hòn Nghệ là một xã thuộc huyện Kiên Hải. Quần đảo Nam Du gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có 7 đảo có người sinh sống và 8 đảo chìm, có đảo chưa có tên. Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo lớn nhỏ. Sở dỉ có tên như vậy (cả quốc tế đều biết Iles des Pirates) vì người ta cho rằng bọn cướp biển thường dùng đảo này làm sào huyệt.
Sau khi nhận định về phong cảnh Hà Tiên, Đông Hồ đã đi đến kết luận rằng:” Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27). Văn chương phát sinh sớm nhất ở đây là các tác phẩm và tác giả trong tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập hồi năm 1736. Văn đàn gồm từ 32 đến 37 người, phần lớn là người Trung Hoa, sống ở Quảng Đông và có thể chưa hề đến Hà Tiên bao giờ. Theo Trịnh Hoài Đức thì tao đàn đã sản xuất 6 tác phẩm: (1) Hà Tiên Thập Cảnh Toàn Tập, (2) Minh Bột Di Ngư Thi Thảo, (3) Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển, (4) Châu Thị Trinh Liệt Tặng Ngôn, (5) Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ, và (6) Thi Thảo Cách Ngôn Vịnh Tập. Ngoài 6 tác phẩm trên Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh. Thụ Đức Hiên là thư trai của Mạc Thiên Tích. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 40 năm hoạt đông của tao đàn Chiêu Anh Các. Rất tiếc là thời gian và chiến tranh đã làm thất lạc gần hết, nay chỉ còn Hà Tiên Thập Vịnh. Đây là nhan đề 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên:
Kim Dữ lan đào Bình San diệp thúy Tiêu Tự hiểu chung Giang Thành dạ cổ Thạch Động thôn vân Châu Nham lạc lộ Đông Hồ ấn nguyệt Nam Phố trừng ba Lộc Trĩ thôn cư Lư Khê ngư bạc
và một bài “Hà Tiên thập cảnh tổnh vịnh” của Mạc Thiên Tích:
“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình Non non nước nước gẩm nên xinh. Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn giòng chảy Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh. Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh. Bình San, Thạch Động là rường cột Sừng sửng muôn năm cũng để dành.”
Nói đến Mạc Thiên Tích thì không thể không nhắc đến câu chuyện tình của ông với cô Nguyễn Thị Xuân và am tự Phù Cừ. Chuyện kể vào đêm Nguyên Tiêu năm Bính Thìn (1736), Mạc Thiên Tích mở dạ tiệc, khai trương Chiêu Anh Các. Giữa dạ tiệc có một chàng trai dáng người nho nhả thanh tú, ngâm lên 8 câu thơ: “Đêm xuân hội mở tuần trăng mới Đốt hỏa đèn dưa sánh quả trăng Áo trắng thanh vân tô điểm tích Lòng son đơn quế dải cung Hằng. Đây Chiêu Anh Các lời châu ngọc Kìa Quảng Hằng Cung rạng tuyết băng. Non nước thần tiên mừng có chủ Cỏ nhàn mừng tỏ mặt hoa đăng.” Mến tài người trai trẻ, Mạc Thiên Tứ kết làm bạn văn chương. Nhưng người đó không phải là nam giới mà là một người đẹp giả trai. Cô tên Nguyễn Thị Xuân, người Quảng Ngãi, theo cha vào Hà Tiên buôn bán. Sợ bị cướp hại đời cô nên cô phải giả trai. Mạc Thiên Tích đem cô về làm vợ lẻ. Vợ lớn ghen, nhân khi Mạc Thiên Tích bận việc quan, bà đem cô vợ nhỏ bỏ vào trong một cái lu đậy kín lại. Cô Xuân ngộp thở, suýt chết, thì Mạc Thiên Tích vừa về tới. Trời sắp mưa to, Mạc Thiên Tích cho mở hết mấy nâp lu ra để hứng nước. Nhờ đó cứu được cô Xuân. Buồn tình cô Xuân xin được đi tu. Mạc Thiên Tích cho cất cái am ở Phù Cù cho cô tu hành. Sau này khi cô mất rồi thì có một thi sĩ (không biết tên) đã viết bài thơ: “Ngó lên am tự Phù Cừ Thương cho người ngọc giả từ lầu son. Về đây nương chốn thiền môn Tay lần chuổi hạt cho mòn ngày xanh. Duyên xưa chẳng bận chi tình Bụi kia chi để vươn cành hoa sen. Nước trong không rửa đánh phèn Cửa thiền thanh tịnh não phiền sạch không.”
Văn chương Chiêu Anh Các là văn chương chữ Hán và chữ Nôm. Sau Chiêu Anh Các tình hình bất ổn đã không cho phép có những áng văn chương tiếp nối. Mãi đến đầu thế kỷ XX, sau khi Nam Kỳ Lục Tỉnh đã trỡ thành thuộc địa của Pháp, nền tân học với văn chương, báo chí chữ Quốc Ngữ thành hình và có cơ sở vững vàng, Đông Hồ Lâm Tấn Phác mới mở đầu cho văn mới ở Hà Tiên. Tác phẩm Linh Phượng Lệ Ký của ông đã một thời làm say mê người đọc. Ông có lập Trí Đức Học Xá. Năm 1964 ông được mời làm giảng sư trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, phụ trách chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, chuyên về văn học Miền Nam, đặc biệt là văn học Hà Tiên.
Một trong những người do Trí Đức học xá đào luyện, và trỡ thành vợ và bạn thơ của Đông Hồ là Mộng Tuyết Thất tiểu muội Thái Lâm Úc. Bà có tập thơ Phấn Hương Rừng được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn. Những truyện ngắn của bà, cùng với những tuyển tập Dưới Mái Trăng Non, Nàng Ái Cơ trong chậu úp cũng rất được người đọc tán thưởng. Đông Hồ và Mộng Tuyết là hai nhà thơ Miền Nam có mặt trong quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.
Một nữ sĩ có tiếng khác là cô Nguyễn Thị Kiêm, bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh. Cô từng là Tổng Thơ Ký của hội Ái Hữu Nữ Sinh Gia Long thời xưa, từng đi diễn thuyết ở nhiều nơi về quyền của người phụ nữ, từng vẽ ra cuộc đời lý tưởng của phụ nữ Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Có lần cô diễn thuyết ở nhà hát lớn Hà Nội với mấy ngàn người tham dự.
Những áng văn chương, những công trình biên soạn ghi dấu sinh hoạt trí thức của người Hà Tiên không làm mất đi những bài thơ bình dân, mộc mạc của người dân Rạch Giá:
“Ở Hà Tiên mần ăn không khá Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi Thương nhau không được ngỏ lời Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.”
“Chiều trông về núi Tô Châu Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm. Trâm đồi mồi tóc em em giắt Mắt anh nhìn thương thiệt là thương. Dãi dầu một nắng hai sương Tóc em vẫn mượt mùi hương vẫn còn.”
“Tóc quăn chải lược đồi mồi Cải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.”
“Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn Con sông Giang Thành chổ cạn chổ sâu. Thăm em anh phải bắc cầu Lội sông sợ ướt cái đầu hết duyên.”
“Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên Giặc Hà Tiên người ta còn đánh Bậu lỡ thời như cánh chim bay Cánh chim bay người ta còn chuộng Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy Bậu lỡ thời như giấy trôi sông . . . Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang Lưới giăng ngang người ta còn cuốn Bậu lỡ thời ai muốn bạn đâu.”
Thi sỉ Đông-Hồ Thân thế & sự nghiệp Đông Hồ sinh tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kì Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi. Lượt kê những hoạt động chính: • Năm 1926 - 1934: Đông Hồ lập Trí Đức học xá chuyên dạy Việt ngữ, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai tiếng Việt. Thời kỳ này ông cộng tác với báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản (1935). • Năm 1935: xuất bản tuần báo Sống ở Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì đình bản vì không tự túc nổi; ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam. • Năm 1945: tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng sức yếu, ông rời Hà Tiên trở lên Sài Gòn. • Năm 1950: Ông sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiểm Yiểm Thư Trang. • Năm 1953: Ông xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên cho đến giữa năm 1964, tất cả mới ngưng hoạt động. • Năm 1964: ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn. • Năm 1965: ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 1969 (tức 8 tháng Hai năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang[2]. ... Nử sỉ Mộng-Tuyết thân thế và sự nghiệp:
Mộng Tuyết (9 tháng 1 năm 1914 ở làng Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - 1 tháng 7 năm 2007 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang), tên thật Thái Thị Úc, là một nhà văn, nhà báo, nữ sĩ. Mộng Tuyết ký nhiều bút hiệu khác như: Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất Tiểu Muội. Mộng Tuyết là thành viên của nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà. Văn nghiệp Năm 12 tuổi, Mộng Tuyết bắt đầu tập làm văn ở Trí Đức Học Xá của thi sĩ Đông Hồ. Các sáng tác trong thời kỳ này, sau được tập hợp với nhan đề Bông Hoa Đua Nở đăng ở Nam Phong tạp chí năm 1930. Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phẩm Phấn hương rừng. Bà bắt đầu nổi tiếng từ đó. Năm 1943 bà in chung với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương tập thơ Hương xuân, tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở Việt Nam. Thơ, tùy bút, truyện ngắn của bà thường đăng trên các báo: Tiểu thuyết Thứ Năm, Hà Nội Báo, Con Ong, Đông Tây, Trung Bắc Chủ Nhật, Tri Tân, Gió Mùa, ánh Sáng, Nhân Loại. Tuy viết nhiều thể loại, nhưng Mộng Tuyết được biết chủ yếu như một nhà thơ. Thơ của bà, như Hoài Thanh, Hoài Chân từng nhận xét: "Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái." (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, 1988, tr.331) Trong Văn thi sĩ Tiền chiến, Nguyễn Vỹ đánh giá: " Nhất là văn xuôi, Mộng Tuyết viết rất ngọt ngào, chải chuốt, ảnh hưởng nhiều bởi những chuyện Tàu...Thơ của Mộng Tuyết cũng khác thơ Đông Hồ, nó gói ghém nhiều thi tứ hơn, ý nhị hơn" (NXB Văn Học, 2007, tr.405) Tự điển Tác gia Văn hóa Việt Nam khen ngợi: "Thơ bà chuẩn mực, trong sáng, hồn nhiên đượm vẻ ngọt ngào như tiếng nói dịu dàng của những cô gái có học nơi khuê phòng... Khởi đi từ Nguyễn Thị Hinh (bà huyện Thanh Quan), Đoàn Thị Điểm, Tương Phố... đến Mộng Tuyết... Tất cả đã để lại cho đời những vần thơ nho nhỏ mà trác tuyệt..." (NXB Văn Hóa-Thông Tin, năm 1999)
Cám ơn nhà nghiên cứu QH,dài như đuôi sao chổi ,ai mà đọc nỗi...thôi từ từ ,đêm qua nằm mơ thấy ông MẠC CỬU hay MẠC THIÊN TỨ đi tắm biển HÀTIÊN với NGỦ LONG TIÊN NỮ,hèn chi sáng nay lên Trang thơ thấy luôn cả sư phụ Đông Hồ...
SM sáng tác bài thơ hay quá, có lẻ đây là bài thơ hay nhất từ trước tới nay (có đúng không NT?)Cân đo được ánh trăng và tình không phải là chuyện ai cũng làm được ! và so sánh tình nhẹ như ánh trăng soi thì tuyệt kỷ rồi! Nhưng mà dù cho tình nhẹ như ánh trăng vẫn "giờ xa nhau, sao đành!". Phước thay cho ai đó nhận được tình cảm nầy!
Cám ơn Thiên Thanh và Phượng Các lắm lắm, thấy các thi sĩ của Trang Thơ ngẫu hứng cảm tác những vần thơ Trăng khi ngồi ở bến Đông Hồ nên SM cũng mon men một chút cho có mặt nhưng quả là múa rìu qua mắt thợ thôi. PC có cười thầm không khi cho đó là bài thơ hay nhất từ trước đến giờ của SM ,vì chỉ có một thì lấy đâu hai mà so sánh, chớ có phân tích nữa mà trật lất đó. Hồi trước SM có dạy môn Vật lý nên thấy chột dạ về cái vụ cân đo so sánh này rồi, tập làm thơ ví von điệu đàng , thế nào cũng có người cười rồi...
TC; Làm thơ có người đọc là vui rồi. Đọc rồi bình mà bình đúng thì thật như đem hạnhphúc đến cho người làm thơ - thứ hạnhphúc mà Nuyễn Du phải mong đến 3trăm năm sau xem có không đó. Câu cuối của bài thơ ghép, chutxíu không biết Bạn SAO lấy ở đâu, nhưng nếu đổi hai chữ NHẶT NHƯ thành HỨNG MỘNG thì có vẽ tha thiết và hợp tình, lý hơn. Em dang tay hứng mộng tình mong manh. Đang chờ đọc thơ văn, xem hình chuyến "Qui khứ" của các bạn trang thơ. (đi ké đó)
Thưa bạn thơ Chút Xíu, Ba khổ thơ ghép song thất lục bát đó thì mỗi khổ chỉ có 2 câu đầu do s@ nghĩ ra, còn 2 câu sau thì cố gắng dùng nguyên bản của các tác giả và s@ có ghi chú tên kề bên. Riêng khổ thơ cuối, do SM chỉ làm thơ 5 chữ nên s@ cố gắng chuyển thành thể lục bát cho phù hợp với toàn bài thơ. Nhặt ánh trăng soi muộn Nhẹ như tình mong manh ! s@ chuyển thành thể lục bát: Ánh trăng soi muộn riêng mình, Em dang tay nhặt như tình mong manh. Câu thơ lục bát nầy,s@ lấy ở trong đầu mình ra thôi.
Các bạn thơ ơi, NT hình như đang bị Sao Đại Quả Tạ chiếu mạng hay sao ấy !? Bệnh hoạn rồi lại vừa mới bị ăn trộm thuỗn mất bảng số xe !!! Hu ... hu ... nên chữ nghĩa bay lên trời hết mất tiêu rồi ....
Đứng nhìn đất mũi Cà Mau, Hồn lâng lâng cảm, sắc màu quê hương. Xa xôi cách trở dặm trường, Bao lần mơ ước tận tường nước non. Nước mình chữ “S” thon thon, Nghìn năm dấu ấn triện son vẩn còn Dẫu cho sông cạn đá mòn, Tình yêu đất nước vẫn tròn trước sau. Người đi chớ vội quên mau, Quê hương mình đó, đậm câu khoan hò, Về miền ruộng lúa thơm tho, Cánh đồng bất tận, con đò đêm trăng.
Các bạn thơ oi,Lá Thu Vàng máy bị hư sao đó ,nhờ ThiênThanh vô giùm bài thơ sau đây
Gởi bạn Sao
Sao kia rõ thật là hay! Đem thơ ngũ nữ làm ngay một bài Vầng trăng soi sáng thôn đoài Khiến người trong cảnh..u hoài tình quê Hợp tan trăng nước đê mê Đông Hồ bến ấy..lê thê bến tình!
lathuVàng Cám ơn các bạn ghé bến ĐôngHồ và tức cảnh làm thơ
Dường như mạng Internet của VN ngăn chặn không cho lướt các blog rồi! Khi vào các blog vẫn mở ra được, nhưng khi click vào comments, sẽ hiện ra một bảng tiếng Tây. Click vào dòng chữ Continue to this website (not recommended) có nghĩa là vào website nầy không an toàn. Nhưng tất nhiên blog nầy là bồ nhà nên cứ an tâm, không có vấn đề gì đâu. Vẫn có thể vào các comments nhưng cửa sổ phía trên sẽ hiển thị màu đỏ. NO STAR WHERE. Có điều muốn chắc ăn nên lận lưng một IT pro cho an toàn khi có sự cố bị virus xâm nhập.
Thân chào các bạn thơ, Cuối cùng thì trang thơ cũng chịu mở,để mình có dịp cám ơn mọi người đã quan tâm tới bến Đông hồ qua các vần thơ vui,và đặc biệt thêm các hiểu biết về Đông hồ. Tuy đã ké TT vô được vài câu,nhưng ltv cũng muốn "nhắn nhe" vài dòng tới bạn Sao: Người này quả thật là kì "Sắp"thơ thiên hạ làm thơ của mình Tôi đây nghĩ tới chút tình Bắt đền không nỡ,làm thinh không đành Ông trời ở chốn non xanh Xử sao cho ổn bên mình bên ta Kẽo không có kẻ ngân nga Vần thơ trác tuyệt chính là của Sao Chính danh quân tử đi nào...
hà hà ! Bắc thang lên hỏi ông trời Thơ rao trên mạng ai người không sao Không tài đâu dễ được nào Xếp thành vần điệu ngọt ngào như thơ ! Năm nàng MA NỮ xa xưa Giờ đây sống giữa bài thơ tuyệt vời !
Trước tiên, thành thật xin lỗi LTV vì đã trích một câu thơ trong bài Trăng Đông Hồ mà không xin phép trước. Đó là một bài thơ có tựa đề và có tên tác giả đàng hoàng. s@ tui đã vi phạm công ước Berne về bản quyền tác giả rồi.
Nếu không vừa lòng lời xin lỗi nầy, thích kiện ra toà thì cũng đành phải ra hầu thôi. Còn những câu lục bát của những bạn thơ khác nằm trong comments, kể như một câu nói theo điệu văn vần thôi. Khi trích ra, s@ có ghi tên tác giả kề bên rồi chắc cũng chẳng ai phiền. Không vấn đề gì. Khoẻ re!
Đây chỉ là bài thơ ghép cho vui để Trang thơ mình thêm sắc màu, kỷ niệm một chuyến rong chơi nơi xứ lạ của các tiên nữ Trang Thơ. s@ nghĩ những người có liên quan khi đọc lên chắc sẽ mỉm cười cho cái ý tưởng của anh chàng nầy.
Ba khổ thơ song thất lục bát không có tựa đề, không có tên tác giả. Nó giống như một bài thơ dân gian truyền miệng có người góp nhặt được mà post lên TT để tạo không khí vui chung thôi.
Biết ngay mà, thế nào NS cũng nói câu này cho coi. SM vốn khâm phục sát đất các tài xế xe Honda đủ loại ở VN, ai cũng là một Anh Hùng Xa Lộ thứ thiệt ( anh Tư S, LTV, TLB và Cỏ Xanh thì hẳn rồi nhưng Vivu cũng đạt danh hiệu ngay tức khắc từ tháng Tư năm ngoái ), riêng SM thì chỉ Vịn vai và Ôm eo người chở là tài, rình rình thấy ai rảnh rang là chụp liền nhờ một cuốc, không phân biệt già trẻ lớn bé, ốm cao gầy mập... Định "mà mắt" bạn bè chút , đứng rất cẩn thận chụp ké , coi xe như của mình chớ trong bụng cũng sợ, lỡ xe ngã xuống thì làm sao mà chống nổi chứ nói chi tới chuyện xuống hồ. Không khéo mà chạm vào chiếc xe có gắn bộ phận báo động thì lại mắc công rầy rà làm quen với chủ xe .
SM chưa biết tin này hả ,một ngày nào đó VN sẽ chế tạo xe gắn máy chạy trên hồ ,nhất là ở miền tây chỗ nào cũng có sông ,kênh ,lạch, nên người ta cho xe chạy trên nước luôn cho lẹ ,để khỏi phải đi qua mấy cái cầu khỉ cheo leo ,ngó xuống thì chóng mặt ,ngó lên thì...rớt... Lần sau về nhớ học lái để ..đi chơi khỏi phải ôm eo ai hết !
Theo điều 10 Công ước Bern về quyền Bảo vệ bản quyền của tác giả:
Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo, với điều kiện những tác phẩm đó không phải là những tác phẩm mà tác giả đích danh giữ bản quyền. Khi sử dụng tác phẩm như đã nói ở các khoản trong Điều trên đây phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu có.
51 comments:
XIN GIỚI THIỆU VỚI CÁC BẠN TRANG THƠ TÁC PHẨM BỨC TRANH TRĂNG ĐÔNG HỒ LÀ CỦA NHIẾP ẢNH GIA NGÀNSAU !
MONG ĐƯỢC Ý KIẾN CỦA CÁC BẠN !
Tối hôm qua SM cũng đã lục hết những hình ảnh chụp trong chuyến đi vừa qua, lướt trên mạng về cảnh đẹp của Hà Tiên nhưng không thấy ưng ý cảnh nào cho đúng tâm trạng của LTV khi ngồi thả thơ trên bến Đông Hồ, SM đành phải chờ đợi Nhiếp ảnh gia Ngàn Sau gởi qua tác phẩm Trăng nổi tiếng của mình, chụp trước khi các bài thơ Trăng được cảm tác. Đêm thanh gió mát cả nhóm uống trà, cà phê ( thua BMT xa lắm ), ai cũng gác máy qua một bên để NS trổ tài, quả thật Sư Mẫu làm mọi người trầm trồ trong vai " Người Nhiếp ảnh bến Đông Hồ " đêm ấy .
Trên trăng ,dưới nước,giữa tàu
Chén trà dịu ngọt,ngàn sau nhớ hoài
Đông Hồ từ tại ngày mai
Đường về xa thẳm,biết ai bạn cùng?
Đông Hồ hội ngộ tài hoa,
Trên trăng dưới nước thật là nên thơ,
Ngàn năm một thuở đợi chờ,
Gieo vần tác tuyệt vần thơ...nhớ người.
Uống cà phê ở Hà Tiên thiệt là kỳ quá, cả nhóm đi tới đi lui chấm được một chỗ hữu tình , có chỗ bên đường cho xe đậu, hài lòng nhìn trăng nước, mà sao tiếng nhạc mãi im lìm. Chắc những người khách địa phương ngồi đó cũng lấy làm lạ sao mấy người này đi vô quán, ngồi xuống ghế rồi lại lục đục kéo ra. Quanh quẩn thêm vòng nữa chẳng thấy chỗ nào khá hơn cũng đành trở lại chấp nhận nghe nhạc từ TiVi phát ra và nhâm nhi ly cà phê pha theo tỉ lệ một cà phê ba sữa chứ biết sao, ngọt ơi là ngọt. Điều mà SM ráng nhớ nhứt ở miền sông nước Cà Mau-Hà Tiên vào ban đêm phải ngồi động đậy bàn tay, bàn chân để đám muỗi sợ mình mà bay dùm ra chỗ khác, thế mà cũng bị hỏi thăm kỹ hơn ai hết, đến nỗi khi nắm bàn tay lại thấy trên lưng 2 bàn tay mình sao cồm cộm y như bị nổi rôm hay sẩy. Có phải mấy con muỗi sợ Ngàn Sau mà bay hết qua phía SM tấn công không vậy ta?
Nhờ SM nhắc mới nhớ,NS coi bộ hợp Càmau VÀ Hà Tiên nên từ ngày xuống cho đến ngày đi không một con muỗi nào hỏi thăm cả,mặc dầu trước khi đi NS đã phát cho mỗi người một tờ BOUNCE...có lẽ tại da thịt SM thơm tho và mềm mai,nhất là bàn tay dịu dàng làm người ta ngất ngây làm sao!cho nên muỗi thích tấn công là phải ,chứ mấy chị em NS có ai bị muỗi ưu ái đâu ...Với là tối hôm đó NS sau bận rộn làm thơ,chụp hình còn SM thì bị cảnh sắc mê hoặc quên cả không gian thời gian,nên muỗi tha hồ hành quân...!
Bến ĐÔNG HỒ , cỏ xanh mới nghe nói tới đây, xem hình sư mẫu chụp thật đẹp. Gia như cỏ xanh được ngồi ờ nơi ấy, biết đâu đã chẳng có một bài thơ được ra đời..hi.hi...nhưng mà LÁ THU VÀNG đã làm thay chúng ta một cách xuất sắc rồi. Chảng còn gì để mà phàn nàn nữa phải không các bạn!
Cỏ xanh chúc mừng LÁ THU VÀNG nhé. Bài thơ thật sâu sắc.
Thân thương.
Cảnh trăng Đông Hồ xinh đẹp hữu tình quá làm người ngắm cảnh...cảm tác bao vần thơ đẹp..
ThiênThanh ở nhà rầu rĩ không được đi chơi,còn bịnh cảm cúm lươn ương kéo dài nữa chớ..thôi bây giờ ngắm ..đỡ hình của các nhiếp ảnh gia cây nhà lá vườn mà cũng nên thơ chán..Cầu mong Tết sang năm tới lẹ lẹ để có một hành trình "Về Quê ăn Tết" nữa nghe bà con......Chẩn bị sửa soạn là vưà hen
NS;
Đông Hồ từ tại ngày mai
Tạ (i) có vẽ hợp lý hơn phải không?
Trăng tròn vằng vặc trên cao
Bên sông lơ lững thuyền chao bập bềnh
Dòng sông lấp lánh mông mênh
Ly càphê đậm, trời đêm tuyệt vời!
TỪ TẠ là TẠ TỪ ,viết sai rồi ,nói lại , bạn CHX thông cảm.
Lần đầu tiên, VK được nghe đến địa danh Đông Hồ, dù rằng trước đây giữa thập niên 60, VK có đôi lần ghé đến các Tỉnh phía nam nước Việt, nhưng chưa được nghe ai nói đến Đông Hồ. Nhìn toàn cảnh bức tranh do NS chụp rất mỹ thuật, lại được Trang chủ, khéo minh họa. VK có lời khen thật tình, đến hai
nàng . Bài thơ "Trăng Đông Hồ" của LTV thật dễ thương, ý thơ giản dị, trong sáng, gợi nhiều cảm xúc cho người đọc .
"Đông Hồ tên thật nên thơ ,
Khen ai khéo dệt Bài thơ Đông Hồ" .
Cùng ngồi ngắm trăng bên bến Đông Hồ chúng ta đều có chung một cảm nghĩ,nên những bài thơ làm ra đều gần giống nhau...
Trăng treo lơ lững trên đầu
Nhìn trăng thầm gửi đôi câu đến chàng
Vầng trăng thao thức mơ màng
Đông Hồ sông nước ,thuyền sang bến nào?
ĐÊM
Gió mát và trăng thanh
Thuyền ai đang lướt nhanh
Bến Đông Hồ sóng vỗ
Giờ xa nhau ! Sao đành !
KHUYA
Chờ mãi giấc mộng lành
Đêm qua hết năm canh
Nhặt ánh trăng soi muộn
Nhẹ như tình mong manh !
Trang Chủ làm thơ hay quá,chợt nhớ một bài thơ Haiku mà wên tên tác giả
Vốc nước lên bàn tay
Hoa mỉm cười trên cây
Mây trên trời trắng nõn
Em giờ này đâu đây??
Tác gỉa là ai vậy trang chủ??Hú hu
Chào các Bạn:
Sư Mẩu ới ời, sao mà đi lẹ zậy, mới nghe, xuống phi trường ở thành phố, vèo một cái là "ngồi ở bến Đông Hồ làm nhiếp ảnh gia" rồi. QH đây theo hổng kịp, ráng muốn đứt hơi luôn.
Nhắc đến Đông Hồ, chắc là trong chúng ta không ít bạn không nhớ đến Gíao Sư Đông Hồ, giảng dạy tại Đại Học Văn Khoa ngày nào. Và Ns và các Bạn trong chuyến du nam, đã đến nơi kỷ niệm nhà Giáo Đông Hồ Lâm Tấn Phác và phu nhân là Nử thi sỉ Mộng-Tuyết một thời đả góp phần phát triển nền văn học của miền Nam.
Nhân dây QH xin mời các bạn cùng tìm hiều về đất Hà-Tiên, vùng đất có nhiều "truyền kỳ" trong thời kỳ mở đất về phương Nam của nhà Nguyễn.
(Dài nghe các Bạn).
RẠCH GIÁ – HÀ TIÊN
Nguyễn Thanh Liêm
Tổng Quát:
Tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá) là tỉnh ở về phía cuối Miền Tây Nam nứơc Việt, cách Sài Gòn 250 km (156 miles). Về phía Đông và Đông Nam, Kiên Giang giáp với các tỉnh An Giang và Cần Thơ, về phía Nam giáp với Cà Mau, và về phía Bắc giáp với Kampuchia, với đường biên giới chung dài 54 km. Phía Tây của Kiên Giang là Vịnh Thái Lan.
Với diện tích 6, 253 km vuông, và với dân số hơn 1 triệu 600 ngàn người (2004), Kiên Giang hiện có 11 huyện là Hà Tiên, Hòn Đất, Tân Hiệp, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, và hai huyện đảo là Phú Quốc và Kiên Hải. Kiên Giang có hai thị xã là Rạch Giá và Hà Tiên.
Ba dân tộc sống ở đây là người Việt (người Kinh), người Miên (Khmer) và người Hoa.
Kiên Giang, trong đất liền, có nhiều núi thấp như núi Đại Tô Châu (cao 178 m, hay 234 ft), núi Hòn Sóc (cao 187 m), núi Hòn Đất (cao 260 m), núi Vân Sơn, núi Địa Tạng v v . . . Trong Vịnh Thái Lan, Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ như Hòn Tre, hòn Thổ Châu, hòn Chông, hòn Rai, hòn Mấu, hòn Nam Du. . . Đảo Phú Quốc là đảo lớn nhất với 566 km vuông, dài 50 km, ngang rộng nhất 29 km, trên đảo có dãy núi Tà Lơn với những ngọn cao như Hàm Rồng (cao 365 m), núi Chúa (cao 603 m), núi Mắt Quỷ (cao 360 m).
Kiên Giang có khu rừng ngập nước ở phía Nam là khu U Minh Thượng, có nhiều sông và kinh rạch chằn chịt như sông Trèm Trẹm, sông Cái Lớn, sông Cái Bé, kinh Hà Tiên, kinh Cái Sắn, kinh Tân Hiệp, kinh Ba Thê, kinh Thốt Nốt, kinh Cán Gáo, rạch Giang Thành, rạch Sỏi, v v . . .
Những liên tỉnh lộ số 8 và số 12 là những trục giao thông quan trọng nối liền Kiên Giang với các tỉnh khác. Có ba phi trường chính đặt ở Hà Tiên, Rạch Giá, và Dương Đông (Phú Quốc).
Rạch Giá – Hà Tiên có nhiều danh lam thắng cảnh, có những di tích lịch sử quan trọng, nhiều đền chùa nói lên sinh hoạt tôn giáo, tín ngưởng đặc biệt của người dân ở đây, và nhất là “Chiêu Anh Các”, thường được xem là trung tâm văn học ở Miền cực Nam nước Việt hồi hơn thế kỷ trước. Trước khi đi vào chi tiết của những điều vừa nói, chúng ta hãy đi ngược thời gian, trỡ về thuở xa xưa xem có những giống người nào đã từng sinh sống trên vùng đất này.
Hà Tiên thời tiền sử
Các nhà khảo cổ học không hay chưa tìm được những di chỉ nào cho thấy có sự hiện diện của con người sinh sống ở vùng này trong thời gian trước văn hóa Óc Eo. Con người thời hái lượm , săn bắn không sinh sống hoặc không có để lại dấu vết ở vùng này. Nhưng nếu nói chung cho cả vùng Hậu Giang thì theo Sơn Nam thổ dân thời tiền sử ở đây có lẽ thuộc giống Indonesien (có bộ sọ người tìm thấy ở Vĩnh Hưng, Bạc Liêu). Người Mon- Khmer tràn tới, xua các thổ dân này qua miền Trung hoặc ra Nam Dương vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ nhất. Riêng ở vùng Hà Tiên con người sớm nhất mà ngày nay các nhà khảo cổ có được dấu vết là người Phù Nam và văn hóa Óc Eo của họ.
...
Những di chỉ khảo cổ tìm thấy ở Óc Eo do nhà khảo cổ Malleret của Pháp khai quật hồi thập niên 1940 cho thấy nơi đây xưa kia là một trung tâm, có thể là một đô thị vừa là một thương cảng quan trọng của vương quốc Phù Nam. Óc Eo hiện nay nằm trong tỉnh An Giang, ở chân núi Ba Thê, cách biển hơn 20 km. Địa bàn của vương quốc Phù Nam trải rộng cả vùng Đồng Nai Cửu Long qua tận Kampuchia trong khoảng thời gian từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VII của thiên niên kỷ thứ nhất. Dấu tích của vương quốc Phù Nam không phải chỉ có ở Óc Eo mà còn được tìm thấy ở nhiều nơi khác như Cạnh Đền (Kiên Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp), Gò Năm Tước, v v . . . đến Đồng Nai, vùng Đông Nam Phần theo các công cuộc khai quật gần đây. Theo Malleret thì Óc Eo là một đô thị rộng lớn, một thương cảng phồn vinh, một trung tâm kinh tế sống động với mối giao thương Âu-Á khá rộng rãi. Óc Eo cũng là một đô thị tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ hình thành sớm nhất ở Đông Nam Á.
Nhưng người Phù Nam là ai? Tên Phù Nam ở đâu mà có? Chữ Phù Nam là chữ người ta tìm thấy trong thư tịch Trung Hoa. Tân Đường Thư ghi là Trúc Chiên Đàn (vua Phù Nam) xưng vua, sai sứ sang cống voi đã thuần dưỡng. Sách cũng ghi là họ (Phù Nam) có 5,000 voi chiến. Lương Thư cũng có nói đến Phù Nam nhưng không sách nào nói rõ hơn về người Phù Nam là người gì? George Coedès, trong quyển “The Indianized States of Southeast Asia” thì chữ Phù Nam là chữ của người Trung Hoa phiên âm từ tiếng b’iu-nâm, tức là tiếng Khmer cổ có nghĩa là “vua ở trên núi” (Khmer cổ là bnam, Khmer mới là phnom). Cũng theo Coedès thì người Phù Nam có thể từ miềng Đông Nam Ấn Độ, hoặc từ bán đảo Mã Lai hay từ các đảo trong châu đại dương. Trong quyển “The Making of South East Asia”, Coedès có nói đến truyền thuyết Kaundinya (như một tù trưởng) từ miền Nam Ấn Độ đến kết duyên cùng hoàng hậu Liễu Diệp ở vùng hạ lưu sông Mêkông, lập nên nước Phù Nam. Kinh đô ở vùng Ba Nam, thuộc tỉnh Preyveng ngày nay, cách biển 500 dặm.
...
Nhưng tại sao Phù Nam suy tàn và mất dấu vết từ thế kỷ thứ VII? thì cho đến bây giờ không có tài liệu nào cho biết về việc này ngoài những giả thuyết cho rằng là do một đại thiên tai nào như hồng thủy, sóng thần, bệnh dịch đã tiêu diệt giống người này. Nhưng trên bình diện trải rộng như các di chỉ khảo cổ cho thấy thì không thể có thiên tai nào có khả năng tiêu hủy cả vương quốc Phù Nam được. Có giả thuyết cho là người Java đã tiêu diệt người Phù Nam, nhưng không có dấu hiệu gì đáng tin cậy về sự việc này.
Đến cuối thế kỷ XIII, khoảng 1296 – 1297, sứ thần Trung Hoa là Châu Đạt Quan đã đến vùng này nhưng lúc bấy giờ thì vùng này đã thuộc về Chân Lạp chớ không còn là Phù Nam nữa. Trên đường đi Chân Lạp, Châu Đạt Quan có ghi nhận quang cảnh hoang vu vùng đồng bằng sông Cửu Long như sau :
“. . . hầu hết các vùng đều là bụi rậm của khu rừng thấp, những cửa rộng của con sông lớn chạy dài hằng trăm lý, bóng mát um tùm của những gốc cổ thụ và cây mây dài tạo thành nhiều chổ trú xum xê. Tiếng chim hót và thú vật kêu vang dội khắp nơi. Vào nữa đường trong cửa sông, người ta mới thấy lần đầu cánh đồng ruộng bỏ hoang, không có một gốc cây nào. Xa hơn tầm mắt chỉ toàn là cỏ kê đầy dẫy. Hằng trăm hằng ngàn trâu rừng tụ họp từng bầy trong vùng này. Tiếp đó, nhiều con đường giốc đầy tre chạy dài hằng trăm lí.” (Châu Đạt Quan, Chân Lạp Phong Thổ Ký, Lê Hương. Sài Gòn: Kỷ Nguyên Mới, 1973, tr. 80).
Thành ra trong thời gian từ thế kỷ VII cho đến thế kỷ XIII, nghĩa là sau khi Phù Nam tan rã cho đến lúc Chân Lạp phồn thịnh lên, người ta không tìm được những dấu vết gì có thể cho biết là dân tộc nào ngự trị ở vùng này và dân tộc đó đã phát triền bành trướng hay suy tàn như thế nào? Theo Charles Higham trong quyển “The Archaeology of Mainland Southeast Asia” (Cambridge University Press, 1989), tựa trên những công trình khai quật từ trước đến thập niên 1980 thì từ khỏang 10,000 năm trước Chúa Giáng Sinh cho đến cuối thế kỷ XVI, cả vùng Đông Nam Á (lục địa) đã trải qua nhiều thời kỳ lịch sử vơi những hình trạng xã hội khác nhau: thời săn bắn hái lượm từ 10,000 BC đến 5,000 BC; thời định cư ven biển từ 5,000 BC đến 1,500 BC. . . . thời kỳ thành hình các mandalas ở Đông Nam Á từ 500 BC đến thế kỷ III; và thời kỳ phát triển và chuyển biến của những mandalas từ thế kỷ III đến thế kỷ XVI. Văn hóa Óc Eo và Angkor chỉ mới xuất hiện vào thời kỳ cuối trong những thời kỳ ghi trên. Đây là thời kỳ tương ứng với sự phát triển của các quốc gia cổ với chế độ xã hội gọi là “mandala” (một loại chế độ vừa tôn giáo vừa phong kiến ở Đông Nam Á). Trước khi có những mandalas thì xã hội Đông Nam Á còn ở tình trạng bộ lạc với các tù trưởng (chiefdoms). Phù Nam, Chân Lạp, Lâm Ấp là ba trong 5 hay 6 mandalas của vùng Đông Nam Á. Mỗi mandala bao gồm một khu vực địa lý dưới sự thống trị, và làm chủ của một vị vương vừa như nhà vua vừa là người được tôn sùng như một lãnh tụ về tôn giáo. Nhưng mandala không có biên giới nhất định; ranh giới của nó rất co giản, nó thay đổi luôn (fluid) tùy theo sức ảnh hưởng của nhà vua chủ nhân. Mandala chưa phải là một quốc gia, một nước có chủ quyền, có quy luật truyền ngôi, có biên giới rõ rệt. Vương quốc Phù Nam chỉ là một mandala và mandala này đã bị tan biến trong mandala Chân Lạp, cũng như mandala Lâm Áp sau này bị tan biến trong quốc gia Việt Nam vậy.
...
Một giả thuyết gần đây lại cho rằng vùng Hà Tiên xưa kia là vùng đất của người Việt cổ. Giả thuyết này tựa trên một số các địa danh mà người Thái (Xiêm) và người Miên (Khmer) đã đặt ra cho những địa điểm đó. Thí dụ núi Phù Dung có thể là do chữ Phù hay Phnom và Youn, có nghĩa là Núi của người Việt. Ngay danh từ Hà Tiên, theo thuyết này, cũng có thể là do chữ Tà Ten mà ra, Tà có nghĩa là núi và Ten là tên con sông, theo tiếng Miên. Thuyết này bác bỏ truyền thuyết cho rằng nơi đây xưa kia có tiên hiện xuống, đi lại trên sông nên gọi là Hà Tiên (tiên hiện ra trên sông). Người chủ trương thuyết này là ông Trương Minh Đạt. Trong quyển “Nhận Thức Mới về Đất Hà Tiên”, ông Đạt viết:” . . .có thể nói được thời xa xưa, vùng đất Hà Tiên chính thống là vùng đất Phù Dung (Phù Youn) của người Lạc Việt. Trong quá trình chung sống hội nhập, những người Việt đầu tiên đã trỡ thành dân cư của Phù Nam, rồi họ tiếp nhận đợt sóng Khmer và Java sau đó. . . . Vào các thế kỷ XVII, XVIII, người Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò thống nhất lãnh thổ xưa của tổ tiên. Cuộc thống nhất diễn ra nhanh, chỉ do người Việt đã có mặt rải rác khắp nơi trên lãnh thổ phía Nam này.” (tr. 28-29). Đây cũng chỉ là một giả thuyết còn chờ đợi nhiều chứng liệu lịch sử nữa để có thể chứng giải được.
Giả thuyết khác nữa là giả thuyết của Hà Văn Thuỳ sau đây, tựa trên những khám phá của nhà địa chất học H. Fontaine của Pháp. Từ cuối Đại Trung Xinh (Pleistocene) đến đầu Đại Tân Xinh (Holocene), đại khái từ khoảng 100,000 đến 11,000 năm trước, nước biển hạ thấp từ 100 đến 120 m, biển Đông khô cạn, chỉ còn là một vũng nhỏ, tạo điều kiện cho động vật từ Châu Á tràn sang Châu Đại Dương, khiến cho hệ đông vật gần nhau giữa hai châu. Từ 10,000 năm trước công nguyên trỡ lại đây có nhiều lần (4 lần) biển tiến (dâng cao) và lùi (xuống thấp), đặc biệt là trong hai lần tiến và lùi của biển lần thứ 3 và lần thứ 4 có mật thiết liên hệ tới sự thành hình và tan biến của vương quốc Phù Nam. Trong lần nước biển lên cao lần thứ ba (200 năm BC đến 50 AD), nước biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ngăn chặn bước tiến của các giống dân sống ở vùng Đồng Nai qua định cư ở vùng này. Rồi khi nước lùi từ năm 50 đến thế kỷ thứ V, thì người Mã Lai-Đa Đảo (MalayoPolynésien) từ các đảo ngoài biển vào đây định cư làm thành vương quốc Phù Nam với nền văn minh Óc Eo tiêu biểu của họ. Tiếp theo đó trong lần dâng cao thứ IV kéo dài 800 năm từ năm 350 đến 1,150, với điểm cao nhất vào khoảng năm 650, nước biển đã làm ngập cả đồng bằng sông Cửu Long khiến không còn ai có thể sống được trong vùng. Vương quốc Phù Nam tan rả, một phần của người Phù Nam lên miền núi cao sinh sống, và phần khác trỡ về các đảo trong Châu Đại Dương. Từ thế kỷ XII nước biển xuống thấp trỡ lại, ở mức bình thường như ngày nay. Cũng từ đó nước Chân Lạp thành hình chiếm cả vùng đất Phù Nam trước kia. Và ta có hình ảnh của vùng Đồng Bằng sông Cửu Long do Châu Đạt Quan ghi lại hồi thế kỷ XIII như đã thấy trên.
Qua các giả thuyết cũng như các công trình khai quật nói trên ta có thể tạm kết luận là vùng Hà Tiên vào các thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất thuộc vương quốc Phù Nam, và từ thế kỷ XIII cho đến thế kỷ XVII thuộc Thủy Chân Lạp và từ thế kỷ XVIII trỡ đi thuộc Việt Nam.
...
Hà Tiên thành hình
Điều mà ngày nay chúng ta biết chắc nhất là Mạc Cửu đã đến khai phá xây dựng đất Hà Tiên và dâng đất này cho Chúa Nguyễn. Việc dâng đất xãy ra hồi nào thì nhiều sách chép khác nhau. Có sách cho là năm Giáp Ngọ (1714) nhưng nhiều sách ghi là năm Mậu Tý (1708). Theo ông Trần Kinh Hòa và một số các học giả khác thì năm Mậu Tý (1708) có thể đúng nhất. Nhưng Mạc Cửu là ai? và ông đã đến khai phá xây dựng vùng Hà Tiên hồi nào trước khi dâng đất này cho Chúa Nguyễn? Và trước khi Mạc Cửu đến khai phá thì người Việt đã có ở đây chưa? Theo nhiều học giả thì vào thế kỷ XVI đã có người Việt đến sinh sống ở Hà Tiên rồi. Những người này có thể là những tội nhân trốn chánh quyền Đàng Trong hay là những người dân Miền Trung phiêu bạt từ bờ biển Đông đến. Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức ghi là những lưu dân người Việt đến ở những vị trí “sườn gò khởi phục, cây tốt, suối trong”. Họ ở chung với người Miên (Khmer), trong những khu vực sống trù mật. Sau đó người Hoa cũng đến đây làm ăn sinh sống. Như vậy có thể người Việt đã có ở đây trước khi Mạc Cửu đến.
Mạc Cửu sinh ngày mùng 8 tháng 5 năm Ất Mùi (1665) tại xã Lê Quách, huyện Hải Khang, phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa. Năm 1671 Mạc Cửu trốn tránh Nhà Thanh, đưa gia quyến và một số người di dân xuống thuyền ra nước ngoài. Theo một số sử gia thì ông đã qua các nước Phi Luật Tân, Nam Dương rồi sau đó vào khoảng 1680 mới đến Chân Lạp và được vua nước này dùng làm quản lý việc thương mãi. Ít lâu sau nhờ lo lót cho quyền thần và đám cung phi của vua, Mạc Cửu được quốc vương Chân Lạp cho làm chức Ốc Nha. Trong chức vụ mới này, Mạc Cửu chiêu dụ thương khách ngoại quốc cùng với nhiều người Việt, người Hoa, người Khmer đến cư ngụ, làm ăn ở Mang Khảm, tức là Hà Tiên sau này. Mang Khảm thuộc Thủy Chân lạp. [Nước Chân Lạp được chia thành hai vùng: Thượng Chân Lạp hay Lục Chân Lạp là vùng đất cao, chạy dài từ Biển Hồ đến Đồng Nai, và Thủy Chân Lạp là vùng đất thấp hoang vu, ngập đầy nước ở miền Hậu Giang. Người Khmer thích ở vùng cao, không thích ở vùng thấp]. Khi đến Mang Khảm Mạc Cửu cho mở sòng bạc, tiệm hút, và phát triển việc buôn bán, làm nên một thành phố. Trước kia cũng đã có người ngoại quốc đến đây mua bán, nhưng đến thời Mạc Cửu thì việc giao thương buôn bán càng phát triển mạnh hơn, tàu thuyền đi lại rộn rịp. Từ đó người Việt, người Đường, người Liêu, người Man (Miên) kéo đến trú ngụ, làm ăn, hộ khẩu ngày càng đông đúc.
Công cuộc phát triển ở Mang Khảm không tránh khỏi sự dòm ngó của Xiêm La. Trong những năm 1687-1688 quân Xiêm đánh chiếm Hà Tiên, Mạc Cửu bị quân Xiêm bắt đem về Xiêm đến năm 1700 mới thả ra. Lúc này tình hình Chân Lạp cũng rất rối ren vì cuộc nội chiến và giặc giả nổi lên cướp phá dữ dội ở nhiều nơi. Thấy thế lực của Chúa Nguyễn đang lan ra mạnh mẽ về phương Nam, Mạc Cửu theo lời khuyên của mưu sĩ họ Tô, cho thuộc hạ là Trương Cầu và Lý Xá mang ngọc lụa đến Thuận Hóa vào mùa thu năm Mậu Tý (1708), dâng biểu xin dâng đất Hà Tiên cho Chúa Nguyễn và xin làm Hà Tiên Trưởng. Chúa Nguyễn Phúc Chu ban ấn tín, phong cho Mạc Cửu làm Tổng Trấn Hà Tiên, và Mang Khảm trỡ thành Hà Tiên trấn. Hà Tiên Trấn gồm các ấp vừa thành lập từ Vũng Thơm, Trủng Kè, Cần Vọt, Rạch Giá đến Cà Mau.
...
Hà Tiên phát triển và suy vi
Mạc Cửu mất năm 1735. Chúa Nguyễn Phúc Chu truy tặng Khai Trấn Thượng Trụ Quốc, Đại Tướng Quân Vũ Nghị Công. Năm sau Chúa Nguyễn sắc phong cho con trai của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tích làm Đô Đốc trấn Hà Tiên. Dưới thời Mạc Thiên Tích, Hà Tiên càng phát triển mạnh hơn nữa. Mạc Thiên Tích mở thêm các huyện Kiên Giang, Long Xuyên, Trấn Di (Bạc Liêu), Trấn Giang (Cần Thơ), sáp nhập Kiên Giang và Long Xuyên vào trấn Hà Tiên. Về phương diện thương mại Hà Tiên lúc này hết sức phồn thịnh. “đường lối tiếp giáp, phố xá liền lạc, người Việt, người Tàu, người Cao Miên, Đồ Bà đều theo chủng loại cư trú, ghe thuyền ở sông biển qua lại nơi đây không dứt. Thật là một đại đô hội ở nơi gốc biển vậy.” (Trịnh Hoài Đức, Gia Định Thành Thông Chí). Hầu hết các sản phẩm đưa đến Hà Tiên đều chịu thuế không đáng kể. Nhờ vậy mà các sản phẩm như cá, khô, mật ong, sáp ong, gạo. . . trong vùng đều đưa đến Hà Tiên ngày một nhiều. Các xứ như Vạn Tượng (Lào), Chân Lạp cũng đưa ngà voi đến đây có đến hằng trăm tấn. Ngoài ra các loại sản phẩm như lông chim ở rừng U Minh, trầm hương, hải sâm từ Phú Quốc và các đảo khác cũng được đưa về đây.” Nhưng đó chỉ là sự phồn thịnh về thương mãi mà thôi còn về nông nghiệp thì rất thô sơ, chưa có những phát triển gì đáng kể. Trong bài tựa Hà Tiên Thập Vịnh Mạc Thiên Tích viết:”Từ khi tiên quân khai sáng đến nay đã hơn 30 năm mà dân mới được ở yên, hơi biết việc trồng trọt. . .” Chung quanh Hà Tiên vẫn còn là vùng hoang địa, bùn lầy nước đọng, cây cỏ um tùm, nhiều mối và đỉa, trong sông có nhiều cá sấu, đất thường ẩm thấp, phải xây gác cây để ở. Hà Tiên phải nhờ lúa gạo của hai đạo Long Xuyên và Kiên Giang cung cấp. Cùng lúc với sự phồn thịnh về thương mại, Hà Tiên cũng phát triển mạnh về văn hóa. Tao đàn Chiêu Anh Các ra đời trong lúc này (1736). Chiêu Anh Các không những chỉ là tao đàn để các nho sĩ xướng họa thi ca mà còn là trung tâm giáo dục miễn phí, một nghĩa thục giúp các nhân tài và con nhà nghèo có nơi học hỏi. Bên cạnh Chiêu Anh Các họ Mạc còn cho xây dựng văn miếu thờ Khổng Tử, và xây cất nhiều chùa chiền.
Nhưng giặc Xiêm, giặc Miên và cướp biển cứ nối tiếp nhau đến đây tàn phá, thêm vào đó còn có cuộc nội chiến giữa Chúa Nguyễn và Nhà Tây Sơn làm cho tình thế của Hà Tiên càng chông chênh, bất ổn. Con cháu Mạc Thiên Tích không giữ nổi sự nghiệp của cha ông, Hà Tiên bắt đầu đi xuống từ giữa thập niên 1770. Dù sao thì đối với nhà Nguyễn ba người có công lớn trong dòng họ Mạc ở Hà Tiên là Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích và Mạc Tử Sanh. Và trong ba người này, giỏi nhất là Mạc Thiên Tích.
...
Đời Mạc Thiên Tích, Rạch Giá và Cà Mau được thiết lập thành đạo Kiên Giang và Long Xuyên, đồn lủy được dựng lên. Hai nơi này dần dần trỡ nên quan trọng về mặt kinh tế nhờ sản xuất nhiều cá, mật và sáp ong, lông chim và lúa gạo. Kiên Giang là bàn đạp vững chắc cho người dân Việt tiến sang bờ sông Ba Thắc. Các con sông Cái Lớn, Cái Bé nối qua rạch Ba Láng, Ô Môn được thám hiểm. Sau cuộc chiếm đóng Hà Tiên của quân Xiêm hồi đầu thập niên 1770, Mạc Thiên Tích phải ngụ tại Kiên Giang để cho con trai về chỉnh đốn Hà Tiên. Trong các thập niên 1770 và 1780, Rạch Giá – Cà Mau đã cung ứng cho Nguyễn Ánh vùng địa thế hiểm yếu để dung thân trước sự lùng bắt gắt gao của Tây Sơn. Với hệ thống sông rạch như mạng nhện thông thương lẫn nhau, với rừng tràm dày bịt, ăn sâu vào U Minh Thượng và U Minh Hạ, Nguyễn Ánh dễ đi về liên tiếp trong những năm 1777, 1782, 1783, 1784, 1787 . . . Nhiều nền nhà hiện còn dấu vết ở Cạnh Đền, Cây Bàng là những nơi quân Nguyễn Ánh đồn trú. Một số dân Rạch Giá – Cà Mau đã sung vào quân đội của Nguyễn Ánh. Từ ngày Gia Long thống nhất đất nước, Rạch Giá – Cà Mau càng trỡ nên trù phú. Chợ Rạch Giá phát triển không thua Hà Tiên, có phần phồn thịnh hơn nhờ lúa gạo, và dần dần trỡ nên thương khẩu quốc tế. Ghe buôn Hải Nam, Xiêm La ra vào tấp nập. Sòng bạc mọc lên khá nhiều. Người Phước Kiến lập vườn làm ăn, người Hải Nam chuyên về xuất nhập cảng và thương mãi nội địa. Người Việt từ An Giang, Sa Đéc, Ba Xuyên đổ đến khai thác đất hoang ở ven sông, ven rạch rất nhiều. Theo thống kê năm 1886 thì bên cạnh 100 người Việt ở Rạch Giá có 114 người Miên. Nhưng đến năm 1930 thì bên cạnh 100 người Việt chỉ còn có 38 người Miên dù là dân số Miên tăng gắp 3 lần từ 1886 đến 1930. Rạch Giá chia ra ba xã rộng lớn: (1) Vĩnh Hòa (sau này mở ra làng Vĩnh Lộc, Vĩnh Phước theo ven sông Cái Lớn), (2) Đông Yên (từ chợ Rạch Giá đến vàm sông Ông Đốc), (3) Vân Tập (thị trấn Rạch Giá, sông Cái Bé, rạch Tà Niên).
Hà Tiên thời Pháp thuộc
Pháp chiếm ba tỉnh Miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, và Hà Tiên) năm 1867. Dưới thời Pháp thuộc, Nam Kỳ có 21 tỉnh. Hà Tiên là một tỉnh, và Rạch Giá là một tỉnh khác trong số 21 tỉnh đó. “Gia, Châu, Hà, Rạch, Trà. . .”, câu đầu của bài thơ 21 tỉnh ở Nam Kỳ, có cả hai tỉnh Hà Tiên và Rạch Giá ở trong. Vào thập niên 1930, dân số Hà Tiên có khoảng 26,000 người. Có 4 quận tất cả là Châu Thành, Hòn Chông, Giang Thành, và Phú Quốc. Ngoài tỉnh lỵ Hà Tiên nhiều điểm tập trung dân cư mới được thành hình như Giang Thành, Bhttp://www3.ca.com/securityadvisor/pestscan/ình An, Thuận Yên, Núi Trầu. Một số trường học được mở ra như trường Hà Tiên, Thuận Yên, Hòn Chông, Lộc Trĩ. Dân thành thị ở Hà Tiên và Phú Quốc chỉ buôn bán tạp hóa, hoặc các nghề tiểu thủ công nghệ đơn giản chớ không có hảng xưởng gì quan trọng. Ngoài thành thị người dân ở nông thôn thì sống với nghề ruộng rẫy và vườn tiêu. Ở Hà Tiên không có hạng đại điền chủ như ở Bạc Liêu.
Hà Tiên thời Việt Nam Cộng Hòa trỡ về sau
Tháng 3 năm 1957 Việt Nam Cộng Hòa đổi Hà Tiên thành ra một quận của tỉnh Kiên Giang. Năm 1960 các xã Dương Hòa, An Hòa, Bình An, An Bình tách ra khỏi Hà Tiên để sáp nhập vào quận Kiên Lương mới được thành lập. Nhà máy xi măng Hà Tiên ra đời từ năm 1957, nằm trong quận Kiên Lương. Hiện giờ Hà Tiên vẫn là một trong 11 huyện của tỉnh Kiên Giang, nhưng là 1 thị xã hấp dẫn nhiều du khách bởi những cảnh đẹp và những di tích lịch sử ở đây. Đầu thập niên 1970 do biến động chính trị ở Kampuchia, nhiều đồng bào Việt sống bên Miên di cư về Hà Tiên, khiến dân số ở đây tăng gắp đôi. Người ta cho rằng cũng từ đó phong vị Hà Tiên dần phai nhạt, người ta không còn tìm lại được những món ăn Hà Tiên độc đáo thời nào như xôi, hủ tiếu hấp, cốm chùi . . . Do quan hệ lịch sử người ta thấy Hà Tiên gần với Phú Quốc và Châu Đốc hơn là gần với Rạch Giá, Cà Mau.
Người Hà Tiên – Rạch Giá
Cộng đồng dân tộc sinh sống ở Hà Tiên – Rạch Giá bao gồm người Việt, người Hoa, và người Miên. Người Việt chiếm đa số, có mặt ở khắp nơi nhưng có tỷ lệ cao nhất ở cac xã Vĩnh Điều, Tiên Hải, Hòa Điền, Kiên Lương, v v . . . Người Hoa lai (Việt hoặc Khmer) cư trú khắp nơi nhưng tập trung nhiều nhất ở thị trấn Hà Tiên, Bình An, Thuận Yên, Dương Hòa. Người Hoa gồm có Quảng Đông, Triều Châu, một ít Phúc Kiến và Hải Nam. Người Khmer sinh sống khá đông ở Mỹ Đức, Phú Mỹ (Trà Phô, Tà Ten), Bình An (Rạch Đùng), Dương Hòa v v . . .
Ta hãy theo Sơn Nam “hình dung cuộc sống phiêu lưu của người dân vùng vịnh Xiêm La thời ấy”:
“Hôm nay thì bơi xuồng theo sông rạch để vớt sáp ong, ngày mai thì theo vài người bạn đi tìm sân chim. Mãn mùa giết chim, họ ra biển đánh lưới. Lông chim, sáp ong, cá khô . . . vì qú nhiều nên họ sẵn sàng bán lại với bất cứ giá nào cho các thương buôn Hải Nam để xuất cảng ra ngoại quốc. Rồi thì họ đi ghe biển đến Rạch Giá để ăn uống, cờ bạc cho thỏa thích. Họ không cần lo đến ngày mai vì ngày mai còn dành cho họ nhiều thú vui mới . . . Sau khi sạch túi, họ ra khơi, tìm hòn Nhạn để hốt trứng chim, nhìn mây nước xa vời, thả hồn ao ước một cuộc viễn du đến tận bên kia Vịnh. Họ là người cực khổ, deo dai, chịu đựng muỗi mòng, rắn rít, cọp sấu giỏi nhất và cũng là người hào hiệp, lãng phí nhất, đồng tánh chất với những người cũng đồng thời đi rìm vàng, mua bán da chồn tận bên kia biển Thái Bình Dương, ở Gia Nã Đại, ở Mỹ, ở Ba Tây.
Cuộc sống đã tạo cho họ nhiều đức tính và nhiều tật xấu: máu “anh chị”, trọng nghĩa bạn bè, sẵn sàng kết thân và hy sinh với người lạ miễn là người ấy tỏ ra rộng lượng, anh hùng như mình; không phân biệt giàu nghèo, chủng tộc; vô kỷ luật; thích biểu dương võ lực để giải quyết mọi xung đột; ưa hài hước, lãng phí, tự đắc.
Xứ đâu thị tứ bằng xứ Kinh Cùng,
Tràm xanh củi lục anh hùng thiếu chi.”
(Sơn Nam, Tìm Hiểu Đất Hậu Giang & Lịch Sử Đất An Giang, Nhà Xuất Bản Trẻ, 2003, tr. 48-49)
Thắng Cảnh Hà Tiên
Nói đến Hà Tiên người ta thường nhớ ngay đến “thập cảnh” trong thơ Mạc Thiên Tích. Nhưng đó chỉ là 10 cảnh đẹp xưa theo Mạc Thiên Tích. Ngày nay ngoài 10 cảnh đó Hà Tiên còn có nhiều cảnh đẹp khác. Hầu hết các thắng cảnh đều trải dài theo con đường ven biển như Bãi Dương, Hòn Trẹm, Hòn Chông, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, Hang Tiền, Núi Mo So, Núi Tô Châu, Thạch Động, v v . . .
Nhà thơ Đông Hồ, người Hà Tiên, đã có những nhận định đặc biệt về cảnh đẹp Hà Tiên như sau:
“Muốn đem so sánh với những danh lam thắng tích, muốn đem so sánh với những danh sơn đại xuyên, thì phong cảnh Hà Tiên thực hãy còn thua kém nhiều nơi lắm.
Nhưng mà Hà Tiên dễ yêu, dễ cảm nhiểm người, vì ở đó núi rừng không cao rậm lắm, đến cho người ngắm hải hùng, biển hồ không sâu rộng lắm, đến cho người nhìn kinh sợ. Ở đó như một cảnh giả sơn thân mật, trong hoa viên, mỗi cảnh nhỏ nhỏ xinh xinh vừa đủ để cho tầm ngoạn thưởng.
Ở đó kỳ thú thay, như hầu đủ hết.
Có một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn. Có một ít ngọn đá chơi vơi giũa biển của Hạ Long. Có một ít núi vôi của Ninh Bình, một ít thạch thất, sơn môn của Hương Tích. Có một ít Tây Hồ, một ít Hương Giang. Có một ít chùa chiền của Bắc Ninh, lăng tẩm của Thuận Hóa. Có một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, có một ít Nha Trang, Long Hải.
Ở đây không có một cảnh nào to lớn đầy đủ; Ở đây chỉ nhỏ nhắn xinh xinh, mà cảnh nào cũng có.
Phân tích được điều đó, rồi mới biết vì sao, ai đến thăm Hà Tiên, thoạt nhìn, không thấy có cảnh nào đặc sắc, mà sao lòng cứ như lưu luyến để say lòng.
Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27).
Bên cạnh thắng cảnh, Hà Tiên còn có những di tích lịch sử đáng chú ý. Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, đền thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Tam Bảo, chùa Ông Bổn, chùa Quan Đế, chùa Bà Cửu Thiên, v v . . .
Phong tục xưa của người Hà Tiên được ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí như sau:
“Kẻ sĩ biết chữ, dân siêng làm ăn, quá nữa là nghề bán buôn, còn kỷ nghệ tầm thường. Ở gần biển thì làm nghề lưới đáy, cắm đăng để bắt cá; ở gần núi thì hay bắt chim và tổ ong để bán. Người quân tử hay thích điều nghĩa, siêng việc công; kẻ tiểu nhân thì an thường thủ phận, không gian tham trộm cướp. Nhiều người hào hiệp và hay trau giồi hoa sức, đàn ông ra đường hay che dù, đàn bà con gái trùm đầu bằng khăn vải dài, con trai bới tóc hay cài khúc thoa (cái thoa cong một đầu) để cho tóc khỏi sổ; con gái trang sức sơ đạm, bới tóc thả thòng ra sau. Tính người mau lẹ, nữ công tinh xảo, hay đi thuyền giỏi nghề bơi nước, ưa nóng ghét lạnh; bệnh tật ít hay tìm thầy uống thuốc, ưa dùng đồng bóng và thầy phù pháp Cao Man. Gặp việc tang tế, lễ nghi theo nho mà cũng theo Phật. Có việc hoàn nguyện ắt đốt đèn trời; cưới hỏi thì dùng có ba lễ vấn danh, thỉnh kỳ, và thân nghinh. Tính ưa thờ Phật, những ngày tam nguyên (thượng nguyên, trung nguyên, và hạ nguyên) đều dùng hương đèn hoa quả cầu phước trước bàn Phật. Đêm nguyên đán chiêm nghiệm khí trời trong sáng thì năm ấy được mùa màng lúa thóc, hoặc khí đất trong sáng thì năm ấy được mùa ở sông biển, ấy là di tục chiêm nghiệm trong năm. Tiết đoan ngọ 5-5 âm lịch làm bánh ú có sừng để cúng tiên tổ và đua ghe; tiết thanh minh con trai con gái đi tảo mộ ông bà gọi là đạp thanh; tiết trung thu mời bạn hữu chung thưởng trăng thu, đêm trừ tịch thì thắp đèn suốt đêm gọi là “thủ tuế”. Còn tục thổ dân thì mỗi năm cứ đến tháng ba là sắm đèn hương hoa quả đến cầu phước ở chùa Hồ Tự rồi ba ngày sau có cuộc hội ẩm gọi là “hạ tuế”. Tháng 8 có lễ rước nước, tháng 10 lễ đưa nước, giống như thổ tục ở An Giang.” (tr. 85-86)
Các lễ hội của dân Khmer.
Dân Khmer có hai điệu múa phổ biến: múa ăn ong và múa lên tổ. Múa ăn ong rất phổ biến ở vùng Bình An, Dương Hòa, Phú My, nơi mà nghề lấy mật ong và sáp ong rất thịnh hành trước kia. Múa lên tổ được tổ chức trong những buổi cúng tế trị bệnh, rất phổ biến ở vùng Xà Ngách, Tà Xăng, Tà Phô, Bà Lý.
Có hai lễ hội đặc biệt của đồng bào Khmer: lễ OK-OM-BÓC và hội ĐUA GHE NGO. Lễ OK-OM-BÓC là lễ cúng trăng và đút cốm dẹt, diễn ra vào ngày rằm tháng 12 theo Phật lịch (15 tháng 10 âm lịch). Hội đua ghe NGO được tổ chức cùng lúc với lễ Ok-Om-Bóc. Thường được tổ chức tại ngả ba sông Tắc Cậu, quận Châu Thành.
Món ăn Hà Tiên
Hà Tiên có nhiều món ăn ngon rất độc đáo: Canh mấm tràm, vịt nấu tiêu, món móc cá, món giả cầy, canh cà na nước, cơm cơi buôi, món cà xỉu móng tay, nham cua, cá xào lăn.
Hà Tiên có các thứ bánh dân gian rất đặc biệt: Bánh óc, bánh lọt xiêm, bánh thốt nốt, bánh trứng sam, bbánh chài, cốm chùi, chè hột me.
Các nhóm đảo trong Vịnh Thái Lan thuộc tỉnh Kiên Giang
Đặc điểm quan trọng trong vùng biển Tây Nam là sự hiện hữu của rất nhiều hòn đảo. Có trên một trăm đảo lớn nhỏ chia làm 6 nhóm quần đảo và các đảo lẻ: nhóm Hải Tặc, nhóm Bà Lụa, nhóm Nam Du, nhóm Hòn Khoai, nhóm Phú Quốc và An Thới, nhóm Thổ Châu và những hòn đảo khác nằm rải rác đơn độc như Hòn Nghệ, Hón Tre, Hòn Rái, Hòn Chuối, Hòn Đá Bạc.
Đảo lớn nhất là đảo Phú Quốc, diện tích 568 km2, rộng hơn quốc gia Singapore, dài 52 km, chiều rộng từ 3 đến 29 km. Phú Quốc cách Mủi Nai, Hà Tiên 46 km, cách Rạch Giá 114 km. Núi và rừng chiếm phần lớn diện tích đảo (có đến 99 ngọn núi). Vùng biển Phú Quốc là một trong những ngư trường phong phú nhất của Vịnh Thái Lan. Đánh cá và bắt thủy sản là nghề truyền thống của người dân Việt ở đây. Một báo cáo của phái đoàn quan sát về Phú Quốc gởi Thống Đốc Nam Kỳ hồi 1898 có ghi:”Đảo Phú Quốc có khoảng 500 dân đinh. Người An Nam không trồng trọt. Tất cả đều làm nghề chài lưới, rành rõi hơn mà lại sanh lợi hơn.” Từ nghề đánh cá, người dân Phú Quốc đã sản xuất loại nước mắm nổi tiếng: nước mắm Hòn Phú Quốc. Quyển Monography de la province de Hà Tiên, 1901, có đoạn ghi :”Nước mắm Phú Quốc tập trung ở Dương Đông, vừa là lỵ sở của Tổng Phú Quốc, vừa là trung tâm kỷ nghệ nước mắm của toàn Nam Kỳ”. Mỗi năm trung bình ở đây sản xuất lối ba đến bốn triệu lít nước mắm.
Rừng chiếm khoảng 85% diện tích với 929 loài thực vật, trong đó còn những khu rừng nguyên sinh thuộc hệ rừng cao vùng nhiệt đới. Các loài động vật cũng rất phong phú. Ở đây vẫn còn nhiều thú rừng như trâu, bò, heo, nai chồn, khỉ, kỳ đà, trăn, rắn.
Dân Phú Quốc gần đây sản xuật rất nhiều hồ tiêu có giá trị.
Phú Quốc không nằm lẻ loi, mà nằm trong nhóm đảo An Thới. Nhóm đảo này gôm 15 đảo lớn nhỏ ở phía Nam của Phú Quốc, khiến Phú Quốc ít bị sóng gió, và trỡ thành cảng biển lý tưởng trong Vịnh Thái Lan. Phú Quốc hiện có 60,000 cư dân sanh sống.
Lớn thứ nhì sau Phú Quốc là Hòn Rái. Hòn Rái còn có tên là Lại Sơn hoặc Sơn Rái, diện tích hơn 12 km2.
Hòn Tre, nhỏ hơn Hòn Rái, diện tích chỉ hơn 4 km2, nhưng có địa vị quan trọng, vì đây là huyện lỵ của huyện Kiên Hải.
Hòn Nghệ nằm giữa đường Rạch Giá đi Phú Quốc. Diện tích khoảng trên 4 km2 có 1,350 người sinh sống. Hòn Nghệ là một xã thuộc huyện Kiên Hải.
Quần đảo Nam Du gồm 21 đảo lớn nhỏ, trong đó có 7 đảo có người sinh sống và 8 đảo chìm, có đảo chưa có tên.
Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo lớn nhỏ. Sở dỉ có tên như vậy (cả quốc tế đều biết Iles des Pirates) vì người ta cho rằng bọn cướp biển thường dùng đảo này làm sào huyệt.
Văn Học Hà Tiên
Sau khi nhận định về phong cảnh Hà Tiên, Đông Hồ đã đi đến kết luận rằng:” Chính cũng nhờ những tính cách đặc thù đó của danh thắng, mà Hà Tiên là một miếng đất màu mỡ cho hạt giống văn chương, văn học dễ phát sinh.” (Đông Hồ, Văn Học Miền Nam – Văn Học Hà Tiên, Quình Lâm xuất bản, 1970, tr. 27). Văn chương phát sinh sớm nhất ở đây là các tác phẩm và tác giả trong tao đàn Chiêu Anh Các do Mạc Thiên Tích sáng lập hồi năm 1736. Văn đàn gồm từ 32 đến 37 người, phần lớn là người Trung Hoa, sống ở Quảng Đông và có thể chưa hề đến Hà Tiên bao giờ. Theo Trịnh Hoài Đức thì tao đàn đã sản xuất 6 tác phẩm: (1) Hà Tiên Thập Cảnh Toàn Tập, (2) Minh Bột Di Ngư Thi Thảo, (3) Hà Tiên Vịnh Vật Thi Tuyển, (4) Châu Thị Trinh Liệt Tặng Ngôn, (5) Thi Truyện Tặng Lưu Tiết Phụ, và (6) Thi Thảo Cách Ngôn Vịnh Tập. Ngoài 6 tác phẩm trên Lê Quý Đôn còn ghi thêm tập Thụ Đức Hiên Tứ Cảnh. Thụ Đức Hiên là thư trai của Mạc Thiên Tích. Cả 7 tác phẩm trên là kết quả xướng họa thi ca của hơn 40 năm hoạt đông của tao đàn Chiêu Anh Các. Rất tiếc là thời gian và chiến tranh đã làm thất lạc gần hết, nay chỉ còn Hà Tiên Thập Vịnh. Đây là nhan đề 10 bài thơ vịnh 10 cảnh đẹp của Hà Tiên:
Kim Dữ lan đào
Bình San diệp thúy
Tiêu Tự hiểu chung
Giang Thành dạ cổ
Thạch Động thôn vân
Châu Nham lạc lộ
Đông Hồ ấn nguyệt
Nam Phố trừng ba
Lộc Trĩ thôn cư
Lư Khê ngư bạc
và một bài “Hà Tiên thập cảnh tổnh vịnh” của Mạc Thiên Tích:
“Mười cảnh Hà Tiên rất hữu tình
Non non nước nước gẩm nên xinh.
Đông Hồ, Lộc Trĩ luôn giòng chảy
Nam Phố, Lư Khê một mạch xanh.
Tiêu Tự, Giang Thành chuông trống ỏi
Châu Nham, Kim Dữ cá chim quanh.
Bình San, Thạch Động là rường cột
Sừng sửng muôn năm cũng để dành.”
Nói đến Mạc Thiên Tích thì không thể không nhắc đến câu chuyện tình của ông với cô Nguyễn Thị Xuân và am tự Phù Cừ. Chuyện kể vào đêm Nguyên Tiêu năm Bính Thìn (1736), Mạc Thiên Tích mở dạ tiệc, khai trương Chiêu Anh Các. Giữa dạ tiệc có một chàng trai dáng người nho nhả thanh tú, ngâm lên 8 câu thơ:
“Đêm xuân hội mở tuần trăng mới
Đốt hỏa đèn dưa sánh quả trăng
Áo trắng thanh vân tô điểm tích
Lòng son đơn quế dải cung Hằng.
Đây Chiêu Anh Các lời châu ngọc
Kìa Quảng Hằng Cung rạng tuyết băng.
Non nước thần tiên mừng có chủ
Cỏ nhàn mừng tỏ mặt hoa đăng.”
Mến tài người trai trẻ, Mạc Thiên Tứ kết làm bạn văn chương. Nhưng người đó không phải là nam giới mà là một người đẹp giả trai. Cô tên Nguyễn Thị Xuân, người Quảng Ngãi, theo cha vào Hà Tiên buôn bán. Sợ bị cướp hại đời cô nên cô phải giả trai. Mạc Thiên Tích đem cô về làm vợ lẻ. Vợ lớn ghen, nhân khi Mạc Thiên Tích bận việc quan, bà đem cô vợ nhỏ bỏ vào trong một cái lu đậy kín lại. Cô Xuân ngộp thở, suýt chết, thì Mạc Thiên Tích vừa về tới. Trời sắp mưa to, Mạc Thiên Tích cho mở hết mấy nâp lu ra để hứng nước. Nhờ đó cứu được cô Xuân. Buồn tình cô Xuân xin được đi tu. Mạc Thiên Tích cho cất cái am ở Phù Cù cho cô tu hành. Sau này khi cô mất rồi thì có một thi sĩ (không biết tên) đã viết bài thơ:
“Ngó lên am tự Phù Cừ
Thương cho người ngọc giả từ lầu son.
Về đây nương chốn thiền môn
Tay lần chuổi hạt cho mòn ngày xanh.
Duyên xưa chẳng bận chi tình
Bụi kia chi để vươn cành hoa sen.
Nước trong không rửa đánh phèn
Cửa thiền thanh tịnh não phiền sạch không.”
Văn chương Chiêu Anh Các là văn chương chữ Hán và chữ Nôm. Sau Chiêu Anh Các tình hình bất ổn đã không cho phép có những áng văn chương tiếp nối. Mãi đến đầu thế kỷ XX, sau khi Nam Kỳ Lục Tỉnh đã trỡ thành thuộc địa của Pháp, nền tân học với văn chương, báo chí chữ Quốc Ngữ thành hình và có cơ sở vững vàng, Đông Hồ Lâm Tấn Phác mới mở đầu cho văn mới ở Hà Tiên. Tác phẩm Linh Phượng Lệ Ký của ông đã một thời làm say mê người đọc. Ông có lập Trí Đức Học Xá. Năm 1964 ông được mời làm giảng sư trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, phụ trách chứng chỉ Văn Chương Quốc Âm, chuyên về văn học Miền Nam, đặc biệt là văn học Hà Tiên.
Một trong những người do Trí Đức học xá đào luyện, và trỡ thành vợ và bạn thơ của Đông Hồ là Mộng Tuyết Thất tiểu muội Thái Lâm Úc. Bà có tập thơ Phấn Hương Rừng được giải thưởng Tự Lực Văn Đoàn. Những truyện ngắn của bà, cùng với những tuyển tập Dưới Mái Trăng Non, Nàng Ái Cơ trong chậu úp cũng rất được người đọc tán thưởng.
Đông Hồ và Mộng Tuyết là hai nhà thơ Miền Nam có mặt trong quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân.
Một nữ sĩ có tiếng khác là cô Nguyễn Thị Kiêm, bút hiệu Nguyễn Thị Manh Manh. Cô từng là Tổng Thơ Ký của hội Ái Hữu Nữ Sinh Gia Long thời xưa, từng đi diễn thuyết ở nhiều nơi về quyền của người phụ nữ, từng vẽ ra cuộc đời lý tưởng của phụ nữ Việt Nam vào giữa thế kỷ XX. Có lần cô diễn thuyết ở nhà hát lớn Hà Nội với mấy ngàn người tham dự.
Những áng văn chương, những công trình biên soạn ghi dấu sinh hoạt trí thức của người Hà Tiên không làm mất đi những bài thơ bình dân, mộc mạc của người dân Rạch Giá:
“Ở Hà Tiên mần ăn không khá
Anh về Rạch Giá anh bán cá mòi
Thương nhau không được ngỏ lời
Nước trôi thăm thẳm biết đời nào nên.”
“Chiều trông về núi Tô Châu
Thấy em gánh nước trên đầu giắt trâm.
Trâm đồi mồi tóc em em giắt
Mắt anh nhìn thương thiệt là thương.
Dãi dầu một nắng hai sương
Tóc em vẫn mượt mùi hương vẫn còn.”
“Tóc quăn chải lược đồi mồi
Cải đứng chải ngồi quăn vẫn còn quăn.”
“Gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn
Con sông Giang Thành chổ cạn chổ sâu.
Thăm em anh phải bắc cầu
Lội sông sợ ướt cái đầu hết duyên.”
“Bậu lỡ thời như giặc Hà Tiên
Giặc Hà Tiên người ta còn đánh
Bậu lỡ thời như cánh chim bay
Cánh chim bay người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
. . .
Bậu lỡ thời như lưới giăng ngang
Lưới giăng ngang người ta còn cuốn
Bậu lỡ thời ai muốn bạn đâu.”
Sorry, dài quá, ráng đọc nghe Sư mẩu.
Thi sỉ Đông-Hồ
Thân thế & sự nghiệp
Đông Hồ sinh tại làng Mỹ Đức, Hà Tiên, nay thuộc tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Thuở nhỏ ông vốn tên là Kì Phác, sớm mồ côi cha mẹ, nhờ bác ruột là Lâm Hữu Lân nuôi dạy và đặt tiểu tự cho ông là Quốc Tỉ, tự là Trác Chi.
Lượt kê những hoạt động chính:
• Năm 1926 - 1934: Đông Hồ lập Trí Đức học xá chuyên dạy Việt ngữ, cổ động người Việt tin tưởng ở tương lai tiếng Việt. Thời kỳ này ông cộng tác với báo Nam Phong do Phạm Quỳnh chủ trương đến khi báo đình bản (1935).
• Năm 1935: xuất bản tuần báo Sống ở Sài Gòn nhưng chỉ ra được vài chục số thì đình bản vì không tự túc nổi; ông phải về lại Hà Tiên sinh sống và chuyên nghiên cứu văn học miền Nam.
• Năm 1945: tham gia kháng chiến chống Pháp một thời gian, nhưng sức yếu, ông rời Hà Tiên trở lên Sài Gòn.
• Năm 1950: Ông sáng lập nhà xuất bản Bốn Phương và nhà sách Yiểm Yiểm Thư Trang.
• Năm 1953: Ông xuất bản tập san Nhân Loại để yểm trợ cho nhà xuất bản và nhà sách nêu trên cho đến giữa năm 1964, tất cả mới ngưng hoạt động.
• Năm 1964: ở ẩn tại Quỳnh Lâm thư thất thuộc ngoại ô Sài Gòn.
• Năm 1965: ông được mời phụ trách môn Văn học miền Nam tại trường Đại học Văn khoa Sài Gòn.
Ông mất ngày 25 tháng 3 năm 1969 (tức 8 tháng Hai năm Kỷ Dậu) lúc đang đứng trên bục giảng cho sinh viên bài thơ "Trưng Nữ Vương" của nữ sĩ Ngân Giang[2].
...
Nử sỉ Mộng-Tuyết thân thế và sự nghiệp:
Mộng Tuyết (9 tháng 1 năm 1914 ở làng Mỹ Đức, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - 1 tháng 7 năm 2007 tại Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang), tên thật Thái Thị Úc, là một nhà văn, nhà báo, nữ sĩ. Mộng Tuyết ký nhiều bút hiệu khác như: Hà Tiên cô, Nàng Út, Bách Thảo Sương, Bân Bân nữ sĩ, Thất Tiểu Muội. Mộng Tuyết là thành viên của nhóm “Hà Tiên tứ tuyệt” gồm: Đông Hồ, Mộng Tuyết, Lư Khê và Trúc Hà.
Văn nghiệp
Năm 12 tuổi, Mộng Tuyết bắt đầu tập làm văn ở Trí Đức Học Xá của thi sĩ Đông Hồ. Các sáng tác trong thời kỳ này, sau được tập hợp với nhan đề Bông Hoa Đua Nở đăng ở Nam Phong tạp chí năm 1930. Năm 1939, Mộng Tuyết được bằng khen về thơ của Tự Lực Văn Đoàn với thi phẩm Phấn hương rừng. Bà bắt đầu nổi tiếng từ đó. Năm 1943 bà in chung với Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương tập thơ Hương xuân, tuyển tập thơ nữ đầu tiên ở Việt Nam.
Thơ, tùy bút, truyện ngắn của bà thường đăng trên các báo: Tiểu thuyết Thứ Năm, Hà Nội Báo, Con Ong, Đông Tây, Trung Bắc Chủ Nhật, Tri Tân, Gió Mùa, ánh Sáng, Nhân Loại.
Tuy viết nhiều thể loại, nhưng Mộng Tuyết được biết chủ yếu như một nhà thơ. Thơ của bà, như Hoài Thanh, Hoài Chân từng nhận xét:
"Còn thơ, hoặc nhẹ nhàng dí dỏm, hoặc hàm xúc lâm ly, hoặc nhớ nhung bát ngát, hoặc xôn xao rạo rực, tổng chi là lời một thiếu nữ, khi tình tự, khi đùa giỡn, khi tạ lòng người yêu. Người xem thơ bỗng thấy lòng run run như khi được đọc thư tình gửi cho một người bạn: người thấy mình đã phạm vào chỗ riêng tây của một tâm hồn, trong tay như đương nắm cả một niềm ân ái." (Thi nhân Việt Nam, NXB Văn Học, 1988, tr.331)
Trong Văn thi sĩ Tiền chiến, Nguyễn Vỹ đánh giá:
" Nhất là văn xuôi, Mộng Tuyết viết rất ngọt ngào, chải chuốt, ảnh hưởng nhiều bởi những chuyện Tàu...Thơ của Mộng Tuyết cũng khác thơ Đông Hồ, nó gói ghém nhiều thi tứ hơn, ý nhị hơn"
(NXB Văn Học, 2007, tr.405)
Tự điển Tác gia Văn hóa Việt Nam khen ngợi:
"Thơ bà chuẩn mực, trong sáng, hồn nhiên đượm vẻ ngọt ngào như tiếng nói dịu dàng của những cô gái có học nơi khuê phòng...
Khởi đi từ Nguyễn Thị Hinh (bà huyện Thanh Quan), Đoàn Thị Điểm, Tương Phố... đến Mộng Tuyết... Tất cả đã để lại cho đời những vần thơ nho nhỏ mà trác tuyệt..." (NXB Văn Hóa-Thông Tin, năm 1999)
Cám ơn nhà nghiên cứu QH,dài như đuôi sao chổi ,ai mà đọc nỗi...thôi từ từ ,đêm qua nằm mơ thấy ông MẠC CỬU hay MẠC THIÊN TỨ đi tắm biển HÀTIÊN với NGỦ LONG TIÊN NỮ,hèn chi sáng nay lên Trang thơ thấy luôn cả sư phụ Đông Hồ...
SM sáng tác bài thơ hay quá, có lẻ đây là bài thơ hay nhất từ trước tới nay (có đúng không NT?)Cân đo được ánh trăng và tình không phải là chuyện ai cũng làm được ! và so sánh tình nhẹ như ánh trăng soi thì tuyệt kỷ rồi!
Nhưng mà dù cho tình nhẹ như ánh trăng vẫn "giờ xa nhau, sao đành!". Phước thay cho ai đó nhận được tình cảm nầy!
Cám ơn Thiên Thanh và Phượng Các lắm lắm, thấy các thi sĩ của Trang Thơ ngẫu hứng cảm tác những vần thơ Trăng khi ngồi ở bến Đông Hồ nên SM cũng mon men một chút cho có mặt nhưng quả là múa rìu qua mắt thợ thôi. PC có cười thầm không khi cho đó là bài thơ hay nhất từ trước đến giờ của SM ,vì chỉ có một thì lấy đâu hai mà so sánh, chớ có phân tích nữa mà trật lất đó. Hồi trước SM có dạy môn Vật lý nên thấy chột dạ về cái vụ cân đo so sánh này rồi, tập làm thơ ví von điệu đàng , thế nào cũng có người cười rồi...
Đất Hà Tiên nghìn năm một thuở,
Bến Đông Hồ rộng mở tay chào.
Trăng tròn vằng vặc trên cao, (TLB)
Chén trà dịu ngọt ngàn sau nhớ hoài. (NS)
Hỏi lữ khách đường xa có ngại,
Hồn thi nhân năm cũ ghé mời?
Bóng thuyền thấp thoáng ngoài khơi, (LTV)
Đông Hồ sông nước thuyền (chơi) bến nào? (PH)
Trăng sáng quá khiến em thầm bảo,
Chàng ở đâu sao mãi lặng thinh?
Ánh trăng soi muộn riêng mình, (SM)
Em dang tay nhặt như tình mong manh. (SM)
TC;
Làm thơ có người đọc là vui rồi. Đọc rồi bình mà bình đúng thì thật như đem hạnhphúc đến cho người làm thơ - thứ hạnhphúc mà Nuyễn Du phải mong đến 3trăm năm sau xem có không đó.
Câu cuối của bài thơ ghép, chutxíu không biết Bạn SAO lấy ở đâu, nhưng nếu đổi hai chữ NHẶT NHƯ thành HỨNG MỘNG thì có vẽ tha thiết và hợp tình, lý hơn.
Em dang tay hứng mộng tình mong manh.
Đang chờ đọc thơ văn, xem hình chuyến "Qui khứ" của các bạn trang thơ. (đi ké đó)
Thưa bạn thơ Chút Xíu,
Ba khổ thơ ghép song thất lục bát đó thì mỗi khổ chỉ có 2 câu đầu do s@ nghĩ ra, còn 2 câu sau thì cố gắng dùng nguyên bản của các tác giả và s@ có ghi chú tên kề bên.
Riêng khổ thơ cuối, do SM chỉ làm thơ 5 chữ nên s@ cố gắng chuyển thành thể lục bát cho phù hợp với toàn bài thơ.
Nhặt ánh trăng soi muộn
Nhẹ như tình mong manh !
s@ chuyển thành thể lục bát:
Ánh trăng soi muộn riêng mình,
Em dang tay nhặt như tình mong manh.
Câu thơ lục bát nầy,s@ lấy ở trong đầu mình ra thôi.
Các bạn thơ ơi, NT hình như đang bị Sao Đại Quả Tạ chiếu mạng hay sao ấy !? Bệnh hoạn rồi lại vừa mới bị ăn trộm thuỗn mất bảng số xe !!! Hu ... hu ... nên chữ nghĩa bay lên trời hết mất tiêu rồi ....
NT ơi ,
Chia buồn với NT nghe ,thôi làm bài thơ MẤT đi dể mọi người cùng vào COMMENT chia xẽ nỗi mất mác ấy
là sẽ vơi đi phần nào !
CÀ MAU
Đứng nhìn đất mũi Cà Mau,
Hồn lâng lâng cảm, sắc màu quê hương.
Xa xôi cách trở dặm trường,
Bao lần mơ ước tận tường nước non.
Nước mình chữ “S” thon thon,
Nghìn năm dấu ấn triện son vẩn còn
Dẫu cho sông cạn đá mòn,
Tình yêu đất nước vẫn tròn trước sau.
Người đi chớ vội quên mau,
Quê hương mình đó, đậm câu khoan hò,
Về miền ruộng lúa thơm tho,
Cánh đồng bất tận, con đò đêm trăng.
HP 2/ 2010
QH ơi,
Thêm giùm huyền thoại HÒN PHỤ TỬ đất HÀ TIÊN để bà con đọc cho vui!
Các bạn thơ oi,Lá Thu Vàng máy bị hư sao đó ,nhờ ThiênThanh vô giùm bài thơ sau đây
Gởi bạn Sao
Sao kia rõ thật là hay!
Đem thơ ngũ nữ làm ngay một bài
Vầng trăng soi sáng thôn đoài
Khiến người trong cảnh..u hoài tình quê
Hợp tan trăng nước đê mê
Đông Hồ bến ấy..lê thê bến tình!
lathuVàng
Cám ơn các bạn ghé bến ĐôngHồ và tức cảnh làm thơ
Dường như mạng Internet của VN ngăn chặn không cho lướt các blog rồi!
Khi vào các blog vẫn mở ra được, nhưng khi click vào comments, sẽ hiện ra một bảng tiếng Tây.
Click vào dòng chữ Continue to this website (not recommended) có nghĩa là vào website nầy không an toàn. Nhưng tất nhiên blog nầy là bồ nhà nên cứ an tâm, không có vấn đề gì đâu. Vẫn có thể vào các comments nhưng cửa sổ phía trên sẽ hiển thị màu đỏ. NO STAR WHERE.
Có điều muốn chắc ăn nên lận lưng một IT pro cho an toàn khi có sự cố bị virus xâm nhập.
Thân chào các bạn thơ,
Cuối cùng thì trang thơ cũng chịu mở,để mình có dịp cám ơn mọi người đã quan tâm tới bến Đông hồ qua các vần thơ vui,và đặc biệt thêm các hiểu biết về Đông hồ.
Tuy đã ké TT vô được vài câu,nhưng ltv cũng muốn "nhắn nhe" vài dòng tới bạn Sao:
Người này quả thật là kì
"Sắp"thơ thiên hạ làm thơ của mình
Tôi đây nghĩ tới chút tình
Bắt đền không nỡ,làm thinh không đành
Ông trời ở chốn non xanh
Xử sao cho ổn bên mình bên ta
Kẽo không có kẻ ngân nga
Vần thơ trác tuyệt chính là của Sao
Chính danh quân tử đi nào...
hà hà !
Bắc thang lên hỏi ông trời
Thơ rao trên mạng ai người không sao
Không tài đâu dễ được nào
Xếp thành vần điệu ngọt ngào như thơ !
Năm nàng MA NỮ xa xưa
Giờ đây sống giữa bài thơ tuyệt vời !
Trước tiên, thành thật xin lỗi LTV vì đã trích một câu thơ trong bài Trăng Đông Hồ mà không xin phép trước. Đó là một bài thơ có tựa đề và có tên tác giả đàng hoàng. s@ tui đã vi phạm công ước Berne về bản quyền tác giả rồi.
Nếu không vừa lòng lời xin lỗi nầy, thích kiện ra toà thì cũng đành phải ra hầu thôi. Còn những câu lục bát của những bạn thơ khác nằm trong comments, kể như một câu nói theo điệu văn vần thôi. Khi trích ra, s@ có ghi tên tác giả kề bên rồi chắc cũng chẳng ai phiền. Không vấn đề gì. Khoẻ re!
Đây chỉ là bài thơ ghép cho vui để Trang thơ mình thêm sắc màu, kỷ niệm một chuyến rong chơi nơi xứ lạ của các tiên nữ Trang Thơ. s@ nghĩ những người có liên quan khi đọc lên chắc sẽ mỉm cười cho cái ý tưởng của anh chàng nầy.
Ba khổ thơ song thất lục bát không có tựa đề, không có tên tác giả. Nó giống như một bài thơ dân gian truyền miệng có người góp nhặt được mà post lên TT để tạo không khí vui chung thôi.
Nếu tim bạn có màu hồng,
Chắc là bạn thấy thực lòng của tui.
Mấy chữ chỉ ghép cho vui,
Để ghi kỷ niệm chuyến xuôi Nam Kỳ.
Một nàng ở nước Huê Kỳ,
Sư Mẫu sát nước quốc kỳ “cờ hoa”.*
Hai nàng ở chỗ phe ta,
Một nàng trên tít non xa cùng về.
Chung vui tình cảm tràn trề.
Năm mười năm nữa chẳng hề quên nhau.
Cuộc đời có được là bao?
Giận hờn chi nữa tổn hao thân vàng.
s@ tui có chút ngỡ ngàng,
Bài thơ không tựa chẳng màng ký tên.
Hay là chắc tại mình quên,
Không xin phép trước đành lên hầu toà.
Toà ơi! Toà chớ có tha,
Anh chàng kỳ cục, phạt ba mươi hèo.
Cho chừa cái tật trèo đèo,
Thơ người mà cứ nói leo thơ mình.
Hì…hì…
*Ngôn ngữ trào phúng VN gọi nước Mẽo là “đất nước cờ hoa”.
s@ đâu sao chép thơ ai,
Chỉ là trích dẫn một hai câu…tình !
Tiếng con cu đất gáy ngoài kia vẫn dồn dã vọng tới, nhưng sao lòng mình không còn yên ả nữa.
DĨ HOÀ VI QUÝ !
ANH HÙNG XA LỘ mà hình như đang chuẩn bị XUỐNG HỒ ! CHÚC MỪNG !
Biết ngay mà, thế nào NS cũng nói câu này cho coi. SM vốn khâm phục sát đất các tài xế xe Honda đủ loại ở VN, ai cũng là một Anh Hùng Xa Lộ thứ thiệt ( anh Tư S, LTV, TLB và Cỏ Xanh thì hẳn rồi nhưng Vivu cũng đạt danh hiệu ngay tức khắc từ tháng Tư năm ngoái ), riêng SM thì chỉ Vịn vai và Ôm eo người chở là tài, rình rình thấy ai rảnh rang là chụp liền nhờ một cuốc, không phân biệt già trẻ lớn bé, ốm cao gầy mập... Định "mà mắt" bạn bè chút , đứng rất cẩn thận chụp ké , coi xe như của mình chớ trong bụng cũng sợ, lỡ xe ngã xuống thì làm sao mà chống nổi chứ nói chi tới chuyện xuống hồ. Không khéo mà chạm vào chiếc xe có gắn bộ phận báo động thì lại mắc công rầy rà làm quen với chủ xe .
SM chưa biết tin này hả ,một ngày nào đó VN sẽ chế tạo xe gắn máy chạy trên hồ ,nhất là ở miền tây chỗ nào cũng có sông ,kênh ,lạch,
nên người ta cho xe chạy trên nước luôn cho lẹ ,để khỏi phải đi qua mấy cái cầu khỉ cheo leo ,ngó xuống thì chóng mặt ,ngó lên thì...rớt...
Lần sau về nhớ học lái để ..đi chơi khỏi phải ôm eo ai hết !
Theo điều 10 Công ước Bern về quyền Bảo vệ bản quyền của tác giả:
Được coi là hợp pháp những trích dẫn rút từ một tác phẩm đã được phổ cập tới công chúng một cách hợp pháp, miễn là sự trích dẫn đó phù hợp với những thông lệ đúng đắn và không vượt quá mục đích trích dẫn, kể cả những trích dẫn các bài báo và tập san định kỳ dưới hình thức điểm báo, với điều kiện những tác phẩm đó không phải là những tác phẩm mà tác giả đích danh giữ bản quyền.
Khi sử dụng tác phẩm như đã nói ở các khoản trong Điều trên đây phải ghi rõ nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu có.
Như vậy là s@ không vi phạm Công ước Bern.
Xin rút lại lời xin lỗi
Post a Comment