Wednesday, October 24, 2012

THÁNG MƯỜI HOA CÚC



































17 comments:

Suong Mai said...

Quanh quẩn lại vườn nhà, SM bước ra sân sau nhìn chậu Cúc vàng khoe sắc. Chia sẻ cùng các bạn chút hình ảnh tháng mười của mùa thu xứ người sắp đến.

ngansau said...


CÚC ĐẠI ĐOÁ HAY MẪU ĐƠN?
GỞI CHO NS. CÁM ƠN.

vivu said...

Hôm nay vào Trang Thơ,
SM làm Thơ bằng hình ...
(cảm nhận là như vậy !)
Xuyên suốt 15 tấm ảnh , mỗi tấm đều cho mỗi cảm nghĩ khác nhau ...(vivu phải click vào mỗi tấm , thì hình sẽ lớn ra, chiếm trọn màn hình computeur )

Và đồng ý với tác giả về tấm hình được đóng khung cẩn thận, dùng chữ Tinh Khôi để diễn tả ,không biết có đúng không ?

Chợt dưng nhớ đến hồi trai trẻ :
" Áo Nàng vàng anh về yêu Hoa Cúc "
"Áo Nàng xanh anh mến lá sân trường"

Nhưng mà Hoa Cúc ngày xưa và Hoa Cúc TT có sự khác biệt , bèn vào Google search thì mới thấy Hoa Cúc ngày xưa ...

và ...Hoa Cúc ngày xưa ở đây :

http://my.opera.com/0oHoamaitrango0/blog/hoa-c

Suong Mai said...

Chuyện làm thơ bằng hình, cái sáng kiến thật lãng mạn và ngộ nghĩnh , quả thật SM chưa nghĩ ra điều ấy mà chỉ rung động trước sắc hoa rồi lưu lại bằng hình ảnh. Chữ Tinh Khôi mà Vv tặng cho tấm hình ấy rất ưu ái và trân trọng, SM cho rằng ấy khi những cánh hoa còn e ấp, ấy là giai đoạn đẹp nhất của đời hoa. Tuy không rõ lắm nhưng SM biết có rất nhiều loại hoa Cúc, trên TT là giống Cúc Đại đóa, cánh kép nhiều lớp, nếu nở bung hết thì đường kính khoảng trên dưới 10 cm. Người cho giống hoa có dặn rằng mỗi cành chỉ để một hoa thôi cũng đủ trĩu cong cành, đừng tiếc mà hãy ngắt đi hết những nụ hoa bé còn lại. Tiếc là không có tay trồng Cúc nên từ 7 màu khác nhau lúc đầu nay chỉ còn sót lại Vàng và Đồng đỏ thôi. Loại cúc nhỏ sấy khô làm trà SM cũng thử mấy hộp rồi nhưng loại rượu huyền thoại “ Hoàng hoa Tửu “ theo Đường Thi “ Thu ẩm Hoàng hoa Tửu “ thì biết đến qua các bài viết hay sưu tầm mà thôi.

songkim said...

Chà! điệu này phải ghé qua nhà Trang chủ để tận mắt ngắm hoa từ vườn trước ra vườn sau mới được.
Không biết cô SM có welcom không?
Tối nay coi CNN thấy cảnh Superstorm đang tàn phá NJ và NY city. Không biết nơi anh QH cư ngụ ra sao?
Bầu bì tới nơi rồi mà tai ương như vậy thì không biết ông Obama hay ông Romey, ông nào lo lắng hơn ông nào đây?

quehuong said...


Cám ơn Anh SK hỏi thăm..nhưng No Star Where vì chổ QH "tạm cư" cách xa New York mấy ngàn cây số lận.

Nhân khi Anh có ý đi thăm vườn hoa của Trang Chủ, và đây cũng là lúc mùa Thu đang "nở rộ". Anh nên đi gấp vì hoa Cúc không chờ Anh lâu đâu nghen.

Nhớ viết bài 'tường trình" về việc đi ngắm hoa của cô Trang Chủ nha.
Tiện đây có mấy hàng nói về Hoa Cúc cho vui.

QH

Hoa cúc có nhiều loại, cúc vàng, cúc trắng, cúc tím, cúc vạn thọ (còn gọi là cúc lỗ tai chuột), cúc Nhật, cúc đại đóa...nhưng, hình như các họa sĩ, nhà thơ, nhà văn chỉ cảm khái khi ngắm nhìn hoa cúc vàng rộ nở. Thôi Hiệu, một thi sĩ Trung Hoa đời Đường đã làm bài thơ tứ tuyệt tả hoa cúc như sau:

"Bách hoa phát, hề ngã nhất phát

Ngã nhất phát thường giai trác lạc

Yếu dữ Tây phong nhất chiến trường

Mãn thân phi tụ hoàng kim giáp..."

Tạm dịch:

"Trăm hoa đua nở, cúc chưa về
Giờ cúc nở rồi hoa lại đi
Đối mặt gió Tây, bày một trận
Toàn thân vàng rực ánh xiêm y..."

Nhà thơ tả hoa cúc như một viên tướng xuất trận, đối mặt với gió Tây mà phô trương cái đẹp của mình. Và hoa cúc là một loài hoa độc lập, mùa Xuân trăm hoa đua nở chỉ thiếu mỗi hoa cúc, nhưng khi cúc khoe sắc vàng rực rỡ thì không còn có loài hoa nào chịu ở lại để mà ngắm nhìn toàn thân một màu vàng rực trước "Tây phong" của hoa cúc! Âu cũng là...thiếu sót của các loài hoa. Nhưng biết làm sao bây giờ nhỉ? Vì khi tạo hóa tạo ra các loài hoa thì đã ban cho chúng một sắc đẹp riêng, một cõi trời riêng và một mùa riêng để "phô phang" vẻ đẹp trước muôn loài. Hoa cúc thường chỉ nở vào mùa Thu, bởi thế mới có câu:

"...Đua chen Thu cúc, Xuân đào.
Lựu phun lửa Hạ, mai chào gió Đông..."
(Bích Câu kỳ ngộ!)

Hay trong bài hát "Thương quá Việt Nam" của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, có câu

"...hoa cúc vàng trên sân anh, xinh như áo mới em ngày nào..."

Trong ca dao xưa cũng có nhắc đến hoa cúc như một mở đầu cho một lời thăm hỏi của người con xa xứ:

"Cúc mọc bờ ao kêu rằng cúc thuỷ
Sài Gòn xa, chợ Mỹ không xa
Viết thư thăm hết nội nhà
Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em!"


Lời ca dao mộc mạc, chân tình của một chàng trai xa quê nào đó, mượn hoa cúc để "nhập đề" lá thư gửi về thăm "phụ mẫu" nhưng sau đó là "thăm em" một cách hết sức tế nhị và...dễ thương.

Đã có những bức họa về "hoa cúc" nổi tiếng của các họa sĩ Trung Hoa, đủ thấy người ta yêu hoa cúc nhường nào! Nói chung, hoa cúc luôn là đề tài cho các tao nhân, mặc khách khi thưởng hoa dưới nguyệt, khi ngắm hoa nở trước gió Thu về...Ở các vùng, miền có khí hậu ôn hoà một chút hoa cúc có thể nở quanh năm, như Đà Lạt chẳng hạn! Còn ở miền Tây Nam bộ hoa cúc thường chỉ được trồng và bán vào mùa Xuân để mọi người có thể mua về ngắm hoa, thưởng Tết, nhưng có một loại cúc gọi là cúc vạn niên hay cúc dây, mỗi khi ra hoa thường kết thành từng chùm rất lâu tàn. Một chậu cúc trồng lâu có thể cho ra hoa đều đặn "bốn mùa, tám tiết" chứ không bị giới hạn bởi mùa Thu, đem trồng trên lầu hay trên sân thượng cúc dây có thể ra hoa và rủ dài từ trên xuống, nhìn rất đẹp!
Mỗi mùa hoa cúc nở là những cô, cậu học trò lại thấy trong lòng nao nao với bao cảm giác, bao xúc động, vì hoa cúc nở báo hiệu mùa thi và mùa tựu trường sẽ đến theo từng cơn gió mát đầu Thu...Và khi mà câu thơ:

"Áo em vàng, anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường..."

vẫn còn trong hành trang tuổi học trò, thì hình ảnh hoa cúc sẽ mãi mãi là bất tử!

sao... said...

MỘNG KHƠI

Hoa cúc vàng ơi! Hoa cúc ơi!
Sắc hoa nhung nhớ ngợp bên trời
Ở đây không có mùa thu tới
Chẳng thấy hoa cười buổi sớm mơi

Áo lụa ngày nào theo gió cuốn
Bỏ tôi ở lại ngó mây buồn
Tháng mười hoa cúc nơi xa lắm
Hiu hắt mây chìm mưa cứ tuôn

Chạnh nhớ có lần theo gió xuân
Cúc vàng tươi tắn sắc thanh tân
Giữa mùa vui tới hồn thơm ngát
Rộn rã tình tôi theo bước chân

Tết còn xa lắm, xuân chưa tới
Lá vàng mỏi mệt cánh chơi vơi
Ai đem rực rỡ bày trong gió?
Những tưởng Xuân về, hóa...mộng khơi!


s@...

coxanh said...

Nhìn những bông cúc SM post lên, cx thấy rất vui, vui vì được ngắm hoa đẹp, vui vì thấy kỹ thuật chụp ảnh của bạn đã vững vàng.

CX rất thích màu vàng của hoa cúc, ngày xưa nhà cx hay trồng 2 loai cúc, đó là cúc vạn thọ và loại cúc bông nhỏ dùng để pha trà. Cả 2 loại cúc này rất dễ trồng, chỉ cần một nắm bông khô vãi xuống đất , khoảng 2 tháng sau là bông nở rộ đầy vườn, tha hồ mà ngắm và thu bông phơi khô làm trà cho ba uống và vạn thọ cho mẹ thắp nhang và đi lễ phật.Mẹ cx bảo cúc vạn thọ là loại hoa tượng trưng cho sự chung thủy vì cả hoa và cây không lìa nhau cho đến lúc chết.

Nói về rượu cúc thì cx thấy mẹ hay hái những bông cúc nhỏ, loại làm trà, để nguyên bông tươi, rải mọt lớp bông một lớp đường phèn xay nhuyễn, bỏ vào lọ đạy kín lại. Khoảng tháng sau, lấy ra vắt lấy nước cốt, mỗi lần uống rượu bỏ vào ly rượu một chút...còn Hoàng Hoa Tửu thì chẳng biết thế nào? việc này phải nhờ đến QUÊ HƯƠNG thôi.

quehuong said...

Cỏ Xanh ơi,'Về câu hỏi của Bạn thì QH chịu thua, chỉ biết Hoàng Hoa Tửu là rượu được ngâm với hoa cúc vàng.

Chử Hoàng Hoa Tửu được nhắc trong bài thơ:

Trong "ẤU HỌC NGŨ NGÔN THI" có bài thơ như sau:

"Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm Hoàng hoa tửu
Đông ngâm Bạch tuyết thi"

Dịch nghĩa:

Mùa xuân đi du ngoạn nơi hoa cỏ thơm
Mùa hè thưởng ngoạn ao sông màu lục
Mùa thu uống rượu Hoàng hoa
Mùa đông ngâm thơ của nàng Bạch tuyết .

Gần đây "các nhà nghiên cứu" còn tìm thấy Bà Hồ Xuân Hương có 2 bài thơ nói về Hoa Cúc, QH trích đoạn theo đây đễ các bạn cùng xem:


HỒ XUÂN HƯƠNG VÀ HOA CÚC:

TRÍCH BÀI VIẾT CỦA GIÁO SƯ Phạm Trọng Chánh
Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện Đại học Paris V Sorbonne.

..
Cùng với ba bài thơ Khóc Tử Minh còn có hai bài thơ Vịnh hoa cúc, tả cảnh hoa cúc làng Nghi Tàm vào mùa thu, đây là những việc thật hàng ngày trong đời sống Hồ Xuân Hương.
Hai bài thơ Vịnh Hoa Cúc có lời dẫn như sau:

“Bây giờ vào tháng 9, cuối thu. Trăng sáng gió trong. Thật là cảnh tượng thái hòa. Hai cô đi chơi ngoạn cảnh ngoài vườn, rảo chân đến đường hoa. Có nhiều cúc lắm, tựa hồ như cúc kính đang còn. Đẹp mắt, vui lòng, hai cô cùng cười mà lấy tay bẻ hoa giắt vào mái tóc, đồng thanh ngâm lên thành hai bài thơ.”

VỊNH HOA CÚC
Bài I

Chấp cả hàn phong, xiết cả sương,
Trước rào sum họp tấm bào vàng.
Yêu vì vãn tuyết hương càng lạ,
Lẫn với phàm hoa sắc cũng thương.
Đào Lệnh nòi xưa nghe chữa hết,
Tây Thi giống trước hãy còn ương.
Yêu hoa nên hóa người say tỉnh,
Rượu chén hoàng hoa ngẫu những hương.

Chú thích:
• Đào Lệnh và Tây Thi là hai giống cúc. Đào Lệnh là Đào Tiềm làm tri huyện Bành Trạch, thi hào Đời Đường, khi ông về ẩn trồng cúc và sáng tác nhiều bài thơ về hoa cúc. Tây Thi gái nước Việt thời Đông Châu Liệt Quốc, được Việt Vương Câu Tiễn dùng làm mỹ nhân kế cống cho vua Ngô Phù Sai.
• Hoàng hoa tửu: rượu ướp bằng hoa cúc vàng.

Bài II

Uẩy uẩy nhà ai đóa tuyết sương,
Loi thoi ngọc trắng nhuốm bông vàng.
Phong Lưu Bành Trạch đà xa tục,
Cốt cách Tần Châu cũng khác thường.
Phố lão đã nhàm ba lối cũ,
Thoa quỳnh thử đánh một chồi ương.
Rồi đây thử ngẩm thu về đó,
Hương ấy hay là có khác hương.

Chú thích:
• Uẩy uẩy: tiếng xưa có nghĩa là rực rỡ.
• Loi thoi: tiếng cổ nghĩa thưa thớt: Bà Huyện Thanh Quan bài Đèo Ngang: Loi thoi dưới núi tiều vài chú.
• Tần Châu: Cung nữ đời nhà Tần.
Hai bài thơ Vịnh Hoa cúc, mang phong cách trang trọng tao nhã, thời kỳ Xuân Hương trở về làm thầy dạy trẻ nơi Cổ Nguyệt Đường và sắp trở thành bà Tham Hiệp Yên Quảng. Nàng đã qua thời kỳ gió lạnh, dầm sương, trước rào hoa cúc nở rộ vàng như tấm áo long bào nhà vua. Đã vắng tuyết sương mùi hương cúc càng nồng nàn lạ lùng. Lẫn với các loài hoa tầm thường khác hoa cúc càng đáng yêu. Chuyện Đào Tiềm về quy ẩn trồng cúc người đời cứ nhắc mãi. Sắc đẹp cúc (như) Tây Thi vẫn còn ươm đến ngày nay. Vì quá yêu hoa cúc nên hóa ra người khi say khi tỉnh, nhấp một chén rượu hoa cúc còn nghe thơm ngát mùi hương.
Rực rỡ trước nhà ai, hoa cúc trắng như tuyết, thưa thớt ngọc trắng nhuốm nhụy bông vàng. ...

quehuong said...

...Phong lưu như tri huyện Bành Trạch (Đào Tiềm) đã xa thói tục. Cốt cách như cung nữ Tần Châu đã khác người thường. Nơi con phố già nua đã nhàm những con đường cũ. Ương hoa cúc như thử gieo một cành thoa bằng cây quỳnh. Rồi đây mùa thu tới sẽ về. Hương cúc sẽ sẽ thơm ngát hơn các mùi hoa khác.
Tóm lại các bài thơ Khóc Tử Minh, Vịnh Thanh Minh, và Hoa cúc. Đã nối liền Hồ Xuân Hương với người thật, việc thật làng Nghi Tàm. Phong cách và trình độ các bài thơ chứng tỏ một nhà thơ có học rộng và thuần thục như lời tựa Lưu Hương Ký của Tốn Phong. Nó cũng nói lên tâm hồn đa dạng của Xuân Hương, không chỉ làm thơ đùa bỡn, châm chọc mà có những bài thơ trang trọng, ý tứ cao sâu, tình cảm nồng nàn. Tầm quan trọng ba bài thơ Khóc Tử Minh, là chứng minh Lê Quý, Nguyễn Văn Đại khi chép thơ cho Antony Landes năm 1892 (Văn bản C, Đại Nam Đối thi, hiện lưu trử ở Socìté Asiatique Paris) có đến tận gia đình Tử Minh để chép thơ Hồ Xuân Hương. Những bài thơ này khó thể nhớ bằng ký ức được, mà theo một văn bản đương thời. Thơ “truyền khẩu” Hồ Xuân Hương, không còn là thơ chép theo người đời truyền tụng như ca dao, mà chép theo những văn bản có thật tồn tại cho đến cuối thế kỷ 19. Nó chứng minh được Hồ Xuân Hương ngoài những bài thơ tình lãng mạn còn có làm “thơ quỷ” (theo Tốn Phong, theo Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến), “thơ ngâm dỡn khúc” (theo Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San, trong Xuân Đường Đàm thoại). Ngược lại với quan niệm ông Trần Thanh Mại, từ nay nên xếp thơ gọi là truyền khẩu vào loại thơ tác giả vô danh, tôi sẽ suy xét từng bài thơ bài nào là dị bản của Vua Lê Thánh Tông, người mà Xuân Hương xem như bậc thầy, và bài nào chính xác của Xuân Hương qua những văn bản cổ nhất, và trả lại cho Xuân Hương những bài thơ nguyên tác, không bị thói đời dâm tục thích “sửa đổi lời ca”.
*Phạm Trọng Chánh
Tiến sĩ Khoa học Giáo dục Viện Đại học Paris V Sorbonne.

Phạm Như Thương Bmt said...

NT đọc bài thơ Mộng Khơi của bạn thơ s@ ... Sao nghe như âm vang chùng xuống, dẫu chữ nghĩa vẫn còn ăm ắp điệu thơ ?

"... Áo lụa ngày nào theo gió cuốn ..."
Biết làm sao níu lại tình si
Hay thôi trả lại ... chừng đã muộn
Đã lỡ hoa vàng cúc biệt ly

Suong Mai said...

SM chia sẻ một bài đọc tình cờ trên Net


Đi tìm HOÀNG HOA TỬU

Trong dịp trùng phùng đầu năm, chúng tôi được thưởng thức loại rượu huyền thoại này qua bàn tay thực hiện của nghệ nhân trà Viên Trân. Ở trà quán của chị, giữa vô vàn loại trà lại xuất hiện một loại rượu độc đáo nhất được chưng cất từ hoa cúc theo công thức bí truyền của gia đình từ trăm năm nay.
Một lần thưởng thức hoàng hoa tửu ở chốn này, giáo sư Trần Văn Khê đã xúc động viết bài đề tặng rằng: “Tuy không phải là một người thích và sành uống rượu, tôi lại được cái may là nếm qua các loại quý tửu của nhiều nước trên thế giới. Hoàng hoa tửu đối với tôi là một thứ rượu huyền thoại đã biết qua bài cổ thi nhưng chưa bao giờ được thưởng thức ngoài đời.
Tối hôm nay, khi tuổi đời sắp đến 90, lần đầu tiên trong đời tôi mới biết đến hương vị hoàng hoa tửu. Chung rượu bằng sứ trắng được thêm vào màu vàng lợt trong trẻo có chút bọt đọng lại phía trên vừa làm đẹp mắt, vừa thúc giục tôi nếm thử một loại rượu ngon mà tôi chưa từng được nếm. Khi chung rượu đến kề môi, một mùi hương nhẹ nhàng của hoa cúc mùa thu thoảng lên. Miệng tôi nếm hoàng hoa tửu, một vị ngọt nhẹ nhàng thấm trên đầu lưỡi, rồi lan nhẹ vào vòm miệng.
Rượu không mạnh lắm đến làm tê cả lưỡi, nhưng đã làm mềm cả môi. Khi ngậm lại, một mùi hương cúc thoảng nhẹ làm rung động khứu giác. Uống chung thứ nhì, để thẩm định hương vị của hoàng hoa tửu, nhận xét cảm tưởng của mình, rồi lại uống chung thứ ba, thấy trong người lâng lâng không phải vì rượu mạnh mà vì hương vị quá đặc biệt do người Việt Nam chưng cất theo truyền thống gia đình”.

Suong Mai said...

Vậy hoàng hoa tửu có điểm gì đặc biệt?
Tất nhiên rượu được chưng cất từ hoa cúc, nhưng giữa bạt ngàn chủng loài cúc thì chỉ duy nhất cúc vàng (kim cúc) được chọn lựa để cất rượu. Hoa kim cúc chỉ lớn hơn chiếc khuy áo, sắc vàng tươi rói, đẹp và thơm dịu dàng như ướp mật. Nếu cúc trắng thơm nhẹ mang vị đắng lẫn cay, còn cúc vàng đại đóa cay nhiều hơn đắng thì vị ngọt và chất đắng ẩn thật nhẹ nhàng của kim cúc được xem là thích hợp nhất để cho ra rượu (hoặc trà) có hương vị thanh tao.
Chọn hoa đã công phu, song để nấu được rượu, nghệ nhân còn phải chuẩn bị mọi thứ hết sức cầu kỳ. Hoa cúc vườn nhà tự tay vun trồng thường có hai mùa hoa là cúc xuân và cúc thu. Những bông cúc nở rộ, khỏe mạnh được hái sát cuống để tránh vị đắng từ thân cây, sau đó phơi trong bóng râm để luôn tươi màu (không sấy khô vì như vậy làm mất đi chất mật và hương thơm). Nước mưa thì phải hứng và trữ từ năm trước.
Có một triết lý âm dương khá độc đáo trong cách chưng cất loại rượu này. Nếu chọn hoa cúc mùa thu thì chưng cất bằng nước mưa mùa hạ năm trước để mẻ rượu ra lò có âm – dương hài hòa. Nếu là cúc mùa xuân thì nhất định phải dùng nước mưa trữ từ mùa thu năm trước.
Nước mưa trữ qua năm còn là cách để gạn đục khơi trong, mất đi độ chua để mẻ rượu thanh ngọt vị hơn. Những giọt rượu vừa hình thành còn được “đi qua” một lớp hoa khô trước khi chắt vào bình. Sau đó, rượu được hạ thổ, bởi càng chôn cất lâu năm thì men rượu càng đằm, hương càng thơm.
Theo nghệ nhân Viên Trân, dường như tâm tình trong chén rượu mỗi mùa có khác nhau. Rượu mùa thu thường mang chất âm trầm nhiều hơn, trong khi rượu mùa xuân lại mang nhiều khí dương, rộn ràng tươi mát.
Đó là tâm tình của chén rượu hay cảm giác chủ quan của người uống? Điều đó quả là khó phân định.
Chỉ biết rằng khi sắc rượu vàng tràn chén, lòng người tự nhiên thanh thản lạ thường. Dù rượu hay trà thì hầu hết đều tùy mùa, tùy loại mà dùng từng loại chén khác khau.
Uống hoàng hoa tửu phải dùng chén trắng miệng rộng mà cạn để mắt tận hưởng được sắc rượu vàng nhẹ nhàng ôm trọn từng hoa cúc bung xòe, còn mũi thì ngửi rõ hương hoa cúc thơm ngát và môi nhấm nháp được vị cay.
Uống hoàng hoa tửu cũng có nhiều cách thức. Uống từng chung như nâng chén tiêu sầu là cách để thưởng trọn vẹn một loại rượu ngon, nhưng cũng có thể chỉ nhấp môi vài giọt rượu thơm để thấy hương và vị cay nồng của rượu lan tỏa dần, chếnh choáng.
Có người lại thích nhấp từng ngụm thật nhỏ, giữ thật lâu trong vòm miệng để cảm nhận chất rượu nhẹ nhàng. “Ẩm tửu” vẫn được xem là thói quen của những tao nhân mặc khách từ ngàn xưa là vậy. Vốn dĩ những giọt cay nồng ấy ngon hay nhạt, vui hay sầu cũng đều bởi cách thức “ẩm” của mỗi người mà nên…

July 19, 2011 by wohim

sao... said...

Hoàng Hoa Tửu

Lão Ngoan Đồng


- Một cách ngắn gọn, hoàng hoa tửu (rượu hoàng hoa) là một loại rượu có nguồn gốc từ Trung Hoa, nấu cất bằng gạo nếp và hoa cúc vàng (hoàng hoa), để người sành điệu uống vào mùa thu.
Cho nên trong Đường thi mới có bốn câu:

Xuân du phương thảo địa

Hạ thưởng lục hà trì

Thu ẩm hoàng hoa tửu

Đông ngâm bạch tuyết thi...


Nghĩa là: mùa xuân du ngoạn vùng đất cỏ thơm, mùa hè ngắm ao sen xanh mướt, mùa thu uống rượu hoàng hoa, mùa đông ngâm thơ tả tuyết trắng.

Đi vào chi tiết, trước hết cũng cần phải nói cho rõ: “hoàng hoa tửu” không có gì dính dáng tới địa danh “Hoàng Hoa” của Trung Hoa. Địa danh “Hoàng Hoa”, theo sử Trung Hoa, là nơi mà vào thời Chiến Quốc và đời Đường, quân Trung Nguyên thường giao chiến với rợ Đột Khuyết và rợ Nhu Nhiên.

Còn hai chữ “hoàng hoa” có nghĩa là hoa cúc vàng, thì được sử dụng để chỉ việc “đi lính thú” (tương tự “đi quân dịch” ngày nay), và khi đi với chữ “tửu”, có nghĩa là “rượu hoàng hoa”.
Cả hai trường hợp sử dụng đều có cùng nguyên nhân: tới mùa thu ở bắc bán cầu, hoa cúc vàng nở rộ.

Ngày xưa ở Trung Hoa, con trai không cần biết sinh vào ngày tháng nào, khi đủ tuổi đi lính thú, thì cứ tới tháng 9 âm lịch, khi hoa cúc vàng nở rộ, là phải lên đường. Vì thế, thời kỳ đi lính thú gọi là “hoàng hoa”. Dần dần, “hoàng hoa” còn mang nghĩa bóng là nơi xa xôi, hiu quạnh.

Trong Kinh Thi, chương “Hoàng hoàng giả hoa” chép:

Người đi lính thú hay đi sứ phương xa nhớ nhà làm thơ “hoàng hoa”.

Trong Chinh Phụ Ngâm có câu:

Xót người lần lữa ải xa,
Xót người nương chốn hoàng hoa dặm dài.


Trong bài “Như Tây nhật trình”, viết về chuyến đi sứ sang Pháp của mình, Trần Đình Lượng cũng có câu:

Đường mây sớm dục sứ trời,

Pha-ri (Paris) muôn dặm mấy nhời hoàng hoa.









sao... said...

Nói về rượu hoàng hoa. Như đã viết ở trên, rượu hoàng hoa (hoàng hoa tửu) không dính dáng gì tới địa danh “Hoàng Hoa”, mà chỉ có nghĩa là loại rượu nấu cất bằng hoa cúc vàng (hoàng hoa), cho nên theo đúng nguyên tắc căn bản của văn phạm, hai chữ “hoàng hoa” viết thường chứ không viết hoa, trừ trường hợp được sử dụng như danh từ riêng, chẳng hạn “Hoàng Hoa Hội”, “Hoàng Hoa Quán”, v.v...

Nơi phát xuất của rượu hoàng hoa là Trung Hoa, không biết đích xác có từ thời nào, nhưng một khi đã được nhắc tới trong Ngũ Kinh thì phải xưa lắm.

Trước khi viết về cách nấu cất rượu hoàng hoa, xin được lạm bàn về câu “Thu ẩm hoàng hoa tửu” trong Kinh Thi. Tại sao mùa thu lại uống rượu hoàng hoa? Theo sách vở để lại, bởi vì vào mùa thu, hay viết một cách chính xác hơn, vào tiết “Trùng Cửu” (ngày 9 tháng 9 âm lịch, còn gọi là tiết “Trùng Dương” vì số 9 thuộc dương), là lúc hoa cúc vàng nở rộ, vừa ngắm hoa cúc vừa uống rượu cúc thì không gì tuyệt vời cho bằng!

Cũng nên biết ở bắc bán cầu, mỗi năm hoa cúc nở hai lần, một lần vào mùa xuân, một lần vào mùa thu. Mùa xuân trăm hoa đua nở, thì cúc cũng chỉ là một trong “trăm hoa”, chưa kể sắc hương còn có phần thua kém nhiều loài hoa quý. Nhưng tới mùa thu, khi cây lá úa vàng, mọi loài hoa khác đã vắng bóng, thì những bụi cúc trong chậu, ngoài vườn vẫn xanh tốt, vẫn trổ hoa.

Thành thử, khi sách vở viết rằng hoa cúc nở đẹp nhất vào mùa thu, tiết Trùng Cửu, thì chúng ta phải hiểu rằng những bông cúc mùa thu ấy chưa chắc đã “đẹp” hơn, hoặc bằng cúc mùa xuân, nhưng bởi vì vào mùa thu, chỉ có một mình hoa cúc “độc diễn”, nên người ta mới có cảm tưởng hoa cúc nở đẹp nhất vào mùa thu!
(Tương tự như câu nói bình dân “Thằng chột làm vua xứ mù”. Nên lưu ý điểm hay ho nầy. s@...)

Đặc điểm nở rộ vào mùa thu của hoa cúc còn được các cụ sánh với khí tiết của người quân tử, cho nên cái thú “Thu ẩm hoàng hoa tửu” và ngắm cúc vàng càng thêm phần... chính nghĩa!

sao... said...

Tới đây, viết về công việc nấu cất hoàng hoa tửu. Người Trung Hoa vốn có truyền thống “dấu nghề”, cách nấu đậu đỏ bánh lọt, làm đậu phộng da cá, nhồi bột bánh bao, băm thịt làm xíu-mại, nhân hoành thánh..., họ còn dấu, nói gì tới cách nấu cất hoàng hoa tửu! Cho nên cách nấu cất hoàng hoa tửu của người Việt chưa chắc đã là chân truyền từ Trung Hoa.

Thế nhưng trong lĩnh vực ẩm thực, qua rất nhiều trường hợp, yếu tố chân truyền không quan trọng bằng óc sáng tạo và kinh nghiệm. Thu hẹp trong việc nấu cất rượu, như LNĐ đã từng viết trong loạt bài nói về nguồn gốc các loại rượu, rượu whiskey Mỹ (Bourbon) là do di dân gốc Ái-nhĩ-lan, vì không có lúa mạch, bèn nấu đại... bằng bắp. Ngày nay, trên trái đất này, thử hỏi còn mấy người uống rượu “whisky Ái-nhĩ-lan” chân truyền, trong khi có hàng trăm triệu người thưởng thức các loại whiskey Mỹ, như Wild Turkey, Jack Daniel’s, Jim Beam, Cougar...

Suy ra, hoàng hoa tửu của Mít tộc chưa chắc đã thua kém hoàng hoa tửu của Hán tộc!
Nhưng (lại “nhưng”), chịu ảnh hưởng văn minh Hán tộc, Mít tộc cũng học được “đức tính” dấu nghề! Hậu quả, theo lời Viên Trân, một “cô bán rượu cao cấp” trong nước (được gọi là “nghệ nhân”), hiện nay ở nước Việt Nam hơn 80 triệu dân, chỉ còn khoảng 10 gia đình biết bí quyết nấu cất hoàng hoa tửu!

Về căn bản, hoàng hoa tửu là một loại rượu mạnh, cất bằng nếp và hoa cúc vàng. Trong một bài viết được phổ biến trên internet, một tác giả nọ đã viết “hoàng hoa tửu được chưng cất từ hoa cúc”.

Viết như thế là thiếu, bởi vì nếu chỉ có hoa cúc mà thôi, khi được chưng cất sẽ thành... nước hoa (dầu thơm)! Còn muốn chưng cất rượu, bắt buộc phải có một hay nhiều thành phần có khả năng lên men (nho, ngũ cốc, trái cây...), và trong trường hợp của hoàng hoa tửu, thành phần ấy chính là nếp.

Bản dịch Anh ngữ bài viết về Viên Trân được phổ biến trên Internet viết:

“Called hoang hoa tuu, the wine is made of Indian chrysanthemums and sticky rice and buried underground in a container for six to 10 years”.

(Rượu có tên là hoàng hoa tửu, làm bằng hoa cúc Ấn-độ và gạo nếp, được đựng trong bình chôn dưới đất từ sáu tới 10 năm)

“Hoa cúc Ấn-độ” nói tới ở đây là hoa cúc vàng (hoàng hoa), còn gọi là “kim cúc”. Cũng nên biết, “kim cúc” và “bạch cúc” được người Tàu người Việt sử dụng trong lĩnh vực trà rượu, là giống hoa cúc nhỏ, chỉ bằng cái nút áo măng-tô, chứ không phải cúc đại đóa.

Đặc tính của “kim cúc” là có mùi vị thơm ngọt, còn “bạch cúc” thì thơm nhẹ và vị đắng. Vì thế “kim cúc” được sử dụng để nấu rượu còn “bạch cúc” để ướp trà.

sao... said...

Tất cả những gì chúng ta được biết về hoàng hoa tửu là loại rượu này được chưng cất (distilled) từ gạo nếp và kim cúc. Còn chưng cất như thế nào, chưng cất chung hai thứ hay chưng cất riêng rẽ rồi sau đó pha trộn - như nguyên tắc rượu mùi (vermouth) của tây phương – không ai được biết.

Thậm chí cả tới việc phơi khô hay không phơi khô hoa cúc trước khi chưng cất, hai tác giả hai của bài viết trên Internet cũng viết khác nhau (mặc dù cả hai đều nói rằng họ viết theo lời kể của Viên Trân!)

Cũng nên biết, theo nguyên tắc chưng cất nước hoa cũng như các loại rượu mùi của người tây phương, thì hoa và thảo mộc chỉ được “ủ” chứ không phơi khô....

Nói về cách thưởng thức hoàng hoa tửu, về căn bản cũng như tương tự như uống trà cúc; nghĩa là uống bằng chén sứ trắng, và bỏ một vài bông hoa khô vào.

Nhưng (lại chữ “nhưng”), thời buổi ngày nay làm sao có được hoàng hoa tửu để uống; và điều quan trọng hơn nữa là cho dù hoàng hoa tửu của “nghệ nhân” Viên Trân trong nước hiện nay là hoàng hoa tửu thứ thiệt, uống vào chúng ta có cảm thấy ngon hay không, khó lòng mà nói trước!