Sunday, July 22, 2012

NHỮNG MẢNH ĐỜI TRÔI


Buổi sáng cuối cùng trên đất  Cambodia  tôi dành nguyên thời gian cho cuộc thăm viếng một  trong 15 làng nổi của đồng bào Việt Nam tại Chong Kneas , lênh đênh trên phía tây bắc biển hồ Tonle Sap , cách thành phố du lịch nổi tiếng Siem Reap chừng 15 km. Cùng với Đế Thiên Đế Thích , đây mới chính là chủ đích của chuyến đi mà tôi hằng mong ước, thuận lợi hơn là sự có mặt của anh hướng dẫn viên bản xứ thông thạo tiếng Anh với tài xế chiếc xe Tuk Tuk rất đúng hẹn.


Cô bạn người Cambodia làm chung hãng có lần giải thích “ Tonle” nghĩa là sông, còn “Sap” coi như không có mùi vị gì hết. Riêng tôi nôm na thì cứ như hồi còn nhỏ, cái hồ lớn rộng mênh mông như biển nên gọi gộp lại   Biển hồ Tonle Sap,  cần chi thắc mắc  đến cái tên.
 Vì nhiều nguyên nhân  khác nhau nên nhiều gia đình Việt Nam đã lưu lạc tới biển hồ tập trung theo từng làng , lập nghiệp sinh sống  nhiều đời. Có ai mà không muốn được sống nơi chôn nhau cắt rốn gần gũi họ hàng anh em, mồ mả tổ tiên? Phải nương náu nơi xứ người, sống bất định , có phải người ta đã tìm thấy nơi đó một cuộc sống khá hơn chốn quê nhà trong hoàn cảnh riêng từng gia đình? Tôi không dám làm một cuộc so sánh về những nỗi khổ đau phải chịu đựng trong cuộc đời, khó  nói ai sướng hơn ai hay cùng cực hơn ai, khi mình chưa trải qua thì chưa thấm thía. Lần này có cơ hội qua xứ Chùa Tháp,  không ngần ngại mà chọn ngay biển hồ Tonle Sap, tôi chỉ ước muốn  giản dị  xem tận nơi cảnh đời trôi nổi của đồng bào mình đã ngược dòng Mekong tới  xứ người sinh sống ra sao?


Bình thường  sợ xuống nước vì không biết bơi nhưng hôm nay trong sự háo hức chờ thấy tận mắt một quang cảnh đặc biệt chưa bao giờ gặp trong đời , tôi quên bẵng điều suy nghĩ nếu có gì trục trặc trên sông nước bao la này thì mình sẽ ra sao?
Có chiếc ghe máy đang lướt gần song song trên mặt sóng . Tuy chưa đến nơi nhưng tôi cũng đoán là ba cha con anh  này là người Việt khi họ chăm chú nhìn, có lẽ họ tưởng tôi là một bà Tàu nào đó hôm nay lại xuất hiện nơi đây như vô số du khách khác.




Chẳng bao lâu thì khung cảnh sống động hơn với nhiều căn nhà nổi xuất hiện dần, tôi nhoài người sát ra mạn thuyền rồi căng mắt lên. Đang là mùa khô những căn nhà nhấp nhô giữa khung cảnh mênh mông trời nước, tôi chưa tưởng tượng được khi con nước dâng mùa mưa lũ thì sẽ ra sao để sinh tồn?





Khi thuyền chầm chậm, một cậu bé trai theo cha kẹp sát  một chiếc khác đang dừng lại, nhảy nhanh qua mời khách mua những lon nước ngọt cầm tay. Chắc là đã bán được hàng  nên vui vẻ  vẫy  tay chào tạm biệt, nụ cười em sao hồn nhiên quá, cái quần đùi đẫm nước đã bao lâu, em có thấy ướt lạnh?



 Tiến dần vào làng tôi nhận ra ngay cái nét VN của những con người đang bập bềnh trên nước với cái võng tòn teng đong đưa, chậu hoa cúc vạn thọ vàng tươi nổi bật  trước nhà. Ôi loại hoa  đậm nét quê hương Việt Nam tượng trưng cho sự tốt lành, cuộc sống phúc thọ , từ mảnh vườn quê tới phố xá thị thành không thể thiếu  mỗi dịp Tết cổ truyền. Nhớ vài hôm trước giữa một rừng hoa xuân khoe sắc tôi ít chú ý tới loại hoa khiêm nhường giản dị này nhưng hễ mua hoa cúng thì  má tôi dặn kỹ ghé hàng người quen chọn về cho bà những bông vạn thọ thiệt tươi mà đơm bàn thờ. Tôi tin rằng người chủ nhà cũng đã cắt vài cành bông để trên bàn thờ gia tiên rồi, thiệt quý cái tình quê hương gắn bó trong lòng , giữa chốn sông nước này ai bán mà mua trừ khi mình tự trồng.
 Những chiếc nón lá thân quen xuất hiện, rồi cây chuối xòe lá đón gió , mấy bụi rau thơm  làm sao mà tôi nhầm được .



Dân làng sống trên những căn nhà nổi, nhìn bên hông tựa vào các thùng phuy rỗng và những bó tre lớn làm phao. Trong sự khó khăn thiếu thốn về mọi mặt con người ta vận dụng tối đa những sáng kiến thực dụng tạo một chỗ trú ẩn sống qua ngày. Màu sơn xanh được ưa chuộng với một số căn lợp tôn, khá dài , coi an toàn có vách chung quanh.
 Một hai chiếc ghe con làm phương tiện di chuyển đồng thời cũng thả lưới giăng câu . Hình như mọi người chấp nhận  một cuộc sống an bài vì chẳng còn cách chọn lựa nào khác, vẫn lạc quan tiếp cận với thế giới bên ngoài qua các cần ăng ten TV tại những căn nhà tương đối khang trang.






Sự chênh lệch giữa  những gia đình  cũng dễ dàng nhận thấy ngay bề ngoài, nhà và ghe kết hợp người ta  làm sao mà đi thẳng lưng đây. Đêm đêm họ có ngắm ngàn sao qua mái  lợp lá rách bươm phủ lưới , bao nhiêu người trong gia đình này lom khom chia nhau một chỗ nhỏ ngã lưng ?




Từ bao lâu  nay, ngoài sinh kế chính là ngư nghiệp, một số bà con cũng buôn bán lẻ vài tiệm tạp hóa hoặc ngay trên ghe nhỏ lưu động. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng nguồn cá, trước đây nổi tiếng dồi dào nhưng bây giờ không như thế nữa , mùa nước lũ từ tháng 6 đến tháng 12 chính quyền cấm bắt cá trên biển hồ , vì quá thiếu thốn nên một số gia đình nghèo khó vẫn liều giăng lưới hoặc câu cá trộm. Người ta than vãn càng ngày lượng cá càng ít đi nhưng chắc chưa đã tường tận những nguyên nhân khách quan và chủ quan nào dẫn tới tình trạng này. Làm sao mà nguồn thông tin chính xác có thể lan tỏa tới đây trong điều kiện sống thiếu thốn nhiều mặt cộng thêm nỗi bất an, thiếu cái nhìn thân thiện của dân bản xứ?
Tôi để ý làn nước đục phù sa , hẳn  xài nước sông là chính trong sinh hoạt và nước thải ra cũng quanh quẩn đó. Chung quanh xóm ghe nghèo lục bình chen lấn vào sát , không biết có gây những bất lợi nào nhưng dù sao màu xanh cũng làm cho ánh mắt nhìn dễ chịu .  Bè, ghe cũ kỹ xuống cấp, tôi hình dung được sự  chật vật, nghèo đói- nợ nần-bịnh tật như cái vòng luẩn quẩn trói chặt không gỡ nổi. Những gia đình thiếu bóng dáng người đàn ông càng khốn khổ, lấy ai gánh vác chuyện nặng nhọc, đàn bà con nít cũng phải tìm mọi cách đắp đổi qua ngày. Họ nói sợ nhất khi mưa lũ tràn về , sóng gió lật úp chỗ trú ẩn mong manh như trở bàn tay, ăn cũng không đủ nói chi bịnh tật, mọi sự cứu giúp dù ít đến đâu cũng là niềm an ủi quên bớt đắng cay cơ cực.




Buôn bán nhỏ chất trên thuyền chèo đi loanh quanh cũng thấy nhiều hình thức, cô bán hàng chở đầy rau quả  kề sát thềm nhà gọi mời khách mua, khá nhiều mặt hàng linh tinh lặt vặt treo lủng lẳng vui mắt.




Con nít nơi đây, các em đi lại trên ghe rất tự nhiên như trên đất liền, vài em chẳng biết bắt nơi đâu mấy con rắn rồi quàng trên cổ như bạn bè thân thuộc. Các bà mẹ để con trong lòng tập trung sức nặng phía  trước chèo ghe coi rất thiện nghệ ung dung.



Và những cái thau nhôm giặt đồ trở thành phương tiện di chuyển cá nhân giản dị , điều khiển lanh tay giữ thăng bằng tài tình.



Dường như em nào sống trong cảnh khó khăn cũng khôn quá lứa tuổi, gan dạ và  nhanh nhẹn di chuyển trên sông nước, biết chèo thuyền chở khách, phụ buôn bán, đánh bắt cá kiếm thêm thu nhập giúp gia đình.





Mải mê nhìn quang cảnh sông nước tôi không để ý tới một ngôi trường tiểu học đầu tiên vừa vuột qua, dĩ nhiên là ai cũng đề nghị quay trở lại ghé thăm. Tôi không biết đối diện với trường là một “tiệm nổi” bán những món hàng đa số là dành cho học sinh, giá cả khỏi chê luôn nhắm vào khách du lịch từ phương xa tới có nhã ý mua tặng các em chút gì làm quà, mãi sau này kể chuyện lại và coi hình người bạn chụp thì mới hay.



Đập vào mắt tôi là ngôi trường màu xanh khá khang trang , có sân chơi cho các em và vài phòng học nối kết nhau bởi các bè lớn. Mặt chính của trường treo các băng-rôn với những dòng chữ TRƯỜNG HỌC VIỆT  NAM NUÔI DẠY TRẺ EM NGHÈO và những băng-rôn khác  như trong hình. Với hình thức bề ngoài như thế chứng tỏ trường được sự chú ý và  quan tâm  của các tổ chức và các nhà từ thiện. Mong là các vị hảo tâm  chia đồng đều cho các  trường khác rải rác tiếp theo trong khu vực rộng lớn này  , đừng chọn một bề mặt làm nổi thì thiệt thòi bất công cho những nơi còn lại.




Thày hiệu trưởng Trần văn Tư cùng gia đình từ Tây Ninh qua , ông cho biết hồi 1997 trường chỉ có một cái bè nhỏ, dần dần phát triển hơn có cơ ngơi như ngày nay. Các em nhỏ trước đây thất học, chỉ phụ với cha mẹ trong vấn đề sinh kế khó khăn, phần đông cha mẹ nghèo chẳng màng chi tới chuyện học hành của con cái, dốc sức đối phó với miếng ăn hằng ngày là ưu tiên một.. Chỉ có một cách trường học miễn phí hoàn toàn , cung cấp cơm ăn quần áo mặc và mọi thứ cần thiết cho một học sinh tới trường. Thậm chí các em ở làng xa có thể ngủ lại qua đêm  vào những ngày có lớp học. Lớp 5 là cao nhất , tất cả hơn 300 em học sinh . Con trai thày cũng dạy lớp như vợ của thày, nhưng bà  còn kiêm thêm khâu nhà bếp .




Các em mặc đồng phục áo trắng , quần xanh hoặc áo xanh và chen lẫn nhiều màu sắc khác. Tôi đứng lắng nghe cả lớp đồng thanh tập đọc theo sự hướng dẫn của cô giáo, tiếng học trò ê a quen thuộc như trở về từ quá khứ năm nao…Bất giác tôi chua xót nhớ tới câu hát “ Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…”, các em và gia đình sống như những cư dân tự do, chẳng  khai sinh và  giấy tờ tùy thân gì,  quốc gia nào công nhận là con dân nước  mình đâu mà mong ? Khi vừa lớn lên một chút , thanh niên thiếu nữ có khuynh hướng rời bỏ chốn này để dấn thân vào đất liền mong kiếm được đồng lương khiêm tốn. Tôi rất mong trên đất liền và biển hồ  hơn 40 làng của người Việt trên đất Cambodia này đều thành lập được lớp học để các em nhỏ được cắp sách vở  đến, trang bị chút kiến thức, khả năng cơ bản học hành. Mong sao dù chỉ là bậc tiểu học nhưng cũng xây dựng được  một nền tảng, một cánh cửa mở ra  tương lai tươi sáng  hơn cho mai sau.
Xin cám ơn tất cả mọi người đã và đang góp tay đẩy lùi sự thất học của các em nhỏ trong cái cộng đồng lênh đênh này.



Khi từ giã trường và bước chân xuống thuyền trở lại, những ghe nhỏ vây kín chung quanh, buôn bán vài nhánh chuối , các bà mẹ đang bế các em nhỏ chờ giúp đỡ, người hướng dẫn viên nói nhỏ là chưa hẳn là dân làng này, có khi từ xa mà tới. Ở đâu thì cũng vậy , cũng là người VN, trong hoàn cảnh khốn cùng lưu lạc  xứ người đều đáng thương cả.




Ngồi trên chiếc ghe bềnh bồng sóng nước, tôi thả mắt nhìn theo những đám mây bềnh bồng trôi dạt, quanh tôi nhịp sóng bềnh bồng của những căn nhà bềnh bồng đang dung chứa những mảnh đời trôi. Thốt nhiên tôi nhận ra dòng suy nghĩ của mình về chúng cũng bềnh bồng không định hướng. Có một chút chua xót cho những phận đời ấy. Có phải là tôi đã thương vay? Chắc không hẳn là vậy!
Đáng lẽ tôi tiếp tục đi thêm vài làng nữa nhưng thời gian còn lại  không cho phép, những điều muốn biết thì đã biết, đã thấy để hiểu rành rẽ là mình quá may mắn, nên tự cắt bớt những lời than vãn đi. Chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi là tôi sẽ rời xa nơi chốn này, mang theo những điều mắt thấy tai nghe về kể lại cho gia đình và bạn bè, chưa biết còn cơ hội trở lại nữa hay không ? Tôi khâm phục cái bản năng đấu tranh sinh tồn của giới cư dân nghèo tại những  làng nổi VN , cái  sự chịu đựng gian khổ  trong cảnh sống bơ vơ tách biệt không nơi nương tựa. Dĩ nhiên chẳng có phép màu nào làm thay đổi hẳn cuộc sống lăn lóc mỗi ngày một khó khăn hơn trên sông nước ấy , tôi hy vọng qua sự thông tin rộng rãi trên thế giới hiện nay khiến nhiều người biết tới và nếu có cơ hội thì giúp một tay làm nhẹ bớt nỗi nhọc nhằn của họ.



Tôi cũng cám ơn ban nhạc của những người Cambodia bị tàn tật vì bom mìn ngay trên xứ sở này tiễn tôi tại bến tàu. Tiếng đàn hợp tấu bởi nhiều nhạc cụ nghe còn reo vui , có lẫn âm điệu buồn nhưng không quá sầu bi. Mong các bạn có những ngày còn lại luôn an bình. Mong những người con Việt xa xứ đủ sức chịu đựng và vượt qua những gian truân, tìm được chút niềm vui , yên ổn trong cuộc sống.


SƯƠNG MAI
    2012






57 comments:

Phạm Như Thương Bmt said...

NT đọc và xem hình trong bài " Những mảnh đời trôi" rồi ... lòng bỗng ngậm ngùi và chợt nhớ đến những mảng lục bình bềnh bồng trên sông nước miền Nam!

Điều trước tiên đã làm NT thật xúc động là những hình ảnh rất thật của đời thường của những mảnh đời trôi ấy. Từ những đứa trẻ chỉ mới năm ba tuổi đến những cuộc đời đã gần đất xa trời vẫn còn mênh mông vô định; thế nhưng giữa những tạm bợ và vá víu của sinh kế, của nơi trú ngụ, họ vẫn không cảm thấy bất an và bất hạnh qua những nụ cười chân chất?! Lạ thật!

Cái bằng lòng với hạnh phúc ấy bắt nguồn từ đâu ? Phải chăng từ việc không có gì để chọn lựa hay là họ vui vì trở về sống với thiên nhiên vô hạn giữa cõi hữu hạn này, cho nên cái vô hạn đã thắng cái hữu hạn?

Họ bằng lòng sống đời như sông nước như người nông dân trên đất liền sống như hòn đất qua bao thế hệ trao truyền âm thầm: Sống như cục đất dẫu mưa, dẫu nắng vuông tròn!

Nhìn cậu bé bơi trong chiếc thau nhôm mà ngẫm ra điều hạnh phúc không tưởng được. Em không biết cái tương lai bất định của em đã an bài từ thuở lọt lòng, nên em không mơ ước một nơi chốn ấm êm hơn.

Lại thấy những ngôi nhà bơ vơ giữa mênh mông, những xóm giềng gần gũi và giống nhau ở những vá đắp chằng chịt miếng lá, miếng tôn, miếng ny lon ... để thành nơi trú ngụ. Chắc
là họ nhớ quê hương Việt Nam lắm, nên những cây chuối, rổ khoai luộc cũng đã theo dòng trôi với họ đến nơi xứ lạ quê người này.

Chèo chống hết cả đời mà họ vẫn không mỏi mê ư ... để người đi trước truyền cho người đi sau cây sào chống ghe ? Biết làm sao hơn bây giờ?

Cầu xin dòng phù sa đục ngầu của quê người nuôi họ cơm ăn áo mặc ngày hai buổi no đủ và gởi lời chúc an lành đến những mảnh đời mãi lưu lạc phương xa.

sao... said...

...họ vẫn không cảm thấy bất an và bất hạnh qua những nụ cười chân chất?! Lạ thật!

Không ạ! Và điều đó cũng chẳng có gì lạ lùng.
Nếu lấy cái bản chất của dân Nam Bộ tui mà suy xét vấn đề thì thấy mọi lẽ đời xảy ra trong cuộc sống vây quanh bây giờ thì đó là điều đương nhiên và mọi người thản nhiên chấp nhận.
Đất miền Nam bao la bát ngát nên cuộc sống và suy nghĩ của những con người nơi đó cũng tương đối bằng phẳng, không khúc mắc nhiêu khê như những vùng miền khác có non xanh nước biếc.
Tui nghĩ đa phần những con người đang sống trong những làng nổi trên xứ bạn ra đi từ những nơi chốn đồng bằng sông nước và họ đã quen nếp sống ấy từ thuở lọt lòng. Họ sống hòa mình với thiên nhiên và đi giữa thiên nhiên với một sự thảnh thơi kỳ diệu. Những câu hò bật ra từ nơi đó so với những miền khác cũng đơn giản biết bao!
Trong tâm tưởng họ đầy sự xác tín vào luật nhân quả, miễn sao trong kiếp nầy họ không làm điều gì có hại đến ai thì giấc ngủ đến với họ thật thảnh thơi, không trăn trở thâu đêm để tìm mưu hơn người.

Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc tìm được ở đâu? Tui nghĩ những câu hỏi đó không bao giờ vướng bận tâm tư họ.
Dân miền Nam có hai chữ "làm ăn". Họ chỉ biết làm để kiếm cái ăn cho no bụng mà sống. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ với họ rồi. Suy nghĩ miên man khúc mắc về những chuyện trên trời dưới đất làm chi cho mệt trí?

Unknown said...

Nhìn hết các tấm hình của SM chụp tại làng nổi Campuchia thì hình như cái làng nầy cũng giàu ra phết, không thấy người nào ăn mặc rách rưới như còn ở quê tôi hôm nay, nhà cửa cũng khang trang, và hình như họ không có nỗi buồn nỗi trôi hiện trên gương mặt !
Xem qua hết bài thì PC chỉ thấy nỗi buồn nỗi trôi của khách du xuân thôi. Dân ở đây đâu có nỗi trôi mà họ định cư trên sông nước, chỉ có khách du hành mới thấy mình....nỗi trôi.

Ngày nay dân Việt trên đất Miên ổn định lắm rồi, không như những năm 1970>1972, ai có đi qua những năm tháng nầy chắc còn nhớ.

Trang chủ năm tới về làm 1 chuyến du hành ra Bắc bằng "xe lữa bình dân" trong những ngày giáp Tết sẽ thấy đất nước mình còn nhiều chuyện đau thương hơn nhiều !

Xem chừng SM viết văn không thua gì các nhà văn ngày nay !

GO ahead !

sao... said...

Bạn thơ PHƯỢNG CÁC nói rất chí lý. Tuy tui chưa có dịp qua bên Campuchia để nhìn ngó dân tình người Việt sống tha phương cầu thực ra sao, nhưng qua những tấm hình của SƯƠNG MAI thì đâu có thấy nét mặt ai buồn bả gì đâu?
Tui nghiệm thấy mặc dù sống nơi xứ người, nhưng có lẽ cuộc sống họ cũng dễ chịu đó chớ, nếu không họ đã lai đáo quê nhà. Ở đâu cũng vậy.
Giống như tui đã viết trong bài Tây Du...Ký sự trước đây, muốn biết rõ cuộc sống của một tầng lớp dân cư phải có thời gian tương đối dài sống chung đụng với họ thì mới biết rõ ngọn ngành. Còn cái kiểu đi phớt qua nhìn ngắm như cỡi ngựa xem hoa thì làm sao hiểu thấu mọi lẽ?
Chuyện đời thì có biết bao nhiêu nỗi đoạn trường mà đâu phải ai cũng muốn tỏ lộ ra cho người khác biết trong một sớm một chiều. Thôi thì cứ cho là họ đang có một cuộc sống tương đối dễ chịu không đến nổi nào đi.
Xin đừng nhìn mặt trái của đồng xu.

Có điều, nếu nói dân Việt Nam bản xứ bây giờ ăn mặc rách rưới thì tui không đồng ý lắm. Đông Tây Nam Bắc dọc ngang ở miền nam tui cũng đi qua nhiều chỗ, nhưng tui chưa hề thấy tình trạng đó đập vào mắt mình. Thậm chí phụ nữ bây giờ đi làm ruộng còn mặc đồ bộ nói chuyện với nhau bằng điện thoại di động nữa kia. Tiến bộ lắm rồi.

quehuong said...

Mời các bạn đọc một đoạn trong bài viết: Những “khúc ruột” trôi trên dòng Tonlé Sap của Cựu sinh viên Đại Học Chiến Tranh Chánh Trị.

…Từ thành phố Siêm Rệp, chúng tôi đi xe mất ba mươi phút để đến cửa sông đào nhập vào sông Tonlé Sap , khúc sông đào này dài khoảng tám cây số. Chúng tôi bốn người, hai vợ chồng tôi và hai ông anh tôi cùng đi với nhau, thăm những người Việt sống trong những ngôi nhà nổi trên mặt sông này.
Chiếc thuyền máy băng băng qua dòng nước đục ngầu bùn, mùi nước thải có lẽ từ các ống cống thành phố xuống khúc sông đào dài này, bay vào mũi chúng tôi khá lâu. Hai bên bờ bắt đầu xuất hiện thưa thớt những ngôi nhà nổi của người Miên, khi thuyền nhập được ra sông lớn mới thấy bắt đầu có mùi cá và nhà nổi đông đúc hơn. Tôi nôn nao hỏi người lái thuyền:
“Đâu, khu nhà của người Việt đâu?”
Anh Sơn tôi, người đã đến trước đó một lần, cách đến mười lăm năm rồi, nói:
“Cứ từ từ, sắp đến rồi.”
...

quehuong said...

...Nghe anh nói từ từ, nhưng tiếng đập trong ngực tôi không chịu từ từ, những tiếng đập như có hai, ba, bốn trái tim cùng đập một lúc. Kìa cái nhà nổi đầu tiên của người Việt Nam xuất hiện. Anh lái thuyền táp thuyền sát vào cái mảng tre ở trước nhà, tôi thấy một phụ nữ trên dưới bốn mươi tuổi, nước da ngăm đen, đang ngồi trên một chiếc võng. Căn nhà không có cửa nên có thể nhìn thấy tất cả đồ đạc của gian phía trước. Một cái bàn thờ, có bát nhang, có hình Phật dán trên vách, một cái máy truyền hình nhỏ, một cái bàn thấp và một cái ghế. Tất cả đều sơ sài, giản dị.
Anh chèo thuyền nói:
“Bà hỏi gì thì hỏi đi.”
Tôi ngập ngừng một lúc, không biết mình hỏi tiếng Việt, người nghe có hiểu không? Tiếng Cam Bốt thì mình không biết, nhưng chợt nhớ ra là ở đây vẫn duy trì tiếng Việt, nên tôi vồn vã hỏi han và chị cũng vui vẻ trả lời. Chị tên Nga, bốn mươi hai tuổi, chỉ đứa con gái lên chín đang chơi ở một tấm mảng tre nổi bập bềnh sát nhà (khoảng 6 mét vuông.) Chị nói, đã ở đây hai thế hệ, mẹ chị sanh chị trên sông nước này, bà mới mất cách đây hai năm, cha còn sống, đang đi lưới. Chị cho biết hôm qua chồng chị đi bán nước ngọt cho du khách bị lính bắt cả thuyền. Hôm nay nước lớn chị cũng không muốn cho con đi học. Chị chỉ tay về phía trước, nói, đi lên độ năm phút sẽ thấy ngôi trường dạy tiếng Việt. Hỏi chị sao không lên bờ ở, có bị cấm đoán gì không? Chị nói:
“Không ai cấm lên, nhưng trước tiên là không có giấy tờ, không ai sanh ở đây có giấy khai sanh cả, người chết vì thế cũng không có giấy khai tử; thứ hai là không có tiền, làm sao mua được đất cắm lều.”
Tôi hỏi chị có bao giờ về Việt Nam chưa? Chị nói có, về thăm dòng họ; hỏi chị, không có giấy tờ làm sao đi? Chị nói đi chui (sau này khi chúng tôi từ Cam Bốt trở về lại Sài Gòn mới hiểu ra tại sao, việc khám xét giấy tờ rất kỹ.) Hỏi chị sao không ở lại Việt Nam , chị nói: giấy hộ khẩu không có, làm sao ở. Nhà nước Việt Nam đâu có chương trình cho mình tái định cư.
Tôi bâng khuâng tự hỏi: Chính phủ Việt Nam không nhận, Chính phủ Cam Bốt cũng không nhận. Chắc chỉ có những con cá trên dòng Tonlé Sap cho chị sự sống thôi.
Chúng tôi chào chị, tiếp tục đi xa vào lòng sông. Nhà cửa người Việt bắt đầu đông đúc hơn, trẻ em tuổi từ lên hai đến lên mười chơi ở trên những cái mảng bập bềnh như chơi trên sân cỏ. Chúng chạy, nhảy từ mảng này, sang mảng khác rất nhuần nhuyễn, chúng không có đồ chơi, chỉ xô, kéo nhau, thế mà vẫn nghe tiếng chúng cười rất hạnh phúc. Tôi nhìn dòng nước đục đỏ mầu đất, cuồn cuộn sóng, hỏi người hướng dẫn về những tai nạn chết đuối của trẻ em, anh ta nói:
“Chết đuối cũng có, nhưng chết vì nước bẩn, thiếu vệ sinh thì nhiều. Trẻ em ở đây hay chết vì ‘dịch tả””.

…Theo Lonely Planet dân số Việt trên đất Cam Bốt chính thức hơn một trăm ngàn người. Tổng số không có giấy tờ hợp lệ có thể từ nửa triệu đến hai triệu người, họ là một cộng đồng khác quốc tịch lớn nhất ở Cam Bốt, và cũng là cộng đồng đóng góp tích cực nhất ở Cam Bốt về ngư nghiệp và kỹ nghệ. Tuy nhiên vẫn có một sự nghi kỵ rất trầm trọng giữa Việt – Miên, ngay cả với những người Việt đã sống ở đó qua nhiều thế hệ.
Tôi rời sông nước lên đất liền, lòng chao như sóng. Hình ảnh những phụ nữ trẻ, những em bé Việt Nam sống từ đời này, sang đời khác ở biển hồ này làm tôi đau lòng. Không lẽ cứ ăn mày trên sông nước từ bé đến già sao! Ai đó đang kêu gào “Khúc ruột xa ngàn dặm” trở về, sao không vớt hộ những khúc ruột đang trôi bập bềnh trên dòng Tonlé Sap này. Hai ngàn người sống không khai sanh, lấy nhau không hôn thú, chết không khai tử đó, chắc thế nào cũng có lúc ngồi trên sóng nước mơ về mảnh đất liền của quê hương gốc mình. Khúc ruột bên trời Âu, Mỹ có thể bay mấy chục ngàn dặm về được, còn họ chỉ hơn một trăm cây số đường bộ, nhưng khúc ruột vẫn bập bềnh trên dòng Tonlé Sap từ thế hệ này, qua thế hệ khác, không bao giờ được ai vớt lên bờ cho họ thực hiện được giấc mơ về quê hương đích thực của mình. ..

Suong Mai said...

Mời các bạn coi một video đặc biệt
Người Việt ở Biển Hồ Campuchia.

Suong Mai said...

Nhìn vào bản đồ dễ dàng thấy Biển Hồ Tonle Sáp như trái tim của Campuchia, nguồn thủy sản ở đây là tài nguyên thiên nhiên lớn lao của đất nước ấy. Nếu mình là người dân nước này thì liệu có thích người của nước khác vào lấy của cải dân tộc mình không? Người Việt ta lại chịu khó-cần cù-siêng năng...có nhiều sáng kiến hay, mấy đời lập nghiệp bên đó nên dư sức biết chẳng có thiện cảm dành cho mình đâu. Bài viết mà QH trích dẫn như là một bản mẫu diễn giải tâm trạng và hiện thực cuộc sống đang diễn ra tại đó . Tinh thần dân làng bất an , NT tưởng là họ không cảm thấy hả? Sinh kế chính dựa vào ngư nghiệp, càng ngày người càng đông mà của cạn đi. Mùa mưa lũ nước dâng. cấm bắt cá trong vòng 6 tháng, liệu cách nào sống qua ngày. Dĩ nhiên là cũng có người giăng đại , hên nhờ rủi chịu, hổng lẽ khoanh tay chịu đói . Hôm SM đi vào mùa khô, dư âm ngày Tết vẫn còn, có lẽ nhờ vậy mà bà con tươi tỉnh, cất đi nỗi buồn nổi trôi trên khuôn mặt . Ngoại trừ một số coi như khá giả đi thì giới còn lại nghèo khó, mái dột vách xiêu vá víu , bè ghe xuống cấp thấy như muốn rã ra lúc nào cũng được. Thôi thì lo mà chi nếu không có cách giải quyết, bám vào bí quyết Trời sinh Voi sinh Cỏ sống qua ngày. Suy nghĩ nhiều nhức đầu lắm, xuề xòa dễ chịu hơn.
À PC ủng hộ mầm non Văn nghệ thì nói cách khác chớ so sánh với các nhà văn thì xin can nghe.

quehuong said...

Vài dữ liệu về Biển Hồ:

Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.

Tonlé Sap có nghĩa là "sông nước ngọt lớn" nhưng thông thường được dịch là "Hồ Lớn" trong các ngôn ngữ khác; "Biển Hồ" là cách gọi của người Việt chỉ sự rộng lớn của hồ nước không thấy bến bờ.
Thường thì vào mùa khô từ Tháng Mười Một đến Tháng Năm hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1 m với diện tích 10.000 km². Vào mùa mưa bắt đầu từ Tháng Sáu, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km². Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9 m, làm ngập lụt đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến Tháng Mười thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.

Vì địa thế đặc biệt với hệ thống thủy văn đổi dòng hai lần mỗi năm hồ Tonle Sap là một trong những hồ nước ngọt có hệ sinh thái đa dạng và phong phú. Phù sa cùng chất bổ từ hạ lưu bồi bổ lòng hồ nên Tonle Sap có sản lượng cá lớn đáng kể trên thế giới. Ngư nghiệp trên hồ nuôi sống 3 triệu người và cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho dân Campuchia.

Có nguồn cho rằng vì lượng phù sa đổ vào hồ, Tonle đang bị lấp cạn dần. Tuy nhiên các cuộc khảo cứu cho biết lòng hồ chỉ nhận khoảng 0,1-0,16 mm/năm từ hơn 5.000 năm nay nên nguy cơ hồ bị lấp cạn không đúng. Lượng phù sa không những không làm hại mà còn giúp ích giữ môi trường Tonle Sap luân chuyển.

Cũng vì hồ Tonle Sap điều tiết mà hạ lưu sông Mê Kông bớt nạn lũ lụt vào mùa mưa, và ngược lại vào mùa khô khoảng 50% lượng nước sông ở châu thổ sông Cửu Long là do hồ Tonle Sap bù vào.
Cách trung tâm thành phố Siem Riep khoảng 30 phút chạy ôtô.
Quanh hồ tập trung nhiều cộng đồng người Việt và người Chăm, sinh sống tại các làng nổi bên hồ.

vivu said...

Vivu đồng ý với Huynh PC là tài nghệ của SM đã bước lên hàng Ký Giả chuyên nghiệp !

Hiện nay báo mạng hay báo điện tử đang dùng hình thức này; bài viết kèm theo hình ảnh ,có những bài mà độc giả chỉ xem qua hình rồi thôi . Nhưng với tài viết của SM , thì chỉ cần một hình cũng đủ và bài viết đã dẫn độc giả đến từng chi tiết từng ngõ ngách mà độc giả đã từng nhìn qua nhưng mà …không thấy !

Nhớ lại năm xưa ,một người bạn đi xin job chụp hình cho một tờ báo , tòa soạn đưa cho một cuộn phim đen trắng và điều kiện là đưa về được 3 tấm hình có “nội dung” thì sẽ được nhận .
Đối với SM thì quá dễ , lãnh bằng tối ưu là đằng khác !

Còn về chủ đề của bài viết thì mỗi người có những cảm nhận khác nhau , đối với Vv thì cũng đã từng trải qua thời kỳ “con gì nhúc nhích được thì cũng bỏ vào bụng được”! nói chi đến giấy tờ tùy thân đến hộ khẩu , áo quần nhà cửa… nên vấn đề được nêu ra : Ta còn nở được nụ cười nào đó không ? Có một Hạnh Phúc nhỏ nhoi nào đó không ? Nhà thơ NT nhạy thật khi đề cập đến cốt lõi này – cùng một vấn đề mà nhà văn cần vài trang giấy mà nhà thơ chỉ cần vài chục chữ !

Khoảng năm 2004 (không nhớ rõ) ,một bác sĩ chuyên khoa người Úc, vợ và con đều là bác sĩ , và một hôm vợ chết - buồn – làm một chuyến du lịch về VN …
Chuyến du lịch VN đã làm thay đổi cuộc đời ông :

Đi lang thang phía bên kia Khánh Hội , ông được mời ngồi xuống một chiếc ghe sát bờ sông Saigon để lai rai vài sợi , ông thắc mắc tại sao người dân nghèo khốn khổ kia , trần xì chiếc quần đùi , nhà cửa chỉ là chiếc ghe ọp ẹp này mà sao hạnh phúc thế kia ? Ngôn ngữ bất đồng , mỏi tay quá trời …ông được dắt tới ngôi chùa gần đó có sư trụ trì biết tiếng Anh …

Trở về Úc , sắp xếp mọi công việc, đi khắp một vòng các chùa Việt Miên Lào , ông chọn một chùa Lào xuống tóc qui y …mỗi cuối tuần đều có buổi giảng pháp của Nhà sư Úc dành cho người biết tiếng Anh , và mỗi tuần dành ra hai ngày để làm công việc của Bác sĩ chuyên khoa (Pathologist) để có thêm tiền phụ giúp cho chùa nghèo .

Năm nay, 2012 , gặp lại nhà sư , hình ảnh của một Happy Bhuddha …

sao... said...

Cái câu trao đổi giữa người phụ nữ và người viết bài về chuyện Việt Nam không có chương trình tái định cư cho người Việt từng sống ở đất Campuchia trong bài trích dẫn của bạn QUÊ HƯƠNG không sát sự thật.

Tui đã có một thời gian sống chung với số Việt Kiều Campuchia hồi hương đến vài tháng trên bước đường giang hồ nên cũng biết được chút ít xin kể ra đây:
Ở Việt Nam có 2 “Làng Việt Kiều Campuchia” như tui được biết. Một ở khu vực Xóm Huế thuộc Huyện Củ Chi và một ở xã Minh Hưng nằm trên đường từ Chơn Thành qua Dầu Tiếng.
Tất cả nhà cửa được chính quyền cất sẵn phân lô như những ô vuông trên bàn cờ rất rộng rãi và ngăn nắp. Mỗi nhà có một khoảng đất thổ cư riêng đầy đủ sân vườn. Khởi đầu là những ngôi nhà mái tôle vách lá đồng loạt, nhưng dần hồi đã xuất hiện rất nhiều villa có vài chiếc xe ben, xe tải trong sân. Việc đi lại ra vào làng rất thoải mái, thậm chí tui ngủ lại nhiều đêm trong làng thời bao cấp vẫn không cần phải đăng ký tạm trú. Đa số những người đàn ông và thanh niên trong làng đều là “khách hàng” của tui nên được lôi kéo mời mọc rất trọng thị. Đó là làng Việt Kiều Campuchia ở Củ Chi có diện tích hơn 1 cây số vuông. Cuộc sống tương đối ổn định và dư dật. Con gái ở đó...đẹp thấu trời!
Còn làng Việt Kiều Campuchia ở xã Minh Hưng thì được kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn do Công An quản lý. Đơn giản là thời điểm lúc đó đang có mặt trận 779 bên Campuchia, muốn ra khỏi làng phải có giấy phép của Công An. Nhà cửa cũng được cất sẵn nhưng không được rộng rãi bằng dưới Củ Chi mà như nhà phố mái tôle san sát nhau. Đa số Việt Kiều ở đây đều có gốc là người Tiều Châu. Chắc ai cũng biết là con gái Tiều lai thì...đẹp khỏi chê!
Thậm chí tui đã mở một quán cà phê ngay đầu làng nên biết khá rõ. Bảng quảng cáo các thứ được bán của tiệm tui được viết bằng chữ Tàu do chính tui viết nghen. Thuở đó đầu máy chiếu Video là của hiếm ở Việt Nam và chỉ được coi phim lén lút trong gia đình qua những đầu máy đi thuê, nhưng tui đã được coi ở đó nguyên bộ phim Sở Lưu Hương được chiếu trong một rạp hát lợp tôle trống trơn ba bề khá lớn với 4 cái TV đông nghịt khán giả.
Hẳn các bạn cũng biết đối với người Hoa thì tết Nguyên Đán là quan trọng nhứt. Và chuyên ngày Tết phải có tiếng pháo nổ đì đùng đón năm mới như một điều cần thiết bắt buộc. Thuở đó, mỗi nhà chỉ được bán phân phối một phong pháo quốc doanh Chiến Thắng thôi, như vậy thì đâu có đã cái lỗ nhỉ. Vậy nên khu vực làm pháo lậu ở Xóm Mới Gò Vấp được canh kỹ sát sườn, cứ xuất xưởng ra khỏi khu vực là bị chớp ngay.
Tui bèn về Sài Gòn mướn một cái xe 4 chỗ chạy thẳng xuống Cái Sắn Rạch Giá mua pháo lậu đem về bán. Của một lời một tội gì mà không làm? Ông Nội ơi! Ở đó họ vô thuốc pháo để kế bên mấy cây đèn dầu leo lét, sơ sẩy một chút là...bùm liền. Tui lại có cái máu buôn lậu nên dù xác suất thành công chỉ 30% vẫn làm.
Chà! Cái Tết năm đó làng Việt Kiều Campuchia ở Minh Hưng pháo nổ tưng bừng. Công An vào cuộc điều tra coi xuất xứ của nguồn hàng lậu nầy ở đâu ra?
Vậy là tui bấm nút...biến, phải bỏ của chạy lấy người thôi.
Cũng là một trải nghiệm sống khá vui.

Phạm Như Thương Bmt said...

Nhìn đi nhìn lại hình như là NT ít được đi đây đi đó như các bạn thơ thật ! Cho nên nghe các bạn kể chuyện "ngao du giang hồ" mà phát thèm... Thôi thì mình không đi bằng chân được, thì đi bằng trí tưởng tượng vậy, biết đâu trong sự tưởng tượng ấy lại lắm điều thú vị lên tận thiên đàng vì không mơ ước thì thôi, hễ ước mơ thì sẽ là ước mơ tròn nhất !

Thien Thanh said...

Các bạn thân mến
Hôm nay ThTh vào trang thơ rất vui,sau chuyến đi dài ngày về BanMê lo một số công việc.Đi đâu cũng thấy dân mình một số đông còn rất nghèo khổ,giật gấu vá vai,kiếm ăn bữa cơm bữa cháo.bệnh tật thì khỏi nói "đầu tiên" "tiền đâu" không tiền thì lên thiên đàng hay địa ngục chơi mát thôi.ThTh thấy cảnh bệnh viện thôi khỏi nói,chắc các bạn vào mạng thì dẫy đầy,Thth có cháu bị bệnh viêm não Nhật nên ra vô thường xuyên...
Khi ra Trung phía Nhatrang càng thê thảm,thì khô cằn sỏi đá tang thương,dân tình chạy ăn từng bữa kéo cày thay trâu,trẻ em 2,3 em kéo không nổi chiếc cày..
Về phía Bảo Lộc (thuộc Đalat) cũng vậy,nói chung rất thống khổ..

Còn Trang chủ đi về hướng Tonle Shap một nơi dọc theo bờ sông tương đối còn trù phú với thức ăn thiên nhiên ưu đãi vùng sông biển mà vẫn thấy nổi trôi.Thật vậy bài viết thật xúc động cho thân phận con người.

Thien Thanh said...

Thth chỉ mới vòng vòng SG,NT,BMT,đi trên tàu xe lúc học sinh đi thi Cấp 3,Đại Học,Cao đẳng..ôi chao ôi tội nghiệp các em quá,đu tòn teng vì chuyến đi đầy ắp mà cũng tiền vé bằng như vậy..mà không lên thì lỡ chuyện thi cử,thật dỡ khóc dỡ cười,còn bị nạt nộ,phải năn nỉ ỉ ôi,thật là trái khoáy từ từ Thth sẽ kể các bạn nghe...

Còn hôm trước là bài Apsara,Thth tình cờ cũng vào chùa Miên bêb cầu Lê văn Sĩ và thấy tượng nữ thần được thờ cúng nên mạn phép làm bài thơ,nay thấy ViVu nhắc chùa Miên Lào Kampuchia nên tiện viết ra,còn hình chụp có bảng đề "cấm chụp hình" Thth chụp lén bằng Phon mà hình rất tối...

Suong Mai said...

Mừng ThTh đã về tới nhà bình yên sau một chuyến đi dài SG-BMT-NT. Càng đi nhiều thì thấy thêm nhiều điều , tốt xấu đều có cả phải không ThTh ? Từ từ kể chuyện cho cả làng nghe nhé.

sao... said...

Cái chuyện lòng thù nghịch của người Campuchia và người Việt Nam từ bao đời nay vẫn không thay đổi bởi họ vẫn cho rằng người Việt Nam đã cướp đất của họ, hễ chỗ nào có cây thốt nốt mọc thì đó là đất Miên. Lịch sử đã trôi qua rất xa, biết căn cứ vào đâu thôi thì cứ nói đại như vậy.
Ai chưa từng đi qua Núi Cấm-Châu Đốc có thể thấy những cây thốt nốt trước Lăng Ông Bà Chiểu. Chưa dừng ở đó, tui còn thấy cây thốt nốt mọc ở xã Phú Thạnh đường đi Long Thành qua ngõ Phà Cát Lái tuy trong vòng bán kính 100 km không thấy một chứng tích nào của người Khmer đã từng sinh sống. Nói thêm là đường thốt nốt làm từ nước trái thốt nốt có mùi vị đặc trưng rất thơm, nấu chè ăn cũng tuyệt hảo.
Bởi vậy cứ vài chục năm lại xảy ra một trận “cáp duồn” khiến những người Việt Nam sinh sống gần biên giới Miên cứ phải nơm nớp lo sợ. Trong tiếng Miên “duồn” là để chỉ người Việt Nam, “cáp duồn” là giết người Việt và hai làng Việt Kiều Campuchia hồi hương mà tui đã kể ở trên là hậu quả của một trận “cáp duồn” dữ dội nhứt từ trước tới giờ, trước khi xảy ra vụ Ba Chúc ở Long Xuyên-Châu Đốc trong thời gian nổ ra mặt trận 779 để tiêu diệt bọn diệt chủng Pôn-Pốt Iêng-Xary bên Miên. Có tiếp xúc được với những người Việt đào thoát được mới thấy sự rùng rợn và tàn ác đổ lên đầu những gia đình người Việt đã sinh sống lâu đời bên đó. Bây giờ thì họ “cáp duồn” dưới hình thức khác. Các Casino được dựng lên cạnh biên giới rất nhiều chỗ và cầu Gò Dầu dẫn lên cửa khẩu Mộc Bài thỉnh thoảng cũng có mồi ngon sau những cuộc đỏ đen.
Thời gian sống chung đụng với những Việt Kiều Campuchia ở Củ Chi, họ cũng rủ tui qua Nam Vang làm ăn vì dễ kiếm tiền lắm. Cũng đã hẹn hò ngày giờ để lên đường rồi chớ, nhưng suy nghĩ lại thì câu truyền miệng của người ta “vàng của Miên khó đem ra khỏi xứ Miên lắm, có đem về được rồi cũng tiêu tan”. Lại thấy cái gương trước mắt từ những người Việt Kiều ấy nên...Em chả! Em chả!

Đứng trên đỉnh Núi Cấm nhìn qua phía bên kia biên giới, đất Miên mờ mờ trên những ngọn cây xanh trông rất thơ mộng và trí tưởng tượng người ta dễ dàng bay bổng, nhưng ai cũng rõ đó là một vùng đất dữ. Những người dân hai bên biên giới vẫn qua lại mua bán với nhau những vật phẩm cần thiết qua đường tiểu ngạch cũng có mà chủ yếu vẫn là dân buôn lậu trốn thuế. Rộ nhứt là ở Tân Châu-Tân Hồng thuộc huyện Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp. Ở những vùng đó nhiều gia đình khá giả nhờ việc buôn lậu xuyên qua cơ ngơi nhà cửa của họ.
Tui đã nhìn đất Miên từ các đồn biên phòng ở Lộc Ninh, Tây Ninh, Mộc Hóa, Tân Hồng...thì chỉ thấy những “phum” nghèo khổ còn thua xa những ngôi làng quê Việt Nam, ngày ngày những người dân Miên đen đúa vẫn băng đồng vạch cỏ theo những con đường mòn qua lại mua bán, nhưng các đồn biên phòng thường ngó lơ. Việc buôn lậu qua biên giới tui đã biết từ khi còn nhỏ xíu khi 3 mặt hàng chủ yếu lúc đó hay được người Việt Nam ưa chuộng: Bình thủy Trung Cộng, dép Lào và dầu xanh hiệu Con Ó của Singapore. Nội đôi dép Lào thôi cũng đủ thấy chất lượng hàng hóa của người ta tốt tới mức nào. Đôi dép mang cho đến khi bàn chân làm khuyết mặt dép mòn tới lủng luôn mà quai dép không bị đứt.

sao... said...

Bỏ qua mấy chuyện đó, không người miền nam nào mà không biết tới khô lang phồng được làm từ con cá tra Biển Hồ mặc dù chẳng ai biết cái hồ Tonlé Sap ở bên Miên nó tròn méo thế nào.(Cái tên Tonlé Sap nầy theo tui nguyên thủy là tiếng Tây đọc là Tông-Lê Sáp, chuyển qua tiếng Anh thì cái dấu sắc biến mất rồi). Con cá tra ở đó được sinh sản tự nhiên và lớn lên bằng những thức ăn có sẵn ở Biển Hồ nên thịt của nó khi nướng lên thơm lừng, những sớ thịt màu vàng rời rạc như tan trong miệng. Phần bụng đầy mỡ của nó chảy xèo xèo trên lửa than tỏa mùi thơm khiến người ta ngon miệng có thể ăn thêm một chén cơm nữa. Lại còn con khô cá sặc lò tho của Biển Hồ nữa chớ. Nó lớn bằng bàn tay đầy thịt, nướng lên mà ăn với cơm khi ngoài trời đang lất phất mưa bay hoặc bóp gỏi với dưa leo hoặc xoài sống mà nhậu thì...ngon bát ngát luôn!
Ba tui hồi xưa thích ăn cơm với khô lang phồng Biển Hồ lắm và truyền đến đời tui cho tới bây giờ. Ông qua đời đã gần 40 năm, nhưng mỗi khi có dịp ăn cơm với khô lang phồng thì dễ gợi nhớ và tui lại nhắc cho đám hậu duệ đời sau những kỷ niệm về ông.
Bây giờ ở đây người ta cũng bắt chước làm khô lang phồng từ con cá tra nuôi hầm, nhưng con cá nhỏ hơn và chất lượng thịt thì thua rất xa con khô được bắt lên từ Biển Hồ Tonlé Sap.
Xưa kia người ta chưa biết đến kỹ thuật chích thuốc kích dục để ép cho cá tra đẻ trứng mà gây giống như bây giờ. Đến mùa sinh sản, sau khi phối giống cá cứ đẻ ra ngoài mặt nước tự nhiên đến ngày thì nở ra cá con rồi từ Biển Hồ Tonlé Sap theo con nước sông Cửu Long trôi dạt về phía hạ nguồn. Những ngư dân Việt Nam cứ canh theo con nước dùng vợt mà vớt những đám cá con đem về bán lại cho những người nuôi trong ao. Họ đổ vào hai cái thùng thiếc đựng dầu lửa hiệu Con Gà gánh đi khắp xứ để bán. Sau năm 1954, phần đông là những người Bắc di cư hay nuôi cá tra hầm bằng phân người. Những hầm cá tra trên có những cái cầu tiêu là hình ảnh quen thuộc thuở đó. Một tuần lễ trước khi bắt bán, người ta sẽ cho cá ăn cám để tẩy sạch mùi hôi trong thịt cá.
Còn đoạn sau nầy khi người ta biết đến kỹ thuật gây giống theo khoa học và nuôi bằng cám công nghiệp thì ai cũng biết nên không bàn tới, và ai cũng biết cuộc chiến cạnh tranh chống bán phá giá cá da trơn ở thị trường Mỹ đã làm người nuôi cá Việt Nam khốn đốn cỡ nào. Vài năm về trước tui cũng có nhúng tay vô chuyện nuôi con cá tra và đã kể hầu các bạn rồi.

quehuong said...

Hình như mình đang ở lẩn quẩn nửa vùng nước mặn và ngọt.Nước lờ lợ. Giống như người Việt vùng Trà Vinh, Sóc Tăng nói tiếng Miên hay Tiếng Việt (Quê tui đó nghen. Vừa Miên vừa Việt). Bên Miên thì dân Miên gọi người Việt là Duồn, Bên Việt nam thì gọi người Miên ở Việt nam là Khờ Me Krom.
Bửa nay tui chạy qua xứ Chùa Tháp,(không phải bún Tháp Chùa nghen) làm thầy tử vi chơi. Mời các bạn đọc cho vui, giải trí cuối tuần.

Chuyện vui tử vi:

LÀM THẦY TỬ VI BẤT ĐẮC DĨ TRÊN XỨ CHÙA THÁP
Tác giả: Giáo sư Hoàng Quân
Lá số tử vi của Shihanouk?
Còn thời không?
Còn về nước được không?
Lá số 4 nhà lãnh đạo xứ Khmer.

Khất cái độ nhật.

Năm Giáp Ngọ (1954) tôi đúng 15 tuổi. Ông tôi cho học tử vi, đọc đến chương nói về số ăn mày, tôi chú ý lắm. Chú ý xem đời mình có được diễm phúc đó hay không? Sau khi nghiền cả chương, tôi yên tâm, đời mình không gặp cái hạn lớn này. Nhưng khi đọc đến chúng “Khất cái độ nhật” nghĩa là ăn mày vì lỡ độ đường, tôi bật ngửa ra thấy mình quả được thiên số sắp đặt cho diễm phúc ăn mày qua đường. Cổ thư không giới hạn định nghĩa thế nào là “Khất cái độ nhật”, chỉ có mấy câu chú giải của Vương An Thạch, một đại chính trị gia đời Tống:“Ngũ tử tư tị nạn, qua sông đói khát xin cơm của người con gái giặt lụa. Hoài âm hầu (Hàn Tín) thuở hàn vi xin cơm Phiếu Mẫu. Hậu Chúa chạy loạn được người ta róc thịt vợ đãi ăn…đều do gặp hạn “Khất cái độ nhật”." Câu kinh để chỉ số tôi bị ăn mày qua đường là: “Hao ngộ Hắc Vân ư Phúc giả, vận phùng Không, Kiếp…”. Nghĩa là người có Phá Quân (Hao tinh) gặp Hoá Kị (Hắc Vân) ở cung Phúc, hạn gặp Không, Kiếp…sẽ phải ăn mày qua đường. Tôi tin tưởng rằng mình có Tử, Lộc, thủ mệnh Quyền, Đào, Hồng Thiên di, tất có ăn mày cũng ăn mày sang.

Năm 1970, vô tình gặp 3 kí giả Norman, Gilbert, và Matau. Tính số Tử vi thì 4 đứa tôi năm đó đều trải qua nạn “Khât cái độ nhật”, nên đi đâu chúng tôi cũng đi cùng, để ăn mày tập thể cho vui. Tháng 11 năm Canh Tuất (1970), chúng tôi được lệnh theo cuộc hành quân vượt biên, đánh giải toả đường số 4, Namvang đi Kompom Som. Cuộc hành quân gần chấm dứt, thiếu tá Kim Em rủ chúng tôi tiếu ngạo Thủ đô xứ Chùa Tháp cho vui. Bốn đứa nhận lời đi liền.

Lá số tử vi của Shihanouk

Sau 2 ngày ngao du thủ đô xứ Chùa Tháp, tiền hết sạch, chúng tôi lộn về Neak Lương để theo quân hồi hương. Nhưng khi đến Neak Lương thì các cánh quân về nước hết. Cuộc hành quân hết hạn trước định 7 ngày. Trung ta Định, Lữ Đoàn trưởng 369 TQLC đề nghị chúng tôi lên Nam-vang theo máy bay phái bộ Quân sự Việt Nam mà về Sài Gòn. Chúng tôi lộn lên Nam-vang, phái bộ Quân sự hỏi giấy chứng nhận theo cuộc hành quân đâu. Chúng tôi trình bày rằng bọn chúng tôi theo bộ chỉ huy qua, làm gì có giấy chứng nhận? Cũng chẳng có giấy nhập cảng, chiếu khán gì! Ông trung tá đuổi chúng tôi ra.
Tiền hết, bơ vơ trên xứ người, làm sao bây giờ. Gilbert còn được 1 tờ báo Chèque Voyaeur 10 dollar, đem đổi được ít tiền Reil, thuê một phòng ngủ cất đồ. Tôi leo lên nằm ngủ, mặc cho 3 anh em bạn đi tìm sứ quán các anh lo liệu. Tôi lăn lộn đấu tranh với con tì, con vị suốt từ 7h tối, không tí gì bỏ bụng. Ba ông bạn đi mãi không về. Tôi nằm nghĩ đến tô phở gà, cơm canh cua cá lóc, lòng heo tiết canh mà rỏ rãi ra. ..

quehuong said...

...Tôi định bò dậy tháo chiếc đồng hồ kỉ niệm kí giả Fr.Sully cho đem bán, thì 3 ông bạn tôi trở về dắt theo 4 ông người Miên, tướng mạo kỳ vĩ. Tôi hỏi Gilbert: "Có tiền không? Sứ quán giúp gì?". Bilbert sổ nho chùm nào là “sà lù” nào là “cu soong” liên hồi. Tôi thất vọng, đứng dậy chào bốn ông khách Miên. Tôi nói tiếng Pháp, nhưng các ông nói tiếng Việt rất sành sỏi vì trước đây các ông có học ở Sài Gòn. Ông đeo kính dáng người phúc hậu nói rằng, hồi học ở Việt Nam, ông có coi Tử vi. Nay gặp Norman tại sứ quán Hoa Kỳ, Norman giới thiệu người bạn VN coi tử vi hay lắm…nên tìm đến nhờ coi. Tôi nghĩ, khi học Tử vi ông tôi bảo rằng : “Theo đúng cung số, sau này sự nghiệp, công danh tôi đều hơn người, phải nghiên cứu tinh tường về phá cách mà giúp đời. Cấm không được coi Tử vi làm kế sinh nhai”. Bây giờ khi gặp đường cùng, thì đánh cá lấy tiền, không trái lời ông tôi, mà cũng không đến nỗi chết đói, tôi đáp:
- Tôi coi Tử vi không lấy tiền. Nhưng thú thật vì ham chơi hết tiền, nên từ sáng đến giờ nhịn đói. Bây giờ chúng ta đánh cuộc.
- Đánh cuộc gì?
- Nếu tôi gọi ra đúng nghề nghiệp, vợ con, anh em, vận hạn của các ông, các ông cho anh em chúng tôi 4 vé may bay về nước.
- Chúng tôi sẵn sàng. Nhưng xin các ông hứa cho một điều rằng sau này đừng tiết lộ tên chúng tôi lên trên báo.

Ba ông bạn tôi ngồi ngay ngắn lại, với vẻ tự đắc ăn chắc. Ông khách người gầy đeo kính trắng tự giới thiệu là Kim, 3 ông kia là Sang, Út, Srey. Tôi biết tên giả nhưng không quan tâm cho lắm. Ông Sang đưa cho tôi lá số thứ nhất, sinh ngày 6 tháng 5 năm 1922, lúc 20h, tôi mở lịch đối chiêu ra tra: Tuổi Nhâm Tuất, tháng 4 ngày 10 giờ Tuất, tôi bấm tay rồi nói:
- Thưa ông lá số này là của người khác, không phải một trong 4 ông.
- Tại sao?
- Thưa ông, người này Tả, Hữu thủ Mệnh tại Mùi, chung thân phúc hậu, đa tài, đa năng. Dáng người hơi đậm đà. Được tam hợp minh châu, mắt sáng, thanh kỳ. Nhất là Đào, Hỉ chiếu, da dẻ hồng hào, đẹp trai lắm. Vì có lưỡng Lộc tương hợp nên võ lược siêu quần lắm. Công danh rất sơm : 20 tuổi tức năm 1942 đã leo lên địa vị tột đỉnh, nhờ hành vi bất chính. Nhưng từ 20 đến 30 tuổi Lương, Nhật, Đào, Hoá Lộc bị Triệt che lấp không giao huy được với Tả, Hữu, Nguyệt, Lộc tồn. Lại bị Không ở Thiên di xung phái, nên không có thực quyền. Từ năm 30 trở đi, Không ở Thiên di bị Tuần che lấp, mà triệt giảm hoại nên Lương, Nhật, Đào, Hoá Lộc giao huy được với Tả, Hữu, Nguyệt, Lộc tồn, nên vang danh bốn biển. Vị tới bậc Bá.
Ông Kim ngắt lời: - Bậc Bá là thế nào?
- Quyền uy bao trùm nước mình, còn có uy lực khống chế lân bang nữa.
Cả bốn ông đều kêu lên: - Giỏi.
- Vì có Đào, Hỉ, chiếu ngộ Tả, Hữu nên người này còn là nhạc sĩ hay hoạ sĩ lãng mạn nữa.
Đến đây ông Srey đề nghị: Tôi thấy ông “nói hơi yếu quá” , có lẽ đói rồi. Đề nghị 4 ông về nhà tôi ở. Qua mồng 2 Tết có chuyến bay, chúng tôi sẽ tiền các ông về.

Làm Thầy số bất đắc dĩ

Nhà ông Srey ở đường Monivong, trong một biệt thự khá lớn. Chúng tôi được ở trong 2 phòng sang trọng, tắm rửa ăn cơm chiều xong, bốn ông khách bốc tôi lên sân thượng. Đây là vườn kiểng nhỏ, trên đó đã bày đủ bánh kẹo trà. Ông Sang hỏi:
- Ông có thể cho biết thêm về lá số ban nãy không?
- Người này Phúc vô chính diệu trong có Kiếp, Phục ngoại triều Lương, Nhật, Khôi, Việt. Sự nghiệp lên đến tột đỉnh rồi đổ vỡ. Năm 20 tuổi hạn ở Hợ gặp Nguyệt, Lộc, Hỉ. Đại hạn ở cung Phúc vô chính diệu. Mệnh ông ta có Tả, Hữu gặp tên ăn cướp Kiếp, tên lừa đảo Phục, tất Tả, Hữu chỉ huy 2 tên bất lương này làm bậy mà thành danh. Đại hạn ở cung Phúc, âm cung, ông ta lừa đảo, làm hại bên họ ngoại mà cướp quyền. Năm nay Canh Tuất, lưu Thái Tuế có Địa Võng. Đại hạn cung Tí gặp Kình, Hình, tiểu hạn Thất Sát tại Thiên La. Đáng lẽ chết kia đấy. Song Tả, Hữu gặp cơn nguy tự cứu được, chỉ mất nghiệp thôi, mất vào tháng 4 dương lịch vừa qua. Theo tôi hiện chỉ có ông Norodom Shihanouk.
...

quehuong said...

...Bốn ông vỗ tay khen giỏi, mở rượu ra mời bọn tôi uống, Gilbert là tên đại tham ăn vì nó Tân Mùi, có Cự môn thủ mệnh tại Mão. Nó hết “sà lù”, “cu soong” mà uống rượu ăn bánh không ngừng. Ông Srey lại hỏi:
- Liệu Shihanouk có về được không?
Bấy giờ quân “Tây” mới lật lên, tôi đáp thực:
- Năm nay 49 tuổi, đại hạn ở cung Tý có Kình, Hình. Từ năm 1973 trở đi sang đại hạn Cự, Đồng ngộ Không, Vong, hết thời rồi. Có về cũng chỉ là bù nhìn mà thôi.
Bây giờ ông Sang mới tiết lộ:
- Tất cả những điều ông nói về Shihanouk đều đúng. Ông ta là nhạc sĩ, rất lãng mạn, có nhiều nhạc phẩm giá trị. Năm 1941 ông ta 20 tuổi, đang học ở Sài gòn ông ta đi đêm với toàn quyền Decoux. Nên khi vua Sisowath Monivong chết, Decoux phế Thái Tử Monireth mà lập cháu ngoại của vua là ông ta lên ngôi từ năm 1941. Đến 1952 tức 30 năm đầu ông ta làm bù nhìn. Từ 1953 tới nay, ông ta tuy thoái vị 1955, nhưng lên làm Thủ tướng, rồi Quốc trưởng trọn đời. Có lần ông ta tổ chức liên hiệp các dân tộc nhược tiểu Đông Dương, do ông ta lãnh đạo. Vị quả tới Bá như ông nói.

Lá số của 4 nhà lãnh đạo Campuchia hiện giờ.

Trong bọn 4 đứa, tôi ít tuổi nhất, năm ấy mới 32 tuổi. Nhiều tuổi nhất là Norman. Y chín chắn biết lo xa, nói:
- Bây giờ bốn ông vào nhà biên niên canh chung vào một tờ giấy. Sau đấy đưa cho bạn tôi. Anh ta sẽ chỉ rõ ông nào là chủ niên canh thứ nhất, thứ 2, thứ 3, và thứ 4. Sau đó đoán vận hạn, anh ta đoán sai một câu, chúng tôi mất 1000 reil (tương đướng với 5000 VN bấy giờ). Ngược lại đúng một câu quý vị mất 1000 reil.
Ông Srey rất hào phóng:
- Bọn tôi mất gấp 4 lần.

Bốn ông bỏ xuống nhà ghi chép canh niên vào tờ giấy đưa lên. Tôi mở lịch đối chiếu tìm ngày âm lịch, bấm tay là số thứ nhất: Tuổi Đinh Mão (1927) tháng 5 ngày 24 giờ Ngọ: Thiên Lương thủ mệnh tại Tý, đắc cách Ngật Nguyệt tranh diệu, Quyền, Lộc phi tiễn, cát tinh phù có Tả, Hữu, Khúc, Khoa, Quyền, Lộc, thêm Lộc tồn cư Thiên di. Vì tuổi Mão, đắc cách Đào, Hồng cư Tý. Tôi biết đây là lá số ông Srey vì chỉ có ông mới có hình dáng phúc hậu như vậy. Cái cánh Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương, mà có một Tả, một Hữu, thêm hai Lộc. Hoặc là Tả, Hữu thêm một Lộc thế nào cũng là Bác sỹ. Đây ông ta có đủ Tả, Hữu, Lộc Tồn, Tam Hoá, tất còn lãnh đạo y sĩ nữa. Tôi tính kỹ rồi nói :
- Thưa ông Srey, ông là bác sỹ. Đậu Y Khoa năm 26 tuổi. Năm 32 ông đậu Thạc sĩ. Năm nay bác sỹ đang lên Khoa trưởng Đại học Y Khoa, hoặc Tổng trưởng vì tiểu hạn Cơ, Âm tại Thân, tam phương đủ Tam Hoá, Đào, Hồng.
Ông Srey gật đầu:
- Chịu thua ông, đúng cả 4 câu.
Ông móc túi đưa Norman 16 000 reil.

Tôi bấm lá số thứ 2: Tuổi Kỷ Tị (1929) tháng 10 ngày 21 giờ Ngọ. Thái Dương thủ Mệnh tại Tị, gặp Thái Tuế, Đà, Kiếp, Không đắc địa. Được cách giáp lộc, bộ Tả Hữu, Khoa ở cung Tài. Kinh nghiệm xem cho các bậc quản trị tài sản Quốc gia cỡ lớn thường giáp Lộc. Mệnh, Quan có Văn tinh làm văn, có hung tinh làm võ. Tôi nhìn qua, biết đây là lá số của ông Sang, nói với ông:
- Thưa Đại tá, lá số thứ 2 là của Đại tá. Đại tá hiện làm Giám đốc Nha Quân nhu, hay Tài chánh. Đại tá mới thăng cấp đây, đại hạn tại Sửu: Tả, Hữu, Khoa, tiểu hạn ở Tý có song Lộc chiếu. Tương lai Đại tá làm tướng.

Ông Sang gật đầu:
- Chịu thua !
........

Khoa Học Huyền Bí Xuân Ất Mão (1975)
(Còn 2 lá số nữa, mà tạp chí bị mất trang)

_________________
"I just haven't met you yet" :D

Phạm Như Thương Bmt said...

NT nghe bạn thơ s@ nhắc đến "khô lang phồng" và " khô cá sặc lò tho" mà NHỚ rồi THÈM ! Cái xong rồi tưởng tượng đến mùi thơm của "hai món khô quý" ấy ! Chưa nướng lên cũng đã thơm rồi... Mấy chục năm rồi đâu có thấy lại màu vàng ươm của miếng khô cá tra, thấy con khô cá sặc đầy thịt dầy cui, mềm mềm và khi nướng lên thì mỡ cá tươm ra hấp dẫn... xé ra trộn với xoài tượng bầm sợi... hì... hì... dzô !
Cá khô hồi xưa không mặn lè mà lại ngọt thịt lắm.
Ở bên này lâu lâu được món quà ở quê nhà gởi qua là cá khô thì "cưng" hết biết ! Ăn liền và bữa cơm cá khô ấy sẽ không ăn kèm theo món gì khác hết cả... để thưởng thức trọn vẹn mùi hương và vị mằn mặn rất đằm của nó
Đôi khi thèm quá, NT cũng đi chợ xứ người, mua cá khô sặc, chứ không có khô cá tra đâu, về ăn đỡ ghiền thôi, chứ sao nó thiệt là khô khốc, mỡ màng đâu mất tiêu hết và lại mặn chát !
Biết làm sao bây giờ?

Phạm Như Thương Bmt said...

Còn về xem tướng số, NT thắc mắc là trên toàn thế giới, nếu có nhiều người sinh ra trùng giờ như nhau, thì làm sao tướng số người nào sẽ làm vua, người nào sẽ làm dân hả bạn thơ Quê Hương?

quehuong said...

Như-Thương à,
Đại cương như vầy đi nha:

Lá số giống nhau tại sao số phận khác biệt nhau

Lá số giống như bản hồ sơ học bạ của học sinh. Khi thầy giáo lớp 9 mới nhận lớp, thầy xem trong học bạ và hồ sơ của học sinh xem năm ngoái ở lớp 8 nó học thế nào. Một đứa giỏi toán, hạnh kiểm tốt thì thầy đoán năm nay có thể nó sẽ được tuyển đi thi học sinh giỏi toán cấp tỉnh.

Tuy nhiên nếu nó có bạn gái, yêu đương rồi học hành xao nhãng, toán bị điểm kém thì thầy đã đoán sai. Còn nếu nó vẫn chăm chỉ học hành như năm lớp 8 thì quả nhiên nó được đi thi học sinh giỏi, thầy đã đoán đúng.

Lá số ghi lại những gì một người làm ở kiếp trước và sự ảnh hưởng của nó vào kiếp này, tuy nhiên những dự đoán của thầy tử vi đúng hay không còn tùy thuộc sự ứng xử của đương số, không phải cố định như thế.

Dù có sự bất lợi nào đó nhưng cố gắng cải sửa thì vẫn tốt như thường. Ngược lại, lá số tốt mà làm nhiều việc xấu xa tồi tệ thì khi hết phúc tai họa sẽ đến.
Lóp 8 là kiếp trước, hồ sơ học bạ là lá số Tử vi, Lớp 9 là kiếp này.

Như vậy rõ ràng vận mệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Đây cũng là niềm hy vọng cho những người lỡ có lá số xấu.

sao... said...

Úi chà chà! Nghe bạn QUÊ HƯƠNG phán câu cuối cùng cũng an ủi phần nào.
Nhưng phận người trần mắt thịt như tui thì biết cái lá số Tử Vi của mình nó ra răng? Rồi giả dụ như biết rồi lận cái lá số đó kè kè theo trong lưng, liệu có đủ lực để nó có thể nằm trong tầm kiểm soát của ta hay không đây?
Vì chưa phải là bậc thánh nhân quân tử nên con người phàm nhân vốn yếu lòng dễ sa ngã lắm!

quehuong said...

Bạn thơ Sao ới..ời..
..."Vì chưa phải là bậc thánh nhân quân tử nên con người phàm nhân vốn yếu lòng dễ sa ngã lắm!".

Có ai là thánh nhân-quân tử hay có ai là người thường mắt thịt đâu mà lo. Vì thánh hay người cũng là NGƯỜI hết trơn.

Làm cậu học trò lớp 8..bước vào lớp 9 là xong.

Giống như đi ra ngân hàng vay tiền,
nó hỏi đã từng có mượn nợ chưa?. Có trả tiền đúng kỳ hạn không?. Nếu có thì nó cho vay tiếp và CHO VAY NHIỀU HƠN. Còn chưa có gì hết thì nó cho vay ...bằng bằng với con ngựa sắt của Bạn vậy mà.

Tử vi là vậy. Tin cũng được, không tin cũng không sao hết trơn.

NO STAR WHERE.
Mới học được một từ mới:
You lie see love: Em(Anh) xạo thấy thương.

sao... said...

Dzậy là...chưa ngon!
Tui gặp một Ngân hàng mà người chủ đã trả lời thế nầy:
- Anh cần bao nhiêu em cũng sẵn sàng dốc túi, không cần thế chấp gì hết. Cũng khỏi phải trả đủ số nợ anh đã vay. Chỉ cần anh nhớ gởi lại em chút đỉnh dằn túi để em còn có cái mà thổn thức mỗi khi nhớ lại món nợ đời nghen.

Thien Thanh said...

Các bạn ạ,ThTh tiếp tục chuyện kể thế này...(mắt thấy sao tai nghe sao thì kể zậy,chỉ rất tiếc ThTh ít chụp hình...)
Có một lần trên chiếc xe lam từ quận 1 qua tới quận 4(Thth cũng thuong đi xe lam hoặc xe buýt trong thành phố cho ..biết sự tình..vừa rẻ vưà mát mà hay là không có sự chen lấn cũng như móc túi như lúc trước,có lẽ đây là điểm văn minh của thành phố..)
Vừa đặt chân đến thì thấy một người tàn tật,anh cụt 1 chân chân kia còn nửa,kéo một chiếc đòn và mù đôi mắt,có lẽ anh đi quen tuyến đường này ,hai tay anh ôm chặt chiếc guitar cũ kỹ,rất cũ đã sờn bong hết lớp vecniloang lỗ,tưởng như không còn cất tiếng đàn được nữa,nhưng vừa ngồi xuống anh dạo nắn phím xong sau vài nốt nhạc ,anh cất gịong mà tôi nghe bỗng dựt nãy mình.Đó là trích đoạn trong Con đường Cái quan của PDuy


...Đi trong lịch sử dân ta luống n nghẹn ngào,hai bên nhà cửa thân yêu ,hỡi hỡi người ơi,hỡi hỡi người ơi,dưới chiến hào người thấy bâng khuâng câu ca giọng buồn...ới ới hò..

Rồi sau đó vài giây anh bắt qua một điệu cải lương mùi...

Phạm Như Thương Bmt said...

NT nghe bạn thơ Quê Hương mách bảo về chuyện Tử Vi... 3 thời tiền kiếp, hiện tại kiếp và lai sinh kiếp mà NT thiệt là "ngán ngẩm" ! Tu một kiếp này là đã mệt rồi, Tử vi lại còn cộng thêm "chuyện ngày xưa" nữa thì lúa đời NT thôi !
Như tựa đề của bài viết Trang chủ lần này vậy - mình cũng biết cố gắng để làm giỏi mà, nhưng đôi khi làm dở cũng làm tuốt luôn, cho nên lắm lúc mình biết mình nổi trôi là tại mình !!!

sao... said...

Hổm rày, tui đã đọc qua vài lượt bài Bút Ký của SƯƠNG MAI về chuyến viếng thăm một làng nổi của người Việt Nam ở Biển Hồ Tonlé Sap.
Thiệt ra trước đó, tui đã được coi vài lần những phóng sự tài liệu về nó trên TV được làm bởi những phóng viên chuyên nghiệp của Đài Truyền Hình HTV7 ở Sài Gòn, VTV9 của Hà Nội. Tất nhiên là nó súc tích hơn, nó văn hoa hơn, có nhiều dẫn chứng tài liệu hơn...

Trái cây bán ngoài chợ thì dẫy đầy những thứ ngon lành, nhưng vẫn không quý bằng cây nhà lá vườn. Nói như vậy không phải là theo cách nghĩ thông thường cây nhà lá vườn sẽ không ngon bằng hay có giá trị thấp hơn. Ở đây khi dùng cụm từ đó người ta nghiêng về ý nghĩa “nó qúy ở cái tình”.

Thông thường khi viết một Bút Ký, chủ yếu người ta dùng lời văn để diễn đạt ý tưởng và phần hình ảnh sẽ có chút ít để minh họa cho bài viết thôi. Còn khi làm một Phóng sự hình ảnh thì phần hình ảnh là chủ yếu, phần văn vẻ chỉ có vài câu chua phía dưới những tấm hình để minh họa thêm. Ở đây thì SƯƠNG MAI đã làm cả hai việc trên cùng một lúc nên tui phân vân không biết xếp nó vào thể loại nào. Chắc chắn một điều khi thực hiện chuyến đi nầy, SƯƠNG MAI đã chuẩn bị kỹ lưỡng tâm trạng cũng như những phương tiện ghi hình như một phóng viên chuyên nghiệp mới có thể kịp thời ghi nhận lại rất rất nhiều hình ảnh cũng như những cảm xúc bất chợt sẽ hiện ra trong đầu mình khác hẳn với những suy nghĩ thoáng qua của một du khách bình thường. Tui lại suy đoán một chút, có lẽ đỉnh điểm cảm xúc của chuyến đi nầy là ở cái trường học nổi, ở đó với tâm hồn mô phạm của mình trước những cảnh đời nhỏ nhoi chịu nhiều bất hạnh đã là một chất xúc tác mạnh mẽ, khơi gợi được những cảm xúc chân thật của tác giả nên chúng ta mới có dịp đọc được một bút ký hay như vậy.
Tui cũng thực sự ngẩn ngơ khi đọc bài viết của SƯƠNG MAI. Không dè nghen. Giấu “nghề” kỹ thiệt! Theo tui, đó là một bài viết rất hay với văn phong chân thật vốn có mà chúng ta đã từng biết qua một bài viết trước, thi thoảng cũng có chút văn huê trong đó. Ai cũng vậy, khi viết văn hay làm thơ bất chợt có những lúc xuất thần, từ trong tâm tưởng mình bỗng bật ra những con chữ kỳ diệu mà sau khi đọc lại mình phải tấm tắc tự khen mình: “Sao mình viết hay quá vậy ta!”. Tui cũng đoán là SƯƠNG MAI đã rơi vào trường hợp nầy sau khi đọc lại bài viết của mình. Tuy không phải là một người phê bình văn học, nhưng với cảm nhận tương đối nhạy cảm của riêng mình tui phải có một lời khen thành thật như vậy. Đây không phải là một mầm non chi đâu mà đích thị là một nhân tài trong lá ủ. Nhân cám cảnh cho Những mảnh đời trôi và có những hơi gió buồn man mác bay trên mặt Biển Hồ đã thổi bay vèo cái đám lá ủ kia đi để lộ rõ ra và giới thiệu đến các bạn một “nhân tài” đấy!
Có phải là tui đang có ý định đưa bạn mình lên mây xanh không? Tui biết khi đọc đến đoạn nầy, SƯƠNG MAI đang nhấp nhỏm sẽ nói như vậy. Nhưng chẳng phải đâu! Đó là những lời ca ngợi chân tình. Trong cuộc sống đầy bon chen và nhiễu nhương nầy, chúng ta dễ gì tìm bắt được những cảm xúc xuất phát tự đáy lòng mình và nói ra được như thế?

Tuy nhiên, cũng có đoạn tui đọc lên sao giống như mình đang bị nấc cục vì dường như nó không xuôi chảy như một dòng nước:

“Ngồi trên chiếc ghe bềnh bồng sóng nước, tôi thả mắt nhìn theo những đám mây bềnh bồng trôi dạt, quanh tôi nhịp sóng bềnh bồng của những căn nhà bềnh bồng đang dung chứa những mảnh đời trôi. Thốt nhiên tôi nhận ra dòng suy nghĩ của mình về chúng cũng bềnh bồng không định hướng.”

Suong Mai said...

Chà chà, Trang chủ được no gió, diều căng dây quá sức. Nào là như các nhà văn, ký giả chuyên nghiệp , nào là nhân tài trong lá ủ…Viết cho cả làng đọc suông sẻ là vui lắm rồi, SM học hỏi cái hay của mỗi bạn một chút rồi mình chế thêm cái riêng vô , coi như thân tình kể cho nhau nghe chuyện đời.
Xin ghi nhận lời nhận xét của Sao và bày cách này sẽ dễ chịu hơn , bạn giữ lòng thanh thản đọc chậm thôi nhớ nghỉ tại dấu phẩy một chút, sẽ thấy đỡ lục cục liền. Khi lòng mình ngổn ngang còn đầy những ấn tượng , ngồi viết lại hình dung tưởng nhớ mọi chuyện trong đầu , muốn chia sẻ nhiều điều nhưng không biết diễn tả tiếp ra sao . Tất cả trộn lại thành “ không xuôi chảy như một dòng nước” .

Suong Mai said...

Cũng nhờ lần này ghé qua Tonle Sap, về nhà có thời gian hơn SM để ý những bài viết, những câu chuyện và phim ảnh đi sâu vào cuộc sống xa xứ của đồng bào mình. Từ lâu lắm rồi SM không nhớ là tại sao mình lại có thành kiến xấu về một đặc sản của người Khmer mà rất nhiều dân miệt đồng bằng sông Cửu long ưa chuộng. Các bạn thế nào cũng cười vì SM nghĩ là mắm Bò Hóc ( Prohok) toàn làm bằng ruột cá nên không hề đụng đũa vào. Quả là ngô nghê, ếch ngồi đáy giếng, ruột đâu cho xuể và công đâu mà ngồi lựa ra trong khi lượng cá đánh bắt lại dồi dào ? Nếu nhiều người thích ăn, dành đãi khách thì hẳn là phải có gì ngon hấp dẫn chứ. Có người còn ưa chuộng đến độ tuyên bố là nếu đi CPC mà chưa thưởng thức mắm Bò Hóc và những thức ăn chế biến từ đó thì…hãy quay lại CPC lần nữa. Thế là vuột cơ hội mất rồi, bởi đi tour không có thời gian , ba bữa ăn thay đổi món của nhà hàng khách sạn ngon miệng khiến SM quên bẵng cái vụ Bò Hóc. Sẵn đây hỏi PC, QH và Sao, mấy bạn ăn rồi thấy thiệt hư thì cho biết, Vivu với Cỏ Xanh vừa có mặt nơi đó chẳng hay có ghé nhà hàng nào mà thưởng thức món truyền thống ấy không?

sao... said...

Chà! SƯƠNG MAI đề cập cái vụ nầy hay à nha.
Tui thì cứ người thật việc thật mà nói thôi. Từ trước tới giờ, người Việt mình hay có cái thành kiến với “mắm bò hóc” của người Miên lắm bởi vì người ta cứ truyền miệng nhau mà nói nó được làm bằng đủ thứ hằm bà lằng. Họ cho rằng người Miên khi bắt được con chuột đồng, con cóc, con nhái, con cá... không làm ruột đánh vảy sạch sẽ rồi cứ thế mà dộng chung vô một hũ mà làm mắm tương tự như hũ mắm đồng hay mắm sặc của người Việt Nam ta nhưng có vẻ...mất vệ sinh hơn. Chuyện đó xảy ra ở phương trời nào thì tui hổng biết, tui chỉ kể lại chuyện xảy ra trước mắt mà tui từng trải qua thôi.
Thời còn trẻ tuổi, do chuyện ăn uống ở nhà bàn trong đơn vị chập chờn quá nên tui có năn nỉ thằng bạn chung đơn vị nói với má nó cho tui ăn cơm ké hàng ngày như người ta ăn cơm tháng. Năn nỉ ỉ ôi miết Bà cũng đồng ý, vì dù gì có người ngoài ăn cơm chung cũng làm người ta phải bận tâm hơn đôi chút về chuyện chợ búa mặc dù mình giống như thằng con trong nhà thôi.
Má nó là người gốc Việt Nam còn Ba nó là người gốc Miên. Như vậy thì món mắm bò hóc làm sao trật được trong bữa cơm gia đình? Tui thấy Bà đi chợ mua về những con cá lóc cũng bỏ ruột đánh vảy sạch sẽ đàng hoàng rồi giã nát xong gài vô hũ làm mắm tương tự như người Việt mình làm mắm đồng nhưng theo một kỹ thuật riêng nào đó thì tui không rõ. Chắc cũng vài tuần khi mắm đã “ngấu” rồi thì bà múc ra chén chan lên chút mỡ heo rồi đem chưng cách thủy.
Lên mâm cơm, tui thấy có món gì là lạ cũng đụng đũa vô ăn thử. Gắp một khúc đậu rồng quệt vô đưa lên miệng, chắp chắp một chút rồi nuốt gọn.
- Chèn ơi! Thứ gì mà ngon, có thum thủm một chút và thơm...bát ngát luôn vậy?
Tui hỏi thì nó trả lời:
- Mắm bò hóc đó mầy.
Mắm bò hóc ngon thiệt chớ đâu có ghê rợn như người ta thường nói đâu?

Quay trở lại Campuchia lần nữa để thưởng thức món mắm bò hóc đặc sản đi SƯƠNG MAI ơi!

sao... said...

Chẳng cần phải đi đâu xa, xin giới thiệu đến các bạn những mảnh đời với vài hình dung từ đi kèm theo: Bềnh bồng (nghe đầy vẻ thơ và “phiêu” thế!), Lênh đênh (cũng không phải vì có được trôi nổi theo dòng nước đâu?), Bập bềnh (theo nghĩa nổi lên trầm xuống tại chỗ). Tui chọn chữ bập bềnh.

NHỮNG MẢNH ĐỜI BẬP BỀNH.

Nó không nổi trôi, không dịch chuyển, nó “định cư trên mặt nước” (cụm từ nầy hay nghen, tui nên ngâm cứu kỹ hơn). Nó bập bềnh theo con nước lớn ròng, nó bập bềnh theo những con sóng nhỏ khi có những chiếc ghe máy chạy ngang, nó bập bềnh theo những cơn gió chiều đìu hiu bay tới cùng với ánh tà huy đang rớt xuống mặt sông đầy. Có khi nó còn ghen tị với những dề lục bình được phiêu lưu vô định cùng con nước, đêm trăng sáng về thủ thỉ cho nó nghe về những điều mới lạ trên đoạn đường xa. Vây quanh họ là mùi nước sông cùng với những niềm vui nỗi buồn như có như không. Một mảng màu tối trong bức tranh toàn cảnh của Việt Nam, quê hương tôi.

PHỐ NƯỚC
Một khu phố với hàng trăm “căn nhà” nổi lênh đênh trên sông từ lâu vẫn tồn tại “bên lề” Thành Phố Long Xuyên (An Giang). Có không ít những cuộc đời lang bạt khắp nơi rồi dắt díu nhau về đây bám trụ.

Phố khuất
Đó là những khu nhà không ra nhà, ghe chẳng ra ghe, mà bè cũng chẳng ra bè. Gần 500 "nóc gia" kéo dài hàng cây số trên sông với “nền hạ” là những chiếc ghe già nua đã kết thúc sứ mệnh bôn ba, được gia cố, cơi nới thành nơi nương náu của những gia đình cũng vừa kết thúc những ngày xuôi ngược.
Sau lời từ chối khéo của một lãnh đạo phường, tôi được đứa bé 5 tuổi “tạo điều kiện” để đến với một khu phố “không dễ đến”. Cô bé thân hình nhỏ thó, cột đoạn dây luộc vào eo để “đừng rớt xuống nước”, cộc cạch chiếc xuồng con đón đám học trò đi học trên bờ về lại phố sông, đã vui vẻ cho “chú lạ” quá giang tới “nhà” mình. Bé Mén là người đầu tiên tôi tiếp xúc ở một nơi vừa gần vừa xa này. “Phố lênh đênh” rất gần vì nằm trên một đoạn sông thuộc Phường Mỹ Phước, Thành Phố Long Xuyên (An Giang), nhưng cũng lại quá xa bởi người ở xứ khác tới sẽ rất khó biết được có một thế giới khác biệt vẫn tồn tại ở một góc khuất lỡ sông, lỡ phố như thế.
Lấy từ chiếc giỏ xách cũ quyển sổ hộ khẩu, anh Phan Thanh Hiền tự hào khoe rằng đây là một chứng minh điểm khác biệt của anh với khách thương hồ rày đây mai đó. Chúng tôi thắc mắc hai chữ “HG” ghi trên sổ hộ khẩu, anh giải thích đó là viết tắt từ “hộ ghe”, để phân biệt mình với mấy người sống trên bờ. Anh Hiền khoa tay: “Không quan trọng. Điều quan trọng là mình được công nhận không phải dân trôi nổi”. Hiền nói, rất nhiều gia đình trước khi dạt về đây cũng như anh sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ. Có lẽ cũng vì thế mà người ở đây thường thân thiện, bao dung. Người đến trước sẵn sàng giúp đỡ người đến sau. Đến khi cầm được trên tay quyển sổ hộ khẩu, họ mặc nhiên thành dân phố. Dù rằng kỳ thực mà nói, so với cuộc sống tiện nghi cách đó vài trăm mét về phía bờ, có khi đó lại là khoảng cách xa vời.

Một hộ khác như gia đình ông Huệ, trước khi về đây, gia đình làm nghề chài lưới ở Campuchia. Năm 1993, sau một lần ông vô cớ bị lãnh phát đạn của tàn quân Pôn Pốt, vợ chồng ông đã quyết định nhổ sào đưa 6 con nhỏ xuôi dòng Mê Kông về quê nội ở Việt Nam. Sau mấy ngày đêm ròng rã, họ cũng đến được nơi cần đến. Không họ hàng thân thiết, nhưng tình bèo nước đã giúp gia đình ông Huệ sớm có chỗ cắm sào tại một xóm ghe gần cồn Nguyễn Du. Đến đây, ông mới biết còn nhiều hộ ghe khác cũng có hoàn cảnh giống như mình, cũng xuôi dòng Mê Kông về Việt Nam tìm cuộc sống bình yên. Đến khi con cái lớn lên, dựng vợ, gả chồng, họ lại tìm những chiếc ghe khác đã “về hưu” mà cải tạo làm nhà cho ra riêng. Ông Huệ nói, hồi người con lớn của ông lập gia đình, vợ chồng ông đã mua lại chiếc ghe cũ với giá 900.000 đồng để “tách khẩu” cho con. Trong những người con của ông, có 5 người lập gia đình rồi bám trụ quanh quẩn trong phố nổi này.

sao... said...

Trong những năm 90 của thế kỷ trước, cả khu này còn đóng ở bến sông thuộc Phường Mỹ Bình, trung tâm Thành Phố Long Xuyên. Ban đầu chỉ vài chục ghe, rồi nở dần thành khu “ổ chuột” trên sông. Và khi dòng người từ khắp nơi, mà phần nhiều là từ phía thượng nguồn Mê Kông tề tựu về đây đông đúc, thì lệnh giải tỏa được ban hành. Một cuộc di dân nhanh chóng, mà thực chất là di chuyển những chiếc ghe, bè tới một đoạn sông cách đó không xa. Từ đó đến nay, khu phố này cứ nới rộng, lớn dần ra từng năm.

Thế giới nước
Những gia đình có ghe tương đối lớn thì dành hẳn phía mũi và lái làm không gian sinh hoạt chung như một khuôn viên “lạc quan” để trẻ nhỏ chơi đùa, treo trồng hoa kiểng và cũng để tạm quên cuộc sống nhiều hạn chế do không đất chọi chim. Vậy còn đỡ, không ít những ghe nhỏ lụp xụp chỉ che tạm tấm bạt sau lái để bắc bếp nấu cơm. Thế thôi, ghe đã là nhà. Có khi nhà này kết nối với nhà kia bằng những...sợi dây, bằng chiếc xuồng nhỏ và bằng cả xuất thân cùng cảnh đời thắt ngặt. Trên những con “hẻm sông” vẫn dập dìu những chuyến đò dọc, đò ngang mà có người gọi vui là “xuồng buýt” đưa khách từ khu phố này đến khu phố khác; là những “quán nổi” của cô Bảy, cô Ba với nồi cháo bốc khói và những ghe hàng tạp hóa phục vụ tận nhà.

Hôm tính chuyện làm đám cưới cho đứa con đầu, vợ chồng anh Hiền lại gặp phải chuyện nan giải. Vì nhà chỉ là chiếc ghe tum húm, vợ chồng chui ra chui vào còn đụng nhau, chỗ đâu để đãi đằng mời khách. May lúc ấy, những người hàng xóm tốt bụng đã cho anh mượn 2 chiếc xuồng kết lại đủ để kê 2 chiếc bàn đãi khách. “Do nhà mình nghèo, không có điều kiện, chứ những nhà mạnh tài chính thì thuê hẳn phà che rạp làm đám cưới”, anh Hiền bộc bạch.
Trước, mỗi khi có đám cưới dân ở đây hay thuê tàu đò chạy tuyến Tân Châu - Long Xuyên để làm không gian đãi khách. Về sau, khi phà Tân Châu không còn chạy nữa, dân ở đây chuyển sang thuê phà với giá từ 700.000 đến 1 triệu đồng/ngày, diện tích rộng hơn, đủ chỗ để kê 5 - 7 bàn. Đến sát ngày cưới, người ta sẽ đưa phà tới cặp vào nhà để làm “sân” che rạp. Khách đi xuồng từ khắp nơi tới chia vui thì cứ cặp vào phà, chỉ một bước là tới bàn tiệc. Như vậy xem cũng tiện trong điều kiện bốn bề là nước.
Những người có thể gọi là cố cựu ở đây vẫn nuôi dưỡng một hy vọng là một ngày sẽ khác, chính quyền sẽ đưa họ lên một khu dân cư nào đó trên bờ, tạo kế sinh nhai. Nhưng, những người còn lại thì không mong như thế. Một cư dân phố nước tình thật rằng, cả một đời quen với xuồng ghe, sông nước, nếu một ngày “bắt” phải lên bờ, không biết bà có sống được không?

sao... said...

Bi kịch “phố chìm”
Có lạc quan cho mấy, thì những cư dân ở phố nước cũng không thể quên một thực tế là họ đang sống trong điều kiện bấp bênh và thiếu thốn, thiệt thòi và nhiều hiểm nguy.
Nhìn đám trẻ ngụp lặn, anh Lê Văn Lành hất cằm: “Con nít ở đây mới biết đi là đã biết lội rồi. Vậy đó, nhưng năm nào cũng “có chuyện” hết”. Người ở đây nói rằng mỗi năm cứ qua mùa mưa bão thì nơi này lại vắng đi những đứa trẻ. “Gần đây có cháu ngoại ông Chín xuồng hàng; con ông D. 7 tuổi lội sông bị vọp bẻ chìm luôn; rồi con bé 18 tháng nhà kế tui cũng vậy”, người đàn ông giọng trầm kể về những biến cố của hàng xóm. Rồi cả chuyện nhà anh nữa: “Cháu nội tôi 4 tuổi cũng bị rớt xuống sông mấy lần, rất may là “chụp” lại kịp, có lần phải lặn theo mò nó lên”. Không chỉ có trẻ con, mà người lớn cũng không thoát khỏi bất trắc khi sống ở nơi một bước tới sông này. Trong số đó, nhiều người vẫn không quên mất mát của gia đình ông S.V.H. Chẳng bao lâu sau khi ông H. đi đám cưới về say rượu bị té sông chết, thì đến người con thứ tư của ông bị trượt chân cắm đầu xuống sông yểu mệnh. Chưa hết, lại đến lượt ông P.V.C, em ông H. lội hái rau bị tai biến phải nằm lại sông. Trong ký ức thấp thoáng của những người sống lâu năm ở khu phố nước này, qua từng năm, những chuyện buồn như thế cứ dài thêm ra.
Còn khi có mưa giông nhà bay nóc, nhà trôi, nhà chìm...không thể nào kể hết. Một ông lão mình trần bảo mình chẳng biết được lãnh đạo khu phố là ai, nhưng nhớ rất rõ sau mỗi đêm giông nhà ai còn, nhà ai mất. Nhiều gia đình sau một đêm thức dậy đã rơi vào cảnh lỡ khóc lỡ cười khi nhà mình...trôi dạt sang nơi khác. Thế là phải tất tả kéo về.
Ông Trần Văn Tre nói rằng vẫn còn những ghe từ thượng nguồn tiếp tục xuôi về đây. Ngang nhà ông Tre, chúng tôi gặp ghe của vợ chồng anh Miễn Văn Mực (42 tuổi) và chị Miễn Thị Lượng (46 tuổi) đã về đậu ở đây 2 năm. Anh Mực nói trước đây anh làm nghề buôn bán trên sông ở Campuchia. Nhưng sống cảnh “ăn ngủ không thoải mái”, một ngày, anh chị quyết định xuôi về Việt Nam để ổn định cuộc sống, cho hai con của anh học hành. Hằng ngày, anh đi khắp nơi mua bán phế liệu, buổi tối ra chợ đêm Long Xuyên thổi bong bóng bán. Có kế sinh nhai, nhưng ước muốn lớn nhất của anh là cho con cái học hành vẫn chưa thực hiện được vì anh không có hộ khẩu để đưa con vào trường công, lại không đủ tiền để vào trường tư thục. Do hoàn cảnh khó khăn, cách trở đi lại mà nhiều trẻ em tại đây đã phải bỏ học giữa chừng.

Tiến Trình

Phạm Như Thương Bmt said...

NT cũng đã từng được ăn mắm Bò Hóc trong dịp ghé đến Trà Vinh thăm người bà con rồi (mắm được nêm trong món canh Xiêm Lo, NT không biết tiếng Miên nói như thế nào cho món canh này).

Mắm Bò Hóc không có khó ăn đâu, chỉ lạ miệng lúc ban đầu, nhưng sau đó thì cảm thấy cũng hấp dẫn không thua gì những món mắm của người miền Nam ta.

Khi NT thử món canh này, NT thấy như nó giống món mắm kho của người Việt mình vậy, cũng nhiều cá, tôm và rau ghém.

Có lẽ nó giống như thể là thay vì mình ăn xôi, ăn bánh tét, thì người Trà Vinh sẽ cho mình ăn cốm dẹp vậy. Cùng là nếp, nhưng nó được chế biến ra nhiều món đa dạng thôi. Cùng là cá với muối, nhưng món mắm đã trở thành món ghiền cho những ai nếm thử một lần.

Qua lời "nấc cục" của bạn thơ s@, NT thấy thương Trang chủ Bềnh Bồng quá... Cảnh đã thâm nhập lòng người rồi chăng? Có chứ, các bạn nào đã từng đi qua sông Rạch Miễu trên những con bắc, thấy lục bình trôi từng dề bềnh bồng, ắt sẽ thấy mình bềnh bồng như loài hoa ấy (nhưng mà nếu phải đi ghe qua sông lớn đó, thì dẫu có thấy lục bình trôi, cũng không còn tâm hồn đâu mà nghĩ đến hai chữ bềnh bồng à nghen... vì nước sông mấp mé lườn ghe làm mình có cảm giác ghe sẽ rất dễ chìm). Lúc ấy lại lắng nghe tiếng nước vỗ bập bềnh vào mạn ghe, mới nghe thì sợ nó lật úp ghe, nhưng nghe quen rồi thì lại ghiền tiếng vỗ đều đặn và trầm trầm, bình bình ấy!

Có lần NT đọc sách đâu đó, người ta viết rằng những người sống giữa, sống gần biển và sông nước, tâm hồn họ sẽ phóng khoáng hơn bởi họ tiếp xúc với cái vô tận của đất trời hàng ngày. Chắc là vì vậy nên qua bài viết của Trang chủ và các bạn, những mảnh đời dẫu trôi nổi, nhưng họ vẫn bám víu nương tựa nhau mà sống trong sự chia sẻ nỗi cùng khổ với nhau

songkim said...

sk đọc một mạch những comments của các bạn về "Những mảnh đời trôi" thấy cuộc sống của ngưòi Việt mình sao khổ thế! Dù đó là người Việt sống ngay trên quê hương mình hay những người Việt sống tha hương, lênh đênh trên sóng nước Biển Hồ.
Ai đã gây ra thảm cảnh này?
Các bạn trong Tran Thơ nếu đoán đúng sk sẽ đãi một chầu phở Kobe ở khu Garden Grove, Cali mà sk mới được bạn hữu giới thiệu đến thưởng thức tuần qua.
sk

Suong Mai said...

SK à, SM biết có nhiều nguyên nhân khác nhau để đồng bào mình xa xứ mưu sinh bên đó,nhưng nói ra có thể buồn hơn mà không giải quyết được gì . Nhiều gia đình trên đất liền, trong thành phố cũng thành công, giàu hoặc khá có cuộc sống ổn định, ngay cả tại Biển Hồ đâu phải ai cũng khổ hết đâu.
Cái vụ phở Kobe ở khu Garden Grove, nam Cali cần hỏi lại Quê Hương cho rõ, biết đâu có tiếng mà không có miếng đây?

Suong Mai said...

SM chắc các bạn cũng nghe nói tới một loại phương tiện giao thông đặc biệt nổi tiếng ở Battambang, tỉnh nằm phía tây bắc Campuchia. Đó là loại xe lửa tre ( bamboo train) đơn giản nhưng phổ thông tiện lợi, rất hấp dẫn du khách, SM cũng thích ngao du một chuyến nhưng chưa được đành coi qua video trên YouTube. Mới đầu nghe giới thiệu khó mà hình dung nó ra sao, chạy như thế nào , sau mới biết đầu đuôi có một khúc vuông vắn chừng 5m², mời các bạn thưởng ngoạn một chút :
Xe lửa Tre.

Thien Thanh said...

Mắm bò hóc,Thth nghe nói rất đậm đà,ăn ngậm mà nghe,cũng được bà chị diễn tả đầy đủ tuy Thth chưa được thưởng thức..Ăn quên về...

Phạm Như Thương Bmt said...

NT coi youtube XE LỬA TRE ... nhìn chiếc xe lửa tre chạy phon phon trên cây cầu sắt mà hết hồn !!! Kiểu này mấy ông kỹ sư xây cầu và kỹ nghệ xe lửa dẹp tiệm luôn...

songkim said...

Ủa anh QH ở dưới Nam Cali hả?
Nếu biết thì sk đã mời anh cùng đi thưởng thức món phở bò kobe rồi.
Tiếc thật
Còn cô Trang Chủ thật khéo ơi là khé!
Trang Thơ sẽ càng ngày càng sống mạnh và riêng cô: trẻ mãi không gìa.

Suong Mai said...

Cám ơn lời chúc của SK, mỗi người ghé vào Trang thơ một câu thăm hỏi thì không những mạnh mà còn vui đều. Theo ý SK thì làm sao để trẻ ra đây ? SM cũng quan sát một số đồng bào mình trên biển hồ Tonle Sap,dày dạn nắng mưa đời sống thiếu thốn nhiều mặt làm mọi người đều già trước tuổi. Có phải khi những nỗi lo toan dâng cao tới một điểm nào đó sẽ hết mức và cứ chừng chừng như đường thẳng nằm ngang. Bà con tạm sống qua ngày , lo nữa cũng vậy, có giải quyết được gì hơn. Nhiều lần SM cũng tự dạy cho bản thân mình câu đó nhưng nói thì dễ mà cái đầu nó bướng bỉnh chẳng chịu thi hành.

coxanh said...

cx vừa mới mất thêm 1 bà chị, về BMT cùng lo tang lễ với gia đình, thật buồn...
Hôm nay, tâm thần ổn định lại đôi chút, vào TT đọc NHỮNG MẢNH ĐỜI TRÔI NỔI của SƯƠNG MAI cảm thấy ngậm ngùi cho số kiếp con người...
Tiếc là chiều hôm đó mưa lớn quá nên không đi thăm làng nổi của người VIỆT trên Biển hồ CPC được, sáng hôm sau đã là ngày về nên đành hẹn lại chuyến sau...nhưng may quá, SM đã làm hộ việc này...
Nhìn những hình ảnh mà SM thu thập được, cũng có những mái nhà khang trang, cũng có những túp lều rách nát, giống như trên đất liền thôi...
Mà cx nghe thiên hạ nói rằng: 1 chiếc ghe trên song nước giá trị cũng bằng 1 chiếc xe hơi trên cạn.1 ngôi nhà nổi khang trang giá trị ngang tầm với ngôi biệt thự sang trọng trên đất liền, điều này không biết có đúng không?
Đúng hay sai thì cũng vậy thôi, vì cuộc sống luôn phải đấu tranh sinh tồn , ai cũng phải bươn trải để tạo lập cuộc sống dễ chịu hơn. Nhớ lại những năm tháng sau 1975, cơm chẳng có mà ăn, nhà bị mượn làm kho chứa nông sản, cả nhà túm tụm lại ở 1 góc...rồi cũng qua đi...chỉ mình tự cứu mình mới là thượng sách!

sao... said...

Thành thật chia buồn cùng CỎ XANH và gia đình.
Trong chúng ta ai cũng lớn tuổi hết rồi, những bậc sinh thành hay trưởng thượng có ra đi cũng là hợp lẽ Trời Đất.
Chỉ mong sao các bạn trên Trang Thơ đừng có bỏ cuộc chơi "ẩu" là mừng rồi.

Unknown said...

Có lẽ PC cần giải thích cho các bạn thơ biết vì sao có làng nổi VN ngày nay.

Khi PC sang bên đó thì được biết người ta nuôi cá tra dưới bè thả trên sông theo dòng chảy mà lên xuống từng khúc sông. Trên bè người ta cất 1 nhà chòi để ngủ giữ gìn cá, mỗi bè cá có thể có vài ngàn con. Con chết làm khô "lăng phồng" nổi tiếng miền Nam, mùa thu hoạch thì xuôi giòng bán cá ..tra bè.

Người Việt ta sang xứ người lập nghiệp thì cũng làm nghề nầy và làm giàu hơn vì tính cần cù siêng năng (dân Miên rất lười biếng), có người có nhà trên đất liền và xin nhập tịch Miên... thế nên dân Miên ghét lắm.

Sau 75 một số dân chạy loạn chạy sang đó sống vất vưởn trày đây mai đó để kiếm sống suốt chiếu dài con sông Tonle chạy từ Hồng Ngự đến Nam Vang, làm đủ nghề. Năm 82>83 tôi có trở lại Nam Vang để buôn lậu các mặt hàng điện máy...Một chuyến đi về 5 ngày nên chứng kiến nhiều cảnh cũng đoạn trường lắm. Hối lộ là chuyện công khai và không thể không có trên suốt đọc đường sông và các cửa khẩu, có khi ngủ bụi tại các xóm giang hồ của người Việt lai Miên...Rượu và em là phổ biến.

Trang chủ du hành chỉ thấy mặt nổi của cuộc sống đã...xót xa rồi! Nhưng nếu đi sâu hơn vào đời ..giang hồ (sông hồ) thì có lẻ sẽ...chai lì đi thôi.

ĐỜI LÀ BỂ KHỔ MÀ !

Thien Thanh said...

Các bạn ạ,vừa rồi ThTh có dịp dự một buổi nhạc để nhớ TCS tại trường Đại học quôc gia Thành phố tổ chức.Không biết các bạn có thích nhạc Trịnh không?ThTh thật sự rất bất ngờ là các em học sinh sinh viên ,các bạn trẻ của liên trường đã đều hát và thuộc rất nhiều bản nhạc của họ Trịnhvà nghe nói chẳng những vậy các học sinh ở ngoài Hànội cũng hát rất nhiều loại nhạc này.
Có một cô sinh viên Uyên Linh hát bài Yêu dấu ta theo rất tuyệt và được yêu cầu hát nhiều lần,cô trình bày bài Diễm xưa tiếng Nhật rất diễn cảm,ngoài ra nghệ sĩ Mạnh Tuấn đã thổi Saxo bài Phôi pha,Hạ trắng ,Ướt mi..thật là một buổi nhạc tuyệt vời để đời đối với ThTh.

CỏXanh ơi,thật buồn và chia buồn cùng CX và gia đinh,mất mát rồi cũng qua đi,mong CX giữ gìn sức khoẻ.Cầu chúc người chết được yên nghĩ cõi vĩnh hằng.

Suong Mai said...

SM xin chia buồn cùng CX và gia đình về sự mất mát này. Vắng mặt mấy hôm nay cứ ngỡ là CX quá bận rộn chuyện trường lớp, hy vọng bạn sớm nguôi ngoai, bình an trở lại.

sao... said...

BIỂN HỒ TONLE SAP

Thường thì vào mùa khô từ tháng mười một đến tháng năm hồ khá hẹp và nông, tầm sâu chỉ khoảng 1 m với diện tích 10.000 km². Vào mùa mưa bắt đầu từ tháng sáu, thay vì sông Tonle Sap rút nước từ hồ ra sông Mê Kông thì sông chảy ngược dòng, tiếp nước vào hồ khiến mực nước hồ dâng cao và tăng diện tích hồ thành 16.000 km². Với lượng nước đó, hồ có thể sâu đến 9 m, làm ngập lụt đồng ruộng và cây rừng trong khu vực. Vùng ngập nước biến thành nơi sinh sản lý tưởng của nhiều loài cá nước ngọt. Đến tháng mười thì nước lại rút xuống theo sông Tonle Sap ra sông Mê Kông.
Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.
Lưu lượng hai sông này rất lớn, khoảng 6.000 m³/s về mùa khô, lên đến 120.000 m³/s vào mùa mưa, và chuyên chở rất nhiều phù sa bồi đắp đồng bằng Nam Bộ.

(nguồn Wikipedia)

Phạm Như Thương Bmt said...

NT xin chia buồn cùng bạn thơ Cỏ Xanh và gia đình tang quyến. Mong bạn bình tâm sau những lo toan vất vả với gia đình trong một cuộc tử sinh

coxanh said...

cx cảm on các bạn đã chia buồn với cx, sự chia sẻ và an ủi của các bạn làm cx thấy lòng ấm lại.
Đúng ra thì anh chị em cx đều đã già hét cả rồi, giờ thì kẻ đi trước , người theo sau thôi...nhưng cứ thấy đau lòng...cho dù là " già làm hội, trẻ làm ma".
Xem hình SM chụp, thấy tay nghề ban khá cao rồi đấy, chúc mừng nhé!

Thân thương tất cả.
cx

sao... said...

BỀNH BỒNG EM TRÔI

Bềnh bồng mây nước bên trời
Bềnh bồng nhịp sóng theo lời gió ru
Ngõ hồn giăng mắc sương mù
Chạnh lòng đón đợi mùa thu quay về
Em ngồi đắm đuối cơn mê
Giữa trời mây nước bốn bề thênh thang
Tiếng con chim lạ bay ngang
Tiếng con sóng vỗ mang mang ru hồn
Tiếng bầy con trẻ học khôn
Đánh vần ghép chữ nghe xôn xao lòng
Xui em gợi nhớ mênh mông
Một thời phấn trắng bềnh bồng ước mơ
Làm sao quay lại bây giờ
Tháng ngày trôi mãi có chờ đợi ai
Sương rơi trên mái tóc dài
Chân chim cuối mắt môi phai úa màu
Thở dài trong bóng đêm sâu
Soi gương đã thấy bạc đầu nhớ mong
Quên đi hết những bận lòng
Tựa đầu con sóng, bềnh bồng em trôi.


s@...

Suong Mai said...

Tiếng bầy con trẻ học khôn
Đánh vần ghép chữ nghe xôn xao lòng


Từ lúc xa rời bục giảng đến nay đã mấy chục năm trôi qua, vậy mà khi đứng ngoài cửa sổ nghe mấy em nhỏ ê a, đầu óc SM nhớ nghề cũ bị xao động nhiều. Ngắm mãi vài cái đầu con trẻ chụm lại với nhau, chăm chú nắn nót từng chữ trên trang vở thấy dễ thương lắm. Các em lớp tiểu học là ngoan nhất, thường thì Cô giáo gần gủi hơn, nói gì cũng tin là đúng và làm theo dặn dò mau hơn lời cha mẹ dạy. Học trò con trai thương quý cô hơn thày, nói thế có đúng không hả các bạn?
Hổm rày nói chuyện nhiều về sông nước bềnh bồng mà thiếu hẳn một ý thơ, cám ơn bạn s@...đã dặn dò ân cần
Quên đi hết những bận lòng
Tựa đầu con sóng, bềnh bồng em trôi.


Thế NT cũng thả vài dòng cùng đong đưa với tâm tư của SM chớ?

Phạm Như Thương Bmt said...

Làm sao quên hết bận lòng
Những lo toan của bềnh bồng nổi trôi
Thôi thì có lẽ đành thôi
Lục bình sông nước rẽ đôi vui buồn
Biết bao yêu dấu cội nguồn
Trăm năm đã hóa kiếp tuôn xuống trần

chutxiu said...

Bạn thơ cỏxanh;
Được tin chậm, chútxíu xin góp lời cầu nguyện cùng cỏxanh và giađình.

Xin được nhắc, ra đi chưa hẳn là thiệt thòi, và ở lại chắc gì đáng mong mỏi. Được thanh thản khi buông tay là qúi.

Xin xẽ cùng bằng hữu ý niệm SẮP SĂN.

sao... said...

Tui có hai người bạn ở hai bán cầu khác nhau về thăm quê hương, nhân đó họ đã có thêm một cuộc du lịch đất nước láng giềng Việt Nam.
Hai người cùng khởi hành từ một địa điểm để đến cùng một địa điểm. Khi trở về, cả hai đã có bài viết kể lại chuyến đi nơi đường xa xứ lạ. Tất nhiên họ không phải là những phóng viên viết ký sự chuyên nghiệp mà chủ yếu là họ để tâm tình mình trong đó nhiều.
Tui không dám có sự so sánh chuyện hay dở giữa hai bài viết, đơn giản là phạm trù tâm tình thì mỗi người có một sắc thái riêng biệt, chẳng có chuẩn mực nào để đặt lên bàn cân cả.

Những kiến thức phổ thông thì ai cũng biết, nếu còn nghi ngờ thì vào Google ta search là có câu trả lời chính xác ngay.
Tuy vậy, dựa vào cách gọi tên đất nước láng giềng đó, tui đã có thể chủ quan nhận định sự gắn bó của mỗi người đối với ngôn ngữ người Việt hiện đang sử dụng tại đây và từ đó có thể suy ra những điều khác.

songkim said...

"Theo ý SK thì làm sao để trẻ ra đây ? "...Dễ thôi: Đi thẩm mỹ viện là xong ngay, có điều giữ được trẻ mãi không gìa mới khó, rất khó. Đây là luật tự nhiên của Tạo Hóa không ai cưỡng lại được.
Cuộc đời cũng vậy có sinh thì có tử. Đố ai tránh khỏi (ngoại trừ Chúa Giêsu)
Mượn ý này, sk xin được chia sẻ nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi với cỏxanh khi người thân yêu bỏ mình ra đi vĩnh viễn về miền Viên Mãn.
Nguyện xin hương hồn người qúa cố sớm về nơi Tiên Cảnh hạnh phúc đời đời.
Thành kính phân ưu.
sk