Friday, November 30, 2012

SE LÒNG - Như Thương


SE LÒNG
 
 Cuối năm, cái lạnh se lòng của những kẻ ly hương thật sâu thẳm. Nó quay quắt trong hồn qua từng kỷ niệm ùa nhau về ... một tà áo người xưa đi lễ thánh, một màu áo len dịu dàng co ro trong trí nhớ, những tiếng cười vỡ tràn hạnh phúc trong gia đình đầm ấm, những góc phố quen mòn bước chân của một thời non trẻ, những năm tháng trôi dần qua trong bình yên và sóng gió .... tất cả chỉ có nơi quê nhà!

Điều gì đã làm mình dường như quấn quít với chốn cũ đến thế? Đã đẩy lòng trôi giạt về bến đò xưa trong mỗi độ Đông về khi tôi là người đi nhặt nhạnh những tấm áo len cũ, mới, rách, lành trong thùng rác của những người hàng xóm khi tôi mới đến xứ người.

Mùa Đông năm ấy bước chân người xa xứ chưa hết bỡ ngỡ, lạ lẫm, cô đơn, thì cái lạnh khắc nghiệt và rất xa lạ của cơn bão tuyết đến. Rời quê hương vào tháng 3, lúc ấy thời tiết và khí hậu nơi quê nhà hãy còn hương vị ấm áp của nàng Xuân, nhưng đặt chân đến xứ người và thấy hình ảnh một màu trắng phủ khắp mọi nơi đã làm tôi chợt ngu ngơ tự hỏi: Nước Mỹ như thế này à? Thế thì làm sao mình sống được, chắc là cóng mất thôi ?!


Đêm ấy trời trở lạnh và nhìn qua cửa sổ tôi thấy hoa tuyết rơi lần đầu tiên trong đời. Thật tuyệt! Chúng như những thiên sứ trắng lạc xuống trần gian, mong manh, trinh nguyên và dịu dàng làm sao! Tuyết rơi nhanh và vội vã hơn, rồi bỗng dưng thoáng chốc những hàng cây cổ thụ, những con đường, nhà cửa, ngõ ngách ngoài phố biến mất, để còn lại một màu trắng ngập tràn mọi nơi.

Những buổi sớm mai lạnh cóng trong chăn mền (!) đã làm tôi thật ngạc nhiên, trùm hết những chiếc áo len mỏng như áo khoác của mùa thu mà tôi đem qua từ quê nhà, cũng dăm bảy chiếc, rồi mền, rồi gối ... thế mà vẫn run và buốt lạnh xương sống. Thế là thức suốt đêm và ban ngày thì ngủ gật gà gật gù. Nhiệt độ âm 40 độ F cơ mà! Cái lạnh trong tủ ngăn đông đá thật tuyệt vời !!! Mở tủ ra, thò khuôn mặt vô, cảm thấy ấm trời ạ!  Biết làm sao hơn, tôi và cả gia đình quây quần bên bếp lửa bật đỏ rực lên để xua đuổi đi cái cảm giác lạnh khắp cơ thể và nấu nước sôi uống từng ngụm một cách ngon lành.

Những ngày khởi đầu cho một cuộc sống mới được bắt đầu bằng hình ảnh ngồi trong nhà trông ra ngõ trắng mịt mùng, tôi chợt thèm nghe một bài hát tiếng Việt vô cùng, bài hát hay hoặc dở và ca sĩ nào cũng được, thèm được ở trong căn phòng quen thuộc của ngôi nhà xưa, ao ước được nhìn thấy bầu trời trong xanh có mưa xuân lất phất nhẹ bay vừa mới đi qua. Giá như mà mình được trùm chăn như thế này, đọc sách và nhẩn nha với đậu phọng rang hay bắp rang ... Nỗi nhớ cố hương sao mà đơn giản quá, nhưng quả thật nó bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt thế đấy.

Ngày thứ nhất ... rồi một tuần lễ trôi qua, vẫn ngồi trong cửa ngóng ngoài cửa, vẫn lạnh buốt xương da đến nỗi chỉ vừa hé cửa ra là cơn gió lạnh thổi thốc vào mặt rát như dao cắt và rồi chiếc mũi tê dại đi; vội vàng đóng cửa lại, hơ khuôn mặt tái trên bếp lửa ngay kẻo mình có cảm tưởng máu sẽ đông đặc lại thôi! Ấy thế mà những đửa trẻ hàng xóm của khu apartment này lại vui đùa bên đống tuyết ngoài ngõ mới lạ chứ! Chúng nó đắp hình ông già tuyết, chọi tuyết nhau một cách thích thú - con nít xứ này "khỏe" thật, chả biết lạnh là gì !!!

Mười ngày sau cơn bão tuyết mọi điều đã như kim đồng hồ quay ngược chiều. Cái thế giới trắng ngoài song cửa bỗng nhiên đổi màu nâu đất - nhầy nhụa tuyết, đá, đất quyện lẫn nhau, nước chảy thành giòng lang thang khắp phố. Người lớn, trẻ con co ro bắt đầu bước ra đường với khăn choàng cổ đủ màu sắc, nón và áo len trùm kín, tôi cũng mon men theo họ.

Tôi phải thét lên là "Vẫn còn lạnh" và đường sá trơn không tưởng tượng được. Bước chân tôi đi trên nước đá - theo cách nghĩ và cách gọi của tôi. Tuyết tan, nước chảy và gió rít đã thật sự là những hình ảnh mới đối với tôi sau chuỗi ngày ngồi ngắm tuyết rơi, đó là chưa kể cảm giác không có tai, mũi, hai chân và nguyên cả hai bàn tay! Chúng nó đông đặc trong giòng máu ấm của tôi rồi sao?! Bước chân ra đường để đi mua thức ăn, loay hoay mãi lại lạc đường, bởi vì máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường là thành phố đã bắt đầu xôn xao với sự cảnh báo bão tuyết rồi, cho nên chúng tôi bị vất xuống ngôi nhà, mãi cho đến khi cơn bão tuyết qua đi. 10 ngày ngồi ao ước mọi chuyện giữa những căn phòng rộng mênh mông (vì không vật dụng, bàn ghế nào cả) đã làm tôi ngớ ngẩn khi phải bước chân ra đường.

Tìm ai để hỏi đường bây giờ, cái bảng đường đi như thể là một người câm đối với tôi hay đúng hơn tôi là người mù đối với chúng. Một đoàn người lếch thếch áo mũ lạ hoắc của chúng tôi lang thang qua những khu phố kế cận, những con đường có tên đấy chứ, nhưng chúng không biết chúng tôi muốn đi đâu, nên chẳng giúp ích gì được chúng tôi. Nhìn dáo dác hoài vẫn không tìm ra một "mái đầu tóc đen". Thật cô đơn!

Cuối cùng, người đầu tiên mà tôi tiếp xúc để nói chuyện bằng hai chữ "Yes" và "No" là một người da đen lái chiếc xe đổ rác bên hàng xóm cạnh nhà. Mãi cho đến hôm nay, 20 năm sau của thời khắc ấy, tôi vẫn còn hình dung ra cái ngọng nghịu, mắc cỡ và bối rối của tôi khi phát âm tiếng người.

Ông da đen đã chỉ cho chúng tôi “hiểu” những chiếc áo len trong bao nylon để trên thùng rác là áo len còn có thể mặc được, có thể lấy được mà không bị tội ăn cắp! Tôi không hiểu tại sao hồi ấy tôi hiểu ngầm được những điều ấy từ nơi ông sau khi ông ta nói một câu tràng giang đại hải và tôi trố mắt đứng nhìn ông, để rồi ông lấy một chiếc áo trong bịch nylon ra và ướm trên người tôi và nói "You". Hình như ông ta có phát âm thêm vài từ ngữ gì đó trước chữ "You" ấy, nhưng tôi chỉ nghe vỏn vẹn duy nhất một chữ để hiểu rằng chiếc áo ấy mình có thể lấy được. Khuôn mặt ông ta đen, chiếc áo to thùng thình cũng màu đen và khuôn mặt của tôi thì xám xịt vì lạnh... tất cả đã đến với nhau trong một bản hợp ca mang âm hưởng "nghèo" - tôi cảm nhận như vậy.

Người con gái ngẩng mặt lên nhìn ông với đầy lòng biết ơn, nhưng không biết nói câu gì để cám ơn! Tôi đấy ... dẫu biết chữ "Thank you", nhưng nói làm sao??? Chỉ cười, nụ cười có lẽ thần thánh lắm, nên được Đấng Tạo Hóa đền bù lại bằng ánh mắt, khuôn mặt và nét môi cười của người đàn ông da đen đáp trả lại. Tạ ơn Ngài đã ban cho con người một phương tiện truyền thông sự nhân hậu, chia sẻ và cảm thông bằng ánh mắt và nụ cười.

Ông ta đã lôi ra hết tất cả những chiếc áo len khác trong tất cả những chiếc bịch nylon thật to nằm ngất ngưởng trên những thùng rác (nhưng lại trông rất sạch!). Dường như thùng ấy chỉ để quần áo mùa lạnh, do đó tôi không thấy những thứ vặt vãnh mà tôi thường nghĩ là rác thật. Cả hai người đều không nói nhau câu nào, chỉ cắm cúi và ngậm thinh làm điều mình muốn làm, thế mà cũng hiểu nhau. Và tôi khệ nệ khiêng mớ áo len bên lề đường ấy về nhà. Tôi ướm thử "áo người", lòng bỗng dưng tủi thân vì xưa nay mình có bao giờ đi nhặt áo thừa như thế này đâu, nơi đây xứ lạ quê người, mình làm thế nhỡ họ khinh mình thì sao.

Rồi cũng qua đi những cảm giác vui buồn lẫn lộn với xấu hổ, ray rứt, lạc lõng, buồn đến rưng rưng nước mắt, mà chẳng biết vì sao mình khóc nữa. Cuối cùng tôi được một chiếc áo len thay thế 5 lần áo len quấn quanh người tôi tuần trước. Cái cảm giác ấm đã làm tôi quên đi tủi thân ngày ấy vì trong những ngày lạnh vừa qua, cơ thể tôi đã phát bệnh. Người sưng to lên từ khuôn mặt đến cái lưỡi trong miệng, tay chân và vòng bụng ... giống như là tôi rất mập, nhưng tình thật là tôi rất khó chịu khi thở.

Chủ nhật sau tuần lễ tuyết tan, tôi thấy những người hàng xóm quần áo chỉnh tề như đi dự dạ tiệc ban ngày. Họ đi lễ. Tôi không có đạo, nhưng vẫn quen đến nhà Chúa thuở còn đi học theo bạn bè. Thế là tôi cũng đi lễ theo họ bên góc ngã tư bên kia đường tuyết đổ.

Trời vẫn còn lạnh đối với người mới đến từ xứ nhiệt đới như tôi, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu hơn những ngày mà cơ thể tôi bị dị ứng vì thời tiết quá lạnh vừa qua. Nỗi buồn hôm trước trong tôi khi nhặt trong thùng rác những chiếc áo len thật dày, thật ấm đã tan chảy đi ít nhiều như mảng tuyết phủ trên nóc nhà.

Nhà Chúa hôm ấy thật ấm và chan chứa tình người. Bỗng dưng tôi gặp được rất nhiều người Việt ở chốn ấy. Mừng chi lạ! Họ cũng biết gia đình tôi mới đến, nên vồn vã thăm hỏi và an ủi, cũng như chia sẻ những tâm tư lo lắng của người mới đến. Tôi hoàn hồn sau những điều câm nín trước cuộc sống mới và nói thật nhiều với đồng hương mọi điều trong rươm rướm nước mắt. Mọi người chỉ khuyên tôi một câu rất giống nhau: "Từ từ, rồi đâu sẽ vào đấy cả !"

Tôi đi vào hàng ghế trong sự tĩnh lặng và thánh thiện của ngôi nhà thờ nhỏ. Lòng thật bình an. Mình sẽ cầu nguyện với tất cả tâm thành của một trái tim con người lên Đấng Tối Cao nơi xứ lạ này. Chúa ở nơi nào cũng là Chúa Nhân Từ thôi, dẫu con ngoại đạo, dẫu con không hiểu được Cha Xứ nói gì trên bàn Thánh, nhưng trong tận đáy lòng con, con tin Người, tin mọi điều thiện tâm trên thế gian này vẫn còn chung quanh đời sống.

Bất chợt tôi thấy một người đàn ông có khuôn mặt quen đi vào cùng lối đi chính với tôi - người đàn ông da đen đã mỉm cười với tôi trong sự hạn hẹp ngôn ngữ và vụng về của tôi. Vẫn nụ cười ấy, vẫn cái ánh mắt sẻ chia... nhưng hôm nay ông ta trông nghiêm nghị hơn trong bộ quần áo tươm tất. Lòng lành của Chúa đã đem mọi người đến với nhau, đến từ trong tâm hồn, cách suy nghĩ và hành động, để hôm nay khi tôi gặp lại ông thì lòng tôi tưởng chừng như đã quen ông từ lâu lắm rồi. Ông cũng nhận ra tôi - có lẽ con bé ngốc nghếch không biết nói một chữ tiếng Anh đã làm ông nhớ đời !?

Nhà Chúa, tiếng chuông và tấm lòng mọi người chốn này vẫn là hình ảnh của nhà Chúa, tiếng chuông bên kia quê nhà và Chúa đã gởi đến cho con hình ảnh nhân ái của Người qua người đàn ông da đen hiền lành ấy- một tấm lòng lành thánh đơn sơ vô cùng. Xin tạ ơn Người và xin mãi mãi nhớ người đàn ông da đen mà tôi chưa bao giờ biết tên, ông đã dùng ngôn ngữ của trái tim để xoa dịu nỗi cô đơn, lạc lõng trong tôi.

Tiếng chuông tan lễ đã làm tôi chợt thoáng qua ý nghĩ hôm nào... thôi thì "Se Lòng" mình để bắt đầu một cuộc sống mới vậy. Mới từ ngôn ngữ, nơi trú ngụ, trường học, chợ búa, phố xá, kiến thức, phong tục, tập quán, cách suy nghĩ, hành động ... mọi thứ và biết đâu đến cả lòng người, nhưng có lẽ trái tim vọng cố hương trong tôi thì không thể nào mới được - tựa như cánh chim mãi mãi vọng trời xanh.
 
Như Thương

15 comments:

  1. Lạnh quá đi, miền Tây đang vào mùa mưa bão, mưa suốt mấy ngày nay, nước sông dâng cao đến báo động !

    ReplyDelete
  2. Một mẩu chuyện nơi xứ người

    Tác giả: Hạ Anh


    Giờ này , ở quê nhà chắc đỏ một màu hoa phượng bởi vì đang mùa hè . Mùa hè thì nóng bức nhưng ngồi dưới gốc phượng to đầy bóng mát nhặt hoa phương để chơi "đá gà " cùng lũ bạn thì vui biết bao , quên đi cái nóng của trưa hè . Nhớ lúc còn học dưới mái trường Trung học cùng bạn bè nhặt những hoa phượng ép thành những con bướm thật xinh , chúng tôi thi đua xem đứa nào có hình bướm đẹp nhất , rồi tặng nhau qua quyển " Lưu bút ngày xanh " . Kỷ niệm thì không bao giờ quên được , mỗi khi nhớ lại nhức nhối thấu tâm cang !

    " Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng . Ai chở mùa hè của tôi đi đâu ? ..." Rồi " Cánh phượng hồng ngẩn ngơ . Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây . Và mùa sau biết có còn gặp lại . Ngày khai trường áo lụa gió thu bay ..." Đó là lời của một bài thơ thật dễ thương của Đỗ Trung Quân , mỗi khi nghe lòng tôi bồi hồi khôn xiết . Giờ đây sống nơi xứ người , hè sang thèm được ngắm những cành hoa phượng , thèm chắp tay cầu nguyện cho gió lay hoa rụng để tôi nhặt mà ép vào trang vở , tôi thường gọi hoa phượng là hoa Nắng , bởi vì mùa hè thì nắng nhiều , mà nắng nhiều thì hoa phương mới rực rỡ . Hoa Nắng của tôi đâu rồi ? Hoa Nắng của tôi nơi đâu ?

    Nhắc về hoa phượng , tôi nhớ đến một người chị tôi đã quen trong những ngày đầu mới định cư nơi xứ lạ quê người , mà đã mấy năm nay tôi chưa gặp lại . Chị Phượng ! Chị tên là Lâm Hoàng Phượng , tên đẹp mà người cũng đẹp , những hình ảnh cách đây hơn mười năm sống dậy trong tôi .

    - Này cô ! Cô có phải người Việt Nam không ?

    Tôi quay lại :

    - Dạ , em là người Việt Nam . Chào chị , chị ở gần đây à ?

    Trước mặt tôi là một người đàn bà tuổi trạc năm mươi , vóc người nho nhỏ , mặt trái xoan , mũi dọc dừa , tóc ngắn , chị cười thật tươi lộ ra hàm răng đều như hạt bắp .

    - Chị ở cách đây năm căn nhà , em đến đây hồi nào vậy ?

    - Dạ gần một tuần rồi chị . Tên em là Hạ , còn chị ?

    - Chị Phượng . Nhà em số mấy ?

    - Dạ 8736 .

    - Hôm nào chị sang chơi , chào Hạ nhé . Chị đi " ex - sơ - xai " đây .

    Đó là một buổi chiều mùa hè cách đây hơn 11 năm , tôi đang ở phòng giặt đồ của khu apartment . Chân ướt chân ráo , thật bơ vơ lạc lỏng , buồn nhiều hơn vui , một nỗi buồn của người xa xứ không một người thân . Thèm nghe một giọng nói quen thuộc bằng ngôn ngữ của nước mình , bởi lẽ xung quanh tôi chỉ thấy toàn là người ngoại quốc . Ngoài người bản xứ còn có người Ấn Độ , người Mễ Tây Cơ , người Tàu , người Thái v.v... Tôi thật vui khi biết cạnh nhà mình có người Việt Nam ở đây , tôi quên mất không hỏi số nhà của chi .

    Giặt xong mớ đồ , tôi về nhà thấy lòng nhẹ hẳn , thế là ta có láng giềng là người Việt Nam , vui quá ! Tôi chuẩn bị tư tưởng , lời nói , để gặp chị Phượng và nói những gì cho phút gặp gỡ ban đầu , hy vọng đó là người láng giềng tốt bụng .

    Vài ngày sau , khi đi làm về tới nhà thì chị Phượng sang nhà tôi , chị bê cho tôi nào rau thơm , bầu , bí , dưa leo , khổ qua đủ loại rau quả .

    - Cho Hạ nè , cây nhà lá vườn đấy . Chỉ trồng được mùa hè thôi , ăn cho đến cuối thu , em mới đến chắc chưa biết chợ búa gì phải không ? Ở đây có một chợ Tàu nhỏ có bán rau cải nhưng ít lắm , còn như muốn đầy đủ phải đi tận Silverspring lận , hay đi Eden ở Virginia .

    ...

    ReplyDelete
  3. ...Tôi chưa kịp lên tiếng , chi đã nói tiếp :
    - Hôm nào chị rảnh chị qua làm cho em một chỗ trồng rau , phía sau có miếng đất trống để không làm gì .
    Tôi thật cảm động lí nhí nói :
    - Cám ơn chị nhiều lắm , để cuối tuần em làm sạch cỏ , rồi sang chị xin ít rau thơm về trồng .
    - Ừ , cứ qua mà bứng , nhiều vô số . Nhà nào nhiều hoa nhất đó là nhà của chi , cửa không bao giờ khóa , cứ mở vô không sao . Chị thích hoa lắm , năm nào cũng tốn tiền mua hoa đủ loại để trồng , mùa nào hoa ấy , mùa đông chị chơi hoa giả . Chị cười .
    Vài ngày sau , khi đi làm về tôi thật ngạc nhiên , phía trước nhà có " mảnh vườn " nho nhỏ với hoa cẩm chướng , hoa hồng , hoa pense' màu tím . Đàng sau có một khoảnh đất được làm cỏ sạch và có rau đủ loại : nào rau húng , rau dấp , rau tía tô ,kinh giới ... tất cả đều mới trồng xuống tưới nước ướt đẩm . Biết là chị Phượng chứ không ai xa lạ , tôi xúc động đến bàng hoàng , cứ đứng nhìn mà nước mắt rưng rưng . Thấy tôi , chị chạy qua vui vẻ nói :
    - Chị không đi làm , ở nhà đọc sách hoài cũng chán , nên chị qua làm sạch cỏ và trồng rau cho em đó , khoảng tháng sau tha hồ ăn . Mình chỉ trồng một lần thôi , năm sau nó lên lại chỉ tưới nước và nhổ cỏ .Thấy các em bận rộn qua' chị giúp chút ít ấy mà , không có gì đâu , đừng ngại . "Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc . Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn " , Nguyễn Công Trứ dạy không sai , chị sống đơn giản vậy đó .
    Tôi chỉ biết nói một câu ngắn ngủi :
    - Dạ , em cám ơn chị Phượng nhiều lắm .
    - Nè , đi làm đừng khóa nước nha , để chị sang tưới dùm cho , mùa này cần tưới nhiều , hơn nữa rau mới trồng .
    Tôi mời nhưng chị không vào nhà , chị bảo chị đi bộ vòng vòng cho vui chân .
    Qua lời tâm sự của chị , được biết ngày xưa chị là giáo viên trường Trung học ở thành phố Nha Trang , chồng chị là Sĩ quan Võ bị Đà Lạt khóa 16 tên là Hưng , chị sang Mỹ theo diện HO . Anh Hưng vóc người hơi gầy , tóc hoa râm , anh đang làm cho một chợ Mỹ gần đó , anh cũng vui vẻ , ân cần hỏi han , rất có tình . anh thường nói với chúng tôi :
    - Người đến trước giúp đỡ người đến sau , các em ở gần chúng tôi lâu rồi sẽ hiểu , sẽ thấy , cần gì thì cứ bảo , ban đầu ai cũng vất vả .
    Chúng tôi cảm động lắm , và rất mừng vì có người láng giềng tốt bụng , thấy bớt ưu tư phần nào , thấy được " tình người ấm lạnh " ở xứ sở xa hoa vật chất này .
    Chị Phương tâm sự , Sau năm 1975 , chồng chị bị tù cải tạo , chị bị nghỉ dạy , một nách bốn con tảo tần , buôn bán , vừa nuôi con , vừa nuôi chồng nơi trại tù xa xôi , một thân cò lặn lội , không than van , lúc nào cũng tìm cách làm ra tiền để lo cho chồng con . Chị gom hết tiền bạc , vàng vòng kể cả những nữ trang của ngày cưới để cho ba đứa con lớn đi vượt biên cùng với người dì Út của chị , chị phải ở lại vì còn phải lo cho chồng đang bị tù và đứa con còn quá nhỏ . Đứa con gái lớn nhất chỉ 8 tuổi , đứa kế 6 tuổi và thằng bé 4 tuổi , tôi nói :
    - Sao chị gan quá , các cháu còn nhỏ quá mà dám cho đi một mình không có mẹ , rủi có chuyện gì thì làm sao ?
    Chị bảo :
    - Vì tương lai của tụi nó em ạ , thằng bé nhỏ chỉ 2 tuổi , nếu lớn hơn một chút cũng cho đi luôn . Em thấy đó , anh Hưng bị tù biết có ngày về không , chị ở đây ôm đàn con như vậy sau này chúng lớn lên có được học hành gì không , tương lai tụi nó sẽ ra sao , ôm nhau chết à ?
    - Chị hay thật và can đảm !
    - Đúng ra đi với dì Út của chị nên chị cũng yên tâm , nếu may mắn chuyến đi trót lọt thì các con chị cũng đến được bến bờ tự do , được học hành và tương lai tụi nó sẽ khá còn hơn ở đây kể như đời tàn . Còn như rủi ro có bề gì thì xem như chị bạc phước vô phần , chắc chị cũng chết quá .
    ...

    ReplyDelete
  4. ...Thấy chị rưng rưng nước mắt tôi không dám nói gì thêm , mà tôi cũng nghe mằn mặn trong cổ họng mình .
    Chị kể tiếp , sau khi 3 đứa con đi chị ở lại buồn lo đủ thứ và thầm cầu nguyện cho các con được bình yên , mong được nhà hảo tâm nào đó nhận nuôi chúng thành người chớ một mình dì Út chắc lo không nổi , tiếng là dì chứ thật ra dì Út của chị trẻ hơn chị 5 tuổi .
    - Các cháu nhỏ quá làm sao tụi nó biết được tụi nó là ai , con ai , hả chị ?
    - Chị có cho tụi nó mang theo giấy khai sinh , và trên mỗi sợi dây chuyền đều có khắc tên của nó và tên cha mẹ , cũng như ngày tháng năm sinh .
    - Rồi bây giờ chị có liên lạc được các cháu chưa ?
    Chị thở dài , kể với giọng đầy nước mắt . Nhìn chị tôi thấy thương làm sao , bây giờ tôi mới hiểu tại sao chị lại lang thang ngoài đường , thất thểu bước đi như người mất trí . Lúc đầu chưa tiếp xúc chúng tôi ngỡ chị " không bình thường " , bởi lẽ chị như người mất hồn , khi thì nói huyên thuyên , khi thì im lặng và cứ đi tới đi lui vòng theo khu apartment , tôi thật ái ngại .
    Chị cho biết , sau khi anh Hưng ra tù vài năm , chị cùng gia đình đi Mỹ theo diện H.O , định cư ở tiểu bang Iowa . Chị liên lạc được người dì của chị , thì người dì cho biết , ba đứa nhỏ được ba gia đình nhận đem về nuôi , lúc đầu còn tới lui thăm viếng , sau họ dời nhà và dì mất liên lạc , vì kế sinh nhai nên dì Út cũng không tìm kiếm , nhưng dì biết chắc tụi nó rất được thương yêu , và người ta cho học hành đến nơi đến chốn. Đặc biệt , dù tụi nhỏ ở ba gia đình khác nhau , nhưng chúng vẫn liên lạc với nhau nhất là hai cô gái , hai gia đình cho chị em gặp thưòng xuyên . Chị cố gắng tìm kiếm đủ mọi cách qua các nhà thờ , và đăng trên những tờ báo Mỹ , cuối cùng tìm được hai cô con gái . Cô lớn là một Luật sư đã có gia đình hiện định cư ở tiểu bang Florida , cô nhỏ ở tiểu bang Maryland đang học đại học ngành dược
    Thời gian đầu hai đứa con của chị không chịu nhìn cha mẹ ruột , dù chúng vẫn còn giữ sợi dây chuyền . Chúng bảo là cha mẹ không thương con nên mới bỏ chúng , giờ chúng chỉ biết cha mẹ nuôi thôi , chị cố gắng giải thích với vốn liếng Anh ngữ của chị sợ con không hiểu , chị nhờ những người trong hội thiện nguyện giúp đỡ chị . Đó là năm 1992 , chị liên lạc được hai con gái , dù chúng vẫn trách móc đủ điều nhưng chúng vẫn biết chúng là con của chị . Cô lớn tên Rebeca là một Luật sư đã có gia đình và định cư ở Florida , cô nhỏ tên Rachel là một dược sĩ định cư ở Maryland . Chính vì Rachel mà gia đình chị từ Iowa dọn sang Maryland để gần gũi con gái , nhưng mâu thuẩn càng lớn khi sống chung với nhau , anh chị không sao hòa hợp được với cách sống rất Mỹ của cô con gái , và cứ cải vả nhau nhất là anh Hưng cứ theo phong tục , tập quán của người Á Đông mà bắt con gái phải học tập , bị phản đối , mỗi khi phản đối là cô đem chuyện "bỏ con " ra mà bắt lỗi cha mẹ . Cuối cùng chịu không nỗi anh chị Phượng phải dọn ra ở apartment , nhìn chị nhòe nhoẹt nước mắt mà tôi thấy thương chị vô cùng .
    ...

    ReplyDelete
  5. ... - Em biết không , tụi nó chưa chịu nhìn cha mẹ nhưng mình còn thấy , còn biết tin chúng , còn nấu ăn mang cho tụi nó .Còn thằng con trai của chị mất luôn , hai chị nó biết chỗ nó ở nhưng nó nhất định không nhìn cha mẹ , và không cho chị nói chuyện . Đau lắm em ơi .
    - Nhưng hai chị của nó biết chỗ ở của nó hả chi ?
    - Có lẽ biết ,nhưng thằng kia không cho nói . Chị thở dài .
    Buồn nhiều nên đôi khi tinh thần chị không vững , chị thường khóc và có lúc chị muốn chết đi . Chị hay đi lang thang giống như người mất trí , tôi nhìn người mẹ đau khổ mà thương vô cùng , tôi hiểu tâm trạng của người mẹ mất con , nhưng khổ
    là biết tin con mà con không chịu nhìn !
    Ba năm sau , gia đình chị Phương dọn đi nơi khác , vì mấy đứa con sau này học xong có việc làm nên mua nhà cho cha mẹ , chị không còn ở khu apartment này nữa . Vắng người hàng xóm tốt bụng , dễ thương , không ai hàn huyên tâm sự ,tôi thật là buồn , mỗi lần nhìn cụm hoa cúc , hoa hồng , hoa cẩm chướng trước nhà , nhìn đám rau thơm sau nhà là tôi nhớ đến chị da diết , muốn nói với chị nhiều lắm nhưng tôi không nói được lời nào .Nhà mới của chị khá xa nhà tôi , vì bộn bề công việc để kiếm sống , nên tôi cũng ít khi đến thăm chị dù vẫn luôn nhớ thương về chị .
    Rồi tôi cũng giã từ khu apartment này dọn đi nơi thành phố xa hơn nữa , nên khoảng cách giữa tôi và chị càng xa ! Số điện thoại của chị cũng thay đổi nên tôi không sao liên lạc được dù rất là muốn đến thăm chị vào những ngày nghỉ , tôi tìm kiếm và hỏi thăm những người quen cũ nhưng không ai biết tin , đành chờ dịp may thôi .
    Một hôm , tình cờ tôi thấy trong tờ báo ở mục phân ưu , tên của anh Hưng chồng chị Phượng đây mà , tôi sửng sốt , đọc thật kỹ , tên họ , tuổi tác , cấp bậc ,thì chắc chắn đó là chồng của chị . Không sao biết được địa chỉ hay số điện thoại để hỏi thăm , chúng tôi liên lạc với tòa soạn báo , cuối cùng tôi có được số điện thoại của chị . Tôi liền đi đến nhà chị , gặp tôi chị ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở . Anh Hưng bệnh ung thư gan , chị cho biết bệnh này đã bị lúc trong trại tù , nhưng khi qua đến Mỹ đã diều trị tạm ổn , nhưng tái phát và tới thời kỳ chót...anh đã ra đi . Tôi không nói lời nào an ủi chị , nghẹn ngào đứng chết trân . Sau đó chị kể tôi nghe về cơn bệnh của anh , về những việc làm của anh lúc cuối đời . Chị cho biết dù buồn đau chồng chị mất , nhưng chị sung sướng là đã tìm được đứa con trai , ngày nay chúng rất là thương yêu chị , chị em sum họp , ba chị em hiểu và rất thương yêu anh chị .
    ...

    ReplyDelete
  6. ... - Anh Hưng mất đó là sự mất mát lớn lao , nhưng chị biết anh cũng rất sung sướng mãn nguyện vì các con đã sum họp , hòa thuận , tụi nó cố chạy chữa cho cha nhưng đành chịu vì căn bênh đã di căn làm sao sống được .
    Chị bảo hai cô gái khó khăn lắm mới liên lạc được em trai vì cậu ta ở tận Luân Đôn của nước Anh xa xôi , vợ chồng cậu ta từ Luân Đôn qua thăm cha và ở luôn cho đến khi cha ra đi . Giờ đây chị thật sự vui vì đã tìm đủ các con mà từ lâu tưởng không bao giờ tìm được , dù anh Hưng ở cõi vĩnh hằng nhưng chắc anh cũng mĩm cười vì các con anh đã tìm về cội rễ .
    Nay thì chị Phượng của tôi không còn đi lang thang như người mất trí nữa , mà chị thật sự vui trở lại bổn phận làm mẹ , săn sóc , âu yếm , nấu nướng cho các con dù các con của chị đã lớn đã thành đạt và chắp cánh bay thật vững . Thỉnh toảng chị đến chơi nhà người con này , nhà người con kia , lâu lâu được các con dẫn đi du lịch , để đền bù những tháng ngày gian nan khổ cực , lắm lúc tưởng chừng phát điên . Tôi mừng cho chị Phượng của tôi , và mong rằng chị được khỏe mạnh , sống thật lâu , thật hạnh phúc với đàn con .
    Tôi luôn nhớ những điều chị đã dạy tôi , mà tôi không bao giờ quên được :
    Tri túc , tiện túc , đãi túc , hà thời túc
    Tri nhàn , tiện nhàn , đãi nhàn , hà thời nhàn .

    Tháng 7 / 09

    ReplyDelete

  7. Ngày mới đến Canada cũng thật là buồn bả lạnh lùng ,nhất là tôi đến từ xứ nóng !

    Khi con đi học ,ở nhà một mình ,nơi miền quê,thỉnh thoảng mới thấy bóng một chiếc xe lướt qua,ngồi trong nhà chỉ muốn khóc !

    Ngoài đường tuyết rơi trắng xoá,chỉ
    có cái TV đen trắng nói năng một mình !
    HEAT thì bằng gas ,chỉ có đủ phòng ăn ,còn phòng khách thì phải bận áo ấm ,trùm mền...
    Những ngày đầu tiên nơi xứ lạnh buồn không sao kể xiết !
    Chỉ tối đến mấy mẹ con ngồi tụm lại coi TV ,mỗi người 1 tô mới thấy vui....

    ReplyDelete
  8. Có thể nói mỗi người tị nạn là một câu chuyện thật cảm động.
    Bài "Se lòng" của NT cũng như bài "Một mẩu chuyện nơi xứ người" của Hạ Anh, mà anh QH đăng trên TT kỳ này là một điển hình.
    Kể từ những người Việt Nam tị nạn đầu tiên đặt chân trên đất nước này cho đến những người đến sau qua các chương trình ODP, HO v...v...cuộc đời của mỗi người tị nạn là những mẩu chuyện đầy nước mắt, gian truân... có nhiều trường hợp đầy mạo hiểm, ly kỳ (tuy nhiên cũng có những trường hợp ngoại lệ "đi tị nạn như đi du lịch"-nhưng rất hiếm).
    Câu chuyện Tị nạn mà NT tự thuật, lời văn thật nhẹ nhàng nhưng thật cảm động, nhất là đối với những người "di tản buồn" vào năm 1975.

    ReplyDelete
  9. Đọc qua một lần "Se lòng" , NT dùng ngôn ngữ của trái tim thiệt đầy ắp tình người. SM vẫn chưa tin cái lạnh mà NT và gia đình phải chịu đựng trong những ngày đầu tiên nơi xứ người khắc nghiệt đến thế. Chắc NT bên kia đầu dây cũng phải mỉm cười vì SM nhấc phone hỏi một câu ngắn ngủi như nghi ngờ bạn mình " Hôm đó nhiệt độ âm 40 độ F hả? ". Tối nào xuống thấp hơn 32 độ F một chút là rầu rồi vì sáng mai đi làm thế nào cũng phải cạo lớp băng đóng trên mặt kính xe, chưa chắc cái xe cũ chịu nổ khi minh chui vào vặn chìa khóa. Mấy mươi năm rồi hả NT, hồi đó ngu ngơ tự hỏi thế thì làm sao mà mình sống được. Bây giờ trả lời được chưa?

    ReplyDelete
  10. Nhân bài viết của Như-Thương có nhắc đến -40 độ F, và Sương Mai có hỏi là "thế thì lạnh tới cỡ nào?" trong khi ở Cali nắng ấm tình nồng mới có 32 độ F mà bà con 'co ro" lắm rồi.

    Đọc vài con số dưới đây để so sánh.
    Nhiệt độ Như-Thương kể trong bài viết là nhiệt độ tương đượng để làm chảy lõng Thủy Ngân.

    Ở hảng QH làm việc có một kho lạnh nhiệt độ được "set' là -50 độ F. (âm 50 độ F). Chổ này phải có "phép mới được mở cửa vào đó". Thỉnh thoảng QH có vào đó để kiểm saát độ lạnh, mặc quần áo lạnh như "phi hành gia không gian" và vô đo nhiệt đô xong là chạy ra liền.


    Khí lạnh giết người

    Ở Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (Centers for Disease Control and Prevention) cho biết hàng năm, Tử Thần Mùa Đông bắt đi hơn 700 người.

    Một nhân viên của cơ quan này nói, trong khoảng thời gian 1979-1995, 12.368 người sống tại Mỹ đã qua đời vì khí lạnh, khi nhiệt độ của cơ thể xuống thấp hơn mức có thể chịu đựng (hypothermia). Tức cứ 1 triệu người, có 3 người Tử Thần Mùa Đông đến viếng và đem đi.

    Bình thường, nhiệt độ cơ thể ta (thân nhiệt) 98.6 độ F. Khi tiếp xúc với môi trường lạnh bên ngoài, cơ thể ta chống lại khí lạnh bằng nhiều cách, tạo thêm nhiệt để duy trì thân nhiệt. Nhưng nếu lạnh quá sức chịu đựng, nhất là trong môi trường ẩm ướt như lúc trời mưa bão, các cơ chế chống lạnh của cơ thể ta không còn hữu hiệu, thân nhiệt hạ thấp dần.

    Khi thân nhiệt xuống đến 95 độ F (tức 35 độ C), nguy hiểm bắt đầu. Thân nhiệt xuống thấp thế sẽ làm thay đổi chức năng của các màng tế bào, dịch trong tế bào thoát ra ngoài, hoạt động của các diếu tố (enzymes) xáo trộn, những chất điện giải trong người ta cũng mất đi sự cân bằng. Tế bào sẽ chết vì các tổn thương này, và cũng vì hiện tượng nước đóng đá tại trong và ngoài tế bào.


    VÀI CON SỐ ĐỂ SO SÁNH:


    Nhiệt độ trung bình bề mặt Mặt trời

    10430 °F
    5777 °C

    Điểm nóng chảy của sắt

    2795 °F
    1535 °C

    Điểm nóng chảy của chì

    621,43 °F 327,46 °C

    Điểm sôi của nước

    212 °F
    100 °C

    Nhiệt độ không khí cao nhất đo được trong tự nhiên

    136,04 °F

    57,80 °C

    Thân nhiệt con người theo

    96 °F
    35,56 °C

    Điểm ba trạng thái của nước ( Trong vật lý, điểm ba trạng thái của một chất là nhiệt độ và áp suất mà ở đó ba pha của chất đó (khí, lỏng, rắn) có thể cùng tồn tại trong cân bằng nhiệt động lực học.)

    32,02 °F

    0,01 °C

    Điểm đóng băng của nước

    32 °F
    0 °C

    Nhiệt độ thấp nhất ở Gdansk, mùa đông năm 1708/09


    0 °F
    −17,78 °C

    Điểm nóng chảy của thủy ngân

    −37,89 °F

    −38,83 °C

    Nhiệt độ không khí thấp nhất đo được trong tự nhiên

    −130,90 °F

    −90,50 °C

    Điểm đóng băng của rượu

    −173,92 °F

    −114,40 °C

    Điểm bốc hơi của Nitơ

    −320,44 °F

    −195,80 °C

    Độ không tuyệt đối

    −459,67 °F

    −273,15 °C

    ReplyDelete
  11. NT đọc hết những bài viết của các bạn thơ rồi chợt ngẫm nghĩ không biết hồi xưa tại sao mình đi qua được một chặng đường khúc khủyu như vậy?! NT vẫn còn nhớ cái hốt hoảng của việc sáng thức dậy bỗng nhiên ai cũng bị chảy máu cam !!! Trong nhà lạnh quá nên vặn máy sưởi thật nóng, nên mới gây ra cớ sự vậy... mãi đến khi đi chợ VN gặp họ mới hỏi ra rằng: Tối ngủ cần phải để một thau nước lạnh gần máy sưởi để mình không bị chảy máu cam.
    NT mãi cho đến bây giờ cũng không hiểu điều gì đã "phù phép" từ thau nước đến chuyện sức nóng từ chiếc máy sưởi như vậy???
    Lúc ấy ăn mì gói là ngon nhất.... cái gì nóng và cay là xì xụp húp... Và cái lạnh dễ làm người ta đói bụng lắm !

    ReplyDelete
  12. Và cái lạnh dễ làm người ta...ao ước điều gì?

    ReplyDelete
  13. "Cuối cùng, người đầu tiên mà tôi tiếp xúc để nói chuyện bằng hai chữ "Yes" và "No" là một người da đen lái chiếc xe đổ rác bên hàng xóm cạnh nhà. Mãi cho đến hôm nay, 20 năm sau của thời khắc ấy, tôi vẫn còn hình dung ra cái ngọng nghịu, mắc cỡ và bối rối của tôi khi phát âm tiếng người."

    Với vốn liếng tiếng Anh học trong nhiều năm trung hoc thì dư sức đối đáp những câu nói chuyện thông thường đơn giản . Ấy thế chẳng hiểu tại sao lắp bắp không ra tiếng rồi lại cười. SM cũng hình dung lại những ngày đầu tiên nơi xứ người, ngồi nghiêm chỉnh nghe người ta phát biểu mà chả hiểu gì hết, cuối cùng có người thấy cái nét ngơ ngơ trên khuôn mặt SM mà nói to cùng người chủ tọa: " Hình như cô ấy không hiểu gì hết" 100% là đúng, thôi đành cuốn gói đi về học thêm chữ. Cả trường tiểu học chỉ duy nhất có 2 đứa trẻ VN, cô giáo cho mượn một cuốn tự điển bằng hình song ngữ Việt-Anh, SM muốn mua một cuốn cho riêng mình học ở nhà và dạy cho con luôn nhưng không biết mua ở đâu, bèn cặm cụi viết lại toàn bộ bằng tay rồi nhờ cô cháu gái tới đọc cho nghe , thu vào băng luyện giọng .Sau này SM cứ tự khen mình , siêng đến thế là cùng.
    Thế hôm NT gặp người ân nhân da đen đó tổng cộng khoảng bao nhiêu lần trả lời Yes và No? Nội hai chữ Cám ơn cũng không nói trọn lời, nhường chỗ cho trái tim ấm áp lên tiếng phải không?

    ReplyDelete
  14. Khi xưa, chỉ hai tiếng "Thank you" cũng chưa dám nói, bây giờ lạ lùng thay hai tiếng ấy là hai tiếng NT nói nhiều nhất trong ngày !

    ReplyDelete
  15. Đọc "SE LÒNG" của NHƯ THƯƠNG cx thấy nao nao lòng... thế mới biết hồi đó, kẻ ở, người đi cũng đều khổ cả...nhưng hồi ấy cx lại nghĩ khác, cứ nghĩ là bước đến được dất MỸ là thiên đường rồi, không hình dung được những cái bỡ ngỡ cũng đáng
    "SE LÒNG" người đến thế.

    Cảm ơn NHƯ THƯƠNG đã ghi lại đôi chút những "đau thương" của riêng mình và là cái khổ chung của thế hệ chúng ta phải gánh chịu...

    Thương quí!

    ReplyDelete