Saturday, April 14, 2012

NÍU TAY KỶ NIỆM


Thác Nhà Đèn

Tôi không được sinh ra ở đây, 
nhưng tôi đã lớn lên cùng hương rừng gió núi. 
Những thâm u huyền bí của núi rừng
 như ăn sâu vào tâm hồn tôi đã để lại 
những vết khắc không thể mài mòn bởi thời gian .

Không muốn một điều gì đó rời xa mình thì phải níu lấy phải không? Kỷ niệm của một đời người thì có nhiều cánh tay, có tay là để dỗ dành khi mình bị trắc trở trên bước đường đời, có tay thì ôm ấp vuốt ve khi mình nghĩ nhớ về nó, thậm chí có cả tay chọc ngoáy vào nỗi đau…Tôi nghĩ vậy!
Tôi thử níu lấy một cánh tay bất kỳ nào đó của kỷ niệm như để…thử thời vận đầu năm của mình coi trong năm mới sẽ gặp điều gì? Hên hay xui?
Đã nhấp nhỏm từ lâu cho lần trở về nầy từ khi nhận được email của một trong những Cô-em-nhỏ rủ rê. Nhưng cũng chỉ mới là những toan tính vì biết chắc là những ngày đầu năm mới sẽ có rất nhiều việc bận rộn. Sát những ngày giáp Tết, cô gọi lại và báo không đi vì bận việc gia đình và sẽ chuyển sang một dịp khác. Vậy là tôi yên chí thưởng thức không khí Tết của Sài Gòn không chút băn khoăn. Đùng một cái nghe tin “Thúy đã đi rồi” bằng…máy bay.
Đã bị lỡ một cái hẹn nên trong lòng có đôi chút buồn buồn, nhưng dù gì cũng phải thực hiện dự định của mình dẫu có muộn màng.
Tôi bỏ mùa trăng tháng giêng châu thổ mà đi tìm một mùa trăng khác trên chuyến xe đêm dài dằng dặc nhiều gian nan trên con đường rất xấu đã được biết trước. Trong thâm tâm cứ nghĩ những điều ấy thì có sá gì khi biết mình sẽ gặp được những điều đang đón đợi. Xe lăn bánh trong bóng đêm mờ ảo vì ánh trăng nào có thể soi sáng được chốn phồn hoa? Đi được một đỗi thì nhận được một “tin vui”: Một trong những điều háo hức đã bị người khác đánh cắp như những lần trước đó. Thì tại cái số của tôi vốn vậy mà. Hơi hụt hẫng một chút nhưng cũng chẳng sao, tôi nhoài người ra gần cửa sổ ngắm ánh trăng rằm để mong ánh trăng sẽ ve vuốt những bực dọc cho tan loãng rồi đẩy chúng chìm vào bóng đêm đang vây khốn. Nhưng than ôi! Chỉ còn là một ánh trăng lu! Tôi cũng chẳng hiểu vì sao? Có thể là trong lòng mình đang không vui hay do sương đêm tháng giêng dầy đặc đang che mờ? Thì cứ cho là vì yếu tố sau tác động để mình nhẹ lòng khi nhìn thấy cái gạt nước của xe phải hoạt động liên tục để nhìn rõ đường đi trong bóng tối đặc quánh chung quanh, chợt nghĩ hình như nó cũng gạt bỏ giùm tôi những nỗi bực bội vừa nhen nhóm trong lòng. Nhắm mắt cố tìm một giấc ngủ mong quên đi những điều nhỏ nhặt đang xảy ra. Nhưng nào có dễ dàng đâu?
Đón tôi ở đó là làn hơi dịu mát nhè nhẹ của gió núi có chuyên chở trên những đôi cánh một chút sương mai còn thấp thoáng. Dễ chịu thật! Những nhọc nhằn của một đêm không ngủ trằn trọc như bị gió thổi bay đi mất. Nhưng bổn cũ bị lập lại, con chiến mã của tôi bị những người bốc xếp bến xe hút sạch hết máu. Lại phải ì ạch đẩy bộ đi tìm cây xăng. Rồi mọi việc cũng qua thôi!
Đi tìm một quán cà phê nào đó mở cửa sớm để mong lấy chút nước màu đen giúp mình tỉnh táo lại đôi chút. Tìm lại quán cà phê cũ đường Hai Bà Trưng thì chỉ còn một khoảng trống lam nham trước mắt làm tôi ngẩn ngơ. Mới tháng tư tháng sáu năm ngoái tôi còn ngồi đó làm thơ mà bây giờ nó đã biến mất tăm như bị sóng thần cuốn trôi đi mất. Thì thôi, ta đi tìm quán khác vậy.

Xuôi qua một đoạn đường dài tìm đến một quán mới theo lời giới thiệu của bạn bè. Còn sớm quá nên hầu như chưa có khách, quán vắng tanh trong lúc mấy em phục vụ đang bận rộn dọn dẹp những niềm vui còn rơi rớt lại của đêm hôm trước. Nằm ở rìa thành phố nên quán cà phê sân vườn có những khoảng trống bình yên cần thiết dành cho những ai muốn thư giãn.
Vừa bước vào quán đã gặp ngay chủ nhân, một chàng thanh niên trạc ngoài ba mươi với mớ tóc dài buộc túm ra sau có vẻ nghệ sĩ. Mà chắc là vậy khi nhìn thấy cách bài trí trong quán khá mỹ thuật và trang nhã. Đặc biệt ở đây có những gian phòng nhỏ trống với những hàng cột, khách sẽ ngồi bệt xuống nền tương tự phong cách của Nhật Bản hay Hàn Quốc thưởng thức cà phê trong tiếng nhạc nhè nhẹ theo yêu cầu. Có thể là nhạc của Ngô Thụy Miên, của Trịnh Công Sơn hay của Phạm Duy…

Theo lối đi quanh co ngoài vườn, chúng tôi chọn một chỗ ngồi lộ thiên gần với một cây cà phê khá lớn tuổi mà trên tàng lá rộng chỉ còn sót lại vài đóa hoa trắng muộn màng đã hết hẳn hương thơm quyến rũ chiêm bao. Tôi đã đến muộn với mùa-hoa-thương-nhớ rồi sao? Những giọt cà phê sánh đặc đầu ngày làm tôi tỉnh táo hẳn trong không gian bình lặng chung quanh. Vài tiếng chim hót đâu đó trên cao rơi xuống tô điểm thêm cho không khí tĩnh lặng ban mai xứ núi. Cà phê ở đây khá ngon vì dường như không bị pha trộn theo cung cách thị trường tôi thường gặp.
Rồi cũng phải ra về vì còn nhiều việc đang chờ. Khi nhận phiếu tính tiền thì ấn tượng ban đầu của tôi với chủ quán quả không sai! Trên mảnh giấy trắng nhỏ có tên quán được viết bằng thư pháp kèm theo cái triện son đỏ chót góc dưới. Cũng khá cầu kỳ vì với một phiếu tính tiền, cần gì phải đóng thêm triện son vì rồi người ta sẽ vứt chúng ngay thôi. Hay chúng tôi cũng “có vẻ” là người-trong-hội nên được cư xử đặc biệt?
Thích thú, tôi đề nghị em phục vụ xin thêm vài mảnh để làm kỷ niệm. Phải chờ hơi lâu một chút trong khi không có nhiều thời gian nên đành phải đứng lên. Gần tới cửa thì chú nhỏ cầm ra vài mảnh giấy trắng cùng vài cái danh thiếp. Nhìn chúng thì tôi biết ngay chủ nhân vừa viết lên bằng tay vì chúng không hoàn toàn giống nhau. Một cách tiếp thị mới lạ: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi!”
- Một miếng giấy là một bài thơ đó nghe! Bạn tôi cười cười mà nói vậy.
Nhìn mảnh giấy trắng có chút xíu, tôi nghĩ họa chăng chỉ là những bài thơ trên một trang văn nghệ tôi thường sinh hoạt vì ở đó chủ nhà hạn chế số câu lắm! Cũng chẳng phải là muốn “ém tài” ai đâu! Chỉ đơn giản là cho dễ làm hình minh họa thôi.
Sau khi thu xếp chỗ nghỉ xong, tôi liên lạc ngay với vài người bạn học cũ còn sống ở đó. Một cuộc gặp mặt chớp nhoáng hình thành ngay quán cà phê Kơnia góc đường Hai bà Trưng và Phan Bội Châu. Toàn “dân nhà binh” mà! Một cái hẹn khác được đề nghị rồi tan hàng ngay vì ai cũng bận rộn với những việc đang dang dở.
Để lấp đầy khoảng thời gian trống, tôi lại dong xe vòng vòng tìm nhà một người bạn khác vì gọi hoài anh ấy không bắt máy. Qua vài con đường nhỏ nhưng không thể nhớ nổi nên không đi tìm nữa mà trở lại nhà người bạn vừa gặp.
Chúng tôi cùng đi đến địa điểm vừa hẹn hò ban sáng. Trên đường đi tôi hỏi:
- Ông có biết nhà của Việt không? Tôi muốn ghé vô thắp cho nó một nén nhang.
- Việt Thủy Quân Lục Chiến hả?
Câu trả lời hết sức bình thường và tôi chắc người bạn cũng chẳng để ý gì lắm, nhưng với tôi thì lại gây nên một cảm xúc mãnh liệt. Những tên người với cụm từ “đính kèm” phía sau chỉ là để xác định đích danh một con người nào đó cho khỏi lẫn lộn trong đám bạn cũ như: Việt Thủy Quân Lục Chiến, Hà Pilot, Hùng Nhảy Dù v.v...Cũng bình thường thôi! Nhưng nó như gợi nhớ lại thời trai trẻ của chúng tôi với những hào-hùng-giả-định. Hơn nữa, chính tay Việt nầy do sự xúi biểu của tôi khi chọn đơn vị lúc ra trường sĩ quan mà lao đầu vào chỗ chết ngay trận đầu tiên nên đã để lại một nỗi xót xa trong lòng tôi mà mấy chục năm qua không thể nào nguôi.
- Ừ!
- Có còn gì đâu! Em trai hắn hiện sống bên Mỹ rồi.
Lúc ấy thì trong đầu tôi nghĩ đến toàn những điều cay đắng. Vậy là nấm mồ hắn đã nhang tàn khói lạnh đâu còn ai chăm sóc? Hương hồn hắn không biết đang tiêu diêu ở cõi nào hay đã được về nước Chúa? Máu xương đã đổ xuống mà trả nợ núi sông giờ đây hắn còn hưởng được điều gì? Còn có được bao người nhớ về hắn nữa đây?
Quanh co qua con đường Quang Trung đoạn cuối gần Chùa Khải Đoan, chúng tôi trượt xuống một con dốc dựng đứng về phía suối Đốc Học đến chỗ hẹn. Cuối cùng cũng liên lạc được với người bạn vắng mặt ban sáng qua sự nhắn gởi khác. Bàn nhậu được mấy tay đực rựa bày biện rồi cùng xáp vô vì “Mẹ vắng nhà!”. Hương bia Heineken trưa nay thơm lừng cùng với mùi-thơm-cõi-nhớ. Những kỷ niệm mới lớn tuổi học trò, những gian nan đời lính, những cái tên, những gương mặt chập chùng lẫn khuất chốn xa xa đâu đó được gọi mời hiển hiện quanh bàn tiệc của những người bạn tuổi thiếu thời chúng tôi.
Một người sau hơn 45 năm mới gặp lại đầu râu tóc bạc, răng cỏ thiếu trước hụt sau đâu dễ gì trong thoáng chốc có thể thân tình ngay được? Khởi đầu thì cũng bạn bạn tôi tôi rất lịch sự, nhưng chỉ sau hai lon bia thì tất cả đều mầy tao ráo trọi. Một lợi thế của men rượu là dễ kéo người ta xích lại gần nhau ngay. Tàn một cuộc rượu tương đối ngắn vì còn phải về với một hẹn hò buổi chiều bởi có một nhóm bạn cũ khác sẽ lên chơi.
Trăng mười sáu giăng tơ lụa cho đêm thêm óng ả, tỏa ánh sáng mềm mại trên bầu trời cao nguyên trong vắt. Tiếng gió nghe lồng lộng trên cao sát trần mây thấp, chút men nồng nhạt màu hổ phách chen lẫn với mùi hương ngọc lan phảng phất như tôn thêm nét quyến rũ, nét nồng nàn của đêm Nguyên Tiêu muộn. Tâm hồn tôi đang bị chìm ngập trong một mùi hương làm lòng cảm thấy lâng lâng. Có thể là hương xuân, hương rừng gió núi, hương của những chùm hoa cà phê nở muộn, hương của những kỷ niệm, hay hương…Nếu có ai bảo tôi xác định mùi hương đó tên gọi là gì thì đành chịu! 



Lồng lộng trên cao lồng lộng gió
Lồng lộng trên đầu mây trắng bay
Lồng lộng tình anh như biển lớn
Tiếng cười trong gió, lồng lộng say!
Đứng ngắm qua khung cửa sổ những mái nhà nhấp nhô của thành phố được ánh trăng dát bạc những ánh đèn đêm thao thức và dãy đồi xa xa bao bọc phía tây nam đang đắm mình trong giấc-mộng-đêm-xuân, tôi thích lặng người đứng yên thưởng thức nét đẹp mộng mị ấy trong trạng thái tĩnh. Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Những trạng thái tâm hồn trước một sự việc biểu lộ tính cách khác nhau của mỗi người.
Thức giấc cùng tiếng gió núi rít ngoài khung cửa sổ, mở rộng cửa ra tôi căng ngực đón ngọn gió mùa đông bắc tràn về từ chốn xa xôi xuyên qua dãy Trường Sơn. Trời trở gió và lạnh hơn hôm qua nhiều.
Không như những lần trở về trước, dưng không lần nầy tôi lại muốn tìm gặp lại những kỷ niệm thời trai trẻ.
Lại xin nêu lên một câu hỏi:

Các bạn có tin là những kỷ niệm đẹp ngoài việc giúp ta có chút niềm vui mỗi khi có dịp nhớ về còn có một sức mạnh kỳ bí có thể dẫn đường cho ta theo hướng mong muốn trong mớ ký ức chập chùng quên lãng?

Tất nhiên, chẳng ai muốn trong lòng tồn tại điều ấy đâu! Nhưng cuộc sống với rất nhiều biến động và theo thời gian cái mới lần lượt trùm lấp lên cái cũ. Rồi tuổi già kéo đến sẽ bào mòn kỷ niệm khiến chúng mai một dần đi.

Một ngày cuối đông, một ngày đầu xuân nào đó, tôi muốn nương theo kỷ niệm mà tìm về vài nơi chốn đã có những vấn vương thời mới lớn. Tôi lại muốn tự thân mình tìm kiếm mà không phải tốn một lời hỏi thăm.

Lòng những muốn như thế, nhưng mớ ký ức nghèo nàn còn sót lại không giúp mình định hướng rõ ràng.
Trong cái không gian không se sắt lạnh như những ngày xưa, tôi chạy xe lang thang qua những con đường lạ lẫm. Cũng chỉ là đi thế thôi chớ không có được một định hướng rõ rệt.
Ngược về cây số 3, tôi ao ước biết bao được gặp lại đàn bướm trắng của Rừng-Lao-Xao-cổ-tích! Nhưng rừng xưa đã không còn dấu vết nào nữa mà thay vào đó là những con đường nhựa xẻ ngang xẻ dọc như muốn làm tan nát những kỷ niệm của tôi. Có còn đâu những hàng cây rợp bóng che mát Tình Yêu? Có còn đâu những ngõ nhỏ phủ lấp vàng phai đầy tiếng lao xao của những bước chân chim mọc đôi cánh tình? Có còn đâu bóng tà áo dài học trò xanh nhẹ như da trời? Hương hoa cà phê trắng nuột thơm lừng bát ngát cũng có còn đâu mà quyến rũ đàn bướm nhỏ? Người phụ nữ ngày nào tôi ao ước được bước vào khu rừng thơ mộng ấy cùng đàn bướm trắng bay rợp ngang đầu cũng đã đi đâu mất, để lại mình tôi với nỗi bơ vơ. Có còn đâu những dư hương ngày cũ? Dường như tất cả đã trôi vào dĩ vãng xa xăm và tan biến vào cõi hư không. Tôi dừng xe đứng lại một mình rồi lòng bùi ngùi nhung nhớ xa xôi. Những ngôi nhà hiện đại cùng siêu thị Metro to lớn đang chuẩn bị khai trương đã choán chỗ mất rồi.
Xuôi về hướng biển, đi qua cây số 5 mà trong ký ức cũng có những vườn cà phê rộng bát ngát nhưng giờ không tìm thấy đâu. Lại rẽ phải hướng về làng Hòa Bình một đoạn đường nữa.
Vẫn con dốc dài cho những vòng xe lăn quay, phía bên phải vẫn là rừng cây sao, bên trái vẫn là rừng cây giá tỵ ngày nào. Theo sự phát triển chung, con đường đã mở rộng hơn rất nhiều với dải phân cách trồng cây cảnh cùng hàng cột đèn ở giữa cộng với sự trưởng thành của những khu rừng làm tôi hơi phân vân một chút. Chẳng lẽ sau hơn 40 năm, chúng chỉ lớn thêm được chừng đó thôi sao? Nhưng tôi đã nghĩ được ngay ra rằng đó chỉ là những cánh rừng được trồng thực nghiệm. Trên nguyên tắc phát triển của cây cối, hễ tán lá của cây trải tới đâu thì bộ rễ dưới đất cũng ăn lan theo đến đó. Thứ nhứt là để tạo độ cân bằng bền vững trước những cơn gió mạnh, thứ nhì mới đủ sức hút những chất bổ dưỡng nuôi lớn cho cây.
Nhưng những cây rừng lưu niên ở đây được trồng san sát bảo sao mà chúng không chựng lại khi lớn đến một mức độ nhất định nào đó? Nhìn cánh rừng trước mặt, tôi liên tưởng đến tình cảm, ký ức của con người. Khi bị bó hẹp trong một không gian hạn chế, khi bị những hệ lụy đời thường ràng buộc hoặc thấp thoáng đâu đó sự bội bạc thì làm sao mong có được sự lớn mạnh lực lưỡng?
Qua hết cánh rừng, ngày xưa là một vùng cây cỏ hoang vu thì bây giờ nhà cửa đã mọc lên san sát với những tấm bảng quảng cáo bằng tiếng dân tộc tôi không sao hiểu nổi. Cứ chạy xe từ từ mà ước đoán thôi.
Đến đây, hồ như kỷ niệm đã bắt đầu thể hiện sức mạnh kỳ bí của nó, hướng dẫn tay lái tôi ngoặc trái vào một ngõ rẽ không định trước. Những thay đổi làm cảnh quan khác xưa nhiều quá! Những ngôi nhà mới mọc lên khá nhiều thay thế những vườn cây ăn trái, dù rằng ngờ ngợ trong lòng nhưng tôi cứ đi theo tiếng gọi của trái tim. 
Được khoảng chừng 50 mét, tôi nhận ra đó chính là cung đường ngày xưa mình đã thể hiện sự gan dạ tuổi trẻ của mình qua những cuộc đua tốc độ kinh người, nhất là khi đến cái cua quẹo mà thuở thiếu thời với sự suy nghĩ nông cạn hẹp hòi đã ép cho một tay đua khác phải leo lề và gây tai nạn. Cảnh tượng cũ như tái hiện lại trong mắt thì tôi đã chắc chắn trong lòng mình đã không trở lại nhầm đường. 

Ngày xưa đó là một con đường dậy hương tuyệt đẹp và phẳng phiu lý tưởng, nhưng bây giờ đã trở nên hư hỏng nhiều và đang bị đào xới ngổn ngang để thảm nhựa lại mặt đường. Những khu vườn với những cây đu đủ phổng phao, những cây xoài với chùm trái trĩu cành lắt lay trong gió đã bị thay thế bằng những ngôi nhà khang trang. Tránh né những ổ gà, đá cuội lổn nhổn, tôi cứ như đi trong một giấc mộng mơ hồ nào đó mà đầu óc không còn chút tỉnh táo.
Ngoặc qua ngoặc lại vài lần đến một ngã ba nhỏ xíu, nó nhỏ quá như một con hẻm nên tôi không lưu tâm đến và đi vượt ngang qua. Khoảng độ 10 mét dường như có một lời kêu gọi mơ hồ nào đó vọng về khiến tôi thắng xe quay lại. Quẹo xuống một con đường nhỏ khá dốc, thốt nhiên hiện ra trước mắt tôi một hồ nước lớn bình lặng trong xanh. Nó không còn bát ngát với những vấn nghi về những cái được che giấu dưới đáy hồ sâu thẳm như trong mắt nhìn của một thằng nhóc mới lớn. Nó cũng chẳng còn những thân cây chết đứng nằm trong lòng hồ với nhiều nguy cơ. Tất cả đã được người ta dọn dẹp sạch sẽ như đã gạt phăng tất cả kỷ niệm thời niên thiếu của tôi.
Dừng xe trên một con đường nhỏ đổ bê tông sơ sài, tôi như nhận diện được một người quen cũ. Xưa kia chỉ là một bờ đất đỏ đơn sơ thâm thấp chặn dòng chảy con suối tạo thành một hồ chứa nước và chỉ chịu sức nặng bé tẹo của những đứa trẻ con rong chơi, bây giờ đã được người ta tu bổ khá vững chải và cao ráo và trở thành con đường dân sinh cho những cư dân mới nhà cửa ngổn ngang chung quanh.

Hồ-Trung-Tâm-Banmêthuột thời mới lớn của tôi đó!
Đứng nhìn mông quạnh một hồi, tôi chợt mỉm cười khi mường tượng lại hình ảnh những thằng nhóc choai choai trong đó có tôi đang đùa giỡn dưới làn nước xanh mát mấy buổi trưa hè và những trò nghịch ngợm kỳ cục nhớ lại quả thật thú vị!
Đi trong sự mông muội của mớ ký ức chập chùng, điều gì đã dẫn tôi về đúng cái nơi mà tôi muốn tới?
 Chính là sức mạnh kỳ bí của kỷ niệm đấy!
Buổi chiều trở lại quán cà phê Kơnia ngồi một mình ngắm nhìn phố xá và ghi lại những cảm xúc sáng nay trên mặt sau những tờ hóa đơn. Đó là căn bệnh trầm kha không bỏ được khi ngồi ở quán cà phê, tôi hay nhặt lấy những ý tưởng hoặc những câu thơ bất chợt bay về rồi ghi lại sau những tờ lịch xé.

Gió lạnh về đêm kéo về thổi nghe hun hút bên ngoài khung cửa sổ. Dường như thời tiết đang chuyển mình trở lại đem về cái giá buốt những ngày đầu tháng giêng cho phố núi. Lạ chỗ làm giấc ngủ khó trở về như mong đợi để bù lại những đêm thức trắng.
Sáng hôm sau lại bị lỡ một cái hẹn đã được định trước vào buôn Ko Thung nên tôi lại muốn tìm đến một chốn khác mà trong lòng không vui. Đi lòng vòng qua những con phố nhỏ, hầu như tôi không còn thấy bóng dáng của những phụ nữ người dân tộc mặc những chiếc váy đen mang gùi xuống chợ trao đổi hàng hóa nữa. Gần một ngã tư, tôi nhìn thấy ba cô thiếu nữ dân tộc để những gùi đựng đầy những trái ổi to bên vệ đường chào bán, nhưng họ lại mặc quần tây. Phố Banmêthuột xưa của tôi đâu rồi? Người Banmêthuột xưa đã đi đâu mất hết?

Cho xe chạy chầm chậm theo con đường Hùng Vương bên hông Trường Trung Học Banmêthuột. Thả xuống con dốc dài rồi bứt lên đầu dốc phía bên kia, dừng xe lại lơ ngơ mà không biết phải đi về hướng nào. Giống như một người-quen-nơi-xứ lạ. Con dốc dài lầm bụi đỏ ngày xưa đã biến mất không còn chút tăm tích cùng những ngôi nhà sàn quen thuộc của buôn Kosier. Trước mắt tôi bây giờ toàn là những con đường tráng nhựa với những ngôi nhà tường mới xây của cư dân mới có tiếng nói của những vùng miền xa lạ. Quả tình tôi không rõ đó là sự lấn chiếm hay có yếu tố tiền bạc xen vào.
Những câu nói giả dụ như:
- Nao hiu?
- Nao sang chơ!
không còn được nghe thấy trong những chuyến về phố núi gần đây nữa.
Trên đường vào buôn Kosier, tôi trông thấy một người phụ nữ mang gùi đi chợ về nhưng trang phục trên người là chiếc áo sơ mi đi cùng chiếc quần tây. Thêm nữa, cô ta lại mang găng tay vải và đôi vớ màu da người dưới chân. Tự nhiên đầu óc tôi lại suy nghĩ lan man: Bao nhiêu là lễ hội văn hóa cồng chiêng, trình diễn trang phục các dân tộc Tây Nguyên để giới thiệu với khách nước ngoài một bộ phận dân cư khác người Kinh cùng sinh sống trên một mảnh đất đa sắc tộc, nhưng ngay chính họ đang đánh mất dần bản sắc riêng của mình thì những lời hô hào kia phỏng có ích gì?
Quẹo tới quẹo lui nhiều lần nhưng không thể nào tìm thấy manh mối nơi mình muốn đến. Có một con dốc rất cao phía rìa buôn mà tôi biết chắc sẽ dẫn đến nhà máy thủy điện nhỏ năm xưa rồi đưa đến một nguồn nước hẹp có những người phụ nữ người Thượng hay tới hứng nước vào những trái bầu khô màu đen nhánh, nhưng bây giờ tôi xuôi theo nó thì đã hóa thành một con ngõ cụt. Lần nầy thì sức mạnh kỳ bí của kỷ niệm không giúp ích gì được cho tôi, chắc nó không ưa những sự nặng nề hiện diện trong lòng người. Thua! Đành phải quay lui về phố mà a-lô nhờ sự trợ giúp của một người bạn.

Chúng tôi chạy xe theo một con đường trải nhựa khá xa chắc là đi xuyên qua suốt buôn Kosier rồi ngoặc phải xuống một con dốc đất đỏ ngoằn ngoèo.

Xuống hết con dốc thì thấy một mặt hồ xanh loang loáng ánh nắng hiện ra trước mặt. Chúng tôi dừng xe ở một khoảng đất rộng mà ngày xưa các Thầy hay dùng làm chỗ cắm trại cho học sinh của trường vào dịp Tết. Đây là một con đường hoàn toàn mới tôi chưa lần nào có dịp đặt chân tới bởi ngày xưa chỉ là một đám rừng rậm rạp.

Cả hai bước gần xuống mặt con đập chặn nước. Nhìn xuôi theo làn nước bạc đang tung bọt trắng xóa phía dưới xa xa kia, tôi thắc mắc sao không còn thấy chỗ ngày xưa, những thằng nhóc con chúng tôi hay nhảy xuống từ một mạch đá bị cắt lơ lửng thành cái thác mini để vẫy vùng thì anh bạn chỉ xuống phía dưới:
- Thì cứ đứng ở đây nhìn xuống sẽ thấy chớ gì.
Quay lại ký ức của mình sao tôi thấy cảnh quan trước mắt hoàn toàn xa lạ nên không tin vào lời giải thích của người bạn.
Lẽ nào biển cả hóa nương dâu mãnh liệt đến ngần ấy sao? Một mạch đá to lớn làm sao chỉ mấy mươi năm mà đã bị dòng suối bào mòn mất hẳn dấu vết? Lần xuống phía hạ nguồn con suối khoảng 50 mét tôi đã bắt gặp lại “cố nhân”. Tôi không thích nhìn lại nó từ phía xa xa mà kiên quyết phải đến cho thật gần mới thỏa. Đường xưa lối cũ bây giờ đã hoang phế nhiều, cỏ lau đã lấp mất hẳn đường đi vì nơi nầy bây giờ không còn là một thiên đường nhỏ của lớp hậu sinh nên rất khó khăn để tiếp cận. Loay hoay tìm chỗ đặt chân dưới lớp cỏ dầy, tôi trượt một cái ngã lăn cù xuống mép suối. May mà còn chụp lại kịp một đám cỏ ven bờ không thôi đã bị tắm mát ngoài ý muốn rồi.
Khi không, trong tư tưởng tôi nảy sinh một sự ví von: Cái Thác Nhà Đèn nầy giống như một người phụ nữ. Nếu sống cùng hàng ngày như một người vợ, mình sẽ không còn cảm nhận được sự hiện diện đặc biệt của cô ấy bên mình mà chỉ như một sự vật vốn có đã được sắp xếp sẵn. Còn nếu người phụ nữ ấy là một tình nhân thì sự mong nhớ đau đáu cứ thôi thúc trái tim mình cố mà tìm gặp cho bằng được. Thác Nhà Đèn là người vợ của anh bạn tôi, và nó là tình nhân của tôi đấy!
Tôi bỗng nảy ra ý định ghi lại hình ảnh Thác Nhà Đèn hiện tại để khoe với các bạn. Trở về lại phố rồi vội vàng từ giã người bạn dẫn đường, tôi quay lại chỗ nghỉ lôi cái máy ảnh theo. Đến nơi, tôi gởi con chiến mã cho cỏ cây hoa lá trông chừng giùm rồi tuột xuống những con dốc đứng ghi lại hình ảnh chúng.

Buổi chiều, những tấm ảnh còn nằm trong máy đã quyến rũ một người bạn khác với sự trầm trồ thán phục vì vẻ đẹp của nó bởi tuy lúc tuổi mới lớn đã từng đến chốn nầy, nhưng chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa” thôi chớ không tận tường những ngõ ngách như tôi. Chúng tôi quyết định sáng ngày mai sẽ quay trở lại với đầy đủ đồ nghề “xịn” hơn để ghi lại cho được những hình ảnh đẹp. Đột nhiên tôi cảm thấy mình như oai hơn khi được giao cho nhiệm vụ “hướng dẫn viên kỷ niệm”.
Sáng hôm sau, chờ cho nắng đã lên cao để có thể đủ ánh sáng chụp hình những sóng nước tung bọt, tôi đưa người bạn quay lại nơi bờ đập. Chúng tôi chọn vài góc độ thuận tiện để ghi lại vài tấm hình kỷ niệm với con đập.
Bây giờ tôi không hiểu là vì lớp đất đỏ do con suối đưa về bị trầm tích hay do con người đã cải tạo nó mà trên lòng hồ đã xuất hiện vài đám lúa nước khiến mặt hồ mênh mông ngày xưa đã bị nhỏ lại.
Chợt tôi đưa ra một câu hỏi như một câu đố cho người bạn:
- Liệu nhìn cái đập chặn nước bây giờ so với ngày xưa có nhận thấy điều gì khác biệt không?
- Không, vẫn vậy thôi! Có gì khác nhau đâu?
- Thiếu sự quan sát tinh tế rồi, bây giờ có nhiều nước chảy tràn qua hơn ngày xưa. Con kinh đào nhỏ chạy ngoằn ngoèo men theo lối con-đường-tình-ta-đi bây giờ chỉ còn là một con mương nhỏ. Nó không còn được sử dụng dẫn nước xuống làm chạy tua-bin cho máy thủy điện nữa nên hầu như toàn bộ lượng nước của con suối cứ chảy tràn bờ tự nhiên.
- Đúng rồi! Tôi không nhận ra điều nầy. Ngày xưa có thể đi dễ dàng trên đầu bờ đập để qua phía bên kia sườn đồi, nhưng giờ nước chảy nhiều quá nên cứ sờ sợ bị trượt chân chẳng dám đi qua đâu.

Sợ thì cứ việc sợ, nhưng rồi cuối cùng vẫn không sao tránh khỏi sự-trượt-chân. Đôi giày đế mềm không giúp bàn chân bạn tôi bám chặt vào lớp đất đỏ nên phải bị “đo dốc” do tôi ốm yếu quá không thể ngăn được sức-nặng-nghìn-cân đổ xuống khi cả hai cố lần xuống gần mặt nước để chụp ngược lên con đập vì muốn lấy những góc ảnh đẹp. Cũng là một kỷ niệm nhớ hoài cho một chuyến đi đấy!

Người ta bảo không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông. Trước đây tôi vẫn không tin như thế và đã chống chế rằng con sông còn có nước lớn nước ròng mà! Biết đâu dòng nước cũ sẽ quay trở lại tuy rằng đã bị pha trộn ít nhiều. Nhưng với những con suối chỉ một chiều xuôi chảy thì phép mầu nào có thể khiến dòng nước cũ trở về? Hiện tôi đang đứng trước dòng nước bạc đang ầm ào tung bọt trắng xóa, tâm hồn tôi lại hoàn toàn không tin vào hiện tượng vật lý ấy. Dòng nước cũ đã tái sinh theo luật tuần hoàn của tự nhiên, giờ đây chúng đang quay trở lại đưa tay vẫy gọi tôi trầm mình xuống đùa vui với chúng như ngày nào của hơn bốn mươi năm trước. Trời ơi! Có ai hiểu là tôi những mong như thế lắm nhưng nào có được đâu? Sao mà tôi oán ghét những bận rộn đời thường níu lưng tôi lại, sao mà tôi oán ghét quỹ thời gian chợt ngắn củn cởn không cho phép tôi được thỏa ước nguyện đơn sơ của mình thế? Sao mà tôi chợt đâm ra oán ghét những người đã từng trải qua thời mới lớn như tôi ở chốn nầy lại không có cùng những ao ước như tôi? Tôi không được sinh ra ở đây, nhưng tôi đã lớn lên cùng hương rừng gió núi. Những thâm u huyền bí của núi rừng như ăn sâu vào tâm hồn tôi đã để lại những vết khắc không thể mài mòn bởi thời gian.
Người bạn có ý muốn chứng kiến tận mắt cái nơi mà tuổi mới lớn tôi đã vẫy vùng vì họ chưa hề biết tới. Tôi cho xe chạy men theo con đường mòn nhỏ vào sâu hơn nữa rồi lại gởi cho cây cỏ hoa lá trông chừng giùm. Tay xách nách mang máy ảnh máy quay phim lỉnh kỉnh, tôi đi trước chọn những lối đi chen trong đám cỏ dại tương đối chắc chắn để cả hai lần xuống càng gần càng tốt chốn-linh-thiêng-của-riêng-tôi. Họ đã thực sự kinh ngạc khi đứng kề bên cái vách đá tai mèo dựng đứng ngày xưa tôi đã dùng nó làm con đường trèo lên đầu thác để nhảy xuống trở lại sau khi đã vẫy vùng dưới khoảng nước rộng dưới sâu kia:
- Thấy ghê quá! Thế có bao giờ khi leo lên bị té xuống trở lại không?
- Sao lại không? Mười lần thì cũng bị té xuống hai ba lần.
- Rồi có sao không?
- Nếu có sao thì bây giờ làm sao còn đứng đây mà kể lể về nó nữa?
- Thế mặt nước dưới đó có sâu không?
- Cũng chẳng biết! Nhưng có lần đứng trên đầu ngọn thác nhảy chúi xuống thì…bị đụng đầu xuống đáy.
- Ẩu tả vậy?
- Tuổi trẻ phi thường mà. Đầu cứng như đá nên chẳng hề chi!
Một tiếng "hứ " kèm với cái bĩu môi làm tôi cụt hứng.

Để người bạn đứng dưới bóng cây bên bờ đá, tôi một mình mang theo máy ảnh lần xuống sát mép nước.
Mắt tôi nhìn những bọt nước trắng xóa kế bên lung linh trong ánh nắng. Tai tôi nghe tiếng thác chảy ì ầm. Mũi tôi ngửi được cả mùi của nước chen lẫn với mùi hương kỷ niệm. Làn da tôi được hơi nước mát lạnh vuốt ve. Vốc một bụm nước trong đưa lên nếm thử, tôi cảm nhận được sự ngọt ngào trong miệng. Tôi đã đứng kề bên ngọn thác của ngày xưa nếm trải nó không chỉ bằng ngũ quan thông thường mà còn cộng thêm một giác quan thứ sáu được tôi đặt tên là Tâm Giác. Bởi vì tất cả lòng mình đang trải rộng mà đón nhận những hương vị được dẫn từ ngày xưa về đến hôm nay. Nỗi hạnh phúc được sống với những hoài niệm khi thấy lại con thác đã làm tôi lâng lâng như được quay về những tháng ngày đã quá xa xôi. Mấy mươi năm rồi còn gì? Chẳng bao giờ hình ảnh của nó nhạt nhòa trong tâm trí tôi dù đã trải qua bao nhiêu chặng cay đắng ngọt bùi của đường đời.
Sau khi từ Thác Nhà Đèn về thì đã quá trưa nên phải trả phòng. Tôi gởi đồ lại nhờ cô bé tiếp tân trông chừng giùm rồi lê la tới quán cà phê Suối Xanh trải mình dài trên ghế giết thời gian. Thấy bảng hiệu có chữ Suối những tưởng sẽ được trải qua một buổi trưa mát mẻ, nào dè nóng muốn ná thở luôn. Chán chường, tôi lại chạy xe loanh quanh một chốc rồi sực nhớ còn một nơi có dấu ấn sâu đậm đến tuổi thơ của mình nên quyết định ghé thăm luôn. Lần nầy thì lũ kỷ niệm chắc thấy tội nghiệp nên mạnh dạn dẫn đường và tôi chạy một mạch đến đúng nơi tôi muốn đến: Piscine.

Đứng lơ ngơ nhìn ngắm một hồi, bỗng dưng tôi thấy như thiếu thiếu cái gì. Rồi! Quên máy chụp hình. Quay trở lại chỗ gởi đồ moi nó ra chạy vù xuống trở lại. Lòng chợt bỗng quạnh hiu khi nhìn sự hoang phế phơi bày trước mắt. Họ đã nắn dòng chảy con suối để thực hiện một ý dự án nào đó nhưng không thành. Bây giờ “nó” được cho đi qua song song với piscine phía cửa vào ngày trước. Do không phải mùa mưa nên chỉ chảy róc rách giống như một rảnh thoát nước mà thôi. Nhìn “cố nhân” ngày nào đang phơi mình hoang phế với thời gian, nhìn mấy cây dừa lão đang giương mình khẳng khiu cao ngất lên trời nơi ngày trước là cái nhà tôle của Ông Tỉnh gầy nhom giữ hồ lòng tôi chùng xuống và bùi ngùi biết mấy! Cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu tá?

Quay tới quay lui một hồi, tôi thấy có hai con dốc dựng đứng được xây thành bậc cấp hẳn hoi dẫn vào hai ngôi nhà phía trên cao. Tôi biết chắc rằng một trong hai ngôi nhà ấy có nhà của Thầy Quang dạy vẽ của trường Trung Học Banmêthuột nhưng không nhớ rõ ràng lắm, bèn thả bộ thơ thẩn tìm những chú bé gần đó hỏi thăm. Tôi không phải là một đứa học trò kiệt xuất có thể làm rạng danh trường lớp, nhưng dù gì cũng là một đứa học trò khá nổi trội trong môn học của Thầy. Muốn leo lên con dốc để vào nhà thắp một nén nhang tưởng nhớ đến Thầy tôi, nhưng tiếng chuông giáo đường xóm đạo đang gióng giã kêu gọi con chiên trong buổi kinh chiều, mà rồi tôi cũng tự hỏi lòng những người đang còn sống trong ngôi nhà ấy có ai biết tôi và tôi có biết ai không nên ngần ngại quá!
Trời trên rừng rất mau sụp tối, mà trước mắt tôi đang còn một quãng đường xa diệu vợi đang chờ đợi những vòng xe lăn. Dù rằng con trăng mười tám đang sẵn sàng soi sáng bước tôi đi, nhưng e rằng với tuổi đời đang nặng nề chồng chất, tôi không còn đủ tinh tường trong đôi mắt để kịp thời nhận diện những nguy cơ chờ chực trong bóng đêm nên đành thôi vậy. Tôi tự hỏi mình cư xử như vậy có phải là một con người bội bạc tình nghĩa không? Chắc là cũng có một phần.
Bấy nhiêu đó tưởng cũng đủ. Buông tay ra rồi đấy! Thôi chào nhé! Lũ kỷ niệm của tôi. Một phần hồn tôi đã gởi lại nơi đó và mang theo một phần của các bạn đi cùng cho hết cuộc đời nầy. Vậy là hòa nhé!
Nhưng đừng tưởng nói như thế là phủi tay gạt mất ra khỏi cuộc đời nhau. Chúng ta còn nợ nần nhau nhiều lắm đấy!

HÙNG BI
(tháng giêng Nhâm Thìn 2012)




28 comments:

HUONG said...

Các bạn thơ ơi,

Có lẽ các bạn đều đọc và xem những dòng chữ viết về một nơi chốn thân yêu - Ban mê thuột - trong bài viết "Níu Tay Kỷ Niệm" của bạn thơ SAO rồi phải không ? Bạn nghĩ gì nào ?
Có về lại chốn cũ và tuần tự trong trí nhớ bỗng quay về cái thuở 15, 17 không ?
Có cảm thấy mình hạnh phúc như một thuở hẹn hò đâu đó nơi những địa danh trong bài viết ?
Có thèm kể chuyện cho bạn bè nghe những gì đã trở thành dấu ấn trong tâm khảm mình không ?
Nếu một trong các bạn mà bảo "Không" thì NT không tin đâu ạ !?
Xin đợi NT kể chuyện của NT trên những vết tích mà bạn thơ s@ đã đi qua với nhé ... có thể nó rất vụng, nhưng vẫn là "Níu tay kỷ niệm" đấy thôi

Suong Mai said...

Thơ thì có s@..., Văn thì có Hùng Bi, tuy hai bút hiệu mà chỉ một người. Những chỗ Níu tay Kỷ Niệm ấy SM đều đã ghé chân qua , duy nhất Hồ tắm là không hề, đoán không lầm thì thời đó chỉ toàn là con trai chen chúc dưới hồ phải không HB và Song Kim ? Nhà cô cháu gái của SM nằm ngay tại đầu con đường dốc đất đỏ ngoằn ngoèo dẫn xuống Thác Nhà đèn, rất gần mà trước đây không biết. Thời gian trôi qua vật đổi sao dời, SM không cách nào tưởng tượng Buôn Păn Lăm, Buôn Kosier ngay tại khu vực ấy giờ thay đổi bộ mặt quá lạ, nói chung là nhà cửa khang trang hơn nhiều, khoác bộ mặt thành thị khi Thành phố BMT được nới rộng ra từ nhiều năm nay. Nhớ ngày nào những buổi picnic Thày trò, bạn bè tay xách nách mang đồ ăn lễ mễ, theo những con đường mòn băng qua Buôn qua rừng , chọn tới chọn lui một chỗ cây xanh bóng mát làm điểm dừng chân. Mới đầu sờ sợ không dám nhìn xuống phía dưới khi dè dặt túm ống quần cao từng bước đi ngang mặt con đập. Chẳng qua đứa nào cũng thích có một tấm hình đứng giữa làn nước chảy mà làm gan đó thôi. Xuôi dài dòng nước gặp Thác mà nhảy xuống thì hoàn toàn nhường cho các bạn nam gan dạ. Hình như khi có những cô bạn gái đi chung, phe kia tỏ ra hùng dũng lắm, các anh chàng cứ nhảy ầm ầm rồi muốn ra sao thì ra. Thác vẫn như xưa nhưng người trở lại thì đã đổi thay nhiều rồi. Làn nước tung trắng xóa lấp lánh như muôn vàn ánh sao giữa ban ngày, trong mỗi người là một trời kỷ niệm khác nhau theo mãi suốt cuộc đời. SM và nhiều bạn bè khác không được sinh ra ờ vùng đất đỏ dẻo kẹo này nhưng đã lớn lên cùng hương rừng gió núi như bạn, bao phen luống cuống ôm chặt cặp vào lòng rồi tay kia níu chắc tà áo xanh bay khi gió đùa dai quá mức. Cám ơn HB cho chuỗi ngày năm xưa sống lại, trở về nhìn cảnh cũ một thoáng, lưu luyến rồi lại ra đi. Hy vọng một ngày gần đây những hình ảnh mà SM thu được trong chuyến về thăm nhà vừa rồi sẽ được chia sẻ cùng các bạn.

Suong Mai said...

Nói tới piscine trong trại Hưng Đạo thì so với các bạn trong TT, Song Kim là người sống gần và lâu nhất ở vùng đất này phải không? Có lần nghe kể là SK cùng gia đình về đây định cư từ năm 1955 (năm này SM chưa biết đi ) và đến 1968 thì rời xa. Hẳn là SK biết nhiều chi tiết về địa lý và lịch sử cũng như cộng đồng dân chúng sống tại đây. Có một lần hình như đi thu thập tài liệu cho lớp học trường Sư Phạm mà SM lạc chân tới một làng người Nùng, sát khu trại Hưng Đạo, khung cảnh sống, nhà cửa thấy lạ lắm,họ trồng rau quả, nghèo và đơn sơ. Tự nhiên thấy sờ sợ những lồng đèn cũ treo, những tờ giấy ghi chữ Tàu như bùa chú, vốn nhát gan nên SM vội vã ra khỏi làng. Từ đó về sau không có dịp trở lại nữa nhưng ở khu người Việt thì SM cũng lui tới nhiều lần. Có khi theo má đi chùa, đi đền coi người ta hầu, có khi theo bạn xuống vườn ăn trái cây... không dám dòm chi tới piscine cả thì làm sao mà thấy SK hay HB chí cha chí chít ở đó.

HUONG said...

NT xin kể " chuyện tình đầu tiên nhất " của NT bên Thác Nhà Đèn cho các bạn thơ nghe nha... Chuyện có thiệt 100% đó à !

Cái thời cắp sách đến trường mà biết yêu thì phải nói là một chuyện trọng đại vô cùng phải không các bạn? Mà "người ta, người ấy" lại là bạn cùng lớp nữa mới là đáng nói chứ !

Hôm ấy, quả thật là ngày xửa, ngày xưa... cả một lũ tiểu quỷ học trò trốn học đi Thác Nhà Đèn, con gái thì cột áo dài ngang thắt lưng, con trai thì xắn quần lên tận đầu gối, sách vở dấu ở bụi cỏ gần chỗ thác nước đổ xuống (hình số 10 tính từ trên xuống dưới trong bài viết của bạn Sao đấy)

Lũ quỷ con trai hình như Trời sinh ra chúng để... chọc con gái hay sao ấy?! Chúng nó đố mấy nàng đi qua chỗ thác nước trơn ấy mà không có chàng nào nắm tay... Nếu không đi qua được thì ráng chịu khó ngồi bên kia bờ thác chơi một mình đi !!! Quỷ quái thật !

Thế là NT kể như sẽ là kẻ ngồi yên bên bờ thác rồi... Bỗng đâu có chàng "đưa tay" ra cho NT nắm !!!

Lúc ấy vì mê chơi quá, nên chả nghĩ ngợi gì... chỉ thoáng một giây là "níu" liền và... trời ạ ! bàn tay con trai lạ lẫm làm sao... Nó vừa mạnh, vừa ấm ấm và nắm trọn bàn tay con gái một cách dễ dàng... Thảo nào !!! Qua được thác nước rồi, chợt " mắc cỡ " ! Ủa tại sao mình lại đưa tay cho con trai nắm vậy nhỉ?

Mấy chục năm sau, về gặp lại "người nắm tay"- giờ đã làm ông ngoại và NT hỏi "Ông còn nhớ... không?" Ông ngoại bảo " Hồi đó tui hiền quá, chứ phải mà tui để cho bà té xuống nước thì chắc vui lắm !" Bố khỉ không các bạn thơ, già rồi mà vẫn còn nghịch tợn !

sao... said...

Đầu tiên mà còn nhất nữa đấy!
Hay thật!

Thôi sẵn trớn, bạn thơ NHƯ THƯƠNG kể luôn "chuyện tình đầu tiên nhì" cho bà con thưởng lãm một thể luôn đi.

HUONG said...

Bây giờ "sẵn trớn" NT kể luôn chuyện... thứ nhì tại Thác Nhà Đèn nghen các bạn thơ, nhưng mà hỏng phải chuyện tình à !

Chuyện này lâm ly hơn, có sụt sịt, bù lu bù loa !!!

Hồi đó mấy anh chị em NT ở chung với một ông anh họ đi lính, nhân một hôm ổng nổi hứng rủ hết mấy anh chị em NT đi Thác Nhà Đèn. Mới ban đầu vui thì thôi, ổng cho chơi thoải mái gần nguyên ngày, đem bánh mì theo ăn trưa mà. Đến gần xế chiều bỗng có một anh chàng lân la đến nói chuyện với ông anh và bất thình lình chĩa một con dao nhọn ra !!!!

Cả bọn thất kinh hồn vía, khóc rùm trời... và cái thằng ăn cướp ấy bảo " Lột hết dây chuyền, đồng hồ và móc tiền trong túi ra đưa cho tao thì tao cho đi ! " Vội vàng cả lũ nhóc y lệnh...

Về đến nhà cả đám nằm khóc thút thít vì mất của thì sẽ bị ăn đòn cho mà xem ! Lại thêm cái ông anh lớn mà bày đầu nữa... dẫn một bầy con gái đi vô chỗ vắng mà chơi... Thôi rồi, ốm đòn !

Mẹ NT về... mấy nàng để ông anh đưa mông ra trước... Thế nhưng may phước, bà bô bảo: May mà nó tha mạng hết tụi bay ! Chả đứa nào bị đòn cả ! Thế là từ dạo ấy, NT hết dám bén mảng đến Thác Nhà Đèn nữa luôn

Chấm hết ạ !

HUONG said...

Ở Thác Nhà Đèn còn có một " cái hang" mà không thấy bạn thơ Sao chụp hình? Nó sẽ lộ ra thành một cái hang vào mùa nước cạn và mình có thể vào ngồi trong cái hang đó. Có những tảng đá rất lớn và bằng phẳng để ngồi. Tuy nhiên vào mùa nước lớn thì dòng nước dâng lên đã phủ lấp cái hang động ấy, cho nên ai mà đến thác nhằm mùa nước lớn thì sẽ không thấy được hang

sao... said...

Khi đã có dịp nhảy từ trên đầu ngọn Thác Nhà Đèn xuống nước để vẫy vùng bơi lội thì làm sao mà không biết phía dưới mạch đá bị cắt ngang có một mái vòm thiên nhiên? Nó tương tự như thác Prenn ở Đà Lạt nhưng rong rêu và thấp hơn nhiều nhưng đứng lên với tay không đụng trần. Có những gộp đá phẳng phiu chờ sẵn để những chú nhóc sau khi bơi lội thỏa thuê có chỗ ngồi nghỉ mệt chờ tiếp tục tập sau. Các cô gái nếu có dịp được “sự trợ giúp” cũng có thể ngồi đó ngắm nhìn và cảm nhận sự mát mẻ của những tia nước bạc bắn vào người với đầy vẻ thích thú ghê ghê. Khá khen sự bạo gan khi dám lần mò xuống ngồi nơi đó của các cô.
Sau khi nhảy từ trên cao xuống vụng nước, nhìn xuyên qua dòng nước từ trên cao đổ xuống nó giống như cửa vào Thủy Liêm động của Tề Thiên. Bì bỏm bơi qua làn nước mạnh đổ xuống trên đầu, ta sẽ đến được chốn bằng an mà ngơi nghỉ rồi thả hồn tưởng tượng về một điều gì đó, nhứt là khi có những cô bạn học gái đi cùng.

Đọc bài viết, nếu tinh ý bạn thơ NHƯ THƯƠNG sẽ biết vì sao không có được hình ảnh chỗ đó: “Dòng nước cũ đã tái sinh theo luật tuần hoàn của tự nhiên, giờ đây chúng đang quay trở lại đưa tay vẫy gọi tôi trầm mình xuống đùa vui với chúng như ngày nào của hơn bốn mươi năm trước. Trời ơi! Có ai hiểu là tôi những mong như thế lắm nhưng nào có được đâu? Sao mà tôi oán ghét những bận rộn đời thường níu lưng tôi lại, sao mà tôi oán ghét quỹ thời gian chợt ngắn củn cởn không cho phép tôi được thỏa ước nguyện đơn sơ của mình thế? Sao mà tôi chợt đâm ra oán ghét những người đã từng trải qua thời mới lớn như tôi ở chốn nầy lại không có cùng những ao ước như tôi?

Bị trấn lột tại Thác Nhà Đèn ư? Than ôi! Kể từ khi Hùng Bi rời khỏi chốn Bụi Đỏ si mê ấy thì thiên hạ loạn lạc quá đỗi!
Nếu tui có mặt lúc đó thì chắc là sẽ...chạy mất dép trước tiên.

Suong Mai said...

SM gặp thêm một bạn trong web Cựu học sinh LASAN BMT cũng khổ công tìm kiếm Thác đây:

THÁC NHÀ ĐÈN TẠI BAN MÊ THUỘT
Có một buổi sáng Chủ Nhật rảnh rỗi. Tôi làm một cuộc tìm kiếm “Thác nhà đèn”. Một địa danh nhiều kỷ niệm thuở còn đi học đối với tôi , cũng như nhiều bạn bè. Ai đã từng là học sinh cấp II, III ở gần Thị xã Ban Mê Thuột hồi đó, hoặc trong các nhóm Hướng đạo sinh, Thanh sinh công… thưở ấy . Chắc chắn đã có một hoặc vài lần đi pic nic tại Thác Nhà Đèn này. Ký ức trong tôi nhớ về một con đập tràn có nước trắng xóa. Phía trên đập là còn đường nhỏ trơn trượt đi qua bên kia bờ, mà đồng bào dân tộc hay qua lại. Phía dưới thác là một vùng nước và cây cỏ hoang sơ. Có nhiều tảng đá to giữa dòng chảy trắng xóa xuôi về xa tắp. Cả buổi sáng Chủ Nhật đó tôi chạy dọc theo đường Hùng Vương, đường Amma Khê rồi rẽ qua đường Trần Quý Cáp…Hỏi thăm rất nhiều người. Nhưng không một ai chỉ cho tôi chính xác địa điểm của Thác Nhà đèn. Cuối cùng buổi sáng Chủ Nhật đó về tay không. Sau này tôi có dò hỏi nhiều người là dân gốc của Ban mê thuột. Nhưng không một ai nhớ chính xác về Thác này. Rất may một buổi sáng Chí Lâm báo qua phone cho tôi biết đã tìm được chính xác địa điểm của Thác Nhà Đèn này. Lâm cho biết có uống Cà Phê với một anh gốc Ban Mê kỳ cựu và được anh này chỉ cho biết địa điểm Thác nhà đèn ngày xưa.
Hẹn Lâm vào một buổi sáng gần đây . Mang theo máy hình để chụp lại phong cảnh của thác chia sẻ với các bạn. Nếu các bạn đi lối đường Hùng Vương theo hướng từ phố vào. Khi đụng đường Amma Jhao ( còn gọi là đường Amma Thao) thì rẽ phải xuống dốc theo con đường sau tấm bảng quảng cáo “Quán sân vườn”. Dễ hơn là các bạn đi từ đầu đường Amma Jhao, đối diện siêu thị Coop mart, có cổng chào ghi “ Khu dân cư buôn Păn lăm” , đến cuối đường là đường Hùng Vương. Sang bên kia đường Hùng Vương bạn đi thẳng xuống dốc khoảng 300 mét thì tới. Ấn tượng của tôi khi tới Thác vẫn có cảm giác gặp lại khung cảnh của ngày xưa. Biết bao kỷ niệm ngày thơ ấu đã ập về trong tôi. Đúng là một vùng trời đầy kỷ niệm. Theo tài liệu trên internet thì thác nhà đèn này có trước năm 1934, của người Pháp xây dựng để cung cấp điện cho khu dân cư ít ỏi ngày đó. Còn dòng chảy thì xuôi xuống suối Bu Ri ( Buôn A Lê a), rồi xuôi tới Cầu trắng ( Cổng số 2) cuối cùng ra sông cầu 14. Vẫn thấy những đồng bào dân tộc đi lại trên mặt thác, rộng khoảng 0,5 mét như ngày nào. Vẫn con đường dốc đất đỏ xuống thác.Ngày ấy rất mệt mỏi khi leo dốc cuốc bộ trở về sau một ngày vui chơi thoải mái. Khi đó vào thác có hai lối. Một là băng qua đồi sao trên con đường mòn vắng lặng để đến thác phía bên kia, hoặc xuống dốc đất đỏ phía bên này theo lối cây số 3 vào. Tranh thủ chụp vài kiểu ảnh từ nhiều góc độ để chia sẻ cùng các bạn . Hy vọng những công sức nhỏ của mình và Chí Lâm gợi nhớ các bạn về những ngày xưa thân ái không thể nào quên đó.

H Đ P và C L

Suong Mai said...

Như Thương ơi, có phải ông anh đó trùng tên với Trang chủ cho nên mới để bầy em gái thất kinh hồn vía khóc rùm trời. Té ra bạn có những kỷ niệm về chốn ấy độc đáo quá hèn chi nhớ miết không quên. SM cũng đụng chạm tới nước nhưng lại là nước của hồ Trung Tâm. Hồi học đệ Thất ( hay đệ Lục) chỉ vì nghe lời ngon ngọt của mấy ông anh đệ Nhị-đệ Nhất mà cả bọn con gái nhỏ trèo hết lên thân cây tròn nổi trên mặt hồ. Vừa an vị xong, đứa nào hai tay và hai chân cũng bám chặt lấy vỏ gỗ sần sùi,sợ nhưng hớn hở vì phen này sẽ được bềnh bồng trên mặt nước hồ như du thuyền lướt gió vậy. Nhưng hỡi ôi các ông anh vận sức đẩy không cân chả thấy Thuyền mộng đi mà chỉ thấy thân cây xoay nửa vòng đủ để cả đám nhào cái ào xuống nước sình sát bờ. Hồn vía lên mây tay chân quơ đạp loạn xạ, vớt lên từng đứa mặt mày xanh dờn. Quần áo ướt sũng đành đứng phơi nắng cho khô chớ biết sao hơn. Từ đó về sau cứ thấy hồ-sông-biển là nỗi sợ lại dâng lên, đứng trên bờ nhìn người ta vẫy vùng sao mà dễ dáng quá. Tóm lại là bây giờ SM có tiến bộ rồi , hồi 2010 nghe lời Ngàn Sau xuống nước ở bãi biển Hà Tiên thoai thoải , uống chút xíu nước mặn mà thôi.

songkim said...
This comment has been removed by the author.
songkim said...

Trang Thơ kỳ này viết nhiều về những địa danh ở Banmê khiến tui thật vui buồn lẫn lộn.
Vui vì được đọc và xem lại những hình ảnh thân thương nơi mình lớn lên và buồn vì muốn về thăm lại nơi cũ, coi vậy nhưng không phải muốn là được.
Muốn tập trung tư tưởng để viết về một vài kỷ niệm khó quên ở chốn Hoàng Triều Cương Thổ này nhưng sao sao thấy thật khó có lẽ tui đã thật sự "gia huyền" rồi.
Tuy nhiên với những góp ý của các bạn bè toàn thuộc loại thổ đại của đất Banmê và đặc biệt về ngôi trại định cư thân thương Trần Hưng Đạo. sk xin mời các bạn xem và bổ túc nếu có gì không được chính xác lắm nha:
Ngược lại thời gian chia đôi đất nước vào năm 1954. Trên triệu người Bắc di cư vào Nam để tránh nạn cs. Họ đã ở tản mác trên miền Nam nắng ấm và trù phú. Một số đã theo lời kêu gọi của tổng thống Ngô Đình Diệm đi đến các nơi xa xôi lập nghiệp qua các trại đinh cư (cho những người di cư từ Bắc vô Nam) và Trại Hưng Đạo là một trong những địa điểm định chư mới cho những người tị nạn cs này.
Trại được thành lập trên một khu đất nằm sau lưng Ty Ngân Khố.(Mới đầu dân định cư tại đây đa số là người theo đạo Ông Bà và Phật giáo còn đồng bào Công Giáo đa số đinh cự tại các trại Hà Lan A, Hà Lan B hay Châu Sơn)
Đường Đề Thám là tên con đường dẫn vào trại Hưng Đạo, đây cũng là con đường dẫn đến hồ tắm mà tụi nhỏ chúng tôi quen gọi là hồ piscine (của vua Bảo Đại}. Đặc điểm của hồ tắm này là nước luôn được luân lưu nên rất trong sạch, ta có thể ví hồ tắm piscine này như một cái đập nhỏ ngăn nước của một giòng suối nên nước trên nguồng trước khi đổ vào hồ phải đi qua một hồ nhỏ được xây như là một bể nước để lọc rác rến trước khi đổ vào ống máng xi măng được xây thoai thoải (như cầu tuột mà ta thường thấy các em học sinh tiểu học chơi nơi các sân trường) rồi chẩy vào hồ. Tụi nhóc chúng tôi hay chơi trò tuột nước ở ống máng ciment này, thường thì ông Tỉnh coi sóc hồ piscine cấm chúng tôi không được nô nghịch ở nơi này. Cuối hồ có khe thoát nước, vừa tránh nước đầy tràn hồ vừa lọc những rác, lá khô nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Nước hồ đổ xuống con rạch nhân tạo dẫn nước thoát xuống con suối nắm cách xa đó hơn một cây số, dưới đáy hồ còn có một cửa nhỏ để xả nước cho hồ cạn khô để tu sửa, bảo trì hay để tẩy rửa những chỗ bùn dơ bám vào dưới đáy hay nơi thành hồ.
Vào những năm cuối thập niên 50 mấy cô gái bản xứ (Thượng)thường hay tắm và giặt giũ quần áo ngay dưới chân hồ này.
Vì là trại định cư độc nhất cho những đồng bào di cư Phật giaó nên ở đây có một ngôi chùa được xây dựng trên một khu đất cao gần vườn cây thí nghiệm của ty canh nông do thầy ThíchThanh Duệ trụ trì. Chùa sau này bị cháy năm Mậu Thân 1968.
Thầy cũng là vị hiệu trưởng đầu tiên của ngôi trường mà tên gọi cũng là tên của trại: Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, trường học là hai cái gian nhà gỗ nền đất hở hang nằm phía sân trước chính điện của ngôi chùa. Sau này trong trại còn có một ngôi trường nữa gọi là trường tiểu học cộng đồng Hưng Đạo do thầy Trương Minh Giảng làm hiệu trưởng.

songkim said...

Và sau đây là một vài chi tiết nhỏ về ngôi trại định cư trần Hưng Đạo, các bạn cũng nên xem qua:

Khu đất mà trường tiểu học cộng đồng Hưng Đạo chính là khu đất mà ty Canh Nông xây khu nhà huấn luyện 4T cũng như khu đất gần nghĩa trang và ngay sau ngôi chùa của trại là khu thí nghiệm trồng mía, loại mía nhỏ cây nhưng rất ngọt....
Trại dịnh cư có rất ít người công giáo, thỉnh thoảng mời được cha về phải mượn gian lớp học cuối để làm lễ, năm 1959 một số giáo dân trong trại lấy khu phẳng gần gốc đa , ngay ngã ba gần Ba Toa dựng lên một cái nhà họ để bàn thờ Chúa cho những người công giáo trong làng có chỗ tụ họp đọc kinh và sau này đã xây lên ngôi thánh đường đầu tiên của trại. Đức Cha Nguyễn Huy Mai đã cử cha già Nguyễn Văn Bân tới làm cha Xứ. Cha Bân người có nhiều huyền thoại mà không ai công giáo BMT lại không biết về ngài, gia tài suốt đời chỉ một chiếc xe đạp cọc cạch cùng với câu nói bất hủ "Cái chết đến như kẻ trộm" nên ngài lúc nào cũng dọn mình sẵn sàng "về nhà Cha", trong túi có tí tiền là lo đem ngay ra giúp kẻ nghèo khó ! Sau này cha đổi vào xứ nghèo hơn nữa tận trong Hoà Bình cách thị xã 7 cây số.
sk

quehuong said...

Níu..kỷ niệm…từng mảnh rời chắp lại..thành tình thân gắn bó.

Máy bay đáp xuống phi trường Phụng-Dực, và tên Y-Lym bắt đầu được khai sanh ngay khi tới phòng nhân viên lảnh Sự Vụ Lệnh đi Ban Mê Thuột. Cô thơ ký hỏi: Chứ Ông đi đâu là không đến họp chọn nhiệm sở, bây giờ chỉ còn một chổ duy nhất là BMT, mà trông Ông cũng giống “Thượng” quá chớ, đen thùi lùi, thôi gọi Ông là Y-Lym cho rồi.
Vậy đó, Má tui cho tui tên cúng cơm, và một cô thơ ký bây giờ không biết trôi dạt ở đâu, còn sống hay đã mất..cho tôi cái tên gắn liền với cả cuộc đời…trôi nổi.
Xe buýt đưa tôi vô thành phố, buồn vui lẩn lộn. Không thấy ai đón, thôi đành đi bộ, đi lòng vòng tới Bưu Điện thì đi muốn hết nổi vì..tôi đả trở thành người “cà khêu” đôi dày cứ càng lúc càng cao lên một chút..vì đất đỏ.. và thấy toàn là lúa, đối diện Bưu Điện. Nhà BS Lãng.

Gặp một cô nữ sinh, muốn hỏi đường tới trường Kỷ Thuật còn bao xa..Cô ngó tới ngó lui như cảnh sát ngó thằng ăn trôm..xong cô thỏ thẻ nói Chú đi theo đường này, qua Biệt Điện, quẹo phải đi thẳng..thì tới trường. Đối diện cổng trường có cái nhà xác. Nghe cô nử sinh nói xong thì tui muốn xĩu rồi: mình trẻ măng như vầy mà Cô ta kêu mình bằng Chú, còn hù là trước cổng trường có cái hà xác..(Hình như Cô này là Bạn Hiền Trang chủ của tui bây giờ…hà..hà..)

Rồi mọi chuyện cũng xong. Tui ra phố ở nhà người quen ở đường Quang Trung.

Và tứ đó, tui có dịp thưỡng thức con đường đi tắt tới trường qua ngõ suối Đốc Học ở cuối đường Tôn Thất Thuyết.

Sau khi đọc mấy bận bài Níu Tay Kỷ Niệm Bạn Thơ Thơ Sao xong, tui cứ lừng khừng, nhớ lại hồi đó tui tới BMT thì đã lớn, mà kỷ niệm thì “khi còn nhỏ nhỏ thì kỷ niệm mới vui, có bắn bi, đánh đáo, tắm suối, tắm sông..” chứ lúc đó mình đã tồng ngồng rồi, nói lại những kỷ niệm ở tuổi này thì..mắc cở chết. Cứ lừng khừng chó tới khi Trang Chủ réo ới ới..Y-Lym đâu rồi…
Tui bèn có cuộc hẹn, cầu cưa ví dầu..để có thì giờ mà thỉnh sư.
Hôm nay sáng thứ bảy, dành thì giờ mà hồi tưỡng lại những ngày tháng sống với bụi mù trời lòng mình thật nao nao. Được một “sư”cựu Lasan vấn kế là thôi Ông nói về Suối ở BMT đi. Hàng ngày cứ đi lên, đi xuống…(may mà không có em..) suối Đốc Học, thì xem lại bây giờ khác xưa như thế nào, mà sẳn trớn kể ra các con suối ở thị xã nghe chơi. OK thôi thì làm vậy đi. Và “sư” vấn kế cho tui kể về suối như sau:

quehuong said...

...LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ ĐẮK LẮK
1. Sơ lược quá trình hình thành và phát triển
Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk là cơ sở dạy nghề công lập, tiền thân là trường Trung học kỹ thuật Y- Út Ban Mê Thuột của chế độ cũ, tọa lạc ở khu vực trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột…
2. Sở Giáo dục và đào tạo Dak-Lak
http://thpt-buonmathuot-daklak.edu.vn/gioi-thieu-truong-thpt-buon-ma-thuot/7-truyen-thong-truong-thpt-buon-ma-thuot.html

..Qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, trường THPT Buôn Ma Thuột (số 57, Bà Triệu, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, Dak Lak) là nơi đào tạo nhân tài, ươm mầm nhân cách và trí tuệ, đã trở thành niềm tự hào, niềm vinh dự to lớn cho bao thế hệ giáo viên - học sinh gắn bó và trưởng thành trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Theo các tài liệu bút ký, hồi ức từ cuốn Đặc san và Kỷ yếu : Trung học Ban Mê Thuột nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường của cựu học sinh, cựu giáo sư (thầy, cô giáo) trong và ngoài nước thì : Trường Trung học Ban Mê Thuột (nay là trường THPT Buôn Ma Thuột) được thành lập từ năm 1955, là kết quả của việc hợp nhất trường Y-Yut (có từ thời Pháp thuộc, lúc đầu có tên là Collège Sabatier – dành riêng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương do thầy Đỗ Đức Riệu làm Hiệu trưởng) và trường Trung học Nguyễn Trường Tộ (có từ năm 1956,dành cho con em đồng bào người kinh đến Ban Mê Thuột lập nghiệp do thầy Đỗ Trọng Thạc làm Hiệu trưởng.)…
3- Trang web của Bui Tam:
http://buitam.violet.vn/entry/show/entry_id/1065893
Trang Web của Bui Tam.
Đầu niên học 1959- 1960 thì trường Nguyễn Trường Tộ đổi tên là trường Trung học Ban Mê Thuột, do sự kết hợp chung lại với trường trung học Y Jut ( một trường học bằng tiếng Pháp mà đa số học sinh là người bản xứ). Trung học Y Jut lúc ấy do thầy Đỗ Đứ Riệu làm hiệu trưởng. Sự kết hợp của Nguyễn Trường Tộ và Y Jut là do kế hoạch của Bộ Giáo dục để đi tới thống nhất chương trình dạy Việt Ngữ trên toàn lãnh thổ miền Nam…
Và chắc chắn một điều là. Khi dùng tên để đặt cho một cơ sở giáo dục. các cơ quan trách nhiệm thường có những nghiên cứu kỷ lưỡng về các danh nhân có những công lao đóng góp cho nền giáo dục, nhằm ghi nhớ, khuyến khích các thế hệ mai sau. Khi đọc những tài liệu do một cơ quan giáo dục phổ biến và không đúng, thì những dữ kiện kèm theo đó không còn khả tín nữa.
..

quehuong said...

...Về tên gọi Y-Jut hay Y-Ut hay Y-Ut thì theo tôi tên Y-Jut là đúng nhất, vì Y-Jut là một nhân vật có ghi chép lại trong lịch sử và có liên hệ đến nền giáo dục của người Dân Tộc Ít Người và cả đất nước Việt nam.
Y Jut Hwing (1888-1934)
Y Jut Hwing (1888-1934) hay còn gọi là Y Jút, là một nhân sỹ người Êđê. Ông sinh năm 1888, lúc nhỏ, là học sinh Trường Tiểu học Pháp – Êđê Buôn Ma Thuột, sau đó ra Huế học. Là một học sinh xuất sắc, tốt nghiệp trở về quê hương dạy cho đồng bào. Ông giỏi tiếng Pháp, kết hợp với bạn bè như Y Ut, Y BLul tìm hiểu mẫu tự La tinh và vần Êđê đặt ra bộ chữ viết Êđê ngày nay. Sau đó bộ chữ này được đốc học Angtoamaki và Sabatier tu chỉnh lại vào năm 1920. Bộ chữ sớm đã được phổ cập rộng rãi trong cộng đồng người Êđê.
Năm 1935, người Pháp ở Đông Dương chính thức công nhận các bộ chữ này và cho phép phổ cập ở Tây Nguyên.
Học trò của ông như Y Wang Mlô, Y Bih Aleo... Là những người sau này lãnh đạo các phong trào, trong chiến tranh Việt Nam. Lúc đó, Công sứ Pháp “Đất Tây Nguyên của người Tây Nguyên” và coi đó là “nguyên lý chỉ đạo nên cai trị các xứ Mọi”, kiên quyết không cho người lạ mặt vào Đắk Lắk. Làm tăng thêm sự bất bình trong đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Ông cùng với Thầy giáo Y Ut tổ chức đấu tranh cùng với học sinh, công chức mà đông đảo là người Êđê đòi viên Công sứ Sabatier phải ra đi. Việc không thành, ông bí mật tập hợp lực lượng tổ chức ám sát viên Công sứ Sabatier. Nhưng ông chưa triển khai đã bị lộ và những người cùng chí hướng viết lá đơn kiện gửi đến Toàn quyền Đông Dương và Khâm sứ Trung Kỳ, Tổng Thanh tra Đông Dương tố cáo những hành vi tội ác của Sabatier. Cuối cùng Sabatier buộc phải rời khỏi tỉnh Đắk Lắk.
Y Jút lập gia đình với H Yih Niê ở buôn Păm Lăm. Ông qua đời năm 1934, nhưng tên tuổi của ông, một nhân sỹ yêu nước vẫn còn lưu lại trong lòng những người Đắk Lắk, đặc biệt là những trí thức trẻ người Êđê trên mảnh đất hùng vĩ này.
Tên ông đã được đặt cho một con đường ở Thành phố Buôn Mê Thuột, và một số trường học phổ thông trong tỉnh Đắk Lắk.

Mảnh kỷ niệm của những ngày sống với núi rừng Ban Mê Thuột vẫn còn nhiều, có dịp sẻ nói tiếp.
Chúc các Bạn một ngày vui và Bình An.
QH

quehuong said...

Các bạn ơi. Có một khúc chạy lạc. Xin bổ xung vào đoạn kể về suối:

Trước hết ghé vùng Suối Xanh. Hồi trước các bạn tại Ban Mê đều có đôi lần hoặc thường xuyên tắm tại suối xanh này. Phía trên đầu nguồn là các vườn rãy Cà Phê. Nay phía trên đã được đắp bờ kè thành đường Nguyễn Đình Chiểu rộng rãi có bệnh viện Thành Phố bề thế. Hồi đó suối xanh phía trên rộng và sâu hơn, nên các bạn tắm nhiều và nhiều người chết đuối tại đây. Hầu như năm nào cũng có tại nạn chết đuối. Lối vào hồ trên của suối xanh có ba, bốn ngõ. Nhưng vào sát bờ hồ là hẻm 329 sát đèn đỏ Phan Chu Trinh – Nguyễn Đình Chiểu. Hồ trên của suối xanh giờ là hồ câu cá của tư nhân. Khi tôi vào thăm hồ vì là mùa khô nên hồ cạn nước. Còn Hồ dưới của suối xanh nay thuộc quán Cà Phê Thung Lũng Hồng. Dấu vết của ngày trước giờ chỉ là một lạch nước nhỏ với thác nước nhân tạo. Cũng ghé qua chụp quang cảnh của trường tiểu học La San Lam Sơn ngày trước . Không còn một dấu tích nào của kỷ niệm ngày xưa. Sân bóng rổ phía bên trái giờ không còn nữa. May chăng dãy nhà trệt phía bên phải của cổng vào gợi nhớ một chút gì đó của ngày xa xưa cũ. Ai ở Ban Mê chắc cũng đều nghe tên suối Bà Hoàng. Hiện chỉ còn một lối xuống suối là đổ dốc cuối đường Y Jut. Suối còn lại là con lạch nhỏ với chiếc cầu gỗ bắc qua. Hồi trước khu này có mấy cái đầm nước rộng mênh mông.Dân chúng trong vùng hay ra đây tắm giặt. Bây giờ nhà cửa cất san sát. Đứng trên cầu của suối nhìn lên cao là tường rào của Tu Viện Nữ Vương Hòa Bình và phía xa là nhà thờ Thánh Linh. Chạy xuống dốc cuối đường Ama Trang Long để xuống suối Đốc học. Hồi trước nơi đây là vựa rau thơm và rau xà lách cung cấp cho Thị Xã Ban Mê. Nay dân cư phát triển, nhà cửa đông đúc . Nhiều chỗ giống như các hẻm chật chội ở vùng ven Sai Gòn. Nên diện tích trồng rau giảm đi rất nhiều. Tìm kiếm mạch cung cấp nước sạch cho dân cư vùng này. Cũng có thể do mạch nước này nên khu dân cư mới có tên là Suối Đốc học. Kiếm mãi được người dân chỉ cho còn lại một nguồn nước mạch duy nhất. Được xây kiên cố , một bên có bàn xi măng để giặt giũ. Theo người dân nơi đây cho biết họ vẫn lấy nước từ nguồn này về sử dụng hàng ngày. Cuối cùng ghé xuống dốc Buôn A Lê a ngày trước. ( Nay là đường Y Nuê) . Dưới dốc hồi trước có cây cầu sắt bắc qua suối Bu Ri ( Hay còn gọi là suối Mau Ri). Nay cây cầu này đã được làm lại , rộng rãi , thông thoáng hơn. Ngay sát đầu cầu có một trường tiểu học. Nay vẫn còn là trường TH Nguyễn Thị Định . Suối Bu Ri vẫn còn đó. Nhưng rác rưới rất nhiều. Vì khu dân cư tràn ngập hai bên bờ suối. Cá mú chắc chẳng có . Vì nước bị ô nhiễm nặng và bị săn bắt thường xuyên. Chắc cũng chẳng có ai dám tắm ở con suối này. Nên chuyện tắm suối chắc chỉ còn trong kỷ niệm của chúng mình mà thôi.
(có mấy tấm hình ngày nay ở suối Đốc Học. Nhờ Trang Chủ cho lên Blog).
Có một việc mà tui muốn nói ra ở đây, để các Bạn người lớn lên gắn bó với Ban Mê Thuột cùng góp ý xem lại.
Tôi nhớ như in là trường tôi tới trình diện là trường TRUNG HỌC KỶ THUẬT Y-JUT. BAN MÊ THỤÔT.
Và tui cũng nhớ như in là con đường mà tôi có hai người bạn đối diện trường tàu là đường có tên Y-Jut.
Nhưng nay xem lại các dữ kiện trên mạng và các bài viết liên quan đến BMT có nhiều bài viết gọi là Y-Yut hoặc Y-Ut..
Tôi có làm một truy nguyên và có những dữ kiện như dưới đây, xin nói ra để các bạn chúng ta cùng biết thêm:

Suong Mai said...

Cám ơn QH đã cho biết những chi tiết về một nhân sĩ nổi tiếng của dân tộc Êđê. Gia đình SM đã ở ngay trên con đường mang tên ông hơn 50 năm rồi thế mà cứ ơ hờ chẳng rõ ông là ai? Hồi nhỏ SM hay đi tắt phía sau nhà băng ngang qua đình Lạc Giao, xã Lạc Giao mà đi chợ BMT ở đường Nguyễn Thái Học . Một khoảng chợ này dành cho đồng bào Thượng mang gùi ra bán những nông phẩm trồng nơi nương rẫy, người Việt mình quen nói là Chợ Đê. Khi còn lớp Tiểu Học tại trường Nguyễn Công Trứ, nửa buổi dành cho nam sinh và nửa buổi dành cho nữ sinh, đám nhóc nhóc hay chuồn qua phía nhà bác Phao, cai trường,mà chạy ra chợ. Nhớ có lần QH đã nói nét đặc biệt văn hóa VN ngày xưa khi thành lập khu dân cư vùng đất mới là bộ ba Đình làng-Chợ-Trường học, bây giờ vật đổi sao dời chỉ còn lại Di tích Đình Lạc Giao được bảo tồn. Nhân dịp về thăm nhà SM có ghé qua tham dự buổi các bô lão Tế Xuân Nhâm Thìn với những tiết mục trống, múa Rồng, múa Lân phụ diễn rôm rã.

HUONG said...

NT đọc một mạch, một lèo hết những " Níu tay ..." của các vị " thổ địa Bmt" thật là thích thú, bèn copy lại cất làm của ! Trời ạ, NT ớ cái xứ Buồn Muôn Thuở ấy những 12 năm mà chỉ biết quen đường, quen phố xá, nhắm mắt đi cũng tới, chứ đâu có nhớ tên đường vanh vách như bạn thơ Quê Hương, bạn thơ s@ đâu ! Thiệt là tệ thì thôi ...Thôi thì, cái thương cái nhớ ở trong lòng, chứ không nằm trên đầu của NT vậy ...

Suong Mai said...

Tà áo dài xanh của nữ sinh Trung học BMT đã được trả lại vào ngày học thứ hai, thứ tư và thứ sáu mỗi tuần, những ngày còn lại thì màu trắng như mọi trường khác. SM cũng níu tay chút kỷ niệm cũ tại cổng trường vào buổi sáng cuối cùng trước khi rời BMT. Tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ tan học làm SM nôn nao , nhìn những vạt áo xanh dịu dàng gần gủi từ từ xuất hiện ngoài cửa lớp và trong sân trường tha thướt mà tưởng như bóng dáng quá khứ bay về. Mới hồi nào lớp đệ Thất còn túm hai vạt áo dài buộc ngang bụng cho bạn có chụp bắt được mình cũng không bị rách áo mà nay tóc đã bạc màu muối tiêu lẫn lộn. SM nhớ lớp học cũ 12 cuối cùng của mình, xếp hàng dưới sân trường leo lên vào cửa lớp nhiều bậc tam cấp nhất. Thuở ấy trường không có lầu ở những dãy lớp học, bên hông trường là đường Hùng Vương có quán Mây Hồng rất gần. Con gái thì đâu có dám nhảy qua cửa sổ cúp cua như các bạn trai, giỏi lắm là cầu cho Thày Cô nhức đầu cảm cúm , không ai kịp dạy thế chừng hai giờ là mừng, nháy nhó nhau rời lớp cho nhanh. Thường thì chẳng đi đâu xa vì sợ quay về trễ giờ học tiếp. Đường Nguyễn công Trứ chỗ nhà Như Thương cũ là lối đi gần nhất xuống thung lũng và các suối nhỏ nằm trong khu vực vườn rau của người ta. Các cô lễ phép chào hỏi thì cũng đễ dàng được cho lang thang mơ mộng. Học và chơi, phụ giúp việc nhà chút đỉnh, có phải nghĩ lại thì đó là những năm tháng đẹp nhất của đời mình ?

HUONG said...

NT đang mon men muốn hỏi hết các thổ địa của Bmt một câu rằng: Các bạn có thể nói lại hết tên của những nơi này:
1/ Những con đường của phố thị mà khởi nguồn đi từ Ngã Sáu cho điểm cuối cùng
2/ Vị trí của những địa điểm quan trọng ở phố của Bmt. Thí dụ như Trường Nguyễn Công Trứ nằm bên cạnh chợ Lạc Giao, rạp Lô Đô và trên đường.....
Bạn nào còn nhớ chỗ nào thì nói lên chỗ ấy, giống như mình vẽ bản đồ thị xã Bmt bằng lời nói vậy mà
Không dùng tên đường của bây giờ nha, mà phải dùng tên hồi xưa đó

quehuong said...

Gởi các bạn xem lại những con đường xưa và những ảnh củ của Ban Mê Thuột ngày nào.
Ngày nay thì đã có quá nhiều thay đổi.
https://docs.google.com/file/d/1ryl-IYL8d8wxoDI_0_v7ZqpFZES9Q6a5eBdsZaZTcsGEbgbhljBTXeGQtt1I/edit?pli=1
Nếu các Bạn không mở được Link trực tiếp, thì dung địa chỉ trên đây để xem trong kho Google của QH.
Vài hình ảnh và tên đường Ban mê Thuột trước 1975.

Thien Thanh said...

Níu tay kỷ niệm...

Kỷ niệm một thời ở BMT,vào tuổi mới lớn..rất nhiều.Riêng ThTh nhớ nhất những kỷ niệm về Duca,lúc đó khoảng đâu 16,17 tuổi trẻ thanh niên mê ca nhạc,hăng hái bước vào các sinh hoạtngoài giờ đi học,khi bạn bè phổ biến những bản nhạc lạ lùng chưa hề được nghe ngoài nhạc đương đại,hay nhạc tiền chiến,mà lúc đó phổ thông nhất là nhạc TCS.Đây là những bản nhạc nói lên "Nỗi buồn nhược tiểu,thanh niên ca,của một dân tộc da vàng ,những bản nhạc thoát thai từ Hướng đạo ca"của một nhạc sĩ rất mới..

Thế là vui bạn vui bè rủ nhau âm thầm đi sinh hoạt cahát ở rừng càphê,cao su CHPI hay nhà một bạn Duca nào đó như Thắng ,PNQ,mà phải lén gia đình vì ông bà bô quan niệm xướng ca vô loại..
Có khi tổ chức đi vào những nơi xa thành phố như Phước An,buôn Hồ..hay tới các bệnh viện ở vùng ven thăm các anh Thương bệnh binh vào dịp tết nữa chớ..
Vì vậy Thth cũng được dịp đi một số ngóc nghách đường ngõ ở BanMê,Các bạn ạ nhớ lại như vừa mới diễn ra đâu đây,kỷ niệm một thời mới lớn...để ta níu tay hoài...phải không bạn?!

sao... said...

Thông thường khi đã luống tuổi, ta cứ hay ngồi một mình để nhớ về những kỷ niệm xưa của thời mới lớn.
Cái thời tuổi trẻ còn nồng nàn sức sống thì tha hồ bay nhảy đi đây đi đó cho thỏa chí bình sinh, ít ai quay trở về những ngày tháng cũ.

Còn bây giờ đa số hay cất lên câu hát “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”, khi có dịp gặp lại những người bạn cùng thời, chỉ cần một lời khơi mở thì ôi thôi! Lũ kỷ niệm cứ lũ lượt kéo nhau về.
Tất cả những trời xanh mây trắng thủa xa xưa, những niềm vui nhỏ nhẹ, những tiếng hát thanh xuân nghe như vang nhẹ trong trái tim ta làm sống lại những xúc cảm tươi nguyên.

Phải là những người cùng lớn lên ở một vùng đất mới có thể chia sẻ với nhau để chung vui. Người ngoài cuộc thiệt khó mà chen lấn vào trong mớ kỷ niệm ngọt ngào ấy.

sao... said...

Nhắc lại tên của Trường Trung Học Kỹ thuật dành cho các học sinh người dân tộc nằm sát bên Trường Tiểu học Nguyễn Du.
Trước đây đã có dịp bàn luận về tên trường và bạn thơ QUÊ HƯƠNG đoan chắc tên là Y-Jut làm tui cứ ngờ ngợ trong lòng, chẳng lẽ trí nhớ mình bị mai một rồi sao?
Thời còn đi học, tui hay chơi với các bạn người dân tộc như người Thượng, người Chàm, người Mường... Đã nhiều lần tui vô chơi trong Ký Túc xá của học sinh Trường Trung Học Kỹ Thuật Y-Ut với những dãy giường tầng cho học sinh dân tộc nội trú được làm nghiêm chỉnh có bọc đồng ở những đầu cột giường bởi được sự tài trợ của chính phủ Mỹ làm tui cứ xuýt xoa, chả bù với Ký Túc xá học sinh dân tộc của Trường Trung Học Banmêthuột chỉ là những chiếc giường lồ ô ọp ẹp.
Trong ký ức tui vẫn nhớ như in tên trường được làm chữ nổi bằng đồng gắn trên vách gỗ kiểu nhà rông dân tộc lợp ngói: Trường Trung Học Kỹ Thuật Y-UT.

Với sự xác định của bạn thơ QUÊ HƯƠNG đã từng làm giáo viên ở trường đó thì trên trường là Y-Jut làm tui cũng có chút phân vân: Hay là cái chữ J đã bị gió cuốn trôi đi mất rồi?

Nhưng không phải vậy! Vào Google search thì có câu trả lời chính xác liền, giải tỏa ngay những băn khoăn của tui.

http://sites.google.com/site/truongkythuatcaothang/tr%C6%B0%E1%BB%9Dngt%C3%B4i(4)

quehuong said...

Hello Bạn thơ Sao!

Tôi có đọc bài của Anh Huỳnh Ái Tông bên Kỷ thuật Cao Thắng. Và tui cũng biết Anh Tông khi còn học với nhau.

Hiện nay Ông hiệu trưởng cuối cùng của trường là Lý Kháng, người Nha Trang không liên lạc được. Ông Huệ thì từ chức để ra Hội Đồng Tỉnh, có lẻ sẻ hỏi ông Huệ thì chắc ăn.
Vậy đi. Nếu lịch sử ghi chép rỏ ràng như trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột thì đâu có gì nói nữa đâu.

Thien Thanh said...

Các bạn ạ,ThTh muốn nói thêm một chút về thời xa xưa,khi nhóm tập các bản nhạc Ng Đ Quang viết,như những bài Hòn đá lăn,Người yêu tôi bệnh..
Người yêu bệnh thoạt nghe thì tưởng là một nhân vật nam hay nữ nào đó bị bệnh,thật ra Đ Q muốn đề cập tới đất nước VN lâm trọng bệnh..

"Nắng nóng cháy da đã về rồi,trên
thân người đẹp tôi!Gió rét buốt xương cũng về rồi cho thêm tàn phai,nàng nằm đớn đau giữa cơn bệnh đầy vơi!Nàng buồn khóc tôi xóa tan nỗi niềm đau!
Có lúc thao thức vì người..
Nghĩ đến mắt kia lúc lìa đời,vỡ nát trái tim ..muôn phần..

Nghĩ đến một đất nước VN tan vỡ,mất mát,chia lìa thì buồn lắm thay!Đến nay biết bao vật đổi sao dời

coxanh said...

Đọc NÍU TAY KỶ NIỆM lâu rồi và đọc đi đọc lại vài lần , nhưng ghen với huynh đấy nên chẳng thèm vào comment...
vì,
Từ năm 1972 đến giờ , chưa đi thăm lại thác nhà đèn , chưa đi thăm lại các địa danh khác như bài viết của huynh đã kể...là dân BMT , gắn bó với BMT đả hơn 50 năm mà còn thua huynh là khách vãng lai...thật là xấu hổ!
Nhưng BMT thân thương ngày ấy luôn luôn đậm nét trong hồn tôi!